Anh
Vũ -
RFI
Đăng
ngày: 07/05/2020 - 14:33
Gần đến ngày được giải tỏa 11/05, người dân Pháp vừa
mong chờ vừa lo lắng. Còn chính phủ, chính quyền địa phương thì căng thẳng với
các giải pháp sau ngày dỡ bỏ lệnh phong tỏa đang gây không ít hoài nghi, tranh
cãi và các vấn đề nảy sinh. Đó là những thông tin chiếm phần chính các
trang báo Pháp ra ngày 07/05/2020.
Trong khi nước Pháp cũng
như các nước ở khắp châu Âu đang dò dẫm từng bước để thoát ra khỏi vòng phong tỏa
của đại dịch virus corona, thì nhật báo Libération chú ý đến châu Phi. Dường như lục địa nghèo và lạc
hậu này đã thoát được nạn dịch của thế giới một cách ngoạn mục. Đây là sự
kiện chính của Libération với câu hỏi lớn trên trang nhất : « Covid-19
: Vì sao châu Phi thành công ? ».
Khi trận dịch Covid-19 xuất
phát từ Trung Quốc và hoành hành khắp thế giới, giới chuyên môn đã cảnh báo
liên tục lục địa đen sẽ rơi vào thảm họa y tế. Thế nhưng « thảm họa
đã không diễn ra ở châu Phi », ít ra là cho đến thời điểm này, như ghi
nhận của Libération.
Đây cũng là thắc mắc của
các chuyên gia dịch tễ. Phải chăng câu trả lời nằm ở các điều kiện dân số, khí
hậu, cách sống… tất cả chỉ có thể là những giả thuyết cố gắng lý giải thực tế
châu Phi được trận đại dịch này chừa ra.
Libération nhận thấy châu
Phi từ trước đến giờ vẫn gắn với những bất hạnh, nghèo khổ, dịch bệnh, hạ tầng
cơ sở y tế thấp kém nhất thế giới và nhất là đang có trao đổi làm ăn rất tấp nập
với Trung Quốc, nước xuất khẩu dịch Covid-19, thế mà giờ đây lục địa này lại ít
bị dính dịch nhất, bất chấp các dự báo thảm họa của các chuyên gia ở Tổ Chức Y
Tế Thế Giới cũng như tình trạng nghèo nàn lạc hậu của châu lục.
Theo tờ báo, trên số dân hơn 1 tỷ người của lục địa đen đến giờ có hơn
48 nghìn ca nhiễm, số tử vong là hơn 1.900 người và hơn 16 nghìn người khỏi bệnh. « Chiếm 17% dân số địa cầu, châu Phi
chỉ có 1% bệnh nhân và dưới 1% số tử vong của thế giới. Một tỷ lệ mà các nước
phát triển nhất thế giới lúc này đều phải ghen tỵ ».
Giả thuyết đánh giá thấp
số liệu thống kê cũng bị loại trừ vì giới y tế quốc tế đã theo dõi khá sát tình
hình dịch bệnh ở các bệnh viện nhiều nước trọng điểm của châu lục, hầu hết
không có gì là căng thẳng hay quá tải.
Tuy nhiên, những lo lắng
cho châu Phi là có cơ sở. Tờ báo dẫn ra số liệu : Tại khu vực Bắc Phi bình quân
10 nghìn dân mới có 2,2 bác sĩ. Trong khi châu Âu con số này là 35. Chi phí cho
y tế tính theo đầu người ở những nước khá giả của châu Phi như Mozambique,
Cameroun cũng không vượt quá 25 đô la. Nếu dịch lan tràn thì các nước châu Phi
làm sao có khả năng chống chịu nổi.
Bất ngờ của châu Phi hay chỉ
là phản ứng nhanh ?
Bên cạnh những giả thuyết
về độ tuổi dân số châu Phi chủ yếu là trẻ (2/3 dân số dưới 35 tuổi), một số nhà
quan sát ghi nhận, châu Phi là nơi có tần số cao nhiễm các dịch bệnh khác, từ
HIV, lao hay sốt rét và sốt xuất huyết Ebola, từng làm hàng trăm nghìn người
châu Phi thiệt mạng… có thể vì được trải qua các thử thách lớn đó mà dân cư
châu Phi đã phát triển một số kháng thể đặc biệt nào đó ?
Một lý do khác có lẽ thực
tế và thuyết phục hơn. Theo ghi nhận của Libération đó là các nước châu Phi
nhìn chung đã phản ứng nhanh. « Ngay từ khi phát hiện những ca nhiễm đầu
tiên các nước châu Phi đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt và hành động nhanh
hơn các nước châu Âu rất nhiều ».
Thí dụ như Maroc, khi mới
ghi nhận 7 ca nhiễm ngày 13/03, nước này đã đóng cửa ngay với bên ngoài. Ngay
sau đó, Maroc chuyển đổi các nhà máy dệt may sang sản xuất khẩu trang với công
suất 5 triệu chiếc mỗi ngày. Nhiều nước khác ở châu lục này cũng đã hành động
tương tự và nhanh chóng ra lệnh phong tỏa cả nước dưới sự giám sát chặt chẽ nếu
không muốn nói là hà khắc, nhưng hiệu quả.
Giờ đây một loạt nước
châu Phi đã bắt đầu tiến hành dỡ bỏ phong tỏa. Tất nhiên là vẫn phải thận trọng
vì mối đe dọa virus corona vẫn còn đó. Nhiều tổ chức phi chính phủ lo ngại niềm
tự hào đã khống chế trước mắt được dịch có thể khiến châu Phi tin là đã được miễn
dịch với virus.
Dù chưa thể có lý giải
nào thích đáng cho hiện tượng « kỳ diệu châu Phi » kháng cự
khá tốt với đại dịch, Liberation vẫn nhìn nhận đó là « bài học »
đáng phải suy ngẫm cho phần còn lại của thế giới. Rõ ràng châu Phi lại tỏ ra có
kinh nghiệm và hiệu quả chống dịch bệnh nhiều hơn cả các nước Âu – Mỹ.
Căn nguyên của dịch bệnh
Vẫn trong chủ đề về dịch
bệnh, Libération có bài : « Y tế và khí hậu: Căn bệnh gốc »,
phác họa một vài nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trên thế giới.
Theo tờ báo, chính việc
làm đảo lộn môi trường tự nhiên, phá hủy đa dạng sinh học, làm rối loạn bầu khí
hậu là những yếu tố thuận lợi cho bệnh tật tràn lan và xuất hiện các đại dịch.
Libération nhận xét :
« Trong vòng một thế kỷ, các tiến bộ khoa học kỹ thuật đã giúp giảm số
người mắc bệnh, nhưng số lượng bệnh dịch cùng với sự biến hóa tiếp tục gia
tăng. Thế giới đã biết đến nhiều trận dịch xuất hiện, lây lan cùng với quá
trình nóng lên toàn cầu, chất lượng không khí giảm sút, hệ sinh thái bị đảo lộn,
hủy hoại… »
Tờ báo dẫn cảnh báo của
Marion Borderon, nhà nghiên cứu địa lý thuộc Đại học Vienna, Áo : « Nếu
dưới tác động từ cách thức sản xuất của chúng ta, môi trường tiếp tục bị hủy hoại,
có thể lại sẽ có một trận dịch khác giống như Covid-19 xuất hiện ».
Như thế không phải loài
người không có cách tránh. Tôn trọng không gian sinh tồn của các sinh vật sống,
động cũng như thực vật, đó là giữ gìn lá chắn thiên nhiên bảo vệ xã hội. Tổng
giám đốc Tổ chức Bảo vệ Thiên nhiên Hoang dã (WWF) của Pháp, bà Véronique
Andrieux khẳng định : « Chúng ta phải hiểu là cội rễ của trận đại dịch
này nằm ở trong sự lựa chọn tiêu thụ của chúng ta, như trong thực phẩm của
chúng ta. Đòn bẩy có hiệu quả để thay đổi là ngừng phá rừng, giảm tiêu thụ thịt,
khoanh vùng lại sản xuất nông nghiệp dựa trên cơ sở mô hình nông nghiệp sinh
thái. Chúng ta phải thay đổi cơ bản trong quan hệ với thiên nhiên ».
Trách nhiệm hình sự trong xử
lý dịch bệnh ?
Liên quan đến khủng hoảng
dịch tễ hiện nay, nhật báo Công Giáo La Croix quan tâm đến thời sự ở nước Pháp
: Cuộc tranh luận tại Quốc Hội Pháp về trách nhiệm hình sự trong việc xử lý dịch.
Xã luận tờ báo ghi nhận :
« Như trong những lĩnh vực khác, cuộc khủng hoảng dịch tễ hiện nay đang
làm nổi lên một thách thức pháp lý và tư pháp ». Tờ báo nhắc lại những
sự kiện thời sự liên quan : Tòa Bảo Hiến Đức, hôm thứ Ba 05/5, đòi Ngân Hàng
Trung Ương Châu Âu phải giải thích trước tòa về hành động đối phó với khủng hoảng
kinh tế. Donald Trump muốn Trung Quốc phải bồi thường hàng tỷ đô la thiệt hại
vì gây ra vụ dịch này. Tại Pháp thì là cuộc tranh luận gay gắt về trách nhiệm
hình sự của các thị trưởng, lãnh đạo làng xã hoặc người chủ thuê lao động trước
nguy cơ để dịch lây lan.
La Croix kết luận :
« Hiện tượng gia tăng "tư pháp hóa" đời sống xã hội này
đáng lo ngại. Xu hướng này sẽ dẫn đến tình trạng đổ xô kiện cáo và làm chậm lại
các ứng phó với khủng hoảng… Trách nhiệm cần phải làm sáng tỏ. Nhưng không nhất
thiết phải qua vô số các phiên tòa. »
Pháp : Huấn luyện chó đánh hơi
tìm bệnh nhân Covid-19
Phần cuối của mục điểm
báo hôm nay là thông tin về một thử nghiệm khá hấp dẫn liên quan đến Covid-19
trên Le Figaro với tiêu đề : « Covid-19 có mùi không ? »
Theo tờ báo từ hôm 30/04,
hơn chục chú chó berger chuyên đánh hơi tìm ma túy, hàng lậu hay chất nổ, tại
Pháp và Liban được tập trung tham gia vào dự án Nosais, của Dominique
Grandjean, giáo sư Trường Thú Y Quốc Gia Alfort. Mục đích là thử dùng tài đánh
hơi của các chú chó để xác định người nhiễm Covid-19, kể cả trường hợp không
phát triệu chứng bệnh.
Các chú chó được cho làm
quen với mùi mồ hôi của một số bệnh nhân để sau đó có thể phát hiện những điểm
chung ở các mẫu liên quan đến người bị dương tính với Covid-19.
Sau thành công thử nghiệm
cho chó đánh hơi phát hiện người mắc bệnh ung thư và dựa trên cơ sở mỗi nhân tố
truyền nhiễm đều sinh ra các chất chuyển hóa, được bài tiết ra ngoài, giáo sư
Grandjean nhận thấy bệnh nhân Covid-19 dường như cũng tiết ra những thành phần
có mùi khác thường và với khả năng đánh hơi đặc biệt, chó có thể tìm ra sự khác
biệt này.
Thử nghiệm đang được tiến
hành và cho kết quả bước đầu khá khả quan, các chú chó đường như phân biệt được
mùi của người âm tính và dương tính, nhưng những người thực hiện khóa huấn luyện
này còn phải tiếp tục tập hợp các số liệu và kiểm chứng khoa học tin cậy hơn.
Nếu dự án Nosais thành
công thì sẽ là công cụ bổ trợ có thể làm trên diện rộng, để sau đó người có khả
năng nhiễm bệnh được làm các xét nghiệm khác kỹ hơn. Kết quả của « khóa
huấn luyện » đặc biệt này sẽ có vào giữa tháng 5 này. Biết đâu những
chú chó tinh khôn này lại chẳng hiệu quả không kém gì các phần mềm thông minh
truy tìm ca nhiễm virus mà các nhà khoa học đang đau đầu tìm kiếm ?
No comments:
Post a Comment