Wednesday, May 6, 2020

COVID-19 : PHÒNG THÍ NGHIỆM VŨ HÁN, CÁI BUNG XUNG CHO ÔNG TRUMP? (Anh Vũ - RFI)




Anh Vũ  -  RFI
Đăng ngày: 06/05/2020 - 14:41

Câu chuyện thuyết âm mưu về vai trò của của viện nghiên cứu virus Vũ Hán trong đại dịch Covid-19 có thể nói lên nhiều điều trong cách thức mà chính quyền Donald Trump đang cố tìm một cái bung xung cho cuộc khủng hoảng dịch hiện nay.

Với tuyên bố có « vô số những bằng chứng », Mike Pompeo, ngoại trưởng Hoa Kỳ muốn tin và thuyết phục người khác tin vào thuyết cho rằng một tai nạn phòng thì nghiệm tại Trung Quốc có thể là nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19. Thậm chí hôm 03 /04 ông còn làm y hệt như cựu tổng thống Mỹ George W. Bush hồi 2002 quả quyết Irak có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Và cũng giống như ông Bush, ngoại trưởng Mike Pompeo không đưa ra những bằng chứng cho khẳng định của mình.

Giả thuyết cho rằng virus Sars-CoV-2, gây dịch Covid-19, « lọt »  ra khỏi phòng thí nghiệm Vũ Hán để rồi lây lan ra cho hơn 3 triệu người trên thế giới như giờ đây, không phải là mới và Bắc Kinh cũng như Tổ Chức Y Tế Thế Giới đã phải nhiều lần lên tiếng phản bác luận cứ đã len lỏi trên các mạng internet từ cuối tháng Giêng. Thế nhưng, gần đây giả thuyết này mới tới được tận thượng tầng chính quyền Mỹ. Tổng thống Donald Trump bắt đầu gợi ra vấn đề này một cách công khai từ ngày 18/04, sau đó đến ngày 1/5 lại khẳng định chắc chắn một lần nữa khi ông nói đã được « thấy những bằng chứng » liên quan.

Một thuyết âm mưu, 2 dàn đồng ca

Phòng thí nghiệm trong tầm ngắm của Nhà Trắng là Viện Virus Vũ Hán, từ năm 2015 là trung tâm duy nhất của Trung Quốc có chức năng nghiên cứu các loại mầm bệnh nguy hiểm.

Cở sở này được thành lập nhờ sự giúp đỡ khoa học của Pháp và nguồn hỗ trợ tài chính của Mỹ. Lãnh đạo Viện là nhà nghiên cứu virus học Trung Quốc Bà Thạch Chánh Lệ ( Shi Zengli), người từ hơn chục năm qua săn tìm đặc tính của chủng virus corona.
Những người tin vào thuyết âm mưu này ở Mỹ có thể chia thành hai bè.

Ảnh tư liệu cho thấy chuyên gia virus học Thạch Chánh Lệ (Shi Zhengli) ở bên trong phòng thí nghiệm P4 tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). AFP - JOHANNES EISELE

Một số người, như Steve Bannon, cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump, thì muốn tin rằng Covid-19 là một loại vũ khí sinh học thử nghiệm bị lọt khỏi tay những người tạo ra nó. Một bè khác, thí dụ như thượng nghị sĩ Cộng Hòa Tom Cotton cho rằng đây là một tai nạn trong một viện nghiên cứu không đủ điều kiện an toàn.

Những thuyết như vậy càng làm cho nguồn gốc của đại dịch thêm mù mờ. Giả thuyết chợ Vũ Hán là điểm khởi phát của cuộc khủng hoảng dịch tễ này, dễ chấp nhận hơn, nhưng thực tế cũng không thuyết phục hoàn toàn về mặt khoa học, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post.

Một nghiên cứu của Trung Quốc công bố hôm 24 tháng Giêng trên tạp chí khoa học nổi tiếng The Lancet, chỉ ra rằng trong số những người đầu tiên nhiễm virus tại Vũ Hán, có một số người dường như không có liên hệ gì với cái chợ hải sản tai tiếng kia.

Những ngờ vực tiếp tục đổ lên chính quyền Trung Quốc, vốn đã bị chỉ trích là thiếu minh bạch ngay từ đầu dịch. Người ta thấy ở đây có dấu hiệu Bắc Kinh đã cố che giấu điều gì đó còn ẩn khuất.

.
Điện tín ngoại giao và báo cáo của « Five Eyes »

Nhưng có điều để luận cứ trên xâm nhập được vào cấp cao của chính quyền Trump và làm dấy lên các cuộc công kích nhắm vào Trung Quốc, cần phải có những chi tiết vững chắc.

Trước hết đã có một bài viết được tạp chí Khoa học Mỹ (Scientific American) công bố hôm 11/03/2020, trong đó bà Thạch Chánh Lệ, giám đốc Viện Virus Vũ Hán, thừa nhận lúc đầu đã lo ngại virus corona bị lọt ra ngoài trung tâm nghiên cứu của bà. Dù nhà virus học này có bảo đảm chắc chắn không có chủng virus corona nào được nghiên cứu tại viện giống với chủng virus đang tấn công cả thế giới.

Tiếp đó, chính quyền Mỹ đã tìm lại được 2 bức điện mật ngoại giao từ năm 2018, trong đó các lãnh đạo tòa đại sứ Mỹ tại Bắc Kinh đã cảnh báo tới Washington về « các vấn đề an toàn » tại Viện Virus Vũ Hán, như Washington Post đã đưa tin ngày 14/04.

Tuy nhiên không có một chi tiết cụ thể những lo ngại của các nhà ngoại giao được nêu ra. Bài báo đăng trên trang « dư luận » chứ không phải trang thời sự của tờ báo. Mặc dù vậy, các « phát hiện » đó đã gây tiếng vang trong các cơ quan truyền thông được cho là bảo thủ ở Mỹ, trong đó có kênh truyền hình Fox News, vẫn được đánh giá là một trong những nguồn thông tin chính của tổng thống Donald Trump.

Cùng ngày mà Mike Pompeo quả quyết có các « bằng chứng » liên quan đến vai trò của phòng thí nghiệm Trung Quốc và nguồn gốc đại dịch, tờ báo Úc Daily Telegraph đưa tin về một cuộc điều tra theo hướng như Washington mong muốn. Nhật báo Úc khẳng định đã có bản sao một báo cáo 15 trang của nhóm tình báo «  Five Eyes ». Nhóm liên minh tình báo của 5 nước : Mỹ, Anh, Úc, Canada và New Zealand, đang nghiên cứu về hướng tai nạn ở Viện Virus Vũ Hán.

Thừa nhận các nghiên cứu về virus corona trong phòng thí nghiệm trên là có nguy hiểm về mặt y tế, thế nhưng các nhân viên tình báo kết luận chỉ có 5 % khả năng đại dịch bắt nguồn từ một mầm bệnh bị lọt ra ngoài phòng thí nghiệm. Chỉ có người Mỹ dường như tỏ ra vội vàng chỉ trích viện nghiên cứu Trung Quốc.

Đi ngược lại chân lý khoa học

Những lý lẽ bác bỏ việc đổ lỗi cho viện virus học gây ra đại dịch trước tiên phải mang tính khoa học.

Giả thuyết can thiệp thao tác gien có thể sai sót và làm sinh ra Sars-CoV-2 cũng không thuyết phục như giả thuyết Covid-19 có nguồn gốc từ động vật hoang dã, theo tạp chí The Lancet. Nếu có, phân tích gen đơn bội của chủng virus này sẽ thấy ngay những dấu vết của sự can thiệp từ con người, tạp chí khoa học Anh nhấn mạnh thêm.

Như thế thì phòng thí nghiệm này sẽ phải có từ trước loại virus Sars-CoV-2. Đây là điều mà bà lãnh đạo Viện Vũ Hán kiên quyết bác bỏ. Chủng virus corona duy nhất mà các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu có quan hệ tương đồng 96% với Covid-19. « Sự khác biệt 4% này tương đương với khoảng 20 năm tiến hóa của một virus », theo nhà virus học Úc Edward Holmes giải thích trên trang mạng Vox.

Như vậy hai mầm bệnh đó không thể là một. Peter Daszak, một nhà miễn dịch học, từ 15 năm qua nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm tại Trung Quốc, vẫn trên trang Vox dựa trên các tính toán số học để lý giải rằng « ta có thể ước tính từ 1 đến 7 triệu người Trung Quốc mỗi năm  đã nhiễm một loại virus có nguồn gốc từ loài dơi trong hoang dã. Trong khi đó chỉ có khoảng chục người, được bảo vệ kỹ càng, có tiếp xúc với virus corona trong phòng thí nghiệm đó. Như vậy sẽ không logic khi cho rằng khả năng virus từ phòng thí nghiệm ra nhiều hơn khả năng virus trong thiên nhiên ». Tuy nhiên ông cũng thừa nhận không thể loại trừ 100% giả thuyết bị lây nhiễm do tai nạn.

Vì vậy mà luận điểm này rất hấp dẫn ông Donald Trump về mặt chính trị. Sau đã chỉ trích phe Dân Chủ đã đánh giá thái quá về nguy cơ dịch và trách mắng Tổ Chức Y Tế Thế Giới quá chậm chạp xử lý khủng hoảng, giờ đây ông Trump dường như đã tìm được cái bung xung mới.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN








No comments: