Thursday, May 7, 2020

CẬP NHẬT DỊCH COVID-19 SÁNG 08/05/2020 : THẾ GIỚI CÓ GẦN 4 TRIỆU CA NHIỄM, MỸ VẪN LÀ ĐIỂM NÓNG (VTV.vn)




VTV.vn
Thứ sáu, ngày 08/05/2020 06:13 GMT+7

VTV.vn - Chỉ trong vòng gần 24 giờ qua, cả thế giới đã ghi nhận thêm 88.071 ca nhiễm COVID-19 mới và 5.286 ca tử vong mới do dịch bệnh.

Theo số liệu cập nhật 6h ngày 8/5 (giờ Việt Nam) trên trang thống kê WORLDOMETER , dịch COVID-19 đã bùng phát trên toàn thế giới, ảnh hưởng tới 212 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Cập nhật tình hình dịch COVID-19 tại một số quốc gia trên thế giới (Nguồn: Worldometes)

Hiện tại, số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới đã lên tới 3.905.453 ca, trong đó, có tới 270.123 trường hợp đã tử vong và 1.335.088 trường hợp đã được chữa khỏi hoàn toàn.

Chỉ trong vòng gần 24h qua, cả thế giới đã ghi nhận thêm 88.071 ca nhiễm mới và 5.286 ca tử vong mới do dịch bệnh.

Mỹ vẫn là điểm nóng của đại dịch
Tính tới thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là tâm dịch của thế giới với gần 1.289.028 ca nhiễm bệnh và 76.791 trường hợp tử vong do virus SARS-CoV-2. Trong gần 1 ngày qua, quốc gia này đã phát hiện thêm 25.936 ca nhiễm mới và 1.992 trường hợp tử vong do COVID-19.

Theo các chuyên gia hàng đầu về dịch bệnh, nước Mỹ mới chỉ đang trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống COVID-19. Các chuyên gia cảnh báo, số ca tử vong do đại dịch tại Mỹ có thể sẽ lên tới 100.000 người vào cuối tháng 5 nếu quốc gia này không đẩy mạnh các nỗ lực ứng phó.

Nga tăng mạnh về số ca nhiễm mới
Trong gần 24h qua, Nga đã ghi nhận thêm 11.231 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 177.160 ca. Tuy nhiên, số ca tử vong mới do dịch bệnh tại Nga chỉ là 88 ca, thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác đang cùng chịu ảnh hưởng từ đại dịch.

Bất chấp số người nhiễm COVID-19 đang tăng cao, Nga vẫn quyết định mở lại tất cả các khu công nghiệp và công trình xây dựng trong thủ đô vào tuần tới. Cụ thể, các nhà máy công nghiệp và công trình xây dựng trong thành phố sẽ bắt đầu mở lại vào ngày 13/5. Trong khi đó, các cửa hàng bán lẻ, tiệm làm tóc, làm đẹp và một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ vẫn sẽ đóng cửa.

Động thái này nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế do ảnh hưởng từ đại dịch. Ước tính, khoảng 500.000 việc làm tại Moskva và 3,5 triệu việc làm tại các khu vực khác trên cả nước Nga sẽ được kích hoạt trở lại.

Anh và Brazil chưa thuyên giảm về số ca tử vong mới do COVID-19
Hiện tại, Anh đã vượt qua Italy về số ca tử vong do virus SARS-CoV-2, trở thành quốc gia có số ca tử vong liên quan đến COVID-19 cao nhất ở châu Âu với 30.615 trường hợp, tăng 539 ca tử vong so với gần 1 ngày trước đó.

Không chỉ vậy, Anh còn ghi nhận thêm 5.614 ca nhiễm mới trong gần 24h qua, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại quốc gia này lên 206.715 ca. Với đà này, Anh sẽ sớm vượt qua Italy về tổng số ca nhiễm COVID-19 và trở thành quốc gia có số ca bệnh cao thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Tây Ban Nha.

Phát biểu tại Hạ viện ngày 6/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết, ông sẽ công bố chiến lược "giai đoạn 2" của cuộc chiến chống virus SARS-CoV-2 tại Anh với những biện pháp nới lỏng từ ngày 11/5. Theo đó, Anh có thể sẽ cho phép trở lại các hoạt động thể dục ngoài trời, tắm nắng trong công viên, một số doanh nghiệp quay trở lại làm việc với điều kiện vẫn phải giữ quy định về giãn cách xã hội. Ngoài ra, chính phủ Anh cũng sẽ bổ sung quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, tiến hành kiểm tra chặt chẽ hơn tại cửa khẩu, biên giới và đặc biệt là sẽ xem xét áp dụng cách ly tập trung 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh, kể cả công dân Anh từ nước ngoài trở về.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh tại Mỹ Latin cũng đang trở nên đáng báo động. Hiện tại, Brazil là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất từ COVID-19 trong khu vực Mỹ Latin. Trong gần 24h qua, quốc gia này đã ghi nhận thêm 5.756 ca nhiễm mới và 466 ca tử vong mới do COVID-19. Một số nước Mỹ Latin được dự báo sẽ có số ca bệnh và tử vong do COVID-19 tăng mạnh khi bước sang giai đoạn đỉnh dịch.

Châu Á tiếp tục tăng số ca nhiễm mới tại nhiều quốc gia
Tại châu Á, số ca mắc mới COVID-19 vẫn tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia. Trong gần 24h qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 3.364 ca nhiễm mới và 104 ca tử vong mới do dịch bệnh. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng phát hiện thêm 1.977 ca nhiễm mới, Saudi Arabia thêm 1.793 ca, Iran thêm 1.485 ca và Pakistan thêm 1.430 ca mới.

Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran vẫn là các quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất trong khu vực với tổng số ca nhiễm lần lượt là 133.721 ca và 103.135 ca.

Các quốc gia Châu Phi ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể
Tại châu Phi, các quốc gia như Maroc, Algeria, Nigeria, Ghana, Cameroon, Senegal... đã ghi nhận số ca nhiễm mới tăng đáng kể trong trong nhiều ngày qua.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các quốc gia châu Phi đã áp đặt các biện pháp phòng ngừa cao nhất, bao gồm cả lệnh phong tỏa, lệnh giới nghiêm và các biện pháp y tế. Tuy nhiên, một số quốc gia như Algeri và Tunisi đã bắt đầu cho nới lỏng một số quy định để kích thích phát triển kinh tế song song với việc phòng chống dịch COVID-19, nhất là trong mùa lễ Ramadan của người Hồi giáo. Việc nới lỏng sớm các biện pháp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến dịch có thể bùng phát ở mức khó kiểm soát ở các quốc gia này.

---------------------------------

Người Việt Online
May 7, 2020

WASHINGTON, DC (NV) – Một số nhà lập pháp Cộng Hòa ở lưỡng viện bảo trợ một dự luật đổi tên con đường bên ngoài tòa đại sứ Trung Quốc ở D.C. thành Li Wenliang Way (đường Lý Văn Lượng), theo nhật báo The Washington Post.

Khi trình dự luật này vào sáng Thứ Năm, 7 Tháng Năm, Dân Biểu Liz Cheney, Cộng Hòa-Wyoming, trình bày: “Trong khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc là nguyên nhân khiến bệnh dịch lan tràn thế giới, khiến gây ra chết chóc và kinh tế sụp đổ, Bác Sĩ Lý can đảm nói lên sự thật trước chế độ.”

Bà Cheney tuyên bố: “Tôi lấy làm vinh dự đệ trình dự luật này.”

Những vị dân cử bảo trợ cho dự luật này bao gồm các thượng nghị sĩ: Tom Cotton (Cộng Hòa-Arkansas), Ben Sasse (Cộng Hòa-Nebraska), Marco Rubio (Cộng Hòa-Florida), và Marsha Blackburn (Cộng Hòa-Tennessee).

Bác Sĩ Lý Văn Lượng, nhãn khoa, gửi tin nhắn vào nhóm bác sĩ thân hữu, cảnh báo về bảy trường hợp nhiễm virus mà ông cho là giống SARS – loại virus dẫn đến dịch bệnh toàn cầu năm 2003.

Trong tin nhắn ngày 30 Tháng Mười Hai này, ông đã cảnh báo các bạn mặc đồ bảo hộ y tế để tránh bị lây nhiễm.

Bốn ngày sau, công an gởi lệnh triệu tập đòi ông trình diện và buộc phải ký vào một bản thú tội là đã “đưa ra những bình luận sai lệch, làm xáo trộn nghiêm trọng trật tự xã hội.”
Đến ngày 8 Tháng Giêng, Bác Sĩ Lý khám cho một nữ bệnh nhân nhiễm COVID-19.

Hai ngày sau, ngày 10 Tháng Giêng, trên trang Weibo, ông kể bắt đầu ho, ngày hôm sau, ông bị sốt và hai ngày sau ông nhập viện và đến ngày 30 Tháng Giêng được xác định nhiễm COVID-19.

Bác Sĩ Lý qua đời ngày 6 Tháng Hai để lại người vợ đang mang thai cũng bị nhiễm COVID-19.

Sau này, chính phủ Bắc Kinh có vinh danh ông Lý nhưng đã quá muộn màng. Ông đã ra đi vĩnh viễn cùng với hơn 260,000 người khác trên toàn thế giới tính đến thời điểm ngày 7 Tháng Năm. (MPL) [qd]

-----------------------

Người Việt Online
May 7, 2020

NEW YORK, New York (AP) – Kết quả một cuộc nghiên cứu mới đây cho thấy không có bằng chứng cho thấy loại thuốc ký ninh hydroxychloroquine có khả năng trị COVID-19 như đã được ca tụng.

Theo báo cáo đăng tải trên tạp chí y khoa New England Journal of Medicine hôm Thứ Năm, 7 Tháng Năm, thì hydroxychloroquine không giúp giảm nguy cơ tử vong hay giảm nhu cầu cần có ống thở, trong cuộc nghiên cứu liên hệ tới gần 1,400 bệnh nhân được điều trị tại bệnh viện của Columbia University ở New York.

Dù rằng đây là một cuộc nghiên cứu có tính cách lượng định, quan sát, hơn là một cuộc thí nghiệm có các tiêu chuẩn khắt khe, nhưng kết quả có được cũng giúp cho hàng trăm ngàn bệnh nhân COVID-19 có các tin tức quý báu nhằm quyết định có sử dụng thuốc này hay không, theo nhận định của các nhà nghiên cứu.

“Hiện có điều thất vọng là sau mấy tháng kể từ khi đại dịch bùng ra, chúng ta không thấy có kết quả gì từ bất cứ cuộc thí nghiệm có tiêu chuẩn khắt khe nào. Nhưng kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy hydroxychloroquine không là thuốc trị bá bệnh,” theo các nghiên cứu gia.

Tổng Thống Donald Trump trong thời gian qua liên tiếp kêu gọi dùng hydroxychloroquine để trị COVID-19. Thuốc này có thể gây ra ảnh hưởng phụ trầm trọng, gồm cả tim đập nhanh có thể đưa tới tử vong.

Cơ quan FDA đưa ra lời khuyến cáo là chỉ dùng thuốc này trong các cuộc nghiên cứu chính thức hoặc trong bệnh viện có sự theo dõi của bác sĩ.

Cuộc nghiên cứu của các bác sĩ tại Columbia được sự tài trợ của Viện Y Tế Quốc Gia (NIH), một cơ quan chính phủ Mỹ. (V.Giang) [qd]





No comments: