15/04/2019
LTS
Báo Tiếng Dân : Hết tiền, người ta tìm đủ mọi cách để móc túi dân.
Chính quyền trung ương thì tìm cách thu thuế, phí, chính quyền địa phương, thậm
chí ngay cả bệnh viện cũng không chịu thua, quyết đè dân ra vặt, như “vặt lông vịt“!
Mới đây, khi nghe các bệnh viện ở TPHCM đòi thu phí
đối với những người chăm sóc bệnh nhân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho
rằng, thu phí người nuôi bệnh là hợp lý. Ông Tiến nói: “BV
phải cử nhân viên hoặc thuê người dọn dẹp vệ sinh và trả tiền cho các khoản điện,
nước này. Về nguyên tắc, BV là đơn vị tự chủ kinh phí nên người vào sử dụng dịch
vụ phải trả tiền là hợp lý”.
Ở Mỹ, những công viên vui chơi công cộng tại các khu
dân cư, có những vòi nước, nhà vệ sinh, nơi nướng BBQ, thùng rác… để người dân
tới đó tổ chức tiệc tùng, ăn uống, hoặc trên những ngọn đồi có những vòi nước,
người leo núi có nước uống. Người dân ở đó được phục vụ tốt hơn, nhưng không phải
trả đồng xu nào.
Còn ở VN, chất lượng phục vụ tại những công trình
công cộng thì quá tệ, mà “công bộc” lúc nào cũng nhắm tới túi tiền của người
dân. Đó là vì “công bộc” ở VN không do dân bầu ra, người dân cũng không có quyền
truất phế họ, nên họ không nghĩ tới chuyện phải phục vụ dân.
---------------------------
MỘT THỨ TƯ DUY BẦN TIỆN
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói rằng thu phí người
nuôi bệnh là hợp lý vì sử dụng điện nước của bệnh viện. Tửng nói thật với ông,
nó không những không hợp lý mà còn ti tiện!
Nói thật với thứ trưởng Tiến, chẳng có nơi nào mà
làm người ta chán sống bằng bệnh viện công xứ mình. Ngoài những toa thuốc đắng
ngoét, rất dễ nảy nòi một tâm bệnh. Vì có bệnh hay không có bệnh đều mang một mặc
cảm thân phận khi phải sống trong một điều kiện gần như không phải cho người.
Người bệnh lay lắt trong bệnh viện công, đa số nghèo.
Nhiều người nghèo xác xơ phải ăn cơm từ thiện cầm hơi. Thân nhân bỏ ruộng vườn
cầm nhà cửa lê lết bên lề bệnh viện ngày này qua tháng khác, có lành bệnh cũng
kiệt quệ về kinh tế.
Trong bối cảnh đó, bệnh viện toan tính với người ta
từng đồng xu cắc bạc, ra tấm ra món là chó cắn áo rách, vừa tham vừa ác. BOT bẩn
còn không thu tiền xe cấp cứu, các ông lại muốn ăn giày ăn tất ăn cả đất xung
quanh.
Đương nhiên, nghèo không phải là lá bùa để quăng ra
thoái thác. Cứ coi như người nuôi bệnh trả tiền dịch vụ sinh hoạt. Thì dịch vụ ấy
là những gì? Là một khoảng bê tông hoặc ghế đá, là những cái toilet đậm đặc mùi
xú uế tởm lợm.
Nói thật với ông Tiến, nếu người bệnh được nằm trong
cái phòng sạch trắng tinh tươm. Mỗi ngày y tá hộ lý thay tả bóp vai, tặng hoa
hoặc hát cho nghe như trong phim Mỹ, thì thân nhân người ta vạ vật ở đó làm gì?
Cũng vì bệnh viện không chăm, không làm được công
tác tâm lý, thậm chí còn quát mắng hạch hoẹ, nên người ta mới phải bấu víu vào
nhau. Đến cả cái thang máy nhiều lúc cũng không được dùng. Toilet các ông cũng
dùng riêng như cách ly người với súc vật thì không thể nói là thu phí dịch vụ
được trừ khi các ông nhập chung vào và không phân biệt đối xử. Một cái chỗ đi tắm
còn không có mà thu tiền dịch vụ là không công bằng.
Các ông lấy lý do bệnh viện quá tải để thu. Vậy người
bệnh ba bốn người một giường, nằm tràn ra cả hành lang, các ông có trừ tiền dịch
vụ không? Tôi nghĩ là không. Người bệnh và thân nhân nằm thoi thóp ở hành lang
mà các ông thu hai suất dịch vụ, lương tâm các ông có bị cắn rứt không?
Ông Tiến lại bảo bệnh viện tự chủ chi phí nên phải
thu. Như thế là trước giờ bệnh viện lỗ là do mất khoản thu tiền tiểu đại tiện của
dân à thưa ông? Trước giờ không hoắng, có chủ trương tự chủ tài chính là các
ông giãy nảy như đĩa phải vôi vậy? Có phải trước đây trợ giá nên đầu này các
ông báo lỗ, làm Chí Phèo rạch mặt ăn vạ ngân sách, đầu kia làm Bá Kiến lạm thu
nhân dân. Nên bây giờ các ông sợ lòi sự thật ra đúng không?
Dù bất cứ lý do gì, ông Tiến ạ, một cái tư duy nhắm
vào nhu cầu tối thiểu của con người để kiếm doanh thu. Thì chỉ có thể gọi là bần
tiện!
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến. Ảnh: Báo TN
No comments:
Post a Comment