14/04/2019
“Tán tụng tôi bằng những lời giả dối ngọt ngào.
Chúng vẫn hơn là sự thật trần trụi.”
Alexander S. Pushkin – “Người Hùng” (1830)
--------
Rất nhiều người Việt Nam ngày nay tin rằng “các Vua
Hùng”, trị vì từ năm 2879 đến 258 trước Công Nguyên, chính là những ông tổ lập
quốc của Việt Nam.
Mười tám vị vua trị vì hơn 2.500 năm, trung bình mỗi
người trị vì 139 năm? Một con số có vẻ nên thuộc về huyền sử. Hùng Vương mà
chúng ta biết đến ngày nay xuất hiện dưới dạng biên niên sử quốc gia của triều
đình Việt Nam – Đại
Việt Sử ký Toàn thư do Ngô Sĩ Liên chủ biên, xuất bản năm 1479. Câu chuyện
ghi nhận về 18 vị vua, mà vị vua đầu tiên là con trai của Lạc Long Quân và Âu
Cơ trong câu chuyện “trăm trứng” quen thuộc, nối tiếp nhau trị vì và tạo nên thời
kỳ Hồng Bàng, đến 258 TCN thì bị Thục Phán (An Dương Vương) chiếm nước.
Lễ hội Đền Hùng năm 2018 tại Phú Thọ. Ảnh: TTXVN.
Mang nhiều chi tiết thần thoại, thuyết Hùng Vương quảng
bá cho nguồn gốc thần thánh, khác biệt của tộc người Kinh chiếm đa số, cùng đó
thể hiện mối liên kết huyết thống của bất kỳ nhà nước nào đang tồn tại trên
toàn cõi Việt Nam.
Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam (1954 – 1975),
tuy đối địch nhau, hai miền Nam – Bắc luôn cố gắng tận dụng câu chuyện Hùng
Vương cho mục đích của mình.
Hồ Chí Minh nói chuyện với Đại đoàn Quân Tiên Phong
ngày 19 tháng 9 năm 1954 tại Đền Hùng. Ảnh: VNN
Miền
Bắc và nỗ lực biến huyền sử thành lịch sử
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn
Độc lập và tuyên bố lập ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người Pháp rõ
ràng không hài lòng với điều này – và chiến tranh Đông Dương nổ ra.
Sau thất bại của quân Pháp tại trận chiến chính quy
cuối cùng của cuộc chiến – Điện Biên Phủ, một thỏa thuận quốc tế chia cắt Việt
Nam thành hai miền với một nhà nước cộng sản ở miền Bắc và một nhà nước chống cộng
tại miền Nam (sau này là Việt Nam Cộng hòa). Vào lúc này, VNDCCH gặp một vài
khó khăn trong việc xác định cách thức mà họ ứng xử trước lịch sử về Hùng Vương
và những lễ hội kỷ niệm liên quan.
Trước đó, vào năm 1946, khi VNDCCH còn mang tính
trung lập và cố gắng thể hiện mình là đại diện cho nhiều đảng phái, tầng lớp
nhân dân, chính phủ lâm thời ban hành Sắc
lệnh 22/SL về việc ấn định những ngày nghỉ Tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn
giáo có bao gồm ngày giỗ tổ Hùng Vương trong danh sách các ngày lễ quốc gia.
Danh sách này còn bao gồm cả các ngày lễ Phật và lễ Thánh, có vẻ như là một
cách để tập hợp quần chúng nhân dân và thể hiện tính đại đồng của nhà nước mới.
Tháng 9/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hồ Chí
Minh gặp gỡ các đại diện của Quân đội Nhân dân Việt Nam để phát biểu tại đền
Hùng trước khi về tiếp quản Hà Nội, từ đó cho ra đời câu
nói rất được ưa thích của báo chí và sách vở truyền thống tại Việt Nam: “Các
Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Câu nói báo hiệu xu hướng mong muốn chuyển đổi huyền sử Hùng Vương trở thành một
sự kiện lịch sử nghiêm túc của ông.
Tuy nhiên, ngay sau năm 1954, môi trường chính trị
Việt Nam trở nên thù địch với các lễ nghi mang tính tôn giáo, mê tín dị đoan và
phong tục tập quán mang bản chất “phong kiến”. Điều này xuất phát từ cách đảng
Cộng sản khi đó hiểu về vấn đề tôn giáo trong học thuyết Mác – Lê-nin.
Hàng loạt chùa chiền, đền tự ở miền Bắc nhanh chóng bị
phá hủy, bỏ hoang hay chuyển mục đích sử dụng, theo nghiên cứu của giáo sư
Olga Dror (Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ). Đền Hùng nhanh chóng rơi vào tình trạng
hư hỏng, đổ nát vì không có ai thăm viếng, chăm nom hay gìn giữ. Lần duy nhất lễ
kỷ niệm Vua Hùng được tổ chức tại miền Bắc suốt giai đoạn từ 1954 đến thập niên
1980 là vào năm 1955 ở đỉnh Nghĩa Lĩnh. Hồ Chí Minh cũng có đến thăm đền Hùng một
số lần khác, mà cụ thể là vào năm 1962, song nhằm tổ chức kỷ niệm Cách mạng
Tháng Tám. Trong bài diễn văn của ông cũng tuyệt không nhắc đến Vua Hùng.
Trong một
nghiên cứu khác, giáo sư Olga Dror cho rằng đây là dấu hiệu giới cầm quyền
của VNDCCH chưa biết phải xử trí thế nào với bản chất tín ngưỡng, phong tục dân
gian của huyền sử Hùng Vương, và ông Hồ Chí Minh cũng không sẵn lòng phổ biến
những luồng tư tưởng trái Marxist cho đến khi họ tìm ra cách lý tính hóa chúng.
Tuy nhiên, giá trị tinh thần của Hùng Vương về sự thống
nhất và tính huyết thống của toàn dân tộc trong một cuộc chiến tranh được phát
động dưới danh nghĩa “thống nhất đất nước” là rất rõ ràng. Đảng Cộng sản Việt
Nam dành rất nhiều tâm sức để kéo huyền sử Hùng Vương ra khỏi lãnh địa tín ngưỡng,
tôn giáo truyền thống, và từ đó lịch sử hóa – hiện thức hóa nó. Họ không chỉ muốn
chứng minh sự tồn tại trên thực tế của các “Hùng Vương”, mà còn muốn làm mình
“trong sạch” khỏi hình ảnh ủng hộ việc tổ chức các lễ tưởng niệm mang tính thần
thánh, mê tín.
Nhu cầu lịch sử hóa và tuyên truyền hình ảnh Hùng
Vương trở nên quá quan trọng vào thời điểm 1968, đỉnh điểm của chiến tranh Việt
Nam. Nó quan trọng đến mức VNDCCH quyết định thành lập Viện Khảo cổ học do nhà
nước tài trợ và quản lý với ưu tiên cao nhất là sưu tầm, khảo cứu khoa học các
minh chứng về thời kỳ Hồng Bàng và các Hùng Vương. Dự án được các nhà khảo cổ học,
sử học, nhà địa chất, nhà ngôn ngữ học, nhà dân gian học và các nhóm nghiên cứu
khác phối hợp thực hiện trong giai đoạn từ 1968 đến 1971.
Theo giáo sư Edward Miller (Đại học Dartmouth, Hoa Kỳ),
trong cuốn “Misalliance:
Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam”, mục tiêu
của hàng loạt các nghiên cứu giai đoạn này là nhằm chứng minh truyền thống lịch
sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam, gốc rễ sâu sắc của quốc gia Việt
Nam ngày nay, cũng như nguồn gốc cùng một tổ tiên của cả hai nhà nước Bắc –
Nam.
Một lễ giỗ tổ Hùng Vương do người Việt Nam ở Mỹ tổ
chức năm 2017. Ảnh: caoniendc.com
Sự đa nguyên mơ hồ tại miền Nam Việt Nam
Trái ngược với miền Bắc, các đối thoại về Hùng Vương
tại miền Nam Việt Nam phong phú và đa dạng hơn, một biểu hiện khá rõ ràng về sự
cởi mở của giới học thuật và xã hội dân sự miền Nam so với miền Bắc.
Tuy nhiên, cũng do đó, việc sử dụng huyền sử Hùng
Vương tại miền Nam Việt Nam thiếu tính định hướng hơn so với chính sách của
VNDCCH. Nếu ở miền Bắc, việc sử dụng tính lịch sử của các Vua Hùng là nhằm đề
cao hình ảnh của một quốc gia thống nhất và từ đó phục vụ chiến lược tuyên truyền
“giải phóng”, tiếp quản miền Nam Việt Nam, thì chính phủ Việt Nam Cộng hoà
(VNCH) chưa bao giờ trực tiếp tuyên bố hay thể hiện tham vọng đánh chiếm hay tiếp
quản miền Bắc. Vậy nên, quảng bá một vị “cha chung” của dân tộc Việt Nam là một
quyết định tương đối khó hiểu của các chính khách miền Nam Việt Nam.
Cũng theo các nghiên cứu kể trên, hình ảnh của các
Vua Hùng được sử dụng cho nhiều mục tiêu khác nhau.
Năm 1949, Quốc gia Việt Nam được thành lập dưới sự bảo
trợ của người Pháp, và ngay lập tức công nhận ngày lễ kỷ niệm Hùng Vương là một
ngày nghỉ lễ quốc gia. Năm 1951, Thủ tướng Trần Văn Hữu của Quốc gia Việt Nam
cùng các bộ trưởng của mình bay ra phía Bắc để dự lễ giỗ Hùng Vương trên đỉnh
Nghĩa Lĩnh. Tại thời điểm này, các chính trị gia thân thân Pháp cho rằng hình ảnh
có nguồn gốc “chính chủ” Việt Nam như Hùng Vương sẽ là cách tốt nhất để chống lại
luồng chủ nghĩa chính trị ngoại lai như cộng sản.
Tuy nhiên, ngay sau khi nắm quyền ở miền Nam Việt
Nam từ năm 1954, Ngô Đình Diệm quyết định không dùng ngày lễ kỷ niệm các Vua
Hùng nằm trong danh sách những ngày nghỉ lễ quốc gia (dù ông cũng không cấm các
tổ chức tư nhân tự mình tiến hành hoạt động lễ mừng). Điều này khiến nhiều người
trong giới trí thức miền Nam thời kỳ bấy giờ bất bình.
Các tổ chức như Hội Khổng-học Việt-Nam hay Hội
Chấn-hưng Tinh-thần Việt-Nam, hợp sức chủ động tư nhân hóa hoạt động mừng
ngày giỗ Hùng Vương, cũng như yêu cầu Quốc hội VNCH xem xét bổ sung ngày lễ (Thư
Kính ông Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Việt Nam / DICH/22406) [1]. Tuy nhiên,
yêu cầu này nhanh chóng bị Ngô Đình Diệm phủ quyết, khẳng định rằng Hùng Vương chỉ
là “dã sử”, không phải “lịch sử” (Thư của ông Tổng giám Công vụ gởi Ông Tổng
thơ ký Chánh phủ / Số CV/PC2, DICH/22406, NA2) [2].
Nếu cần phải giải thích cho sự kiên quyết này của họ
Ngô, có lẽ vì giống như chính quyền cộng sản, Ngô Đình Diệm cũng có tham vọng
xé mảnh phong tục tập quán phi lý tính khỏi bức tranh toàn cảnh của một Việt
Nam hiện đại.
Điều này khiến cho hệ tư tưởng của Ngô Đình Diệm rơi
vào một vị trí hết sức kỳ lạ.
Ông phản đối phong trào Tây hóa – song lại hỗ trợ
truyền bá đạo Thiên Chúa một cách mạnh mẽ.
Ông chống cộng sản, nhưng lại muốn xây dựng
danh tính chung cho nền tảng đạo đức và cá tính Việt Nam thông qua Khổng Giáo của
Trung Quốc – quốc gia vừa trở thành đầu tàu của chủ nghĩa cộng sản ở châu Á.
Năm 1963, Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu bị ám sát,
và chúng ta cũng không còn biết được liệu một “cá tính Việt Nam” đi theo tầm
nhìn của Ngô Đình Diệm sẽ phát triển như thế nào ở quốc gia hình chữ S này.
Sau khi họ Ngô bị truất quyền, các lễ hội, ngày nghỉ
quốc gia liên quan đến Hùng Vương tiếp tục trở thành một phần của các chiến dịch
tuyên truyền của VNCH. Ngày lễ kỷ niệm được chính phủ quốc gia này chính thức
trao cho Bộ Thông tin – Chiêu hồi quản lý, với mục tiêu lý thuyết nhằm thống nhất
người dân cả hai miền chống lại chủ nghĩa cộng sản; đặc biệt nhằm kêu gọi người
dân trong miền Nam chào đón, giúp đỡ người miền Bắc trốn chạy chủ nghĩa cộng sản.
***
Hình ảnh của Hùng Vương ngày nay được nhắc đến như
người thật – việc thật, là những tổ phụ bằng xương bằng thịt của người Việt Nam
cũng như đất nước Việt Nam. Hiện nay, giỗ tổ Hùng Vương luôn được xem là một
trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm, với sự tham gia của hàng loạt
lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Thay vì nhằm thể hiện nguồn gốc chung của người
dân Việt Nam trên mọi miền đất nước, ngày nay, Hùng Vương có vẻ là một hình ảnh
để mô tả sự liên tục phát triển của Việt Nam, tính chính danh và kế thừa của
nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam trong việc toàn quyền đại diện nhân
dân.
Song, như chúng ta đã phân tích ở trên, các Vua Hùng
cũng chỉ là huyền sử hư cấu mà thôi.
------------
Chú
thích:
[1][2]: Tư liệu của Trung tâm Lưu trữ Quốc gia tại
thành phố Hồ Chí Minh.
--------------------
You
may like
No comments:
Post a Comment