Tuesday, April 23, 2019

HỘI LUẬN VỀ VIỆT NAM HÓA CHIẾN TRANH (Giao Chỉ San Jose)




23/04/2019

(1) VIETNAMMIZATION ?

Việt Nam hóa chiến tranh hay là nghệ thuật rút lui có trật tự
(Giao Chỉ, San Jose.15 tháng tư-2019)

Tháng tư, 44 năm sau đại học Mỹ Texas Tech ở Lubbock tổ chức hội luận về chiến tranh Việt Nam.

Thời gian: 25 đến 27 April 2019

Địa điểm: Texas Tech University Lubbock.

Thành phần: Tổng cộng 60 người gồm các giáo sư của 20 trường đại học và các thành viên quan tâm tham dự hội thảo về 22 đề tài qua chủ đề Việt Nam Hóa chiến tranh.

Ghi nhận: Người Việt Nam trong số tham dự bao gồm cả các giáo sư từ đại học Hà Nội và Sài Gòn, các giáo sư đại học tại Hoa Kỳ, các cựu quân nhân và các viên chức chính phủ VNCH. Các ông Hoàng Đức Nhã, Nguyễn Đức Cường, Phạm Kim Ngọc, Trần Quang Minh là các tổng trưởng trong nội các đệ nhị cộng hòa. Ông bà Dương Phục, Vũ thanh Thủy là các phóng viên chiến trường. Bà Nancy Bùi Triều Giang giới thiệu phim Vietnamerica.

Với sự hiện diện của các thành phần quân dân chính miền Nam trong hội luận, chúng ta ước mong quý vị sẽ có dịp nói lên những sự thực và chỉ những sự thực quan trọng bị bỏ quên gần nửa thế kỷ. Hãy lên tiếng cho 16 ngàn tử sĩ trong nghĩa trang Biên Hòa và 250 ngàn đồng hương đã nằm dưới biển Đông. Đừng sợ lạc đề. Hãy lên tiếng cho hàng trăm chiến sĩ quân dân chánh VNCH theo gương Hoàng Diệu, Nguyễn tri Phương, Phan thanh Giản đã tự sát vào cuối tháng tư oan nghiệt 44 năm xưa.

(2) Chương trình Việt Nam hóa chiến tranh

Sau trận tấn công Mậu Thân 1968 thất bại, Hà Nội hy sinh toàn bộ quân số của phe "Giải phóng miền Nam". Nhưng kết quả danh tiếng kẻ xâm lược lại vang dội tại Hoa Kỳ. Quần chúng Mỹ, đặc biệt là phe phản chiến thán phục sự hy sinh của cộng sản. Tiếp theo Hà Nội gồng mình chịu đựng các trận mưa bom mà không đàm phán nghiêm chỉnh. Sài Gòn cũng không đưa phái đoàn tham dự hòa đàm Paris. Nixon trực tiếp yêu cầu ông Thiệu khoan tham dự để lấy điểm tranh cử. Ngày bỏ phiếu, ông Thiệu và bộ tham mưu ngồi chờ kết quả trong dinh Độc lập đã vui mừng được tin Nixon trở thành tổng thống thứ 37 của nước Mỹ. Ngay sau khi nhận chức, tân tổng thống xác định thi hành lời hứa rút quân và đưa ra chiêu bài Vietnammization. Kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh thực sự được thi hành ngay từ các năm 1969-1970. Mặt khác VNCH đồng ý gửi phái đoàn tham dự hòa đàm Paris. Mỹ giúp VN gia tăng quân số lên 1 triệu và đơn phương rút quân. Đồng thời các đơn vị về nước đã trao lại một phần trang bị và các căn cứ cho QLVNCH. Nhưng cũng giao lại gánh nặng chiến trường cho miền Nam. Để bảo đảm cho việc rút quân, Nixon đi một bước quan trọng. Trực tiếp qua Tàu nói chuyện thẳng với Mao Trạch Động năm 1971 và có được bản thông cáo Thượng Hải, Trung Cộng hứa hẹn sẽ giữ chân Hà Nội. Tiếp theo, Nixon ép ông Thiệu gửi phái đoàn đi Paris và phải ký vào hiệp định với các điều khoản tệ hại . Đổi lại ông nhận được lời cam kết riêng tư rất mơ hồ cho số phận miền Nam. Cho đến khi những người lính Mỹ cuối cùng về nước Việt Nam Hóa chiến tranh không hề có sự cam kết chính thức giữa 2 quốc gia. Không có bất cứ một kế hoạch nào mở ra cho VNCH một con đường tự lực chiến đấu. Tất cả miền Nam vẫn tuỳ thuộc vào Hoa Kỳ. Trong khi đó phía cộng sản Nga và Tàu hết lòng viện trợ tối đa cho Bắc Việt nhằm dứt điểm Sài Gòn. Điều đáng ghi nhận là năm 69-70 là thời kỳ miền Nam thành công nhất trong các chiến dịch Bình Định. Việt Nam Hóa chiến tranh khởi sự tốt đẹp nhưng mau chóng trở thành thất bại ngay sau khi hiệp định Paris được ký kết. Khi tổng thống Nixon phải từ chức cuối năm 1974, Việt Nam Hóa chiến tranh tại miền Nam rơi vào quên lãng. Sau tháng tư 1975 những phi cơ chở tỵ nạn từ đảo Guam đến LA bay ngang đầu Nixon tại vườn trại miền Nam CA, ông đã nghĩ chuyện gì.

3) Chiến tranh Việt Nam. Kể chuyện từ đầu.

Bài tham luận của người không tham dự hội luận.
Giao Chỉ San Jose. (Đại tá Vũ Văn Lộc giám đốc ủy ban Pathfinder, cơ quan phối hợp TTM và Pentagon cải tổ hệ thống yểm trợ QLVNCH)

Tham Luận

1) Trong sách trung học của Hoa Kỳ, chiến tranh Việt Nam chỉ có vài hàng ngắn ghi lại cuộc đương đầu giữa Mỹ và Việt Cộng. Hoàn toàn không đề cập đến chuyện quân dân VNCH xây dựng và chiến đấu bảo vệ miền Nam trong 21 năm.(1954-1975)

2)Lần đầu tiên Hoa Kỳ tham chiến và phải rút quân tại Việt Nam. Năm 2018 hai nhà báo Mỹ Kenburns/Lynn Novick công bố cuốn phim 10 tập thực hiện trong 10 năm với kinh phí 30 triệu Mỹ kim để giải thích tại sao Mỹ rút.

3)Nhận định rằng bộ phim Việt Nam War thêm một lần cuối đề cao kẻ chiến thắng và giải thích lý do Mỹ rút quân vì hòa bình. Việt Nam Cộng Hòa đã bị bỏ rơi trong chiến bại năm 1975 và ngày nay lại bị thua thêm một lần trên từng thước phim.

4) Cho đến nay, chưa có cuốn phim nào của cộng đồng tỵ nạn Việt Nam lên tiếng cho Việt Nam Cộng Hòa. IRCC và Dân Sinh Media San Jose sẽ thực hiện một DVD đáp ứng nhu cầu kể trên vào ngày 20 tháng 7-2019 ghi dấu 65 năm cuộc di cư lịch sử 1 triệu người từ Bắc vào Nam.

5)Hội thảo Lubbock muốn nói gì thì nói, mục đích của kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh (Vietnamization) chỉ là chiêu bài đẹp đẽ về cuộc bỏ chạy của Hoa Kỳ.

6)Nhân danh người Mỹ gốc Việt, một mặt cất tiếng Cảm ơn nước Mỹ trong chính sách mở cửa đón di dân ty nạn Việt Nam. Mặt khác phải xác định vai trò trách nhiệm thua trận tại Việt Nam. Ba mươi phần trăm lỗi từ chính phủ Mỹ và 70% do lãnh đạo Việt Nam.

7) Miền Nam bại trận 1975 không phải vì quân viện mà lý do chính là tinh thần. Sau nhiều năm cam kết, bỗng chốc sự quay lưng rõ ràng của chính phủ và quốc hội Hoa Kỳ lập tức tạo ra sự hoảng loạn kinh hoàng từ tổng thống đến các tướng lãnh và làm toàn thể một đạo quân rã ngũ, không chiến đấu. 8)Hoa Kỳ không hề chuẩn bị giúp cho VNCH tự chiến đấu. Việt Nam Hóa chiến tranh chỉ là một một kế hoạch giai đoạn của chính phủ Mỹ. Chính phủ và nhân dân Việt Nam dù là kẻ bị lừa cũng phải chịu trách nhiệm 70% và thiệt hại 100%. 9) Nhân có cơ hội nói rõ đầu dưới về chiến tranh Việt Nam dưới cái nhìn của một quân nhân VNCH, tôi trình bầy như sau:


Chiến tranh Việt Nam, kể chuyện từ đầu

1) Dân tộc và đất nước Việt Nam:
4 ngàn năm trước đã có nhiều sắc dân Việt sống ở miền Nam sông Dương tử tại miền Nam nước Trung Họa hiện nay. Gọi chung là Bách Việt. Sau đó bộ tộc Lạc Việt tách rời Bách Việt và đi xuống lập quốc ở phương Nam, tại lưu vực sông Hồng hiện nay. Mặc dù độc lập ở miền Nam nhưng cũng đã từng bị người Trung Hoa đô hộ cả nghìn năm. Đã có nhiều cuộc nổi dậy và sau cùng người Việt dành lại độc lập và mở rộng đất nước về phương Nam. Dân Việt tiến dần về miền Trung rồi vào đến miền cực Nam trong lưu vực sông Cửu Long. Nước Việt Nam ngày nay có gần 100 triệu dân và là quốc gia ven biển Thái Bình dương có bờ biển dài 3500 km.

2) Lịch sử chiến tranh:
Sau 1 nghìn năm bị Tàu đô hộ, người Việt đã chống lại nhiều cuộc xâm lăng tiếp theo của Trung Hoa. Lịch sử ghi nhận quân dân nhà Trần đã hoàn toàn tự chủ anh dũng chống lại quân Mông Cổ nhờ vận dụng quyết tâm của toàn dân trong hội nghị Diên Hồng. (Thế nước yếu lấy gì lo chiến chinh? Hy sinh.) Ngoài ra Việt Nam cũng có cuộc nội chiến Nam Bắc kéo dài 150 năm chia đôi đất nước tại con sông Gianh thuộc tỉnh Quảng Bình miền Trung. Năm 1867 Việt Nam bị người Pháp chiếm đóng và đô hộ 80 năm cho đến khi đệ nhị thế chiến chấm dứt. Trong thế chiến, Nhật đánh Pháp chiếm đóng Việt Nam. Khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, người Pháp tìm đường trở lại. Cả 2 phe Quốc và Cộng Việt Nam đều muốn đứng lên dành độc lập. Phe Cộng sản Việt Nam đã thành công lãnh đạo toàn dân đánh Pháp. Phe quốc gia cộng tác với người Pháp qua sự yểm trợ của Mỹ đánh nhau với phe cộng sản được Nga và Tàu yểm trợ. Năm 1954 Pháp thua trận Điện Biên Phủ phải ký hiệp định Genève chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải thuộc tỉnh Quảng Trị. Tiếp theo Pháp rút khỏi miền Nam và Hoa Kỳ trực tiếp thay thế xây dựng VNCH trở thành tiền đồn của thế giới tự do tại Đông Nam Á.

3) Bang giao quốc tế.
Chiến tranh Việt Nam liên quan rất nhiều đến thế giới. Thế chiến thứ 2 từ 1939 đến 1945 Nga sô dưới chế độ cộng sản là đồng minh của Hoa Kỳ. Chính Mỹ giúp nước Nga cộng sản trong chiến tranh và cả thời hậu chiến. Khi thế chiến chấm dứt, Việt Nam đã chia hai phe Quốc Cộng. Cộng sản Việt Nam đã mau chóng cướp chính quyền và dành công đầu của toàn dân trong công cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 hiệp định Genève chia đôi 2 miền Nam Bắc. Cộng sản tiến vào Hà Nội như đoàn quân chiến thắng. Miền Nam ngậm ngùi đón nhận một triệu dân di cư để cùng xây dựng 2 nền cộng hòa. Trong khi miền Nam xây dựng đất nước phồn thịnh nhân dân no ấm thì miền Bắc đưa dân chúng vào cuộc sống lầm than, đấu tố, bao cấp, cải cách ruộng đất. Chính sách độc tài tàn khốc cùng với đường lối bưng bít một chiều của cộng sản đã làm cho toàn dân khiếp đảm đồng lòng hy sinh cho cuộc chiến. Cùng với sự yểm trợ tối đa của 2 cường quốc cộng sản Nga Tầu, Hà Nội thành công trong việc vận động dân chúng vào mục tiêu xâm chiếm Miền Nam. Thay vì tấn công trực diện qua Bến Hải, cộng sản miền Bắc thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam và đưa quân qua biên giới Miên Lào. Phía Đồng Minh, Hoa Kỳ với tổng thống Eisenhower ủng hộ tổng thống Ngô Đình Diệm và nền đệ nhất Cộng Hòa. Tổng thống Kennedy nhận chức tiếp tục đoan chắc giúp miền Nam tự chiến đấu. Nhưng tình hình thay đổi toàn diện khi nền đệ nhất cộng hòa xụp đổ. Chính phủ Mỹ trách nhiệm trong việc đảo chính và hạ sát anh em tổng thống Ngô Đình Diệm. Tiếp theo Hoa Kỳ đem quân vào tham chiến nhưng chiến tranh vẫn tiếp tục kéo dài. Sau trận Mậu thân 1968, Mỹ chuẩn bị Việt Nam Hóa chiến tranh và quân lực VNCH tiếp tục chiến đấu anh dũng từ Bình Long, Kontum ra đến miền hỏa tuyến Quảng Trị. Sau trận mùa hè đỏ lửa 1972 dư luận phản chiến tạo ảnh hưởng lớn lao tại Mỹ. Nỗ lực sau cùng của Hoa Kỳ là tiếp xúc trực tiếp với Trung Cộng đẩy mạnh nghị hội Paris để rút quân.

4) Hiệp ước trong thế bại.
Trong chiến tranh Cao Ly, hội nghị Bàn môn Điếm đặt ra biên giới quốc cộng rõ ràng. Thỏa ước đình chiến được công nhận và điều quan trọng hơn hết là quân Mỹ tiếp tục đồn trú tại Nam Hàn để bảo vệ miền Nam. Trái lại bản thảo hiệp định Paris về VN là bản án tử hình cho đệ nhị cộng hòa vì cho phép 200 ngàn quân cộng sản ở lại miền Nam trên phần đất hiện hữu và Hoa Kỳ phải triệt thoái toàn diện. Hiệp ước cũng không được quốc hội Mỹ chính thức chấp nhận. Trước bản án đau thương của miền Nam, tổng thống Thiệu đơn phương chống đỡ nhưng Nixon phản ứng quyết liệt. Henry Kissinger được Nixon trao toàn quyền thương thuyết mật đàm với Hà Nội, nhân danh hòa bình bằng mọi giá tìm đường rút lui trong danh dự. Kiss nổi danh tại Hoa Kỳ và là thần tượng của phe phản chiến nhưng đồng thời với những thủ đoạn lừa bịp đã trở thành tay phản bội đồng minh Nam VN và cả 58 ngàn tử sĩ Hoa Kỳ đã hy sinh cho cuộc chiến. Tổng thống Thiệu dù nắm vững quốc hội, chính phủ và quân đội nhưng không có lựa chọn. Đành chấp nhận ký hiệp định Paris với sự cam kết đơn phương của Nixon. Tiếc thay ông không học gương tiền nhân để xây dựng hội nghị Diên Hồng vào năm 1973. Dù trách nhiệm làm mất Việt Nam 70% về phía VNCH những hội luận 44 năm sau tại Lubbock cũng là cơ hội cuối cùng để người miền Nam đặt vấn đề với công luận thế giới. Nixon đã qua đời và ông đã phải trả nợ cuộc đời chính trị bằng số mệnh của riêng ông, nhưng Kiss vẫn còn sống nên cần được nghe một lần cuối bản án của người lưu vong miền Nam dành cho ông.

5) Ủy ban Pathfinder
Vào những năm cuối của chiến tranh Việt Nam có 2 chuyện cần ghi lại. Quân đội VNCH đã nghĩ đến con đường tự chiến đấu khi Hoa Kỳ bỏ rơi. Sáng kiến lập quỹ tiết kiệm quân đội hàng tháng trích lương lính một số tiền nhỏ để xây dựng con đường tự túc tự cường.Thành lập ngân hàng quân đội. Tổ chức nhà thầu quân đội đứng ra nhận thầu cung cấp tiếp liệu quân nhu như bao cát, kẽm gai, lương khô. Mục đích có ngân khoản xây dựng công binh xưởng làm súng đạn hoặc mua vũ khí. Kết quả phía Hoa Kỳ và chính các tay tư bản Trung Hoa âm mưu đánh phá làm tổng thống và thủ tướng bỏ cuộc. Chính những vị này quay lưng lại để nội bộ Tổng Tham Mưu và bộ quốc phòng gây chiến loại bỏ các sĩ quan liên quan đến kế hoạch trở thành các con dê tế thần. Mỹ xác định với các bạn Việt Nam không cần lo xa con đường tự túc tự cường. Hoa Kỳ sẽ quân viện cho Việt Nam cho đến khi đạt chiến thắng sau cùng. Lời cam kết không bao giờ thục hiện. Đó là chuyện thứ nhất. Chuyện quan trọng thứ hai là ủy ban PathFinder thành lập tại bộ Tổng Tham Mưu phối hợp với Ngũ Giác Đài Hoa Kỳ.Thi hành công tác cải tổ hệ thống tiếp vận theo lý tưởng Việt Nam hóa chiến tranh. Thực tế đây chỉ là chương trình đồng loại hóa quân dụng và đồng loại hóa tổ chức theo chính sách mới của hệ thống quốc phòng Hoa Kỳ. Đồng loại hóa tổ chức là các nhà kho của mọi quân binh chủng đều xếp chung một chỗ. Tất cả các máy móc đều sửa chữa chung một công xưởng. Chính chúng tôi với cấp bậc đại tá được chỉ định làm chủ tịch ủy ban PathFinder. Một đại tá cao niên của Ngũ Giác đài, ông H.W. Sheriff cùng 20 chuyên viên dân chính cao cấp từ Hoa kỳ sang Việt Nam phối hợp làm việc. Chúng tôi đi khắp các chiến trường. Thăm tất cả các đơn vị từ đồn dân vệ đến tư lệnh quân đoàn. Kết quả cải tổ toàn diện hệ thống tiếp vận quân lực Việt Nam Cộng hòa. Thành lập các tổng kho. Dự trù các chương trình yểm trợ chiến trường cho từng vùng chiến thuật. Tuy nhiên thực tế không hề có một cải tiến cụ thể cho việc Việt Nam Hóa chiến tranh. Vietnamization trước sau vẫn chỉ là bánh vẽ thay đổi màu da các xác chết chiến binh. Mỹ không trang bị các vũ khí và phương tiện hiện đại cho lục quân và không quân. Bàn giao các chiến hạm lỗi thời cho hải quân sau khi tháo gỡ bớt các vũ khí tối tân.Tiếp liệu và cơ phận cạn dần nhưng không thành lập các công binh xưởng sản xuất. Mỹ ước tính quân viện sẽ giảm bớt tùy theo phần đất được bảo vệ. Tuyệt đối kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh không dành một chữ cho con đường miền Nam Việt Nam chiến đấu một mình.

6) Tổng tấn công 68 và mùa hè 72:
Trận tổng nổi dậy 1968 bất ngờ của cộng sản đã đo lường khả năng chiến đấu của miền Nam. Hơn 30 thành phố bị tấn công bất ngờ đã được giải tỏa trong vài tuần lễ. Trận chiến thắng cuối cùng của phe tự do hoàn tất tại Huế vào tháng 2. Cộng sản thảm bại trên toàn quốc và hy sinh toàn bộ các chiến binh thuộc Miền Nam. Tuyệt đối không thành phố nào có nhân dân nổi dậy. Nhưng hình ảnh chiến tranh trên TV và đặc biệt trận đặc công lọt vào tòa đại sứ Mỹ đã đưa lại chiến thắng lớn lao cho phe cộng sản. Quần chúng Mỹ hoàn toàn chống chiến tranh và ủng hộ việc rút quân. Qua năm 72 tổng thống và quân dân miền Nam đã dành được chiến thắng trên cả 3 mặt trận. Trận Bình Long ở miền Đông, trận cao nguyên ở Kontum và trận Quảng Trị nhưng Mỹ đã rút quân và không bao giờ có ý định trở lại.

7) Những ngày đau thương:
Hiệp định Geneve chia đôi đất nước năm 1954 Mỹ và phe quốc gia Việt Nam không ký, nhưng chấp nhận thì hành. Việc rút quân trong đau thương nước mắt nhưng không hề hốt hoảng kinh hoàng. Đến hiệp định Paris 1973 Mỹ long trong ký kết và thúc ép VNCH cùng ký tên chấp nhận. Tổng cộng 12 quốc gia long trọng ký bản án tử hình. Tổng thống Thiệu chiến đấu trong cô đơn và tuyệt vọng. Bây giờ Hoa Kỳ đã đem tù binh về nước. Lính Mỹ đã rút khỏi Việt Nam. Nixon đã từ chức về vườn tại California. Sau cùng chuyện phải đến đã đến. Cộng sản chiếm Phước Long. Rồi đến Ban mê Thuộc. Mỗi thành phố bị thất thủ, trong Nam ông Thiệu ngó sang Hoa Thịnh Đốn và chờ đợi. Ngoài Bắc Lê Duẩn cũng ngó qua Mỹ xem động tĩnh. Hoa Kỳ án binh bất động. Tiếp theo thảm kịch rút quân đường bộ làm tan nát quân đoàn 2. Thảm kịch rút quân đường biển làm tan nát quân đoàn 1. Không có Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ Vũng Tầu, Quảng Bình hay Hải Phòng để cứu Việt Nam như chiến trường Cao Ly. Thậm chí cũng không có B52 dội bom Hà Nội. Rõ ràng Mỹ bỏ Việt Nam. Mất chỗ dựa về tinh thần. Quân đội mất hết ý chí chiến đấu. Thực sự vẫn còn đủ súng đạn và phương tiện nhưng cả đạo quân tan hàng mà không cần lệnh đầu hàng. Cộng quân tiến vào mà tiếp thu không kịp. Đại diện Hoa Kỳ đi cùng ủy ban quốc tế bay ra Hà Nội để điều đình thời hạn rút quân với hạn chót là ngày 5 tháng 5- 1975. Mỹ thu xếp bàn giao miền Nam cho Hà Nội từ Paris năm 73. Kiss tiên đoán là Sài Gòn sẽ thất thủ sau 18 tháng. 30 tháng tư 1975 là cơn hấp hối đã kéo dài hơn thời gian dự trù. Bản nhạc giáng sinh tuyết trắng vang dội ở Sài Gòn vào cuối mùa hè 75 đã là ca khúc tuyệt vời ghi thành tích Hoa kỳ bàn giao miền Nam cho cộng sản. Vietnammization là lời hứa vĩ đại mà quê hương mới đã lừa quê hương cũ của chúng tôi. Bây giờ sau nửa thế kỷ, mọi trách cứ đều muộn màng. Chỉ kể những sai lầm cho thế hệ mai sau chiêm nghiệm. Mỹ vào Việt Nam là nhu cầu của Mỹ. Nhưng may mắn cũng là nhu cầu của chúng ta. Mỹ rút ra cũng là nhu cầu của Mỹ. Nhưng bất hạnh là chúng ta không được chuẩn bị chiến đấu một mình. Việt Nam hóa chiến tranh là chiến thuật người ta Bỏ của chạy lấy người.

Vì không chuẩn bị để tự chiến đấu, tôi làm tôi mất nước.

Ngày 30 tháng tư 75 có người góa phụ trẻ ôm đứa con thơ ngồi khóc trên xe tải. Đó là chiếc xe tang chở di hài tử sĩ về quê chồng. Ngày 30 tháng tư có cô sinh viên Sài Gòn trả lời rằng cháu đi nhận xác chồng ở nghĩa trang Biên Hòa. Vậy còn phần bác, 30 tháng tư năm 75, lúc đó bác ở đâu?






No comments: