Saturday, October 20, 2018

CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI MỸ - TRUNG & ẢNH HƯỞNG CỦA NÓ ĐỐI VỚI VIỆT NAM (Nguyễn Thanh Tâm phỏng vấn Nguyễn Vũ Bình)




Thứ Tư, 10/17/2018 - 10:56 — nguyenvubinh

Sau đây là nội dung Cuộc phỏng vấn của Chương trình Đối Diện live streams số 84, ngày 04/10/2018 của chị Nguyễn Thanh Tâm với đề tài: “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam” và nhà báo Nguyễn Vũ Bình.

     Chị Thanh Tâm: Thanh Tâm xin chào mọi người, chào nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Một lần nữa chúng ta lại gặp nhau trong chương trình Đối Diện 84 với đề tài” Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và ảnh hưởng của nó đối với Việt Nam”, chúng ta hân hạnh có sự tham gia của nhà báo Nguyễn Vũ Bình. Trước hết, Thanh Tâm xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã dành thời gian tham gia chương trình và xin mời nhà báo Nguyễn Vũ Bình chào quý khán thính giả đang theo dõi chương trình.
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Xin kính chào quý khán thính giả theo dõi chương trình, xin chào chị Thanh Tâm, tôi rất vui được tham gia chương trình Đối Diện 84, rất hi vọng sẽ đem lại chút gì hữu ích nào đó với quý khán thính giả, xin cảm ơn.

     Chị Thanh Tâm: Câu hỏi đầu tiên, nói đến chiến tranh thương mại Mỹ -Trung thì trước hết xin nhà báo cho biết chiến tranh thương mại là gì? và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có nguồn gốc từ đâu và nguyên nhân của cuộc chiến là gì?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang có sự quan tâm của toàn thế giới. Tính chất và mức độ leo thang của cuộc chiến đang ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế, cũng như của Việt Nam, vì Việt nam có sự liên quan, liên đới mật thiết tới cuộc chiến. Trước hết chúng ta cần hiểu chiến tranh thương mại là gì? Chiến tranh thương mại là cuộc tấn công thương mại bằng hàng rào thuế quan và hạn ngạch cho hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các nước với nhau. Ví dụ, chúng ta đang nhập một hàng hóa mà có thuế nhập khẩu 5%, chúng ta nâng thuế nhập khẩu lên thành 15%, tức là tăng thuế 10%. Hoặc, chúng ta đang nhập ô tô của một nước, hàng năm 10 ngàn xe ô tô, khi chiến tranh thương mại, thì chúng ta nhập có 500 xe, dựng lên hạn ngạch như vậy. Nguồn gốc của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chính là từ khi ông tỷ phú Donald. Trump lên làm tổng thống Mỹ. Ông Trump quan niệm, vị thế của nước Mỹ trước khi ông ta lên làm tổng thống chưa tương xứng với thực lực kinh tế, chính trị và quân sự của nước Mỹ. Mà nguyên nhân của việc đó là do thương mại không công bằng và cân bằng cho nước Mỹ. Tức là nước Mỹ bị thiệt hại do quan hệ thương mại, ông Trump muốn lâp lại công bằng và cân bằng thương mại cho nước Mỹ. Ông Trump thấy rằng, cán cân thương mai của Mỹ với Trung Quốc là không cân bằng, cụ thể là Mỹ nhập khẩu của Trung Quốc hơn 500 tỷ đô la, trong khi đó, Mỹ xuất vào trung Quốc chỉ có 175 tỷ đô la, như vậy là cán cân thương mại bị thâm hụt (không cân bằng). Và đối với nước khác ông cũng thấy không có sự cân bằng. Ông Trump đã đàm phán với nhiều nước để cân bằng lại cán cân thương mại. Riêng đối với Trung Quốc, ông Trump còn cho rằng, quan hệ thương mại Mỹ - Trung không có sự công bằng, vì ông Trump cho rằng Trung Quốc trợ giá cho xuất khẩu, đồng thời có việc ăn cắp các bí mật kỹ thuật, bí mật kinh doanh cũng như việc không cho các công ty Mỹ tham gia thị trường Trung Quốc bình thường như công ty Trung Quốc tham gia ở thị trường Mỹ. Ví dụ, Google, Facebook... không được tham gia thị trường Trung Quốc. Như vậy, ông Trump đã đặt vấn đề trọng tâm vào thương mại với Trung Quốc, vì thâm hụt thương mại lớn và Trung Quốc có sự gian lận thương mại. Chính vì vậy, ông Trump đã đánh thuế lên các hàng hóa của trung Quốc xuất khẩu vào Mỹ và tuyên bố một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

     Chị Thanh Tâm: Như vậy diễn tiến cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ra sao? Đâu là đích đến cuối cùng mà Mỹ nhắm tới trong cuôc chiến thương mại này?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Ngày 06/7, Mỹ đánh thuế 25% lên số hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ có tổng trị giá là 34 tỷ đô la, sau đó 2 tuần, Mỹ đánh thuế tiếp thêm 16 tỷ đô la nữa, như vậy tổng cộng đợt đầu Mỹ đánh thuế 25% lên hàng hóa có tổng giá trị là 50 tỷ đô la. Đến ngày 30/8 vừa qua, Mỹ tiếp tục đánh thuế 10% lên số hàng hóa có tổng giá trị là 200 tỷ đôla. Trung Quốc đã trả đũa, đánh thuế vào 60 tỷ đô la hàng hóa Mỹ nhập vào trung Quốc. Có thông tin, nếu Trung Quốc trả đũa, Mỹ sẽ đánh thuế tất cả các hàng hóa Trung Quốc nhập vào Mỹ, tức là đánh thuế hàng hóa có tổng giá trị hơn 500 tỷ đô la. Ngoài ra, Mỹ có những bước đi để hỗ trợ cuộc chiến, như ký lại hiệp định thương mại Bắc Mỹ với Canada và Mehico, trong đó có điều khoản, nếu nước nào ký hiệp định thương mại với những nước chưa có nền kinh tế thị trường, như Trung Quốc và Việt Nam, thì các nước kia có thể đơn phương rút ra khỏi hiệp định... Theo những động thái mới gần đây, có nhiều vấn đề mở rộng cuộc chiến thương mại, ví dụ, có thông tin nói, Mỹ sẽ cấm các quan chức Trung Quốc nhập cảnh, đóng băng tài sản, tăng đầu tư quốc phòng... đó là những động thái chuẩn bị mở rộng cuộc chiến thương mại. Có nhiều nhà phân tích nói rằng, không chỉ là cuộc chiến thương mại, mà đã sang lĩnh vực quân sự, chiến lược. Và cuộc chiến Mỹ - Trung không còn là cuộc chiến thương mại nữa. Cá nhân tôi cho rằng, quyết tâm, trọng tâm của ông D.Trump vẫn là thương mại. Nhưng cuộc chiến thương mại, vấn đề thương mại không bao giờ đi một mình, nên ông D.Trump chuẩn bị cho những vấn đề liên quan để phong tỏa và thực hiện thành công cuộc chiến thương mại. Tức là ép Trung Quốc phải chơi theo luật chơi chung, sòng phẳng, không được gian lận, và không được cấm các công ty như Google, Facebook ở Trung Quốc... Nếu trung Quốc thực hiện được đúng những việc đó thì ông D.Trump cũng thôi. Nhưng với chế độ cộng sản toàn trị hiện nay, Trung Quốc gần như không thể làm được việc đó. Họ chỉ có thể làm được việc đó nếu như có sự mở cửa về chính trị, tức là ông D.Trump không trực tiếp đánh vào chính trị, nhưng phải thay đổi về chính trị mới thực hiện được điều đó, tức là những yêu cầu về kinh tế. Chính vì vậy mà nói mục tiêu của ông D.Trump đánh vào chế độ chính trị cũng có khía cạnh đúng, nhưng nói ông ấy chỉ có mục tiêu về kinh tế cũng đúng. Tức là khi Trung Quốc chơi theo luật chơi chung, đi theo kinh tế thị trường, không gian lận, thực hiện công bằng thương mại, tức là làm ăn đàng hoàng đứng đắn thì tôi nghĩ Mỹ cũng sẽ dừng cuộc chiến. Và mục tiêu cuối cùng của mỹ trong cuộc chiến thương mại là như thế....
     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 17/10/2018
N.V.B

*
*
Thứ Năm, 10/18/2018 - 11:16 — nguyenvubinh

  ...
     Chị Thanh Tâm: Trung Quốc cũng tuyên bố sẵn sàng đáp trả, nhưng thưa nhà báo, Trung Quốc có khả năng đương đầu với cuộc chiến tranh thương mại này hay không?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Chúng ta cần hiểu, trong cuộc chiến này, Trung Quốc có gì trong tay, Mỹ có gì trong tay? Mỹ có nền kinh tế đứng đầu thế giới, với GDP 20.000 tỷ đô la/năm, một nền kinh tế thị trường phát triển mấy trăm năm, một nền kinh tế lành mạnh. Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới, với GDP là 12.000 tỷ đô la/năm, mới phát triển được mấy chục năm nay. Nhưng quan trọng là cơ chế, cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc không đi theo nền kinh tế thị trường, rất mong manh. Theo nhiều thông tin, Trung Quốc làm ra 12.000 tỷ, nhưng nợ hơn 30.000 tỷ đôla. Trung Quốc rất giống Việt Nam, là nền kinh tế Việt Nam phóng chiếu lên nhiều lần, nó không lành mạnh, vững chắc. Đấy là nói về thực lực, còn trong cuộc chiến này, hàng hóa của Mỹ vào Trung Quốc chỉ có 175 tỷ thôi, hàng Trung Quốc vào Mỹ là hơn 500 tỷ đô la. Mỹ đánh thuế mới 250 tỷ, Trung Quốc đánh 60 tỷ vừa rồi là hết không còn gì để đánh thuế. Hơn nữa, khi cuộc chiến mới xảy ra, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm rất sâu, chứng tỏ nền kinh tế rất mong manh, không lành mạnh. Nếu Mỹ cứ tiếp tục đánh thuế thì Trung Quốc cũng phải chịu. Còn sức chịu đựng của nền kinh tế Trung Quốc như thế nào, đến đâu cũng rất khó nói, khó nhận định.

     Chị Thanh Tâm: Có một câu hỏi của một khán thính giả cho nhà báo Nguyễn Vũ Bình, theo sự leo thang của cuộc chiến kinh tế, liệu có khả năng tiến tới một cuộc chiến quân sự hay không?   
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Tôi để ngỏ nhận định này, với thực lực của một nước như Trung Quốc hiện nay, nếu họ khơi mào cuộc chiến quân sự thì đúng là tự sát. Nhưng có một điểm, đối với chế độ cộng sản chúng ta không nói trước được điều gì cả. Nếu là một nước dân chủ, với nhà lãnh đạo, giới cầm quyền được nhân dân bầu lên thì phải quan tâm nguyện vong của nhân dân. Nhân dân nói chung thì nhìn ra với một cuộc chiến tranh thì không có lợi ích gì, hơn nữa nhìn trước cái thua thì nhân dân không bao giờ đồng ý. Nhưng đối với Trung Quốc thì lãnh đạo không do dân bầu lên, mà do đảng bầu lên, đảng bầu lên thì theo ý của đảng, nên chúng ta phải để ngỏ khả năng đó. Với một lo-gic thông thường, đối với một nước tiềm lực kinh tế, chính trị, quân sự thua kém nước khác, rất khó xảy ra một cuộc chiến quân sự. Nhưng đối với một nước cộng sản, chúng ta không nói trước được điều gì, bởi vì lãnh đạo của nước đó không do người dân bầu ra.

     Chị Thanh Tâm: Thưa nhà báo, tâm thế của Mỹ trong cuộc chiến này là gì? Hay nói cách khác, quyết tâm của Mỹ trong cuộc chiến này là gì?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Mỹ rất là quyết tâm trong cuộc chiến này. Chúng ta thấy, việc tuyên bố khơi mào cuộc chiến, các bước đi, việc chuẩn bị cho cuộc chiến rất đầy đủ và chu đáo. Đã nói là làm, và làm rất quyết liệt. Ví dụ việc ký lại các hiệp định thương mại với các nước, Bắc Mỹ..., rồi các quyết định gần đây chứng tỏ sự quyết tâm của Mỹ là rất cao, quyết liệt, mạnh mẽ. Mỹ sẽ đi tới cùng cuộc chiến cho dù sẽ phải trả bất kể giá nào. Tôi nghĩ hiện nay là như vậy.

     Chị Thanh Tâm: Vừa rồi nhà báo có nhắc đến người khơi mào cuộc chiến thương mại là tổng thống D.Trump của nước Mỹ, như vậy theo nhà báo vai trò của tổng thống D.Trump trong cuộc chiến là gì, và nhà báo đánh giá như thế nào về con người cá nhân ông tổng thống đặc biệt này?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Có thể nói đây là hiện tượng rất là thú vị. Ông tổng thống này rất đặc biệt, có thể nói kỳ lạ và kỳ quặc. Nói kỳ lạ và kỳ quặc nhưng mang lại lợi ích cho người dân, cho thế giới thì đó là sự thú vị. Nếu như kỳ lạ và kỳ quặc mà không mang lại lợi ích cho ai, mà hại dân hại nước thì cũng chả có gì thú vị cả. Phải nói vai trò cá nhân tổng thống D.Trump là vai trò quyết định và bao trùm. Xuất phát điểm là từ tổng thống Trump, và ông còn truyền cái quyết tâm cho chính thể, cho người dân trong cuộc chiến thương mại này. Nói về ông Trump, ban đầu ông ấy là một tỷ phú, ông ấy chưa tham gia chính trị bao giờ. Khi ông ấy tranh cử, ban đầu có sự chế nhạo của nhiều người, của các đối thủ chính trị từ đảng Dân chủ, vì cho rằng ông ấy không hiểu gì về chính trị. Ông Trump luôn nói thẳng, nói thật và rất quyết tâm. Cuối cùng ông ấy chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống. Kể cả khi ông đã làm tổng thống, nhiều người vẫn nghĩ rằng những điều khi ông nói lúc tranh cử chỉ là để tranh thủ sự bất mãn của người dân, sau khi lên tổng thống cũng sẽ làm như những người tiền nhiệm mà thôi. Không ngờ là khi làm tổng thống rồi, ông Trump đã nói cái gì là làm cái đó, ví dụ việc hủy bỏ hiệp định thương mại TPP. Như vậy, ông Trump đã nói cái gì là làm cái đó, thực hiện đúng lời hứa với người dân khi tranh cử. Phong cách của ông Trump là như vậy, riêng phong cách này đã khác với tất cả các đời tổng thống trước rồi.
     Ông D.Trump này tôi đánh giá có hai vấn đề về phong cách, chính vì hai vấn đề này, mà có sự đánh giá trái ngược nhau về ông. Phong cách thứ nhất, là ông D.Trump làm việc theo ý tưởng, theo quan niệm của ông ấy, chứ ông ấy không làm việc theo cách bài bản, lớp lang như tất cả các đời tổng thống trước. Ví dụ, các đời tổng thống trước, trong đối ngoại với một quốc gia, ví dụ Việt Nam thì phải có một chiến lược, có các chương trình, kế hoạch cụ thể, từng năm, từng quý, từng tháng, tức là phải rất bài bản, trình tự, lớp lang. Nhưng đối với ông D.Trump thì không như vậy, ông ấy làm việc theo ý tưởng, bản thân ông ấy là nhà kinh doanh và ra các quyết định theo suy nghĩ và các diễn biến, chứ không theo các chiến lược kế hoạch định trước.  Chính vì cách thức làm việc như vậy, mà cấp dưới, các cơ quan hành pháp rất khó theo. Từ trước tới nay, nhưng cơ quan và quan chức, nhân viên đều làm việc theo các chiến lược, kế hoạch bài bản. Vậy nên có rất nhiều quan chức, nhân viên không thể quen được, không thể thích nghi được với cách thức làm việc như vậy, đã phê phán tổng thống D.Trump và xin nghỉ việc. Vấn đề thứ hai về phong cách, đó là ông D.Trump rất coi thường những phát ngôn của ông trên cương vị tổng thống. Đáng ra một tổng thống thì việc phát biểu, phát ngôn phải cẩn trọng, chau truốt, nhưng ông D.Trump không đặt vấn đề quan trọng việc này. Có những điều ông Trump nói, sau đó lại nói ngược lại... chính điều này làm cho những người mô phạm, những nhà đạo đức rất khó chịu... nhiều người đánh giá những phát biểu như vậy là lôm côm.
     Hai điều về phong cách của tổng thống D.Trump đã tạo ra một trạng thái kỳ lạ ở nước Mỹ, những người ủng hộ tổng thống thì ủng hộ hết lòng, những người ghét ông Trump thì ghét cay ghét đắng. Nhưng kết quả sự lãnh đạo của tổng thống D.Trump là nền kinh tế Mỹ phát triển, các chỉ số như tăng trưởng kinh tế tăng, tỷ lệ thất nghiệp giảm, thị trường chứng khoán tăng điểm... đó là những chỉ số căn bản để đánh giá năng lực lãnh đạo đất nước của một tổng thống, những vấn đề khác, cũng quan trọng nhưng không phải cơ bản và quan trọng nhất. Phong cách làm việc của tổng thống Trump, làm việc theo ý tưởng và quan niệm làm cho cấp dưới khó nắm bắt, đoán biết được việc của tổng thống, đó là mặt bất tiện, bất cập. Tuy nhiên, mặt tích cực của vấn đề này lại là đối thủ của ông Trump, các nước không có thiện chí với Mỹ cũng sẽ không đoán biết được ý đồ và việc làm của tổng thống D.Trump. Trung Quốc và Việt Nam là những nước có nhiều kinh nghiệm trong việc đoán biết, tác động có tính chất thao túng đối với các đời tổng thống trước đây, nhưng đến ông D.Trump thì không làm được việc đó nữa, vì không hiểu nổi đường đi nước bước cũng như cách thức làm việc của tổng thông D.Trump. Tổng quát lại, tất cả những việc ông tổng thống D.Trump đã làm đều mang lại lợi ích cho nước Mỹ, người dân nước Mỹ. Đối với thế giới thì ông ta đang thiết lập lại luật chơi chung, nghiêm túc, đàng hoàng. Đó là đánh giá chung về ông tổng thống D.Trump...
     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 18/10/2018
N.V.B

*
*
Thứ Sáu, 10/19/2018 - 10:53 — nguyenvubinh
  ...
     Chị Thanh Tâm: Thanh Tâm đồng ý với nhận định của nhà báo Nguyễn Vũ Bình về tổng thống D.Trump. Theo Thanh Tâm thì những tính cách khó đoán, khó lường của tổng thống D.Trump chính là lợi thế của ông ta trước đối thủ. Thưa nhà báo, hệ thống tuyên truyền của Việt Nam đang lên án chủ nghĩa đơn phương, có nghĩa là việc tổng thống Mỹ gây ra cuộc chiến thương mại thay đổi xu thế đa phương của thế giới. Nhà báo có đồng ý với nhận định này hay không? Và tại sao?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Báo chí ở Việt nam có đang phê phán chủ nghĩa đơn phương đang nổi lên ý nói nước Mỹ đang tấn công Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa là muốn thiết lập chủ nghĩa đơn phương. Điều này không đúng, tôi không đồng ý quan điểm như vậy. Chúng ta phải hiểu đơn phương với đa phương, bây giờ nó không còn khối nước tư bản và khối nước Xã hội Chủ nghĩa nữa. Vì vậy, không phải việc Mỹ tấn công Trung Quốc là tiêu diệt chủ nghĩa đa phương, thiết lập xu thế đơn phương. Chúng ta biết hiện nay, về kinh tế có mấy đầu tầu kinh tế là Mỹ, châu Âu, Nhật bản, và bây giờ thêm Trung Quốc. Đặt giả sử Trung Quốc bị Mỹ tấn công thương mại, có vấn đề gì sa xẩy, thì thế giới vẫn còn ba đầu tầu kinh tế, vẫn là đa phương. Còn quan niệm về chính trị trên thế giới không còn quan niệm về tư bản và XHCN như trước nữa, các nước hội nhập, đều là thành viên Liên Hợp Quốc như nhau. Mỹ cũng chỉ là một quốc gia trong Liên Hợp Quốc, còn trong thường trực Hội Đồng Bảo An có 5 nước tất cả. Cho nên không thể nói là chuyển thành chủ nghĩa đơn phương được.

     Chị Thanh Tâm: Thưa nhà báo, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế toàn cầu?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Dòng chảy của hàng hóa trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng. Đây là hai quốc gia có nền kinh tế đứng đầu thế giới, một quốc gia xếp thứ nhất, một quốc gia thứ hai. Sự giao thương hàng hóa bị tắc nghẽn do hai nền kinh tế lớn nhất nhì xảy ra chiến tranh thương mại. Thứ hai, đối với các doanh nghiệp có hàng xuất nhập khẩu bị đánh thuế trong cuộc chiến sẽ không bán được hàng hóa, nhà máy đóng cửa, phá sản, công nhân bị sa thải. Thứ ba, đối với những hàng hóa là nguyên liệu đầu vào của các hàng hóa khác (ví dụ như thép) bị đánh thuế, sẽ ảnh hưởng tới những hàng hóa có sử dụng hàng hóa đầu vào là nguyên liệu này. Như vậy, nó ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng hàng hóa trên thế giới. Nó sẽ làm thay đổi cấu trúc ngành nghề. Tuy nhiên, tổng giá trị các hàng hóa bị đánh thuế của cả hai bên chỉ khoảng 700 tỷ đô la, so với hàng chục ngàn tỷ đô la giá trị hàng hóa đang lưu thông trên thế giới thì ảnh hưởng của nó cũng không phải ghê gớm quá, không phải mang tính chất đảo lộn nền kinh tế thế giới, mà chủ yếu ảnh hưởng ở hai quốc gia tham gia cuộc chiến.

     Chị Thanh Tâm: Việt Nam có mối quan hệ kinh tế như thế nào với hai cường quốc đang trong cuộc chiến tranh thương mại này, thưa nhà báo?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Việt Nam có mối quan hệ rất mật thiết với hai cường quốc này. Có lẽ ít có, không có nước nào có mối quan hệ kinh tế mật thiết như Việt Nam với hai quốc gia đang tham gia cuộc chiến thương mại như vậy. Hàng hóa của Việt nam xuất khẩu vào Mỹ là 41 tỷ đô la năm 2017 vừa qua, nhập khẩu từ Mỹ là 9 tỷ đô la, thặng dư thương mại là khoảng 32 tỷ đô la. Đối với Trung Quốc, thì nhập hàng hóa là 58 tỷ, còn xuất sang Trung Quốc là 35 tỷ, cán cân thương mại Việt Nam bị thâm hụt khoảng 23 tỷ. Đấy là số liệu chính thức, còn Việt Nam có biên giới chung với Trung Quốc nên hàng nhập tiểu ngạch rất lớn, không thể thống kê chính xác được. Có nguồn tin nói, thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc là 40-50 tỷ đô la, chứ không phải 23 tỷ như con số thống kê chính thức. Việt Nam có cấu trúc, nền tảng, cơ chế kinh tế giống Trung Quốc cũng thể hiện sự mật thiết của hai nền kinh tế. Với Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Như vậy, nền kinh tế Việt nam rất gắn bó với nền kinh tế hai nước, hai cường quốc đang có chiến tranh thương mại.

     Chị Thanh Tâm: Hiện nay, Trung Quốc đang có xu hướng di tản các doanh nghiệp Trung Quốc sang các nước như Myanma, Việt Nam, Campuchia, Lào, các nước có nguồn lao động giá rẻ, giá cả đất đai và tiêu chuẩn môi trường thấp, quan trọng hơn để họ tránh chính sách thuế của Mỹ áp đặt cho hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Như vậy, cách làm này của Trung Quốc liệu sẽ đem lại những lợi ích và khó khăn nào cho Việt Nam?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Cuộc chiến thương mại đưa dến lợi ích cho Việt Nam, cụ thể nhất, đó là hàng hóa giống Trung Quốc, thay thế Trung Quốc không bị đánh thuế sẽ tiêu thụ được tốt hơn ở thị trường Mỹ. Cùng một loại hàng hóa, Việt Nam không bị đánh thuế, thì sẽ có ích ngay lập tức. Nhưng Việt Nam có mối lo rất lớn là việc Trung Quốc sẽ tuồn hàng qua ngả Việt Nam để xuất sang Mỹ (điều này bao hàm cả việc các doanh nghiệp Trung Quốc di dời sang Việt Nam, mang theo máy móc, nguyên liệu sang Việt nam sản xuất). Nếu điều này xảy ra, và bị Mỹ phát hiện thì Mỹ sẽ đánh thuế hàng hóa Việt Nam giống như của Trung Quốc. Việc tuồn hàng từ Trung Quốc sang có mấy lý do, Việt Nam và Trung Quốc giáp nhau, việc vận chuyển hàng hóa, di dời nhà máy rất thuận lợi. Thứ hai, mối quan hệ mật thiết giữa hai đảng cộng sản sẽ dễ dàng cho việc bật đèn xanh để hàng hóa Trung Quốc tuồn qua Việt Nam. Nhưng điều quan trọng và khó khăn nhất vẫn là do Việt nam không thể kiểm soát được tình hình, tức là các doanh nghiệp cả Trung Quốc và Việt Nam thấy mối lợi, móc ngoặc với nhau để tuồn hàng mà hệ thống kiểm tra, giám sát của Việt Nam yếu kém, lại bị tham nhũng, hối lộ đút lót nên không thể kiểm soát nổi...
     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 19/10/2018
N.V.B

*
*
Thứ Bảy, 10/20/2018 - 10:18 — nguyenvubinh

...
     Chị Thanh Tâm: Như vậy, nhận định cuối cùng của nhà báo về cuộc chiến thương mại Mỹ -  Trung sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam, ngắn hạn, dài hạn và xu hướng của nó có thể ra sao, thưa nhà báo?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Đây là chủ đề quan trọng nhất, cái mà chúng ta mới nhìn thấy, đầu tháng 7, khi mà Mỹ áp đặt thuế lần đầu, tức là 25% lên tổng giá trị hàng hóa 50 tỷ đô la của Trung Quốc. Chúng ta thấy Việt Nam bị ảnh hưởng ngay lập tức, thị trường chứng khoán bị tuột dốc, giá đô la tăng lên. Cụ thể là, giá đô la trước đó là 1 đô la đổi được 22.700 đồng, khi cuộc chiến thương mại xảy ra, giá đô là tăng lên 1 đô la đổi được 23.400 đồng. Chỉ số VN Index của Việt Nam đang từ 1.200 điểm xuống dưới 1000 điểm. Như vậy, Việt Nam không phải nước tham gia cuộc chiến, chỉ bị ảnh hưởng mà nặng nề như vậy. Lý do là, nền kinh tế của Việt Nam giống y như Trung Quốc, từ cơ chế, cấu trúc, nền tảng đến triết lý và cách thức vận hành. Trung Quốc thị trường cũng bị chao đảo ngay sau khi Mỹ tiến hành chiến tranh thương mại, và Việt nam cũng lập tức bị ảnh hưởng theo. Lý do nữa là nền kinh tế Việt nam rất mong mạnh, sự mong manh này xuất phát từ nền kinh tế èo ọt, nợ gấp 3 lần GDP. Việc làm ăn,kinh doanh và cuộc sống của người dân cực kỳ khó khăn, khủng hoảng.
     Chúng ta cần có một câu hỏi quan trọng nhất: tại sao Mỹ không tiến hành chiến tranh thương mại với Viêt Nam? tại sao Mỹ không đánh thuế hàng hóa của Việt Nam? Việt Nam có nền kinh tế giống Trung Quốc, cũng xuất siêu vào Mỹ và thặng dư thương mại là 32 tỷ đô la mà tại sao Mỹ lại không áp thuế giống như với Trung Quốc? Các nhà chiến lược cần đặt ra câu hỏi này. Theo quan điểm của tôi là, Việt Nam vẫn đang được ưu ái vì vị thế địa - chiến lược của Việt Nam, một nước giáp với Trung Quốc. Theo tôi, ông D.Trump đang để thời gian cho Việt Nam lựa chọn, lựa chọn đồng minh, lựa chọn chiến tuyến. Có thể xảy ra ba tình huống, một là Việt Nam theo Mỹ, điều này không cần nói nhiều về sự tốt đẹp, hai là theo Trung Quốc, và ba là đi hàng hai, điều đã và đang xảy ra. Nếu cứ tiếp tục đi hàng hai, thêm một thời gian ngắn nữa, Mỹ không thuyết phục được Việt Nam là đồng minh, thì Mỹ sẽ thực hiện cuộc chiến tranh thương mại với Việt Nam. Bởi vì hiện nay, Mỹ với Trung Quốc đang trong cuộc chiến, Việt Nam tuy đi hàng hai, nhưng mọi mặt bị khống chế bởi Trung Quốc, và có thể nói, Việt Nam là một đàn em của Trung Quốc. Mỹ đang ưu ái để lôi kéo Việt Nam, nếu Việt Nam không thể hiện rõ thái độ, mà cuộc chiến leo thang khốc liệt, nếu đến giai đoạn cuối cùng, quyết liệt nhất, Việt Nam sẽ theo Trung Quốc, mà như vậy, một đồng minh của kẻ thù, nếu có thể tiêu diệt được, họ sẽ tiêu diệt trước. Cho nên, thời hạn để cho Việt Nam đi hàng hai, không dứt khoát sắp hết rồi. Đấy là vấn đề quan trọng nhất mà ảnh hưởng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đến Việt Nam, đó là Việt Nam phải lựa chọn chiến lược, theo Mỹ hay theo Trung Quốc?
     Cụ thể như chúng ta biết, hàng hóa Trung Quốc bị đánh thuế, mà hàng Việt nam giống như vậy không bị đánh thuế, chúng ta sẽ có ưu thế, có lợi. Hàng hóa Trung Quốc không bán được sang Mỹ sẽ tràn xuống Việt Nam, nhiều người nói số lượng hàng hóa này sẽ bóp chẹt nền sản xuất trong nước, điều này chỉ đúng một phần. Nền kinh tế Việt Nam rất èo ọt, nếu như không có lượng hàng hóa 50-70 tỷ đô la tràn vào Việt Nam với giá rẻ, thì với tốc độ in tiền như hiện nay, Việt Nam đã siêu lạm phát từ lâu rồi. Tức là nền kinh tế Việt Nam sản xuất không đủ đáp ứng tốc độ in tiền hiện nay, nếu không có 50-70 tỷ hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc vào trung hòa số tiền in ra, thì mỗi năm không phải là lạm phát 20-50% như hiện nay, mà sẽ là hàng nghìn phần trăm ngay lập tức. Vậy nên hàng hóa Trung Quốc vào Việt nam đã tương đối bão hòa rồi, nếu có thêm cũng không có vấn đề gì lớn. Ảnh hưởng lớn, về cụ thể, là hàng hóa Trung Quốc tuồn sang để xuất sang Mỹ qua ngả Việt Nam mà chúng ta không kiểm soát nổi. Nhưng điều đó vẫn không quan trọng bằng vấn đề lựa chọn chiến lược của Việt Nam, đi bên nào trong cuộc chiến này? Đây là câu hỏi phải có câu trả lời, trước đây chưa có cuộc chiến thì Việt Nam có thể đu dây, đi hai hàng, ba hàng mà các nước lớn chưa đặt vấn đề, còn để kệ. Bây giờ là cuộc chiến giữa hai cường quốc, không còn chuyện Việt Nam có thể đi hai hàng được nữa, Trung Quốc không để vậy mà Mỹ cũng sẽ không để như thế.

    Chị Thanh Tâm: Có một khán thính giả có câu hỏi cho nhà báo, cuộc chiến tranh thương mại này có phải là bước đầu của cuộc chiến tranh quân sự ở biển Đông? nhà báo nghĩ gì về chuyện này?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Cũng có thể, đây là vấn đề để ngỏ, tôi đã nói từ trước. Trung Quốc đã có những hành động không đúng đắn ở biển Đông, các nước trên thế giới rất bất bình. Bây giờ thế giới tập trung giải quyết vấn đề biển Đông, trước hết là ngăn không choTrung Quốc xây dựng tiếp, và có thể ép Trung Quốc để vô hiệu hóa các đảo đó. Với thực lực hiện nay của Trung Quốc, yếu kém hơn mọi mặt so với Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ, nếu Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh quân sự, đó là hành động tự sát. Chúng ta không thể dự đoán được, vì như tôi nói lúc trước, nếu là một nước dân chủ, một nền dân chủ thì Trung Quốc không bao giờ để xảy ra chiến tranh, nhưng Trung Quốc là nước cộng sản, và cộng sản thì không ai nói trước được, lãnh đạo của họ không do dân bầu lên, nên có thế xảy ra bất cứ điều gì.

     Chị Thanh Tâm: Một khán thính giả đặt câu hỏi, nhà báo Nguyễn Vũ Bình bình luận thế nào về mức độ thao túng của đảng cộng sản Trung Quốc lên cộng sản Việt Nam và hệ lụy của nó?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Việc thao túng của cộng sản Trung Quốc lên cộng sản Việt Nam chúng ta đều biết, rất nhiều vấn đề, từ việc người dân đi biểu tình chống Trung Quốc bị bắt bớ, đánh đập; rồi thềm lục địa của chúng ta có dầu, mà chúng ta không được khai thác, đã có mấy công ty phải bỏ chạy, Trung Quốc đã đưa các công ty vào khai thác trong khi thềm lục địa thì đương nhiên là của chúng ta. Ngư dân Việt Nam bị bắt bớ đánh đập rất nhiều... rồi mở cửa Lạng Sơn, Quảng Ninh cho du lịch 0 đồng đi ô tô thông suốt từ Trung Quốc sang các tỉnh biên giới... vấn đề đặc khu, dùng tiền Trung Quốc ở các tỉnh biên giới... sự thao túng đó là tuyệt đối và ảnh hưởng rất nặng nề tới Việt Nam.
     Có một khán thính giả hỏi rằng: xin hỏi đồng nhân dân tệ lưu hành ở các tỉnh biên giới ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam? Xin trả lời, ảnh hưởng về cụ thể chưa thể hiện rõ, nhưng ảnh hưởng về pháp lý, tức là chủ quyền về đồng tiền, mỗi quốc gia chỉ có một đồng tiền lưu hành, bây giờ cho lưu hành nhân dân tệ tức là một quốc gia có hai đồng tiền lưu hành. Thứ hai, bây giờ 7 tỉnh biên giới có đồng nhân dân tệ lưu hành, người dân tiêu tiền đó, nếu nó vào sâu hơn thì làm sao kiểm soát được? Nên dần dần sẽ thấm dần, như tằm ăn lá dâu và sau này có khi đồng nhân dân tệ tiêu thay đồng Việt Nam. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng.

     Chị Thanh Tâm: Có một câu hỏi của khán thính giả, nhà báo có đề xuất ý tưởng gì giúp hạn chế sự lệ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc hay không?
     Nhà báo Nguyễn Vũ Bình: Bây giờ nền kinh tế, guồng máy kinh tế, tư tưởng của nhà cầm quyền đang đi theo con đường như vậy, thì thứ nhất, mình đề xuất ý tưởng họ có nghe không, có áp dụng không? Thứ hai, có áp dụng nhưng liệu có thay đổi được cả một guồng máy mà nền kinh tế đang đi theo con đường như vậy hay không? Chúng ta biết ý tưởng rất nhiều, thậm chí rất dễ, đã có nhiều người góp ý rồi nhưng nhà cầm quyền không có nghe theo, không áp dụng. Và thậm chí có áp dụng thì với những vấn đề cơ bản như hiện nay nó có giá trị gì không?

     Chị Thanh Tâm: Thanh Tâm xin chấm dứt chương trình Đối Diện 84 ở đây, một lần nữa xin cảm ơn nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã tham gia chương trình, cảm ơn quý khán thính giả theo dõi chương trình, xin hẹn gặp lại trong các chương trình Đối Diện tiếp theo./.
     (hết)

Hà Nội, ngày 20/10/2018
N.V.B







No comments: