Cổ-Lũy
October 11, 2017
Đầu năm 2017, khi cột báo này trở lại báo Người Việt
người viết giới thiệu những nghiên cứu năm trước của Giáo Sư Mark Beeson,
chuyên gia về Châu Á và chính trị quốc tế, với chú trọng vào chính trị, kinh tế
và an ninh vùng “Asia-Pacific/Châu Á-Thái Bình Dương.” Trước khi về viện Đại Học
Western Australia, ông từng giảng dạy và làm khoa trưởng bang giao quốc tế ở một
số đại học Anh, cùng làm việc tại trung tâm Nghiên Cứu Cao Đẳng, viện Đại Học
Freiburg, Đức. Ông là tác giả 150 nghiên cứu và sách vở, sáng lập chuyên san
Critical Studies of the Asia-Pacific. Ông đều đặn cho xuất bản những công trình
nghiên cứu thẩm quyền và viết cho báo Asia Times về bang giao quốc tế và khu vực
Asia-Pacific.
Năm 2016 ông đưa ra năm nghiên cứu về chính trị và
ngoại giao Trung Quốc. Công trình thứ sáu cuối năm đặt nhiều câu hỏi về bang
giao Mỹ-Trung và cố gắng đưa ra một số trả lời. Liên hệ giữa hai siêu cường thượng
đỉnh (dựa trên kích thước kinh tế, quân sự, chính trị cùng ảnh hưởng văn hóa
tràn ngập – và tham vọng bá chủ) là đề tài vô cùng quan trọng cho cả thế giới;
hệ quả từ đây có thể nói là rất sâu đậm và lâu dài riêng trường hợp Việt Nam.
Bài kỳ trước đưa ra những nét tổng quan của Giáo Sư
Beeson về vùng Asia-Pacific và Hoa Kỳ trong thời điểm 2017 và tương lai. Người
viết trình bày thêm về bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội Mỹ đưa đến việc
ông Donald Trump thắng cử bất ngờ và lên làm tổng thống. Cột báo tiếp tục trình
bày công trình nghiên cứu mới nhất của ông năm nay; tuy nhiên, người viết xin
đưa ra trước những nét tổng quát về chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ cùng những
giải thích cần thiết và góp ý nhỏ bé.
Một cái
nhìn về đường lối ngoại giao Mỹ
Từ thời bắt đầu tranh cử, ông Trump liên tục phát
ngôn một cách hàm hồ về “America first/Nước Mỹ trên hết” hoặc “Nước Mỹ trước hết.”
Cử tri bình thường nghe khó có thể hiểu khẩu hiệu này sẽ được chuyển dịch thành
chính sách như thế nào. Tuy nhiên, nó rất “ăn khách” với đám da trắng nhỏ bé,
thiếu hiểu biết lẫn học thức, nhưng đầy kỳ thị chủng tộc và phẫn nộ. Đám “ủng hộ
trung kiên/base” của ông Trump này còn hung hăng hơn cả đám da trắng tương tự
trong phong trào Tea Party kịch liệt chống đối tổng thống Mỹ da đen đầu tiên
Barack Obama từ thời ông mới nhậm chức. Theo đám “base,” khẩu hiệu hướng về đặt
để người Mỹ và Hoa Kỳ trước hết, lo chuyện nhà, mặc kệ người và nước ngoài (đường
lối hay khuynh hướng “isolationism/cô lập”). Khẩu hiệu cũng có thể gồm ý nghĩa
kinh tế và chiến lược hung hăng (đường lối hay khuynh hướng
“interventionism/can thiệp”) với “nước Mỹ trên hết” toàn thế giới.
Đây gần giống (tuy ở mức độ rộng lớn gấp bội) vị thế
“cô lập” khá mập mờ và mâu thuẫn Tổng Thống James Monroe đưa ra năm 1823 qua
“Chủ Thuyết Monroe/Monroe Doctrine:” “Châu Mỹ là của người Mỹ/America is for
Americans” xác nhận “cô lập,” nhưng lại khẳng định đế quốc Mỹ làm chủ hết Châu
Mỹ, các đế quốc Châu Âu không được léo hánh tới. Hoa Kỳ lại “cô lập” sau khi
tham gia vào Thế Chiến 1 (1914-1918) ở Châu Âu – vì bị trí thức và người trong
nước tố cáo làm giầu bằng chiến tranh. Sau Thế Chiến 2 (1939-1945) ở cả Châu Âu
và Châu Á, Hoa Kỳ thành nước giầu mạnh nhất thế giới, nhưng lại “hoảng sợ trước
đe dọa Cộng Sản” từ đồng minh (trong Thế Chiến) Liên Xô lạc hậu, tan nát và kiệt
quệ – và từ đây đi tới Cold War. Sau 40 năm Cold War/Chiến Tranh Lạnh (bắt đầu
ngay năm 1947) Hoa Kỳ thành siêu cường độc nhất thế giới – ở một vị trí, dù muốn
hay không, khó mà “cô lập” được, và cũng khó có thể gọi là “cọp giấy.”
Hơn 40 năm ở Hoa Kỳ, chúng ta chứng kiến nhiều tranh
cử tổng thống, trong đó những ứng viên thường cho thấy khuynh hướng đối ngoại của
mình – cũng thường dựa vào kết quả tốt hoặc xấu của đường lối do tổng thống đi
trước theo đuổi. Nhiều khi ứng viên đắc cử thay đổi đường lối khi lên cầm quyền;
hoặc chọn đường thứ ba “realism/thực tiễn,” uyển chuyển bao gồm hai đường lối
trái ngược nhau nói trên. Ví dụ: Chính quyền Trump non yếu cho tới nay vẫn theo
đường “cô lập.” Đây khác hẳn đường “can thiệp” của chính quyền non yếu George
W. Bush (con) chịu ảnh hưởng “can thiệp” hùng hổ của Phó Tổng Thống Dick Cheney
và Bộ Trưởng Quốc Phòng Donald Rumsfeld. Hai ông này từng làm lớn trong chính
quyền Ronald Reagan thời 1980; cả ba mang tham vọng chuyển hóa khuynh hướng “cô
lập” trong nước ngay sau thất bại đau đớn ở Việt Nam.
Tổng Thống Barack Obama, phải đối phó với kinh tế kiệt
quệ, một phần từ cuộc chiến “chống khủng bố toàn cầu” của chính quyền
Bush-Cheney, chọn đi theo hướng “cô lập” và thu hẹp cuộc chiến ngoài nước trước.
Sau khi đạt một phần những mục tiêu về “công bình trong xã hội/social justice”
trong nước (như y tế cho mọi người, cải tổ tài chính nhằm bảo vệ người dân tiêu
thụ, bảo toàn môi sinh, mở rộng giáo dục), ông chuyển đường “thực tiễn” qua
chính sách “Chuyển trục về Châu Á/Pivot” với Hiệp Định Mậu Dịch Xuyên Thái Bình
Dương/TPP – mà ông Trump gạt bỏ ngay ngày đầu nhiệm kỳ.
Càng bị đa số
dân Mỹ chống đối liên tục từ khi lên cầm quyền, ông Trump càng muốn dẹp bỏ hoặc
đảo ngược những gì ông Obama đã đạt được – với mục tiêu rõ ràng: triệt hạ thành
quả đáng kể của tổng thống da đen Mỹ đầu tiên để làm vừa lòng và giữ được ủng hộ
của đám “base” không ưa người da mầu và ghét bỏ người da đen.
Hoa Kỳ:
“Cọp giấy” trong vùng?
Một chút lịch sử: Năm 1949, cuộc “nội chiến” giữa
“quân đội nhân dân” của Mao Trạch Đông và phe Tưởng Giới Thạch “quốc gia” đi đến
kết thúc rõ rệt. Phe “quốc gia” phong kiến, tham nhũng, thiếu “hỗ trợ của nhân
dân” nhưng có Mỹ yểm trợ vật chất mạnh, chạy khỏi lục địa ra đảo Formosa lập
thành “nước” Đài Loan. Chính quyền Trung Quốc “có căn bản nhân dân” tiếp tục cuộc
“trường chinh” xã hội chủ nghĩa bình đẳng trong nghèo đói, cùm kẹp. Trung Quốc
đi qua ba cuộc chiến với Hoa Kỳ, gián tiếp ở Trung Quốc, trực tiếp và đẫm máu ở
bán đảo Triều Tiên, và lại gián tiếp ở Việt Nam. Ba cuộc chiến cũng mang nhiều
tính cách ý thức hệ (từ “quốc gia/ái quốc, giải phóng đất nước” rồi sang “xã hội
chủ nghĩa” chống “tư bản chủ nghĩa.” Nay lại với tinh thần quốc gia, nhằm trở lại
vị thế siêu cường lịch sử của mình, Bắc Kinh vẫn xem Hoa Kỳ như “con cọp giấy”
– nhất là với Tổng Thống Trump, tuy “mánh mung” nhưng non nớt về nhiều mặt và
chẳng chịu học học hỏi gì hết. Qua thời gian tranh cử và chín tháng tại chức,
giới truyền thông nhận xét ông không biết nhiều lịch sử sơ đẳng về nước Mỹ,
chưa nói gì những đường lối, chính sách ngoại giao rối rắm. Ông là người quen
làm ăn thương mại, thực tế và chỉ nhìn vào kết quả – không mấy bận tâm về
phương tiện dẫn đến kết quả, miễn có lợi cho mình và gia đình mình là được.
Theo tự điển lớn Wikipedia trên mạng, trong văn hóa
người Hoa cổ xưa, chữ “cọp giấy” được dùng để mô tả một người hay thế lực có vẻ
đầy đe dọa bên ngoài nhưng thật sự không đủ sức chống chọi những thử thách. Năm
1946, trong thời kháng chiến chống phe Hoa Kỳ-Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Mao Trạch
Đông, qua một cuộc nói chuyện với nữ phóng viên Mỹ Anna Louise Strong, dùng
danh từ “cọp giấy/paper tiger” để chỉ bom hạch nhân mà những thế lực “phản động”
dùng để đe dọa người khác – trông thì ghê gớm nhưng thực tế chẳng mấy đáng sợ.
Mười năm sau, ông Mao nhắc lại mọi thế lực phản động là cọp giấy, “thực dân Mỹ
bề ngoài thật ghê gớm, nhưng thực tế chẳng có gì đáng sợ;” nó là “cọp giấy/paper
tiger” vì hoàn toàn “tách rời khỏi nhân dân.” Đầu năm 1973, khi gặp gỡ “đi đêm”
với cố vấn an ninh sau là Ngoại Trưởng Henry Kissinger của Tổng Thống Cộng Hòa
Richard Nixon, ông Mao nhận mình là người phát minh ra chữ Anh “paper tiger.” Từ
đây người Tây Phương hiểu “paper tiger” như khẩu hiệu của chính quyền Mao chống
lại đối thủ Mỹ.
Kỳ tới, ông Beeson sẽ cho thấy cái nhìn xem Hoa Kỳ với
chính quyền non yếu Trump có phải là một “paper tiger” chăng. Theo ông, sự kiện
vùng Asia-Pacific “có một tính chất đặc thù” phản ánh “những hoàn cảnh/yếu tố
ngẫu nhiên” không phải là chuyện lạ. Những tiến hóa, biến chuyển trong vùng về
mặt chính trị, kinh tế, và ngay cả các định chế chiến lược, “ảnh hưởng vào đường
lối Hoa Kỳ gắn bó với vùng này.” (Cổ-Lũy)
---------------------------
September 27, 2017
September 20, 2017
No comments:
Post a Comment