Friday, October 13, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 12/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Triều Tiên có thể bắn tên lửa tầm ngắn tuần tới --- Chủ đầu tư Hàn Quốc phản đối Triều Tiên tự mở cửa lại KCN Kaesong --- Công nhân xuất khẩu của Triều Tiên bị khước từ visa


Triều Tiên đang chuẩn bị bắn nhiều tên lửa tầm ngắn trong thời gian gần ngày 18/10, ngày khai mạc đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra 5 năm 1 lần, theo tin của một nhật báo Hàn Quốc.

Hai quân đội Hàn Quốc và Hoa Kỳ gần đây đã phát hiện khoảng 30 tên lửa Scud được đưa Hwangju, phía nam thủ đô Bình Nhưỡng đến một cơ sở bảo trì tên lửa ở thành phố bờ biển miền tây Nampo, tờ Nhật báo Kinh doanh châu Á đặt ở Seoul cho biết, trích dẫn một người không nêu danh tính.

Một tin của Express.co.uk nói người ta nghĩ rằng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tức giận với Trung Quốc sau khi đất nước đồng minh duy nhất của Triều Tiên đã đứng về phe của Tổng tống Mỹ Donald Trump tiến hành trừng phạt Triều Tiên.

Các tên lửa tầm ngắn phóng từ Nampo có thể đánh được các mục tiêu như Đại Liên (cách hơn 520 km) hay Thanh Đảo (cách hơn 320 km) của Trung Quốc. Trên thực tế, nhà lãnh đạo độc tài ở Bình Nhưỡng có thể ra lệnh phóng chúng ra biển.

Hành động của Triều Tiên có thể là một thông điệp đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng Triều Tiên vẫn là một thế lực không thể bỏ qua.

Tuy việc phóng hàng chục tên lửa tầm ngắn cùng một lúc là điều bất thường, song việc này không phải là chưa từng diễn ra. Tháng 3/2014, chế độ của ông Kim Jong Un đã bắn 71 quả tên lửa như vậy trong một tuần.

Một động thái như vậy cũng cho thấy Triều Tiên có khả năng ra sao về tiến hành nhiều hình thức khiêu khích. Trong vài tháng gần đây, họ đã thử các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới đại lục Mỹ.

Theo nhật báo Hàn Quốc, việc phóng các tên lửa còn có thể là hành động phản đối các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, trong đó huy động cả các khí tài quan trọng của Mỹ như tàu sân bay.

Triều Tiên đã làm dấy lên những quan ngại nghiêm túc về khả năng nổ ra Thế chiến III khi nước này tiến hành một loạt các cuộc thử tên lửa năm nay, trong đó có loại tên lửa đan đạo liên lục địa Hwasong-14 có thể đánh vào đại lục Mỹ. - VOA

***
Các công ty đầu tư Hàn Quốc bị buộc phải ngưng hoạt động tại Khu công nghiệp Kaesong ở Bắc Triều Tiên năm 2016 yêu cầu chính phủ ở Seoul điều tra tin nói Bình Nhưỡng tự mở cửa lại liên doanh này mà không có sự đồng ý của họ.

Liên doanh giữa hai miền nam bắc Triều Tiên này đã bị Seoul cho ngưng hoạt động để trừng phạt chính phủ Kim Jong Un về các vụ thử hạt nhân và tên lửa, và để cắt nguồn thu tài chánh mà Bình Nhưỡng dùng tài trợ cho chương trình phát triển vũ khí của Triều Tiên.

Thông tin chưa được xác nhận

Tuần trước, trang web tuyên truyền Meari của Bắc Triều Tiên ám chỉ rằng hoạt động ở khu công nghiệp Kaesong đã được mở lại, và một trang web tuyên truyền khác tên là Uriminzokkiri loan tải một bình luần nói rằng “chẳng liên quan đến doanh nghiệp của ai, những việc chúng tôi làm trong khu công nghiệp, nơi thuộc chủ quyền của chúng tôi.”

Bộ Thống nhất Nam Triều Tiên không thể xác minh tin tức khu công nghiệp Kaesong đã mở cửa trở lại, nhưng bộ này nói rằng họ đang theo dõi các chuyển động của xe cộ và các đèn có chụp bằng nhôm trên đường trong khu công nghiệp.

123 công ty của Hàn Quốc có nhà máy trong Khu công nghiệp liên doanh Kaesong hôm thứ Năm 12/10 nói rằng họ muốn cử một phái đoàn đến kiểm tra tài sản của họ.

Ông Kim Seo-jin của Hiệp hội Khu công nghiệp liên doanh Kaesong nói: “Đó là tài sản của chúng tôi mà chúng tôi đã đầu tư theo luật của Triều Tiên, và làm theo đúng những quy định mà chính phủ của hai hai miền Triều Tiên đã đặt ra. Trong tư cách là chủ sở hữu tài sản, điều cần thiết là chúng tôi cần phải kiểm tra tình trạng tài sản của chúng tôi và tìm hiểu xem liệu khu công nghiệp có đang mở cửa hoạt động trở lại hay không.”

Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên có lẽ sẽ không cho phép các chủ đầu tư Hàn Quốc đến kiểm tra tài sản của họ trong khu công nghiệp trong bối cảnh quan hệ cẳng thẳng tăng cao hiện nay giữa hai nước liên quan đến các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Theo các chủ đầu tư Hàn Quốc có nhà máy trong khu công nghiệp Kaesong, để cho khu công nghiệp hoạt động đầy đủ trở lại, Triều Tiên cần phải tìm nguồn cấp điện thay cho nguồn điện do Nam Triều Tiên cung cấp.

Hợp tác Liên Triều

Khu công nghiệp liên doanh Kaesong ở Bắc Triều Tiên cách Seoul 54 kilômét về hướng tây bắc được thành lập năm 2004 với mục tiêu thúc đẩy cho sự hợp tác Liên Triều và tạo cho người lao động miền Bắc cơ hội biết thêm về đời sống ở miền nam, trong đó có những loại thức ăn đóng gói như bánh Choco Pies và các sản phẩm vệ sinh được sản xuất tại khu công nghiệp này và bán ra thị trường miền bắc như là những sản phẩm hảo hạng.

Các công ty Nam Triều Tiên hoạt động trong khu công nghiệp Kaesong được hưởng lợi từ giá nhân công Triều Tiên rẻ để sản xuất các sản phẩm tốn nhiều công lao động, như quần áo và đồ gia dụng.

Bình Nhưỡng phản ứng lại quyết định của Seoul vào năm 2016 bằng việc đóng cửa liên doanh, đưa quân đội vào kiểm soát khu công nghiệp, phong tỏa tất cả tài sản công ty trong khu Kaesong, và trục xuất tất cả nhân viên và quản đốc Nam Triều Tiên.

Khu công nghiệp Kaesong đóng cửa khiến 54.000 người lao động Bắc Triều Tiên mất việc làm.

Hiệp hội các công ty ở Kaesong ước tính các nhà đầu tư Hàn Quốc đã để lại nhà máy, thiết bị và nguyên liệu thô ở khu công nghiệp trị giá khoảng 600 triệu đôla, và nhiều công ty chưa phục hồi được hoạt động của họ khi không tìm ra nguồn lao động giá rẻ như ở khu công nghiệp Kaesong.

Ông Kim của Hiệp hội khu công nghiệp Kaesong nói: “Đó là một trong những lý do các nhà đầu tư muốn liên doanh hoạt động lại bằng việc nhanh chóng bình thường hóa quan hệ giữa hai miền Triều Tiên.”

Khi khu công nghiệp Kaesong đóng cửa vào năm 2016, chính phủ bảo thủ của Tổng thống Park Geun Hye lúc bấy giờ nói rằng 70% quỹ lương 100 triệu đôla mỗi năm phía Nam Hàn chuyển cho chính phủ Bắc Hàn được Bình Nhưỡng dùng tài trợ cho các chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Tuy nhiên một giới chức của chính quyền có chủ trương đối thoại với Bắc Hàn hiện nay của Tổng thống Moon Jae-in nói rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng sử dụng quỹ lương công nhân Kaesong cho chương trình vũ khí của họ. - VOA

***
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày 12/10 loan báo sẽ ngưng cấp visa cho công nhân xuất khẩu lao động từ Triều Tiên giữa lúc căng thẳng dâng cao liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Quyết định của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất được đưa ra sau khi Kuwait và Qatar có những thay đổi chính sách tương tự, hạn chế khả năng Triều Tiên ‘xoay sở’ với các biện pháp chế tài và kiếm nguồn ngoại tệ từ lao động xuất khẩu sang các nước Trung Đông.

Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng cấm các công ty Triều Tiên hoạt động tại bất kỳ đâu trong số 7 tiểu vương quốc cũng như chấm dứt chương trình đại sứ không thường trú với Triều Tiên.

Trước đó, Kuwait, vào tháng 9, đã thông báo với đại sứ Triều Tiên ở Kuwait rằng ông ta có 1 thán để rời khỏi đây và Kuwait cũng ngưng cấp visa cho tất cả công dân Triều Tiên.

Qatar cũng cho biết không còn cấp visa cho lao động xuất khẩu từ Triều Tiên nữa.

Tin nói Hàn Quốc và Nhật Bản đã áp lực các nước Trung Đông cấm cửa công nhân Triều Tiên vì dòng kiều hối từ những người này trực tiếp làm lợi cho chế độ Kim Jong Un. - VOA
|
|

2.
Indonesia, Malaysia, Philippines khởi sự tuần tra chung

Indonesia, Malaysia và Philippines ngày 12/10 khởi sự các cuộc tuần tra trên không phối hợp để tăng cường cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan.

Sự kiện này diễn ra 4 tháng sau khi ba nươc khởi động các cuôc tuần tra hàng hải chung ngăn chặn các thành phần chủ chiến ở mạn Nam Philippines có liên kết với Nhà nước Hồi giáo tràn sang các nước láng giềng.

Phe chủ chiến chiếm đóng thành phố Marawi của Philippines khiến người ta lo ngại rằng lý tưởng bạo động của Nhà nước Hồi giáo đang ‘bén rễ’ tại miền Nam bất ổn, nơi các phần tử ly khai Hồi giáo trong nhiều chục năm nay chiến đấu đòi tự trị nhiều hơn.

Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, Hishammuddin Hussein, ngày 12/10 tuyên bố ba nước sẽ thay phiên nhau mỗi tháng tuần tra các vùng biển.

Buổi lễ khởi động các cuộc tuần tra trên không tại một căn cứ không quân của Malaysia hôm nay có sự tham dự của Bộ trưởng Quốc phòng ba nước vừa kể cùng với giới chức an ninh từ Singapore và Brunei trong tư cách quan sát viên.

Malaysia trong 3 năm qua bắt giữ hơn 300 người tình nghi có liên hệ với IS. - VOA
|
|

3.
Iran tiếp tục dọa Mỹ --- Tổng thống Trump sắp ra chiến lược mới với Iran

Iran dọa sẽ tấn công các lợi ích và mục tiêu Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump từ bỏ thỏa thuận hạt nhân quan trọng mà Washington cùng một số nước khác đã ký với Iran năm 2015.

Tin đưa rằng ông Trump có thể thông báo quyết định của mình trong những ngày tới.

Hãng tin nhà nước của Iran dẫn lời Ngoại trưởng nước này, ông Mohammad Javad Zarif, tuyên bố sẽ có phản ứng “mạnh hơn” nếu ông Trump cho rằng Tehran không tuân thủ thỏa thuận hạt nhân.

Một số người dân ở Iran bày tỏ lo ngại về tác động của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận.

Nhà giáo Rashidi nói: “Vâng, tôi rất lo. Trong những năm gần đây, có các áp lực kinh tế lớn. Nhiều người nói rằng lệnh trừng phạt không là gì cả, nhưng nhiều người thực sự cảm thấy áp lực. Tôi lo lắng cho người khác và cho bản thân tôi”.

Truyền thông đưa tin rằng ông Trump có thể thông báo quyết định của mình sớm nhất là thứ Sáu này, trước thời hạn ra quyết định vào Chủ Nhật, về liệu Iran có tuân thủ thỏa thuận hạt nhân hay không.

Iran ký thỏa thuận với chính quyền của Tổng thống Obama vào năm 2015, cùng với Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga.

Thỏa thuận này kêu gọi Tehran hạn chế chương trình hạt nhân và cho phép thêm các chuyến thị sát của các nhà điều tra quốc tế.

Đổi lại, Iran sẽ được nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Ông Trump gọi đó là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng được thương thảo”, và cho rằng Hoa Kỳ nhận được ít lợi lộc từ hiệp định này. - VOA

***
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 sẽ đưa ra một chiến lược đối đầu hơn với Iran trong bài diễn văn mà có phần chắc nội dung sẽ là một đòn giáng mạnh đối với thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với quốc tế và sẽ khiến quan hệ giữa Mỹ với các đồng minh Châu Âu phức tạp hơn.

Các giới chức Mỹ cho hay theo dự kiến Tổng thống Trump sẽ công bố không xác nhận thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 vì thỏa thuận này không nghiêng về lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Trước đây, ông từng hai lần xác nhận thỏa thuận này nhưng các phụ tá Tổng thống cho hay ông không muốn xác nhận thêm lần thứ ba.

Tuy nhiên, cũng có thể Tổng thống thay đổi ý định giờ chót trước khi đề ra hướng tiếp cận mới của chính phủ Trump với Iran trong bài diễn văn tại Tòa Bạch Ốc lúc 12:45 trưa 13/10, giờ miền Đông Hoa Kỳ.

Công bố của Tổng thống Trump không xác nhận thỏa thuận Iran không có nghĩa là Mỹ rút ra khỏi thỏa thuận này, nhưng Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định xem có tái ban hành trừng phạt với Tehran. Những chế tài đó bị đình chỉ chiếu theo thỏa thuận giữa Iran với 6 cường quốc dưới thời Tổng thống Obama.

Các thanh sát viên quốc tế cho hay Iran tuân thủ thỏa ước, nhưng ông Trump nói Tehran vi phạm tinh thần của thỏa thuận và chưa làm gì để kìm chế chương trình phi đạn đạn đạo cũng như chưa làm gì hạn chế yểm trợ tài chính và quân sự cho Hezbollah và các nhóm cực đoan khác.

Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly nói phương án của Mỹ sắp tới là bắt tay với các đồng minh ở Trung Đông để chế ngự các hoạt động của Iran.

Các nước đồng minh Châu Âu cảnh báo quyết định mới của Mỹ sẽ gây rạn nứt giữa các nước về vấn đề Iran.

Lãnh đạo Anh, Pháp đã thúc giục Mỹ tiếp tục xác nhận thỏa thuận Iran vì tinh thần đoàn kết đồng minh.

Ngoại trưởng Đức kêu gọi EU đoàn kết trong vấn đề này. Ông Sigmar Gabriel nói “Chúng ta phải cho người Mỹ thấy rằng hành xử của họ trong vấn đề Iran sẽ khiến Châu Âu có quan điểm chung với Nga và Trung Quốc chống lại Mỹ.”

Ký kết bởi Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, Liên hiệp Châu Âu và Iran, thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 dỡ bỏ chế tài cho Tehran đổi lại việc Iran đình chỉ chương trình hạt nhân. - VOA
|
|

4.
Chiến lược chống cực đoan hóa ở Châu Âu hậu ISIS

Liệu sự sụp đổ của nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq, và sự cáo chung của cái gọi là ‘vương quốc Hồi giáo’ của họ, có tạo ra sự khác biệt nào trong việc tuyển mộ chiến binh cho IS và cực đoan hóa giới trẻ sinh sống tại Âu Châu? Và liệu thất bại quân sự của IS có giảm các cuộc tấn công khủng bố thuộc loại “sói đơn độc” ở phương Tây?

Câu hỏi này cần được nêu lên hơn bao giờ hết khi mà các lực lượng do người Kurd dẫn đầu và được Hoa Kỳ yểm trợ đang tiến gần tới chỗ xóa sổ Nhà Nước Hồi giáo ở Raqqa, ‘thủ đô của Nhà Nước Hồi giáo’ ở Syria. Tuy nhiên các giới chức Bỉ và Pháp không tin là những vụ giết chóc sẽ chấm dứt ở Châu Âu, ít nhất trong tương lai có thể thấy được.

Các nhà phân tích nói ý niệm về một vương quốc Hồi giáo tỏ ra hữu ích trong việc quảng cáo cho nhóm khủng bố IS, giúp họ tuyển mộ cảm tình viên ở nước ngoài, và cho phép nhóm IS nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ với al-Qaida, nhóm khủng bố tranh giành ảnh hưởng với IS, vốn vẫn chống đối việc thành lập một vương quốc Hồi giáo. Tổ chức al-Qaida mới đây đã châm biếm thủ lãnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi, tự phong cho mình làm vua trị vì vương quốc Hồi giáo.

Các nhà phân tích nói một trong những cách để IS có thể sống còn và tiếp tục đóng vai trò nổi hơn al-Qaida, là mở các cuộc tấn công thường xuyên tại các nước phương Tây, nếu có thể làm được.

Tháng trước, al-Baghdadi tái xuất hiện sau 11 tháng không ra mắt công chúng, khi ông ta phát tán một băng thu âm, châm chọc Hoa Kỳ và chiêu dụ các phần tử thánh chiến tập hợp chống chế độ Syria, đồng thời nhấn mạnh IS vẫn hiện diện bất chấp là đang nhanh chóng mất đi những vùng lãnh thổ từng nằm dưới quyền kiểm soát của họ. al-Baghdadi đã góp tiếng với Abu Mohammad al-Adnani, người cầm đầu bộ phận tuyên truyền của IS (đã bị giết chết), khi tuyên bố “duy trì lãnh thổ không quan trọng bằng duy trì ý chí chiến đấu”.

Tuy nhiên ông Baghdadi phần lớn tập trung vào việc vinh danh các cuộc tấn công nhắm vào phương Tây. Ông nói: “Hoa Kỳ, Châu Âu và Nga đang sống trong tình trạng hồi hộp, lo sợ bị khủng bố.”

Liệu sự sụp đổ của nhóm khủng bố Nhà Nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq, và sự cáo chung của cái gọi là ‘vương quốc Hồi giáo’ của họ, có tạo ra sự khác biệt nào trong việc tuyển mộ chiến binh cho IS và cực đoan hóa giới trẻ sinh sống tại Âu Châu? Và liệu thất bại quân sự của IS có giảm các cuộc tấn công khủng bố thuộc loại “sói đơn độc” ở phương Tây?

Câu hỏi này cần được nêu lên hơn bao giờ hết khi mà các lực lượng do người Kurd dẫn đầu và được Hoa Kỳ yểm trợ đang tiến gần tới chỗ xóa sổ Nhà Nước Hồi giáo ở Raqqa, ‘thủ đô của Nhà Nước Hồi giáo’ ở Syria. Tuy nhiên các giới chức Bỉ và Pháp không tin là những vụ giết chóc sẽ chấm dứt ở Châu Âu, ít nhất trong tương lai có thể thấy được.

Các nhà phân tích nói ý niệm về một vương quốc Hồi giáo tỏ ra hữu ích trong việc quảng cáo cho nhóm khủng bố IS, giúp họ tuyển mộ cảm tình viên ở nước ngoài, và cho phép nhóm IS nhấn mạnh sự khác biệt giữa họ với al-Qaida, nhóm khủng bố tranh giành ảnh hưởng với IS, vốn vẫn chống đối việc thành lập một vương quốc Hồi giáo. Tổ chức al-Qaida mới đây đã châm biếm thủ lãnh IS, Abu Bakr al-Baghdadi, tự phong cho mình làm vua trị vì vương quốc Hồi giáo.

Các nhà phân tích nói một trong những cách để IS có thể sống còn và tiếp tục đóng vai trò nổi hơn al-Qaida, là mở các cuộc tấn công thường xuyên tại các nước phương Tây, nếu có thể làm được.

Tháng trước, al-Baghdadi tái xuất hiện sau 11 tháng không ra mắt công chúng, khi ông ta phát tán một băng thu âm, châm chọc Hoa Kỳ và chiêu dụ các phần tử thánh chiến tập hợp chống chế độ Syria, đồng thời nhấn mạnh IS vẫn hiện diện bất chấp là đang nhanh chóng mất đi những vùng lãnh thổ từng nằm dưới quyền kiểm soát của họ. al-Baghdadi đã góp tiếng với Abu Mohammad al-Adnani, người cầm đầu bộ phận tuyên truyền của IS (đã bị giết chết), khi tuyên bố “duy trì lãnh thổ không quan trọng bằng duy trì ý chí chiến đấu”.

Tuy nhiên ông Baghdadi phần lớn tập trung vào việc vinh danh các cuộc tấn công nhắm vào phương Tây. Ông nói: “Hoa Kỳ, Châu Âu và Nga đang sống trong tình trạng hồi hộp, lo sợ bị khủng bố.”


Tư liệu - Thủ lĩnh nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi, năm 2014
Phát biểu hồi tháng 8, sau khi IS bị đánh bật ra khỏi thành phố Mosul bên Iraq, và trong khi các lực lượng do người Kurd dẫn đầu khởi sự cuộc tấn công, tái chiếm Raqqa, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron nói cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo là “ưu tiên hàng đầu” của Pháp, ngay bây giờ và trong thời gian dài sắp tới.

Các giới chức Pháp và Bỉ nhận xét nhóm IS rất sáng tạo và bất chấp các nỗ lực nhằm giảm thiểu quy mô hoạt động của họ trên mạng, IS vẫn có thể phổ biến những tài liệu tuyên truyền, mà họ linh động sửa đổi tùy theo hoàn cảnh để kích động ủng hộ viên, thử nghiệm những ý kiến mới và uốn nắn câu chuyện sao cho phù hợp với chiến lược của mình.

Nhà nghiên cứu Charlie Winter nói đối với IS, chiến tranh truyền thông vẫn luôn luôn quan trọng, và được đặt ngang hàng với những thắng lợi trên thực địa ở Syria và Iraq.

Trong một bài tham khảo viết cho Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu tiến trình Cực đoan hóa và Bạo lực Chính trị của King’s College ở London, ông Winter lưu ý rằng đối với IS, việc sản xuất các tài liệu tuyên truyền và phát tán thông tin có lúc được xem là quan trọng hơn cả chiến dịch quân sự thánh chiến.

Ngay cả khi đang mất gần hết lãnh thổ, IS vẫn phát động chiến tranh thông tin, vẫn tuyển mộ người và kích động bạo lực.

Nhà nghiên cứu Winter nói:

“Cộng đồng quốc tế cũng phải sáng tạo và có óc chiến lược như vậy trong lối tiếp cận của mình để chống chiến tranh thông tin của IS.”

Các giới chức và giới phân tích khuyến cáo: vấn đề cực đoan hóa nói chung vẫn in như cũ so với trước những thất bại quân sự của IS trên chiến trường. Cựu Thủ Tướng Pháp Manuel Valls miêu tả hiện tượng cực đoan hóa là “một mô hình xã hội chết người.”

Không chỉ có nước Pháp là gặp khó khăn trong cuộc đấu tranh để tìm hiểu tiến trình cực đoan hóa, và phát triển những phương thức hiệu quả để chống cực đoan hóa. 16 năm sau các cuộc tấn công ngày 11/9, chính quyền các nước phương Tây vẫn chưa nắm vững các cơ chế có thể biến một người bình thường thành một kẻ cực đoan, và tại sao một số người tin tưởng vào viễn kiến của các nhóm thánh chiến, tới mức sẵn sàng tham gia các cuộc tấn công giết người, trong một số trường hợp.

Nhà xã hội học Farhad Khosrokhavar, Giáo sư Trường Cao đẳng Khoa học Xã hội, một trường đại học danh giá ở Paris, lo lắng rằng hiện tượng cực đoan hóa vẫn được các chính quyền coi như một thách thức về mặt an ninh thuần túy. Ông nói chính quyền các nước không tìm hiểu đủ sâu về hệ quả lâu dài của tình trạng một người bị gạt ra ngoài lề xã hội, loại ra ngoài vòng pháp luật.

Vai trò của internet và các nhóm truyền thông xã hội kín trong việc hình thành tư duy ủng hộ thánh chiến, tạo ra những nhóm tôn sùng một ‘anh hùng của bóng tối’, chỉ mới bắt đầu được tìm hiểu.

Các yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Tại một hội nghị ở London hồi năm ngoái, ông Khosrokhavar nêu bật sự kiện một số đáng kể kẻ tấn công thánh chiến đã được chẩn đoán là mắc bệnh trầm cảm, hoặc các chứng bệnh tâm thần khác.

Nhưng các nỗ lực nhằm tìm hiểu thấu đáo hơn chủ nghĩa cực đoan hóa thường vấp phải sức kháng cự từ giới lãnh đạo chính trị, đặc biệt khi họ phải đối mặt với sức ép phải chặn đứng các cuộc tấn công khủng bố. Ông Valls nổi tiếng vì đã từng tuyên bố ông đã quá mỏi mệt với “những lý do xã hội, xã hội học, và văn hóa” để biện minh cho phong trào thánh chiến. Ông từng phán: “Giải thích là xóa bỏ trách nhiệm.”

Nước Pháp, nước mà kể từ năm 2015 đã nhiều lần trở thành địa điểm nơi xảy ra một loạt cuộc tấn công khủng bố, với 240 mạng sống bị cướp mất, khoảng 350 phần tử cực đoan đang bị giam cầm trong các nhà tù, gần 6000 phần tử chủ chiến nằm trong danh sách bị cảnh sát theo dõi, và thêm 17,000 người khác bị xếp loại vào thành phần được coi như một “mối đe dọa tiềm tàng”.

Các số liệu này không cao đến như vậy ở Bỉ, nhưng quốc gia nhỏ bé này đóng một vai trò lớn hơn kích cỡ của nó khi nói đến phong trào thánh chiến ở Châu Âu. Tính trên đầu người, Bỉ đóng góp nhiều chiến binh cho IS và các nhóm thánh chiến khác, hơn bất cứ nước Âu Châu nào khác.

Cả hai nước Pháp và Bỉ đã gặp nhiều khó khăn khi tìm cách thành lập các chương trình chống cực đoan hóa hữu hiệu. Pháp chỉ phát động chiến dịch chặn đứng cực đoan hóa trong giới trẻ bất mãn chỉ cách đây 2 năm, trễ hơn so với nhiều nước Âu Châu. Nhưng các nỗ lực của nước này đã vấp phải khó khăn, và một kế hoạch để mở 13 trung tâm chống cực đoan hóa tại 13 quận của Paris đã bị bỏ ngang, sau khi một trung tâm thí điểm bị đóng cửa hồi đầu năm nay giữa một cuộc tranh cãi về các phương pháp được sử dụng. - VOA
|
|

5.
Úc: Tin tặc đánh cắp nhiều dữ liệu về chiến đấu cơ F-35

Bộ Quốc Phòng Úc ngày 12/10/2017 cho biết tin tặc đã đánh cắp nhiều dữ liệu nhạy cảm từ một nhà cung ứng liên quan đến các chương trình trang bị vũ khí cho không quân Úc. Trong một cuộc họp báo, ông Mitchell Clarke, lãnh đạo Cơ quan chống tội phạm mạng ASD, khẳng định tổng cộng có khoảng 30 Gb “dữ liệu nhạy cảm” đã bị đánh cắp.

Theo hãng tin Pháp AFP, những dữ liệu này có liên quan chủ yếu đến chiếc F-35, một loại chiến đấu cơ đa năng, hay chiếc P-8 Poseidon, máy bay trinh sát do hãng Lockheed Martin của Mỹ thiết kế, với sự phối hợp của nhiều nước. F-35 được coi là chương trình đầu tư tốn kém nhất trong lịch sử quân sự Mỹ, với tổng trị giá gần 400 tỉ đô la.

Ngoài ra, tin tặc còn đánh cắp cả những thông tin về các loại tầu chiến mới của hải quân Úc, những thông tin chi tiết đến mức có thể thấy rõ cả chỗ ngồi của thuyền trưởng.

Tuy không nêu tên nhà cung ứng, nhưng lãnh đạo ASD cho biết rõ tin tặc đã sử dụng công cụ gọi là “China Chopper”, một phần mềm rất hay được các tin tặc Trung Quốc sử dụng, theo khẳng định của nhiều chuyên gia tin học.

Vẫn theo lãnh đạo ASD, vụ việc xảy ra vào tháng 7/2016, nhưng phải đến tháng 11 cùng năm mới được ASD phát hiện. Bộ trưởng Công Nghiệp Quốc Phòng Úc đã phải lên tiếng trấn an : “Những thông tin đó không được xếp loại mật, do đó không gây nguy hiểm cho kế hoạch quân sự”.

Ông từ chối cho biết ai bị tình nghi đứng sau vụ tin tặc này, nhưng theo AFP, nhiều nước phương Tây lâu nay vẫn cáo buộc tin tặc Trung Quốc đánh cắp các bí mật công nghiệp và quân sự của họ. - RFI
|
|

6.
Moscow tố cáo Mỹ đánh cắp quốc kỳ Nga

Nga ngày 11/10 lên tiếng phản đối Mỹ sau khi tố cáo rằng quốc kỳ Nga tại tòa lãnh sự ở San Francisco bị đánh cắp.

Nhân viên ngoại giao Nga rời khỏi lãnh sự quán này hồi tháng trước sau khi Washington yêu cầu Moscow phải bỏ bớt một số cơ sở ngoại giao, một phần trong cuộc chiến ‘ăn miếng trả miếng’ trong lúc quan hệ song phương đang căng thẳng.

Kể từ khi nhân viên Nga rời khỏi cơ sở vừa kể, các giới chức Mỹ đã ‘tiếp thu’ các khu vực hành chính trong khu nhà này.

Tòa đại sứ Nga tại Mỹ viết trên Twitter rằng “Thêm một sự cố mới nữa đáng xấu hổ. Tại San Francisco, quốc kỳ Nga bị đánh cắp từ cao ốc lãnh sự quán Nga.”

“Chúng tôi yêu cầu giới hữu trách Mỹ trả lại biểu tượng quốc gia của chúng tôi,” đại sứ quán Nga nói kèm theo bức ảnh chụp một cột cờ trơ trọi trên đỉnh tòa lãnh sự.

Báo chí Nga dẫn tin từ đại sứ quán Nga cho hay Bộ Ngoại giao Nga đã nộp kháng thư chính thức về vụ việc.

“Chúng tôi xem đây là một bước cực kỳ thiếu thân thiện,” sứ quán Nga nhấn mạnh. - VOA
|
|

7.
Nền dân chủ Campuchia lâm nguy? --- Thủ Tướng Campuchia Hun Sen tiếp tục đả kích Hoa Kỳ

Giữa lúc đảng cầm quyền ở Campuchia chuẩn bị giải thể đảng đối lập chính và thông qua luật để trao số ghế đáng kể của khối đối lập cho một đảng thứ ba đầy tai tiếng vì tham nhũng, các quốc gia đã chi hàng tỷ đôla vào việc xây dựng nền dân chủ ở Xứ Chùa Tháp không có phản ứng gì ngoài những tuyên bố bày tỏ quan ngại.

Các đại diện của EU, Mỹ và Úc đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các cuộc bầu cử có cạnh tranh và kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo đối lập Kem Sokha, người bị tù về tội phản quốc, nhưng các nước này từ chối thảo luận về những hành động đáp trả cụ thể mà những người chỉ trích chính quyền đề xuất, như rút viện trợ hoặc trừng phạt có mục tiêu.

Nhật Bản, nhà tài trợ lớn thứ hai cho Campuchia sau Trung Quốc, không hồi âm đề nghị phỏng vấn của VOA.

Trong khi đó, Thủ tướng Hun Sen hôm 11/10 mô tả Hòa ước Paris, văn kiện đã lót đường cho sứ mệnh của Liên Hiệp Quốc để mang dân chủ đến Campuchia vào đầu những năm 1990, là một "thây ma".

Hòa ước này nhấn mạnh bầu cử đa đảng là một trụ cột chính trong quá trình chuyển đổi đất nước sang một hệ thống dân chủ.

Hôm 12/10, một luật đã được trình ra quốc hội quy định cách thức chuyển giao các ghế của Đảng Cứu quốc Campuchia, CNRP, cho các đảng không giành được ghế trong cuộc bầu cử gần đây nhất, một khi CNRP bị giải thể.

Đảng Bảo hoàng, FUNCINPEC, sẽ đươcnhận phần lớn số ghế đó.

Giới chỉ trích nói rằng những sửa đổi luật màquốc hội Campuchia bị ép phải thông qua trong năm qua “phản dân chủ một cách trắng trợn”.

Carl Thayer, giáo sư chính trị tại Học viện Quốc phòng Úc, thì dùng cụm từ "nền dân chủ giới hạn" để mô tả những sửa đổi đó.

Ông nói với VOA: "FUNCINPEC, hoặc các đảng được giữ lại, sẽ được phép tồn tại và tranh cử trong cuộc bầu cử năm tới và Hun Sen sẽ giành chiến thắng, sau đó ông có thể cho FUNCINPEC, như ông đã làm trước đó, một ghế trong chính phủ liên minh, cốt chỉ để chứng minh đó là một nền dân chủ đa đảng". - VOA

***
Thủ Tướng Campuchia Hun Sen hôm 11/10 lại chỉ trích Hoa Kỳ, một tuần sau khi một thủ lãnh đối lập hàng đầu chạy ra khỏi nước vì sợ chiến dịch đàn áp nhắm vào những người chỉ trích chính quyền trước cuộc bầu cử năm tới.

Đã nắm quyền trong hơn 30 năm qua, ông Hun Sen không ra dấu hiệu nào cho thấy ông có thể từ bỏ quyền lực. Ông đã buộc nhiều cơ sở truyền thông tiếng Anh phải đóng cửa, bỏ tù những người chỉ trích chính phủ, kể cả thủ lãnh đối lập Kem Sokha.

Trong một bài diễn văn đọc trước một cử tọa gồm các công nhân làm việc tại một số hãng sản xuất đồ may mặc, phần lớn để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ông Hun Sen nói các quả bom mới được phát hiện tại 9 địa điểm khác nhau ở tỉnh Svay Rieng là do Hoa Kỳ thả xuống trong chiến tranh Việt Nam.

Trong cuộc tranh cãi liên quan tới những lời cáo buộc của ông Hun Sen, rằng các gián điệp Mỹ đã thông đồng với ông Kem Sokha để lật đổ chính quyền Campuchia, ông Hun Sen nói:

“Những quả bom thả xuống Campuchia là của Hoa Kỳ.”

Theo Nhóm Cố vấn về Mìn bẫy, Campuchia nằm trong số các quốc gia có nhiều bom và mìn chưa nổ nhất thế giới. Trung bình mỗi tuần, bom mìn giết chết hoặc gây thương tích cho hai người Campuchia.

Đại sứ quán Mỹ ở Pnom Penh không hồi đáp tức thì yêu cầu xin bình luận của Reuters sau những phát biểu của ông Hun Sen hôm thứ Tư.

Tuần trước, chính quyền Pnom Penh nạp hồ sơ kiện tụng và đòi giải tán đảng đối lập, là Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia (CNRP) , một biện pháp sẽ giúp ông Hun Sen kéo dài chế độ cai trị của ông tại cuộc bầu cử năm tới.

Hôm thứ Tư, ông Hun Sen nói đã có nhiều đảng phái sẵn sàng để thay thế CNRP, nếu đảng này bị giải tán. Ông nói thêm: “nếu một đảng bị giải tán, thì có tới 5 đảng phái khác thay thế.”

Các nước phương Tây lên án vụ bắt giữ lãnh tụ đối lập Kem Sokha về tội bội phản, và đánh dấu hỏi về tính công bằng của cuộc bầu cử sắp tới, giữa chiến dịch đàn áp nhắm vào các thủ lãnh đối lập, các nhà hoạt động và các nhà báo.

Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt hồi tháng trước bác bỏ những lời cáo buộc của chính quyền Campuchia, rằng Hoa Kỳ đã xen vào nội tình Campuchia. Ông Heidt kêu gọi Pnom Penh trả tự do cho ông Sokha, người đang đối mặt với án tù 30 năm, nếu bị kết tội.

Phân nửa các nghị sĩ đối lập tại quốc hội Campuchia đã chạy ra nước ngoài, trong đó có bà Mu Sochua, Phó Chủ tịch Đảng Cứu Nguy Dân Tộc Campuchia (CNRP). - VOA
|
|

8.
Đạo quân thứ năm của Trung Quốc ở Úc và New Zealand gây lo ngại

Một sự kiện tại New Zealand hạ tuần tháng 9/2017 đã khơi dậy nỗi lo ngại tại nước này cũng như tại nước Úc láng giềng : Một dân biểu gốc Hoa, tên là Dương Kiện (Jian Yang) thuộc đảng Quốc Gia trung hữu, đã lại đắc cử nhân cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 23/09. Vấn đề là khi làm đơn xin vào quốc tịch New Zealand, nhân vật này đã che giấu quá khứ đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc của mình, cũng như quá trình dậy tiếng Anh cho nhân viên tình báo Trung Quốc.

Những tiết lộ về quá khứ của ông Dương Kiện đã gióng lên hồi chuông báo động tại New Zealand về nguy cơ chính trường nước này bị Bắc Kinh thao túng thông qua những thành phần được báo chí gọi là « đạo quân thứ năm », mà mục tiêu là uốn nắn chính sách của New Zealand đi theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

Thái độ cảnh giác lại càng cao sau một bản báo cáo gần đây về ảnh hưởng của Trung Quốc trên chính phủ New Zealand, do bà Anne-Marie Brady, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học New Zealand Canterbury thực hiện.

Dân biểu New Zealand mà hành xử như tay sai của Trung Quốc

Bản báo cáo ghi nhận là từ ngày ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tại Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc đã tung ra cả một chiến dịch dùng quyền lực mềm để ảnh hưởng đến chính trị, kinh tế và xã hội New Zealand, trong đó có việc tung tiền tài trợ cho các đảng phái ở New Zealand.

Bản báo cáo tố cáo đích danh nghị sĩ Dương Kiện và ông Hoắc Kiến Cường (Raymond Huo), một dân biểu gốc Hoa khác thuộc đảng Lao Động trung tả đối lập, là chịu ảnh hưởng của Đại Sứ Quán Trung Quốc tại New Zealand, cũng như của các tổ chức cộng đồng được sử dụng làm phương tiện thực hiện các ý đồ chính trị của Bắc Kinh.

Các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa ở New Zealand cho biết ông Dương Kiện, hồi tháng Tư vừa qua đã trao giải thưởng cho các thành viên của Liên Đoàn Cựu Chiến Binh tại New Zealand, một nhóm bao gồm các cựu quân nhân và cảnh sát Trung Quốc đang sinh sống tại New Zealand. Phần thưởng liên quan đến các hoạt động của nhóm này nhân chuyến thăm New Zealand của thủ tướng Lý Khắc Cường, khi họ chặn biểu ngữ của những người biểu tình phản đối Trung Quốc…

Trần Duy Kiện (Chen Weijian), thành viên của tổ chức dân chủ New Zealand Values
​​Alliance và biên tập viên của tạp chí tiếng Hoa Bắc Kinh Chi Xuân, cho biết là khi nói chuyện, ông Dương Kiện giống một đại diện của chính phủ Trung Quốc hơn là một nhà lập pháp New Zealand.

New Zealand ngày càng trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc, vốn đã trở thành một thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là các mặt hàng sữa của New Zealand, và hai nước đang đàm phán mở rộng một hiệp định thương mại tự do được ký năm 2008.

Ông Jones, một nhà kinh tế học tại Bắc kinh, cho rằng mức độ can dự của Trung Quốc vào New Zealand có thể đe dọa các định chế dân chủ New Zealand. Cả ông Jones lẫn bà Brady, tác giả của báo cáo về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, đã kêu gọi New Zealand cấm các khoản tài trợ chính trị từ nước ngoài, như Úc đang làm.

Úc : Hai đại gia gốc Hoa bị nghi là cán bộ của Bắc Kinh

Nếu New Zealand mới bắt đầu quan ngại về « đạo quân thứ năm » của Trung Quốc trên đất nước mình, thì láng giềng Úc của New Zealand đã được đánh động về mối nguy từ nhiều năm nay và đã bắt đầu có biện pháp chống đỡ.

Tháng 6/2017 vừa qua, vấn đề đã nổi cộm trở lại sau khi có tin là lãnh đạo ngành tình báo Úc đã xác định rằng hai đại doanh nhân gốc Hoa nổi tiếng tại Úc có thể là người hoạt động cho chính phủ Trung Quốc. Hai người này đã chi ra hàng triệu đô la để tài trợ rộng rãi cho các đảng chính trị trong những năm gần đây.

Một trong hai người được cho là đã rút lại một khoản tài trợ lớn vào năm ngoái vì không hài lòng với lập trường của một đảng chính trị về Biển Đông, phản ánh một mưu toan trong hậu trường nhằm lèo lái cuộc thảo luận công khai về một vấn đề chính sách theo hướng có lợi cho Bắc Kinh.

« Hàng chục triệu đô la để gây ảnh hưởng cho Trung Quốc »

Như vậy là cả hai đồng minh của Mỹ tại châu Đại Dương đều đang vấp phải cùng một vấn đề. Theo nhà báo Lưu Tường Quang tại Sydney, riêng trong trường hợp nước Úc, Bắc Kinh và những chân rết của họ trong thời gian qua đã chi hàng chục triệu đô la để tìm cách mua chuộc các giới chính trị, văn hóa, giáo dục tại Úc, chưa kể đến các khoản đầu tư vào kinh tế.

Một cách cụ thể, nhà báo Lưu Tường Quang đã nhắc lại một ví dụ về mưu toan dùng tiền tài trợ để thao túng các đảng chính trị tại Úc. Đó là trường hợp của tỷ phú gốc Hoa, Hoàng Hướng Mặc (Huang Xiangmo), năm 2016, đã chiêu dụ được một chính khách Úc tên tuổi trong đảng Lao Động Úc, ông Sam Dastyari, để thúc đẩy đảng này rập khuôn theo quan điểm của Trung Quốc về Biển Đông.

Ngoài giới chính khách và các đảng phái, Trung Quốc còn chú ý đến việc tấn công vào lãnh vực văn hóa, mua chuộc giới đại học và nghiên cứu, mua chuộc báo chí, thậm chí huy động các du học sinh Trung Quốc rất đông đảo tại Úc để tạo ảnh hưởng.

Các cố gắng của Trung Quốc tuy nhiên đã càng lúc càng bị vạch trần, và chính cơ quan tình báo Úc đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Canberra có biện pháp, cả về hành chánh lẫn luật lệ để hạn chế việc Bắc Kinh thao túng nội tình nước Úc. Báo chí độc lập tại Úc như kênh truyền thông ABC và hãng tư nhân Fairfax đã góp phần vạch trần âm mưu của Trung Quốc.

Ngay cả xã hội dân sự cũng bắt đầu cảnh giác. Theo nhà báo Lưu Tường Quang, mới đây, trường Đại Học Quốc Gia Úc ANU đã từ chối một khoản tài trợ của giới thân Bắc Kinh.

Nhìn chung, bài toán đặt ra cho cả Úc lẫn New Zealand rất hóc búa : đó là làm sao ngăn không cho Trung Quốc tung tiền thao túng đất nước mình, đồng thời tránh được tiếng xấu là phân biệt đối xử đối với với người Úc gốc Hoa. - RFI
|
|

9.
Mỹ rút lui do Unesco 'thành kiến với Israel'

Hoa Kỳ rút lui khỏi tổ chức giáo dục, văn hóa, khoa học của Liên Hiệp Quốc, và cáo buộc Unesco tổ chức này có "thành kiến với Israel".

Unesco được biết đến nhiều về việc chọn, bảo tồn các địa điểm di sản thế giới, như Palmyra của Syria và Đại vực (Grand Canyon) của Mỹ.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói sẽ thành lập một ủy ban giám sát tại trụ sở chính của Unesco ở Paris để thay thế cho cơ quan đại diện chính thức của mình.

Tổng giám đốc Unesco Irina Bokova nói việc Mỹ rút lui là điều "vô cùng đáng tiếc", là tổn thất cho "gia đình Liên hiệp quốc" và cho chủ thuyết hợp tác đa quốc gia.

Hồi 2011, Hoa Kỳ đã hủy việc đóng góp cho ngân khoản Unesco để phản đối việc tổ chức này ra quyết định cấp quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine.

Việc Mỹ rút khỏi Unesco cũng do bởi mục tiêu tiết kiệm tiền, tạp chí Foreign Policy tường thuật.

Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích điều mà ông coi là sự đóng góp bất cân xứng của Hoa Kỳ cho các tổ chức của Liên hiệp quốc.

Mỹ hiện đóng góp 22% vào ngân sách thường lệ của UN, và 28% cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.

Bầu chọn lãnh đạo Unesco


Unesco hiện đang trong tiến trình bầu chọn tân lãnh đạo.

Các cựu bộ trưởng Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và Audrey Azoulay của Pháp đang dẫn đầu trong cuộc đua thay vị trí của bà Bokova.

Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam là một trong bảy gương mặt ra ứng cử.

Sau khi về vị trí áp chót ở vòng bầu chọn thứ hai, ông Phạm Sanh Châu đã rút lui khỏi cuộc đua.

Để trở thành người đứng đầu tổ chức phụ trách giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, ứng viên cần giành được ít nhất 30 phiếu trong tổng số 58 thành viên của hội đồng bầu chọn.

Nếu không có ứng viên nào giành được đa số quá bán sau vòng bầu chọn thứ tư, thì tiếp theo sẽ là vòng đối đầu trực tiếp giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất.

Ứng viên được ủy ban bầu chọn cũng phải được 195 quốc gia thành viên của UNESCO chuẩn thuận trong tháng 11, tuy đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức. - BBC
|
|

10.
Tòa án Ireland cho phép Apple xây trung tâm dữ liệu

Tòa án Cấp cao của Ireland hôm 12/10 đã ra phán quyết rằng một trung tâm dữ liệu trị giá 1 tỷ đôla mà Apple dự tính xây dựng ở phía Tây nước này có thể tiếp tục, bác bỏ những lo ngại về môi trường, theo Reuters.

Hãng tin này đưa tin rằng Apple thông báo các kế hoạch xây dựng trung tâm dữ liệu năm 2015, nhưng dự án đã bị trì hoãn vì vấp phải phản đối.

Một trung tâm tương tự mà Apple thông báo cùng thời gian ở Đan Mạch chuẩn bị bắt đầu đi vào hoạt động vào cuối năm nay. - VOA
|
|

11.
Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ trích Trump

Đức Đạt Lai Lạt Ma bày tỏ quan ngại về tương lai nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump với nhận xét rằng Hoa Kỳ đang ngày càng ‘ích kỷ’ và ‘theo chủ nghĩa dân tộc’.

“Tổ tiên của quý vị thật sự coi trọng tự do, quyền tự do, dân chủ, những điều đó,” lãnh tụ tinh thần của Tây Tạng nói với Washington Post ngày 11/10.

“Vị Tổng thống hiện nay, ngay từ đầu ông ta nhắc tới ‘Nước Mỹ trên hết’. Tôi nghe không được hay lắm,” Ngài tiếp lời.

Tiếp đó, Đức Đạt Lai Lạt Ma chỉ trích các chính sách của chính quyền Trump về hiện tượng hâm nóng toàn cầu, nói rằng ông Trump thiếu lưu ý về vấn đề này.

“Đương kim Tổng thống không lưu tâm nhiều tới sinh thái.” “Tuy nhiên, dân Mỹ bầu chọn ông ấy, tôi phải tôn trọng điều đó.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma không phải là lãnh đạo tôn giáo đầu tiên phê phán các chính sách và luận điệu của Tổng thống Trump.

Đức Giáo Hoàng Francis cũng ‘xích mích’ với ông Trump về vấn đề di dân và biến đổi khí hậu.

Vị chủ chăn Công giáo đã gặp Tổng thống Trump trước đây trong năm. Ngài lên tiếng chỉ trích ông Trump khi ông Trump loan báo hồi tháng trước chấm dứt chương trình DACA bảo vệ những ai tới Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ khỏi bị trục xuất. Đức Giáo Hoàng nói Tổng thống nên xem lại quyết định này nếu tự cho mình là người cổ súy sự sống.

Tổng thống Trump chưa gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma dù dân biểu Jim Sensenbrenner, trong một lá thư năm ngoái, từng thúc giục ông việc này. - VOA
|
|

12.
Alibaba đầu tư $15 tỷ mở trung tâm nghiên cứu kỹ thuật cao khắp thế giới

Đại công ty bán hàng trên mạng Alibaba của Trung Quốc vừa loan báo sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu kỹ thuật cao trên khắp thế giới.

Theo bản tin UPI, một phát ngôn viên công ty Alibaba hôm Thứ Ba cho hay họ sẽ đầu tư $15 tỷ trong ba năm tới, gồm bảy trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc, Mỹ, Israel, Singapore, và Nga.

Các trung tâm này sẽ nhắm vào các lãnh vực bao gồm nghiên cứu dữ kiện, các máy móc điện tử dùng trong đời sống thường ngày và nối kết với nhau qua mạng, chế tạo máy siêu điện toán cùng là lãnh vực người máy.

Theo dự trù, mỗi nơi lúc đầu sẽ thu nhận hàng trăm nhà nghiên cứu vào làm việc.

Alibaba cũng dự trù sẽ cộng tác với các viện đại học cũng như các tổ chức nghiên cứu khác.

Alibaba nói rằng đã đạt thỏa thuận với đại học UC Berkeley ở California trong chiều hướng này, UPI cho hay.

Ông Jeff Zhang, người đứng đầu lãnh vực kỹ thuật của Alibaba, cho hay công ty đang tìm kiếm các tài năng mới để thúc đẩy các công trình nghiên cứu ứng dụng trực tiếp vào đời sống hàng ngày và thu ngắn khoảng cách kỹ thuật để mọi người trên thế giới gần nhau hơn, cũng theo UPI. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

13.
Trump chính thức đề cử tân Bộ trưởng An ninh Nội địa

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/10 chính thức đề cử đương kim Phó Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc, Kirstjen Nielsen, làm Bộ trưởng An ninh Nội địa.

Bà Nielsen trước đây từng làm chánh văn phòng cho ông John Kelly, người hiện làm Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc cho Tổng thống Trump, khi ông Kelly còn làm Bộ trưởng An ninh Nội địa đầu tiên dưới thời Trump.

Tổng thống Trump nói với đề cử này, bà Nielsen sẽ trở thành cựu nhân viên đầu tiên của Bộ này quay lại làm lãnh đạo cả Bộ.

Bà Nielsen là ‘tay trái tay mặt’ của ông Kelly và là một chuyên gia về chính sách an ninh quốc gia.

Trước đây, bà từng làm trợ lý đặc biệt cho cựu Tổng thống George W. Bush.

Nhận đề cử của Tổng thống Trump, bà Nielsen nói bà hy vọng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn mà người Mỹ kỳ vọng và xứng đáng có được.

Đề cử của Tổng thống phải chờ được Thượng viện biểu quyết xác nhận. - VOA
|
|

14.
Trump ký lệnh làm suy yếu Obamacare

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Năm ký một sắc lệnh nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn để dân Mỹ có thể mua các chương trình bảo hiểm y tế tối giản, sử dụng quyền hành Tổng thống của ông làm lung lay Obamacare sau khi các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Quốc hội không hủy bỏ được đạo luật chăm sóc y tế 2010 này.

Ông Trump ban hành sắc lệnh hành pháp nhắm mục tiêu cho phép các doanh nghiệp nhỏ hợp lực với nhau vượt ra ngoài ranh giới của bang để mua các chương trình bảo hiểm y tế rẻ hơn, ít bị quản lý hơn cho nhân viên của mình với ít phúc lợi hơn. Tuy nhiên, những lựa chọn bảo hiểm mới này có thể tới năm 2019 mới được ứng dụng, và sắc lệnh Tổng thống vừa ban có thể đối mặt với những thách thức pháp lý từ các Tổng chưởng lý theo Đảng Dân chủ từ các tiểu bang.

Đây là bước đi cụ thể nhất của ông Trump để lật ngược Obamacare kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 1 với lời hứa bãi bỏ chính sách đối nội mang dấu ấn của Tổng thống Barack Obama.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện cáo buộc ông Trump "một tay phá tan tành hệ thống chăm sóc y tế của chúng ta."

"Không bãi bỏ được luật này ở Quốc hội, Tổng thống giờ đang phá hoại hệ thống này," ông Schumer nói.

Hạ viện hồi tháng 5 đã thông qua một đạo luật của phe Cộng hòa để bãi bỏ Obamacare. Nhưng những nỗ lực của các thượng nghị sĩ Cộng hòa trong Thượng viện nhằm bãi bỏ và thay thế Obamacare đã thất bại vào tháng 7 và tháng 9, một phần vì dự luật được đề xuất sẽ khiến hàng triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế.

Các nghị sĩ Cộng hòa gọi Obamacare, vốn mở rộng bảo hiểm y tế cho 20 triệu người, là sự can thiệp thái quá của chính phủ vào vấn đề chăm sóc y tế của người Mỹ, và đã hứa hẹn sẽ bãi bỏ nó suốt bảy năm qua.

Sắc lệnh của ông Trump làm suy yếu Obamacare một phần bằng cách cho phép người ta tiếp cận các kế hoạch bảo hiểm y tế không bao gồm các phúc lợi thiết yếu như thai sản và chăm sóc y tế trẻ sơ sinh, thuốc theo toa, và điều trị sức khoẻ tâm thần và cai nghiện.

Obamacare, tên chính thức là Đạo luật Chăm sóc Y tế Giá Phải chăng, bắt buộc hầu hết các chương trình bảo hiểm y tế của doanh nghiệp nhỏ và cá nhân phải cấp những phúc lợi đó. - VOA
|
|

15.
Bộ Tư pháp ra ‘tối hậu thư’ cho các thành phố ‘chứa chấp’ --- Bộ trưởng Tư pháp Mỹ thúc bỏ chính sách bảo hộ tị nạn

Bộ Tư pháp Mỹ vừa ra thông báo với năm địa phương: phải chấm dứt các chính sách ‘chứa chấp’ di dân bất hợp pháp trước ngày 27 tháng này.

Bộ nói thành phố Chicago thuộc bang Illinois; New Orleans ở bang Louisiana; New York trực thuộc bang New York; Philadelphia thuộc Pennsylvia, và Hạt Cook thuộc Illinois không tuân thủ một điều khoản trong luật cấm các định chế nhà nước ngăn cản công việc của nhân viên di trú.

Bộ Tư pháp nói các địa phương được gọi là ‘nơi ẩn náu an toàn’ cho di dân bất hợp pháp thường không hợp tác với các giới chức liên bang trong việc thông báo tình trạng di trú của những người bị bắt giữ có liên quan tới hoạt động tội phạm.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions ngày 12/10 tuyên bố những nơi theo chính sách ‘chứa chấp’ cũng có quan điểm rằng bảo vệ những người nước ngoài phạm tội quan trọng hơn bảo vệ những công dân Mỹ tuân thủ luật pháp hay bảo vệ pháp quyền.

Bộ trưởng Sessions kêu gọi tất cả những ‘thành phố ẩn náu an toàn’ xem lại, cân nhắc lại các chính sách gây phương hại an toàn cho cư dân nội địa

Bộ Tư pháp chưa cho biết cụ thể nếu các địa phương này không tuân thủ yêu cầu trước thời hạn chót 27/10 thì hậu quả sẽ ra sao. Bộ trưởng Sessions từng tuyên bố ngân quỹ liên bang sẽ bị rút lại đối với các địa phương ‘chứa chấp.’ - VOA

***
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 12/10 tuyên bố các chính sách cho phép người nhập cư xin bảo hộ tị nạn tại Mỹ có nhiều bất cập và bị "lạm dụng và gian lận tràn lan."

Trong bài phát biểu tại Văn phòng Điều hành về Duyệt xét Nhập cư, ông Sessions nói quá nhiều người nhập cư đã lợi dụng những quy định này, và hối thúc Quốc hội thông qua luật siết chặt việc cung cấp bảo hộ tị nạn.

Cải tổ hệ thống bảo hộ tị nạn của Mỹ nằm trong danh sách những đề xuất di trú Tòa Bạch Ốc gửi cho Quốc hội cuối tuần qua mà Tổng thống Donald Trump muốn có, để đổi lại, sẽ có sửa đổi lập pháp cho chương trình Hành động Trì hoãn đối với Người đến Mỹ từ nhỏ (DACA). Hầu hết các nguyên tắc, bao gồm việc trấn áp dòng trẻ em vị thành niên từ Trung Mỹ không người dìu dắt đổ vào Mỹ, có phần chắc sẽ không được phe Dân chủ chấp nhận.

Ông Sessions không thông báo bất kỳ sự thay đổi chính sách cụ thể nào trong bài phát biểu của ông nhưng kêu gọi Quốc hội hành động.

Ông nói rằng có những "lỗ hổng" trong luật cho phép những người nhập cư được phóng thích trong khi đợi thẩm phán nghe hồ sơ, những người mà các quan chức liên bang xác định có "nỗi sợ khả tín" về việc hồi hương.

Ông cũng cố xúy áp đặt và thi hành những biện pháp trừng phạt đối với những đơn xin bảo hộ tị nạn "vô căn cứ," nâng các chuẩn mực về bằng chứng trong các cuộc phỏng vấn thẩm định “nỗi sợ khả tín”, và mở rộng khả năng trả người xin bảo hộ tị nạn sang một nước thứ ba an toàn.

Sau khi họ vượt qua được cuộc thẩm duyệt “nỗi lo sợ khả tín”, nhiều người biến mất và không bao giờ xuất hiện để dự phiên tòa di trú của họ, ông Sessions nói. - VOA
|
|

16.
Cuộc khẩu chiến giữa Trump và báo chí leo thang

Tổng thống Donald Trump ngày 11/10 đề nghị đặt vấn đề với giấy phép hoạt động của đài NBC và các mạng lưới tin tức khác, sau khi báo đài đăng tin rằng Ngoại trưởng Tillerson, sau một cuộc thảo luận về kho võ khí hạt nhân của Mỹ, đã mô tả Tổng thống là một người lớn xác nhưng suy nghĩ và hành xử như một đứa con nít.

“Với những tin vịt từ NBC và các mạng lưới tin tức, tới lúc nào thì thích hợp để đặt vấn đề về giấy phép hoạt động của họ đây? Tệ hại cho quốc gia!” ông Trump đăng trên Twitter.

Tổng thống Trump và những ủng hộ viên của ông nhiều lần dùng từ ‘tin vịt’ để gieo rắc nghi ngờ về các bài báo chỉ trích chính quyền Trump, nhưng không trưng ra bằng chứng để ủng hộ tố cáo của mình rằng những bài báo đó là sai sự thật.

Khi xuất hiện cùng Thủ tướng Canada hôm 11/10, ông Trump một lần nữa bày tỏ sự nghi ngờ giới truyền thông khi nói rằng “Thật đáng kinh tởm khi báo chí có thể tự ngoáy bút viết ra bất cứ chuyện gì họ muốn viết.”

Cổ phiếu các công ty truyền thông rớt giá sau dòng tin của ông Trump trên Twitter, cho thấy có thể cuộc khẩu chiến sẽ tiếp tục leo thang.

Ông Gordon Smith, giám đốc điều hành Hiệp hội Phát thanh Phát hình Quốc gia bênh vực quyền tự do ngôn luận của truyền thông, nói rằng một giới chức chính phủ đe dọa thu hồi giấy phép hoạt động của truyền thông chỉ vì bất đồng quan điểm với tường trình của báo chí là hành động đi ngược lại các quyền cơ bản.

Ủy ban Truyền thông Liên bang, một cơ quan độc lập liên bang, nói Tu chính án thứ nhất không cho phép Ủy ban kiểm duyệt các nội dung phát thanh-phát hình và rằng vai trò của Ủy ban trong việc coi sóc nội dung chương trình phát thanh-phát hình rất hạn chế.

Đài NBC từng tường trình về căng thẳng giữa Tổng thống Trump với Ngoại trưởng Rex Tillerson và loan tin rằng Tổng thống Trump muốn gia tăng kho võ khí hạt nhân của Mỹ trong cuộc họp với các cố vấn an ninh quốc gia hồi tháng 7 và rằng sau sự kiện này, Ngoại trường Tillerson đã nhận định Tổng thống hành xử như ‘trẻ con.’ - VOA
|
|

17.
TT Trump sẽ công du Anh đầu năm 2018

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ có chuyến công du Anh vào đầu năm 2018, tiếp sau là chuyến thăm cấp nhà nước đúng nghĩa, nhưng ngày giờ chưa xác định, tờ London Evening Standard đưa tin hôm 11/10.

Văn phòng của Thủ tướng Theresa May đã từ chối bình luận về chuyến thăm, và nói quan điểm của họ về chuyến thăm cấp nhà nước không có gì thay đổi. Lời mời đã được đưa ra, ông Trump đã nhận lời, và ngày giờ chưa được thu xếp.

Bà May đã mời ông Trump thăm cấp nhà khi bà đến Washington gặp ông hồi tháng Giêng, ngay sau khi ông tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Kế hoạch này tỏ ra gây nhiều tranh cãi ở Anh, dự báo sẽ có các cuộc biểu tình lớn để “đón” nhà lãnh đạo Mỹ. - VOA
|
|

18.
Quỹ MacArthur trao tài trợ cho Nguyễn Thanh Việt, Jesmyn Ward

Nguyễn Thanh Việt và Jesmyn Ward, hai tiểu thuyết gia thành công với các tác phẩm về các cộng đồng thiểu số, được nhận 625.000 đôla tiền tài trợ từ Quỹ MacArthur.

Các khoản tài tài trợ vô điều kiện này có mục đích "khuyến khích những người có tài năng xuất chúng theo đuổi những khuynh hướng sáng tạo, trí tuệ và chuyên nghiệp của riêng họ". Hai tiểu thuyết gia nằm trong số 24 người được lựa chọn nhận tài trợ năm nay, bao gồm các nhà toán học, sử gia, các nhà khoa học vi tính và các nhà nhân chủng học.

Bà Ward được chọn vì đã viết những tiểu thuyết "phân tích những mối liên kết bền chặt của cộng đồng và tình yêu gia đình giữa những người Mỹ gốc Phi nghèo ở vùng nông thôn miền nam, trong bối cảnh những khả năng bị giới hạn và tiềm năng bị đánh mất".

Ông Việt được chọn vì "thách thức lại những miêu tả phổ biến về cuộc chiến tranh Việt Nam và phân tích vô số những cách thức mà cuộc chiến vẫn tồn tại đối với những người đã phải ra đi".

Ông Việt, người nhận giải Pulitzer năm 2016 cho cuốn tiểu thuyết The Sympathiser (Cảm tình viên), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với chương trình MacArthur rằng ông "đã lớn lên đắm chìm trong những câu chuyện về cộng đồng người tị nạn Việt Nam ở California, và ý thức rằng đa số dân chúng Mỹ không nghe, không thấy những câu chuyện và chiều sâu cảm xúc".

Ông nói: "Chiến tranh Việt Nam rất quan trọng đối với cách người Mỹ nhìn thấy, hoặc không thấy, những người như tôi. Và tôi nhận ra rằng cách người Mỹ kể chuyện về cuộc chiến này đã xóa bỏ hoàn toàn trải nghiệm của người Việt Nam. Tôi bắt đầu nghĩ rằng một trong những nhiệm vụ của văn học là trao tiếng nói cho người không có nói tiếng và mang lại tính nhân bản cho mọi người, và điều này đặc biệt đúng đối với các sắc dân thiểu số ở đất nước này".

Quỹ MacArthur trợ giúp những người sáng tạo, các tổ chức hiệu quả, và các mạng lưới có ảnh hưởng để xây dựng một thế giới công bằng, tươi đẹp và yên bình hơn. - VOA
|
|

19.
Nạn nhân vụ xả súng Las Vegas khởi kiện


Một phụ nữ ở bang California bị thương trong vụ xả súng ở Las Vegas khởi kiện công ty điều hành khách sạn, nơi hung thủ dội mưa đạn từ lầu 32 xuống khán giả xem đại nhạc hội; ban tổ chức lễ hội âm nhạc và nhà sản xuất chế tạo ra thiết bị mà kẻ tấn công đã dùng để biến súng bán tự động thành gần như tự động trong vụ thảm sát kinh hoàng hôm 1/10.

Cô Paige Gasper, 21 tuổi, nói trong đơn kiện rằng sự khinh suất của bị đơn đã gây ra các vết thương nguy hiểm tới tính mạng mà cô hứng chịu khi bị một viên đạn xé toạc xương sườn và làm rách thận.

Đơn kiện nộp ngày 10/10 ở hạt Clark, bang Nevada.

Stephen Paddock, hung thủ 64 tuổi, sau khi giết chết 58 người và làm bị thương gần 500 người khác đã tự sát trước khi cảnh sát ập vào phòng nghỉ của đương sự tại khách sạn Mandalay Bay.

Đơn kiện nói tập đoàn kinh doanh quốc tế MGM và chi nhánh Mandalay, chủ khách sạn, đã không theo dõi và kịp thời phát hiện hành tung của Paddock cũng như phản ứng chậm chạp. Sáu phút trước khi nhả đạn xuống khán giả xem đại nhạc hội, hung thủ đã bắn bị thương một nhân viên bảo vệ của khách sạn.

Đương đơn Gasper tố cáo ban tổ chức đại nhạc hội, công ty giải trí Live Nation Entertainment, đã tắc trách vì không cung cấp lối thoát hiểm thích ứng cũng như không đào tạo nhân viên bài bản để đối phó trong trường hợp khẩn cấp.

Đơn kiện của cô Gasper cũng tố nhà sản xuất Slide Fire Solutions chế tạo ra thiết bị ‘bump stock’ mà hung thủ dùng để tăng cường khả năng hoạt động của các cây súng bán tự động hôm đó về gây án về tội khinh suất. - VOA
|
|

20.
Hollywood rung chuyển vì "yêu râu xanh" Harvey Weinstein

Ngày càng có thêm nhiều nhân chứng tố cáo các vụ tấn công tình dục của nhà sản xuất phim Mỹ Harvey Weinstein. Sau các tiết lộ của báo chí vào đầu tuần, cho đến hôm nay 12/10/2017 đã có thêm nhiều nữ nghệ sĩ xác nhận đã là nạn nhân của nhà điện ảnh tên tuổi Hollywood. Trong đó có các nữ diễn viên nổi tiếng của Mỹ như Angelina Jolie, Gwyneth Paltrow… và bốn nữ diễn viên Pháp.

Theo thông tín viên của RFI tại Washington, một số nữ nghệ sĩ cho biết có cảm giác được giải thoát, khi rốt cuộc đã thổ lộ được bí mật đè nặng lâu nay. Nhiều người nói về nỗi sợ có thể không còn hoạt động nghệ thuật được nếu tố cáo việc bị « yêu râu xanh Hollywood » tấn công tình dục, bên cạnh đó là sự xấu hổ.

Đa số các nạn nhân của Harvey Weinstein là các nữ diễn viên, nhưng không chỉ có thế. Cô Lauren Sivan, phóng viên truyền hình Mỹ, kể lại rằng cô đã bị Harvey Weinstein buộc phải nhìn ông ta đang thủ dâm trước mặt cô.

Cô Sivan kể lại : « Ông ta đã đóng cánh cửa duy nhất lại. Vào thời đó tôi chỉ mới hai mươi tuổi, và tôi bối rối chẳng biết phải làm gì. Tôi chỉ muốn thoát khỏi cảnh ấy càng sớm càng tốt, và sau khi ông ta hành động xong, tôi chỉ hỏi : " Xong chưa ? Bây giờ tôi có thể đi được không ? ", và sau đó tôi bỏ trốn ».

Và ngày càng nhiều những người có liên hệ của Harvey Weinstein lên tiếng, đôi khi nhằm bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng thường là để nói lên sự kinh tởm. Người vợ ông Weinstein là Georgina Chapman sau đó cũng nói lời chia tay.

Tối qua, bà Hillary Clinton lần đầu tiên phát biểu. Bà nói : « Tôi bị sốc, cảm thấy thật bàng hoàng. Đó là điều không thể dung thứ được trên mọi phương diện ». Cựu ứng cử viên Nhà Trắng đã nhận được nhiều ủng hộ tài chính của Harvey Weinstein cho chương trình tranh cử. Bà khẳng định sẽ chuyển giao số tiền này cho các tổ chức từ thiện. - RFI
|
|

Tin Việt Nam

21.
Tuần phim APEC diễn ra ở Đà Nẵng, Việt Nam

Tuần lễ phim APEC 2017 khai mạc hôm 12/10 tại thành phố biển Đà Nẵng của Việt Nam, giới thiệu về các nền văn hóa và dân tộc của các thành viên Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương.

Sự kiện sẽ kéo dài đến 17/10 có mục đích gia tăng hiểu biết lẫn nhau và mở rộng quan hệ kinh tế ở châu Á-TBD.

Có 11 bộ phim được trình chiếu, trong đó là phim “Mỹ nhân” của Việt Nam, bên cạnh các phim của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Indonesia, Nga, Chile và Peru.

Tại thủ đô Hà Nội, tuần lễ phim APEC cũng được thực hiện từ ngày 11-16/10.

Sự kiện được coi là đáng chú ý nhất tại Đà Nẵng là tuần lễ của các lãnh đạo APEC, từ ngày 6-11/11. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tham gia sự kiện này.

Được thành lập năm 1989, APEC có 21 nền kinh tế là thành viên, gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mexico, New Zealand, Papua New Guinea, Peru, Philippines, Russia, Singapore, Đài Loan, Thailand, và Mỹ. - VOA
|
|

22.
Chiến hạm Mỹ đến Hoàng Sa, VN nói tự do giao thông ở Biển Đông


Trong lúc Trung Quốc cực lực phản đối một chiến hạm của Mỹ tới gần Quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam nói mọi nước đều được hưởng quyền tự do giao thông ở Biển Đông.

Trung Quốc hôm thứ Tư 11/10 chính thức phản đối Hoa Kỳ về việc tàu khu trục Chafee của Hải quân Mỹ hôm thứ Ba 10/10 đi vào vùng nước gần với các đảo mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền thuộc Quần đảo Hoàng Sa.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói trong cuộc họp báo thường lệ rằng Bắc Kinh đã ngay lập tức phái chiến hạm và chiến đấu cơ tới cảnh báo và xua tàu Mỹ phải ra khỏi khu vực.

Trong khi đó, theo trích thuật của truyền thông báo chí Việt Nam, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 12/10, nói: “Với tư cách là quốc gia có chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và là thành viên Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Việt Nam đã nhiều lần khẳng định lập trường nhất quán của mình, theo đó, tất cả các quốc gia đều được hưởng quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982.”

Bà Hằng nói tiếp: "Việt Nam hoan nghênh và tiếp tục đề nghị các quốc gia có đóng góp xây dựng và tích cực trên cơ sở luật pháp quốc tế vào việc duy trì hòa bình ổn định và thượng tôn pháp luật ở trên Biển Đông."

Trước đó Bắc Kinh nói: "Hành động của chiếc tàu Mỹ vi phạm pháp luật Trung Quốc và luật pháp quốc tế, làm tổn hại tới chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc. Trung Quốc cương quyết phản đối."

Các viên chức Mỹ, yêu cầu không nêu tên nói với hãng tin Reuters hôm 11/10 rằng tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Chafee, đã tiến hành các hoạt động tuần tra thông thường, thách thức "tuyên bố chủ quyền lãnh hải quá mức" gần quần đảo Hoàng Sa, trong có các đảo nhỏ, các rạn san hô và bãi cạn mà Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền với các nước xung quanh.

Đây là lần tuần tra gần nhất để chống lại những gì mà Washington cho là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm hạn chế quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược. Nhưng động thái này không mang tính khiêu khích như những lần trước đây kể từ khi ông Trump nhậm chức hồi đầu năm nay.

Tháng tới, ông Trump sẽ đi thăm Trung Quốc trong chuyến công du châu Á lần đầu tiên trong tư cách là tổng thống của ông. Lâu nay ông vẫn gây áp lực đòi Trung Quốc kìm tỏa Triều Tiên. Trung Quốc là nước láng giềng và là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên.

Ngũ Giác Đài không bình luận trực tiếp về hoạt động tuần tra này, nhưng cho biết Hoa Kỳ đã thực hiện các hoạt động tuần tra tự do hàng hải và sẽ tiếp tục làm như vậy thường xuyên hơn trên Biển Đông. - VOA
|
|

23.
Nguyễn Phú Trọng: Kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh ‘vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn’

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 6 hôm 11/10 tại Hà Nội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng miêu tả việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, cựu bí thư thành ủy Đà Nẵng, là ‘vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn.’ Tuy nhiên, các nhà bình luận nghi ngờ về động cơ, mức độ, cũng như ‘tính nhân văn’ của biện pháp kỷ luật này.

Từ Hà Nội, nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy nhận định:

“Tôi không nghĩ rằng có chuyện nhân văn ở đây đâu. Dư luận cũng không bao giờ tin vào các hình thức kỷ luật. Người ta nghi ngờ liệu rằng kho đốt lò thì củi nào cũng cũng cho vào không hay đây là vấn đề phe phái, hay ông chỉ đốt củi của phe kia thôi, còn người của ổng thì chừa ra. Nhiều người và cả tôi cũng nghi ngờ về động cơ tiêu diệt tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng.”

Các lãnh đạo Việt Nam đã nhiều lần nói đến “tính nhân văn” trong kỷ luật đảng, mà theo đó cấp dưới đề nghị lên cấp trên xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống,” và lấy “xây” là chính.

Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng thông báo ông Nguyễn Xuân Anh, cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã có một loạt sai phạm và đề nghị Bộ Chính trị xem xét hình thức kỷ luật. Cuối cùng hội nghị hôm 6/10 cách chức bí thư và tước chức ủy viên Trung ương khoá 12 của ông Xuân Anh vì “những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng.”

Báo VietnamNet trích lời ông Trọng nói rằng đa số cán bộ, đảng viên đều đồng ý rằng mức kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh “vừa nghiêm khắc, vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc.”

Ông Trọng từng tuyên bố:

“Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình. Nhưng vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!...”

Ông Trọng còn khuyên răn các cán bộ hãy tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, và “nếu đã trót ít nhiều nhúng chàm rồi thì sớm tự giác tự gột rửa.”

Có ý kiến hoan nghênh, như ông ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội, nói với VOA rằng việc công bố sai phạm của ông Anh là “dấu hiệu tích cực, đáng ghi nhận” trong cuộc chiến chống tham nhũng.

Đài Tiếng nói Việt Nam VOV trích lời ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng: “cán bộ là Ủy viên Trung ương mà tham quyền, lộng quyền, vi phạm nguyên tắc, vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm cả pháp luật thì rất đáng tiếc.”

Tuy nhiên, cũng có người tỏ thái độ dè dặt và nghi ngờ các hình thức kỷ luật này vì theo họ đó là dấu hiệu của một cuộc “thanh trừng phe phái” trong hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam.

Chia sẻ ý kiến của nhà báo Tường Thụy, ông Huỳnh Ngọc Chênh, một nhà hoạt động dân chủ ở Đà Nẵng, nói với VOA rằng ông không tin việc công bố sai phạm của ông Anh là đấu tranh chống tham nhũng.

“Điều khiến tôi bất ngờ là sai phạm của một ủy viên trung ương Đảng và là bí thư một thành phố lớn lại được cho báo chí thông báo công khai trong khi trước giờ những việc liên quan đến cán bộ cấp cao đều được giữ kín.”

Trong một bài viết cho VOA, nhà báo Phạm Chí Dũng ở thành phố Hồ Chí Minh nói Hội nghị trung ương 6 “cho ra rìa một ủy viên trung ương là Nguyễn Xuân Anh - người được đồn đoán là “thân” với Trần Đại Quang - Chủ tịch nước,” nhưng đây rốt cuộc cũng chỉ “diệt ruồi.”

Ông Nguyễn Tường Thụy có cùng nhận định trên và chỉ ra rằng ông Trọng chỉ xử lý kỷ luật ở mức cách thức chứ chưa thu hồi được số tiền thiệt hại do cán bộ tham nhũng làm thất thoát:

“Chỉ đánh được mỗi ông Nguyễn Xuân Anh thôi, còn những ông ‘bự’ như ông Đinh La Thăng thì cũng bị cách chức thôi. Cái chức ổng ban cho thì nay ổng cách chức thôi, chứ chưa thu hồi được đồng nào, trong khi ông Thăng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng.”

Kết thúc bài phát biểu tại hội nghị, ông Trọng nói: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng.”

Nhà báo Nguyễn Tường Thụy nói rằng ông rất nghi ngờ các nỗ lực chống tham nhũng kiểu “hô hào” của người đứng đầu hàng ngũ lãnh đạo Việt Nam:

“Bây giờ đặt ra vấn đề là những cái gì mà họ làm hại cho dân cho nước thì có thu hồi được đồng nào hay không? Dân quan tâm đến chuyện ấy. Chứ còn không có ông này làm bí thư thành ủy thì ông khác sẽ làm bí thư thành ủy. Trong chuyện này đầy rẫy nghi ngờ và chẳng hiệu quả.”

Ngay khi hội nghị kết thúc sau 7 ngày làm việc “khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm,” nhà báo Pham Đoan Trang ở Hà Nội bình luận trên Facebook: “quăng cả củi tươi, củi khô lẫn thuốc pháo vào đốt lò”, nhưng “củi Yên Bái, củi Hải Phòng, củi Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Nghệ An... rất khó đốt!” - VOA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9











No comments: