Sunday, September 17, 2017

BẢN TIN NGÀY 17/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo GDVN có bài: Mỹ lập nhóm chuyên gia công tác, đề xuất khu bảo tồn Biển Đông. Bài này tóm lược từ báo Diplomat, đưa tin, Trung tâm CSIS của Mỹ đã lập một nhóm chuyên gia công tác Biển Đông, giúp bảo vệ môi trường biển hiện đang bị khai thác cạn kiện, phá hủy các hệ sinh thái, cũng như quản lý các tranh chấp ở Biển Đông.

Cập nhật tin về cơn bão số 10
Theo báo Thanh Niên, tính đến 21h31 đêm 16/9, đã có 11 người chết, 1 người mất tích và 28 người bị thương. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Nghệ An, Hải Phòng và Quảng Trị đã có khoảng 7000 ngôi nhà bị ngập úng, cùng hàng chục phương tiện, tàu thuyền bị chìm, hư hỏng.

Báo Một Thế Giới dẫn lời ông Dương Tất Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, xác nhận bão số 10 đã đánh sập mái kho chứa than trong khu vực nhà máy nhiệt điện của Công ty Formosa.

VTC có clip: Bão số 10: Kinh hoàng những con số thiệt hại.


Nhân quyền ở Việt Nam
Dân oan Trịnh Bá Phương cho biết: Năm 2015, một người tin cậy của anh đã trao đổi với văn phòng luật quốc tế ICJ để kêu gọi họ giúp đỡ dân oan bị cướp đất, kiện nhà nước Việt Nam ra toà án ICC. Được biết, Toà án ICC đã bổ sung luật mới, thụ lý các vụ án tham nhũng đất đai và tội ác huỷ hoại môi trường.

Theo anh Phương, thủ tục để kiện đảng CSVN ra toà quốc tế có thể mất nhiều thời gian, qua nhiều thủ tục pháp lý phức tạp, “nhưng tôi sẽ không từ bỏ ý định vụ kiện này.

Hình ảnh quen thuộc của dân oan mất đất. Ảnh: FB Trịnh Bá Phương

Nhà hoạt động Paulus Lê Sơn có bài: Có Những Phiên Tòa, Có Những Nỗi Sợ. Tác giả nhận định, người dân càng ngày càng bớt sợ hãi khi tham gia các hoạt động tranh đấu, ngược lại, nhà cầm quyền càng lo sợ khi luôn tìm cách ngăn cản người dân đến dự các phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến. Tác giả viết:

Khi nỗi sợ hãi trong dân đã hết. Ý thức phản kháng của toàn dân đã đến cao trào, không chỉ còn dừng lại ở những con số vài ngàn, chục ngàn nữa. Lúc đó, nỗi sợ hãi của quan tòa, của nhà cầm quyền trở thành sự thật. Khi dân không còn sợ hãi thì gió sẽ đổi chiều. Chính người cộng sản sẽ là người phải sợ hãi“.

RFI có bài: Thỏa thuận mậu dịch Việt Nam – Châu Âu “tùy thuộc vào nhân quyền”. Ông Bernard Lange, chủ tịch Uỷ ban Nghị viện châu Âu về thương mại quốc tế, tuyên bố với các phóng viên tại Hà Nội rằng, các cuộc đàm phán hiện nay đặt trọng tâm vào vấn đề lao động cưỡng bức và tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Bóng ma mật vụ Việt Nam trong cộng đồng người Việt tại Đức 
Trang Thời Báo có bài: Phải chăng mật vụ Việt Nam đang tổ chức theo dõi công dân Đức? Các hoạt động của cộng đồng người Việt tại Đức hiện đang diễn ra “không được bình thường”, khi có nghi ngờ Chính phủ Việt Nam đang cử mật vụ theo dõi những hành động của họ trong bối cảnh ngoại giao Việt – Đức đang hết sức căng thẳng.

Những nhóm mật vụ này còn sử dụng đội ngũ dư luận viên để moi thông tin cá nhân của những người được cho là “có vấn đề” với chính quyền trong nước. Ngoài ra họ còn đe dọa giết nhà báo nước ngoài: “Việc đe dọa ‘lẩy cò’ hoặc cho ‘ăn tiết canh’luôn được nhóm này thích thú đưa ra hăm dọa nhà báo Đức khi họ đăng tin tường thuật sự thật”.

Đại án OceanBank
LS Trần Vũ Hải đặt câu hỏi: Vụ án “ảo” che lấp vụ án thật?. Tác giả nêu hai vấn đề: hàng chục ngân hàng khác cũng đã chi lãi ngoài như Oceanbank, nhưng chỉ có người của Oceanbank truy tố và vụ chi lãi ngoài cũng không chắc phải là nguyên nhân khiến cho ngân hàng Oceanbank mất vốn, bên bờ vực sụp đổ.

LS Hải viết: “Phải chăng vụ án Oceanbank chi lãi ngoài chỉ là một vụ án ‘ảo’, che lấp một vụ án thật khác mà nếu làm rõ vụ án thật này sẽ giải mã tại sao Oceanbank mất vốn và sẽ sụp đổ nếu NHNN không can thiệp? Hoặc đơn giản Oceanbank không đáng bị NHNN mua 0 đồng mà vẫn có thể hoạt động bình thường như nhiều ngân hàng tư nhân khác?


Kết quả thanh tra Bộ Y tế: hẹn tiếp!
Báo Pháp Luật TP cho biết: Ngày 21-9 Thanh tra Chính phủ công bố thanh tra Bộ Y tế. Cũng giống như vụ thanh tra biệt phủ của ông Phạm Sỹ Quý, TTCP lại tiếp tục … hẹn. Theo lịch, TTCP sẽ công bố quyết định thanh tra Bộ Y tế vào sáng 15/9, nhưng lại hoãn tới ngày 21/9. Không rõ tới ngày 21/9 TTCP sẽ hẹn tiếp ngày nào. Báo Đất Việt: Chốt thời gian công bố quyết định thanh tra Bộ Y tế.

Cũng chuyện TTCP liên tục dời lịch hẹn công bố thanh tra tài sản của một ông quan ở Yên Bái Phạm Sỹ Quý, về thông tin ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục chống tham nhũng, TTCP bị kỷ luật, nhưng Cục trưởng Cục chống tham nhũng bác tin bị kỷ luật về phát ngôn thanh tra vụ Yên Bái, Soha đưa tin.

Biệt phủ xây bằng gỗ quý của Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Trị
Báo Pháp luật Dân sinh có bài: Hoa mắt trước biệt phủ rộng thênh thang bằng gỗ quý của ông Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị. Ông Khổng Trung, Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm tỉnh Quảng Trị, chủ nhân căn biệt phủ, cho biết:

Căn nhà bằng gỗ này được xây đầu năm 2015 đến đầu năm 2016 thì xong. Ngôi nhà tiêu tốn khoảng 80 khối gỗ, 32 cây cột gỗ thuộc nhiều loại gỗ quý như lim, gõ, chua, trường… Chỉ riêng 32 cột gỗ đã hơn 300 triệu đồng, giá tại thời điểm hiện tại 32 cái cột này cũng hơn 1 tỷ, số tiền mà tôi bỏ ra để xây ngôi nhà này lúc đó khoảng hơn 2 tỷ đồng“.

Mời xem clip căn biệt thự bằng gỗ của ông Khổng Trung, Chi cục trưởng CCKL Quảng Trị:

Ông Trung cho biết: “Hiện tại ông sở hữu hơn 30 ha rừng, 1 cây xăng và 1 phòng khám tại xã Hải Ba, kinh doanh nhiều năm mới có số tiền trên để làm nhà, lương hằng tháng cũng không thể xây được ngôi nhà như vậy“.

Không rõ ông Trung mất bao nhiêu năm tích cóp tiền lương, đủ để mua 30 ha rừng, 1 cây xăng và 1 phòng khám này? Hay là ông cũng làm giàu nhờ buôn chổi đót, lá chít, nuôi heo, nấu rượu, làm giá đỗ… giống như ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái? Làm quan ở một tỉnh nghèo như Quảng Trị, sao ông Trung không quảng bá cách làm giàu của ông, để giúp người dân ở đây cũng giàu có như ông, để tỉnh ông không phải xin hỗ trợ, cứu đói?

Đất Việt: Bất ngờ biệt phủ gỗ quý của lãnh đạo kiểm lâm. Đại diện Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Những điều dư luận đồn thổi về những cột gỗ trong căn biệt phủ đó tôi không rõ. Ông Trung làm Chi cục trưởng đã lâu, từ trước đến nay đều làm việc tốt và chưa thấy người dân hay đồng nghiệp phàn nàn“. Ông quan Khổng Trung giàu nứt đố đổ vách, mà không giúp dân làm giàu thì tốt cái nỗi gì!

Muôn nẻo BOT 
Báo VietNamNet có bài: Độc quyền BOT: Ăn gian 500 triệu/ngày, dân è cổ đóng phí. “Các dự án BOT hiện nay hầu hết nằm trên trục đường quốc lộ độc đạo, người dân không có quyền lựa chọn. BOT trở thành độc quyền, chủ đầu tư tìm mọi cách thu lợi nhuận còn người dân thì è cổ đóng phí“.

VTV có clip: BOT, không “bóc bánh” mà vẫn phải trả tiền:

Báo Pháp luật TP có bài phỏng vấn  TS Võ Trí Thành: Cần mổ xẻ tới nơi, tới chốn các dự án BOT! TS Thành cho rằng, bên cạnh những mặt tích cực của BOT, cần phải có những phân tích, đánh giá một cách toàn diện các dự án BOT đang gây bức xúc trong dân chúng.

TS Lê Đăng Doanh đề nghị Quốc hội VN và Chính phủ vào cuộc thanh tra toàn bộ các công trình BOT trên cả nước. Những trạm thu phí BOT gặp phản đối của người dân cần đình chỉ, không thu phí cho đến khi giải quyết ổn thỏa. Trong tương lai, cần có một tiêu chuẩn pháp lý và phương thức thực hiện các dự án BOT sao cho hiệu quả, bảo đảm phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của dân chúng.

Trang Zing có hình ảnh và video clip: Cảnh sát giao thông ngăn tài xế trả tiền lẻ ở BOT Biên Hòa. Clip phóng viên bị đuổi khi tác nghiệp ở trạm BOT tuyến tránh Biên Hòa:

Báo Đất Việt có bài: BOT Biên Hòa: Lý do CSGT ngăn tài xế trả tiền lẻ?. Đại diện công an huyện Trảng Bom, Đồng Nai, cho rằng, có thể do đường đông nên CSGT hỗ trợ trạm thu phí bán vé: “CSGT có làm nhiệm vụ thu tiền đâu mà ngăn với không ngăn tiền lẻ ở trạm thu phí. Tuy nhiên, có hình ảnh đó có thể do đường đông, vào giờ cao điểm nên nhân viên trạm thu phí nhờ CSGT hỗ trợ trong việc bán vé“.

BBC có bài: Luật sư Thuận: BOT điều tra kỹ cũng là ‘đại án’ (BBC). LS Trần Quốc Thuận, cựu Phó Chủ nhiệm thường trực Văn phòng Quốc hội, cho biết: “Những sai phạm liên quan các dự án thu phí BOT giao thông vừa qua ở Việt Nam không chỉ gây thiệt hại ‘hàng ngàn mà hàng vạn tỉ’ đồng và nếu ‘điều tra kỹ’ thì đó chính là một ‘Đại án’.”


BOT của dân: cán bộ qua cầu phải trả gấp đôi!
Bức ảnh gây xôn xao trên mạng, quy định: “Lệ phí qua cầu: 5.000 đồng 1 người+xe. Học sinh không mất tiền. Cán bộ xã 10.000 đồng. Không mất tiền xuống lội suối“. Có lẽ người dân ở đó cần ghi thêm câu: Cán bộ có quyền trả tiền lẻ, không bị dân mời đi làm việc, cũng không bị gọi là thiếu văn hóa!

Nguồn: Facebook

Báo Dân Việt đưa tin: “BOT có 1 không 2” ở Yên Bái: Cán bộ xã qua cầu trả tiền gấp đôi. Chuyện xảy ra ở một vùng quê tỉnh Yên Bái, khi lũ cuốn trôi một cây cầu, nhưng hơn một tháng, chính quyền địa phương vẫn không làm lại cầu, người dân đi lại khó khăn nên họ đã bỏ tiền của và công sức để dựng lại cây cầu tạm bằng tre và đặt tấm biển nói trên.

Trước khi có cầu tạm, người dân phải lội suối. (Ảnh: H.Q.H)


Nhiệm kỳ cán bộ, nhiệm kỳ pháp luật
Báo Một Thế Giới có bài: Đừng để nhiệm kỳ cán bộ cũng là…’nhiệm kỳ pháp luật’. Tác giả nêu ra hai câu chuyện về tòa nhà số 8 Lê Trực và sân golf Tân Sơn Nhất của quân đội, rằng “cứ tưởng sẽ tạo ra nguồn thu quan trọng cho ngân sách trong lúc nhà nước… thì nay có khả năng khoản thu được trong bấy nhiêu năm ký hợp đồng đó, nay có cộng vào thì vẫn phải bù thêm mới đủ để đền cho người ta khi phá bỏ hợp đồng kinh tế...”

Tác giả viết: “Tôi không dám lạm bàn ở đây về một khía cạnh nhạy cảm, đó là chuyện liệu có lợi ích nhóm trong đây không? Nhưng tôi thì hơi hoài nghi chuyện này bởi vì ngay bản thân tôi, một người không am tường về kinh tế, thương mại… mà cũng đã nhìn thấy có gì đó không ổn thì không lẽ những chuyên gia của nhà nước về lĩnh vực này lại dễ dàng để ‘con voi chui lọt lỗ kim’ vậy sao?

Thực trạng giáo dục Việt Nam
Báo Một Thế Giới có bài: Hơn nửa triệu thanh niên thất nghiệp, trong đó có 18 vạn cử nhân. Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) và Tổng cục Thống kê đã công bố kết quả thị trường lao động quý 2/2017 cho thấy, cả nước hiện đang có 1,08 triệu người thất nghiệp, trong đó có hơn 500 ngàn thanh niên, với hơn 180 ngàn cử nhân. Đáng lo ngại là có tới 25% thất nghiệp dài hạn.

Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Sau đơn tố hiệu trưởng, 4 giáo viên bị điều chuyển công tác. Sau khi gửi đơn tố cáo hiệu trưởng, 4 giáo viên trường tiểu học Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ, Long An, bị điều chuyển đi các trường khác.

Một trong bốn giáo viên bị chuyển công tác, cho biết: “Trước khi công bố, vị trưởng Phòng giáo dục và đào tạo huyện nói rằng chúng tôi không được ý kiến gì cả. Họ đọc quyết định xong rồi thôi. Trong quyết định cũng không rõ lý do, chúng tôi bị buộc phải chấp hành mà chẳng được nói ý kiến gì“.

Thảm cảnh đời sống dân nghèo
Báo Tuổi Trẻ có bài: Khi dân không đóng nổi tiền sử dụng đất. Nguyên nhân là trong một thời gian dài, Thành phố không làm thủ tục cấp sổ đỏ cho người dân, dẫn đến số tiền phải truy thu quá lớn, có nhiều người phải đóng hàng trăm triệu đồng.

Với một khoản tiền quá lớn như vậy, nếu có áp dụng quy định “trả nợ dần trong thời hạn 5 năm“, vẫn không khả thi, vì nhiều hộ gia đình không đủ khả năng trả, nên họ từ chối nhận sổ đỏ.

Phụ nữ Việt bán hàng rong ở Thái Lan
RFA có bài phóng sự về phụ nữ Việt bán hàng rong ở Thái: Tâm tình của hai phụ nữ Việt bán hàng tại Thái. Chị Trúc, một người bán hàng rong ở Thái, quê ở Hà Tĩnh, chia sẻ: “Chính quyền Thái họ đối xử tương đối tốt. Chị có coi trên mạng cảnh nhiều người bán hàng rong ở Việt Nam, thấy phức tạp hơn so với bên đây nhiều, bên này họ nói vậy thôi chứ họ bắt vào thôi rồi họ phạt ít trăm Bath thôi, chứ họ không thu giữ gì cả. Chứ không phải như bên mình đâu, chị coi trên mạng cảm thấy thương người bán hàng rong như chị lắm”.

Phim Chiến tranh Việt Nam
Bộ phim tài liệu 10 tập, “Chiến tranh Việt Nam” sẽ bắt đầu công chiếu trên đài PBS từ Chủ nhật ngày 17 tháng 9. VOA có bài tường trình về buổi ra mắt và thảo luận bộ phim “Chiến tranh Việt Nam” của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, diễn ra tại Trung tâm Trình diễn Nghệ thuật Kennedy, Washington hôm 12/9: Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam.

Bài báo cho biết: “Một chi tiết có lẽ sẽ gây rất nhiều chú ý đối với khán giả Việt Nam là biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, khi nhiều thường dân bị cộng sản Bắc Việt thảm sát, có người bị chôn sống, đã được nhắc đến trong phim. Đây có lẽ là phim tài liệu có tầm cỡ đầu tiên của Mỹ nhắc đến vụ thảm sát ở Huế“.

Cũng chuyện chiến tranh Việt Nam, VOA có bài: Cựu Ngoại trưởng Anh Straw: ‘Cần cuộc điều tra cấp cao về con lai Đại Hàn’. Bài viết kể về những người mẹ VN có con lai Đại Hàn, nhưng hiện chính phủ Nam Hàn vẫn không thừa nhận những đứa trẻ gốc Việt đó là con cái của các binh sĩ nước này. Ước tính có khoảng 800 phụ nữ Việt Nam bị lính Đại Hàn hãm hiếp vẫn còn sống. Mong muốn lớn nhất của họ chỉ là một lời xin lỗi từ chính phủ Nam Hàn để con cái họ được thừa nhận.

Tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm
Báo Người Đô Thị có bài: Khai thác Titan – Bài 3: Bộ Tài nguyên và Môi trường “bao sân” hoạt động khai thác titan? Hoạt động khai thác Titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận kéo dài hàng chục năm nay, đã được HĐND tỉnh đánh giá là gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường, hủy hoại tầng chứa nước… Trong khi Sở TNMT, Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Bình Thuận từ năm 2006 đến năm 2011, đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác titan thực hiện xử lý nước thải để bảo đảm mức phóng xạ không vượt mức cho phép, nhưng họ không thực hiện.

Thế nhưng, vào năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra một văn bản có nội dung “cho phép các dự án khai thác titan thực hiện tuần hoàn, tái sử dụng nước từ quá trình tuyển quặng, không sử dụng bất kỳ hóa chất, phụ gia nào và không thải nước thải ra ngoài khu vực khai thác thì không phải lập hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xả thải“, được coi là “sai luật… chồng sai luật”.


Vụ hai tử tù trốn khỏi phòng biệt giam: đã bắt được một người
Báo Dân Trí đưa tin: Tử tù Thọ “sứt” bị bắt tại Hải Dương khi đang đi cùng bạn gái. “Chiều tối 16/9, một lãnh đạo Cục Cảnh sát truy nã tội phạm (C52 – Bộ Công an) xác nhận thông tin trên và cho biết, Lê Văn Thọ bị bắt cuối giờ chiều nay khi đang lẩn trốn ở Hải Dương“.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA đưa tin về phản ứng của Mỹ sau khi Bắc Hàn phóng thêm hỏa tiễn bay ngang qua miền bắc nước Nhật sáng ngày 15/9: Khủng hoảng Triều Tiên: Mỹ tái khẳng định có giải pháp quân sự. Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc, ông McMaster tuyên bố, Mỹ đang tới gần ranh giới cuối cùng của các biện pháp chế tài và ngoại giao có thể đạt được, trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Bắc Hàn.

Về phía Bắc Hàn, theo tuyên bố của thông tấn xã nhà nước Bắc Hàn đưa ra hôm 16/9: Triều Tiên muốn ‘ngang bằng’ lực lượng với Mỹ. VOA dẫn lời bản tin: “Mục tiêu chung cuộc của chúng ta là đạt được ngang bằng lực lượng thực sự với Mỹ và làm cho giới cầm quyền Hoa Kỳ không dám nhắc tới phương án quân sự với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên”.

RFI có bài phân tích: Thế giới còn có hy vọng chặn được Kim Jong Un? Theo nhận định của các chuyên gia thì tình trạng khiêu khích của Bắc Hàn hiện nay cần phải có giải pháp. Nếu xem ra không thể chặn được Bắc Hàn sở hữu hạt nhân thì một trong những giải pháp là thống nhất hai miền Nam Bắc với một nước hai chế độ. Nếu không thì, “cần phải trừ khử Kim Jong Un thôi!” bằng cách sử dụng ngoại giao, kinh tế và luật pháp quốc tế, theo Wall Street Journal.

Nhà báo Hoàng Ngọc Nguyên có bài trên trang Người Việt Utah: Con hơn cha, nước nhà vô phúc. Bài viết nói về lãnh tụ Bắc Hàn, Kim Jong-un, sau gần 6 năm cầm quyền, đã qua mặt cả cha lẫn ông nội về các vụ thử hạt nhân, làm thế giới phải lên ruột.

Độc tài gia đình trị. Từ trái sang: Kim Il Sung (ông nội) , Kim Jong Il (bố) và Kim Jong Un (con). Ảnh: internet

Tác giả viết: “Sau sáu năm, cậu đã nổi tiếng tương đương với ông Donald Trump 40 năm, ở chỗ thay người như thay áo, nhưng cậu còn ‘sung’ hơn, chỉ dùng súng xử lý thay vì phải nói ‘You’re fired’. Trong tám tháng qua, ông Trump đã ‘mất’ ít nhất 10 cận thần. Trong sáu năm qua, Ủn-Ỉn đã giết ít nhất cũng mười người bà con chú bác cô dì từng được sủng ái“.


Chính trường Mỹ
Việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016 vẫn đang tiến hành: Vụ Nga-Trump: Thêm nhân vật ra khai chứng. VOA cho biết, phát ngôn viên của ông Paul Manaford, cựu quản lý chiến dịch tranh cử cho ông Trump đã ra khai trước một đại bồi thẩm đoàn liên bang về sự thông đồng giữa ban vận động tranh cử của ông Trump và Nga.

Liên quan đến di trú, Tòa Liên Bang cấm Bộ Tư Pháp cắt trợ cấp cho các ‘thành phố an toàn’. VOA cho biết, theo một phán quyết tòa án liên bang hôm thứ Sáu, Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions không được thi hành quyết định cắt trợ giúp tài chánh của liên bang cho bang Chicago cũng như các “thành phố an toàn” (sanctuary cities) khác, ít nhất là trong lúc này.


Khủng hoảng người tị nạn Rohingya
Cuộc tấn công của chính phủ Myanmar nhắm vào các phần tử nổi dậy tràn qua biên giới Bangladesh: Bangladesh cảnh báo Myanmar về biên giới giữa khủng hoảng người tị nạn. VOA dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Bangladesh, nói, các máy bay không người lái và trực thăng của Myanmar đã xâm phạm không phận của họ ba lần vào ngày 10, 12 và 14 tháng 9. RFI: Bangladesh tố cáo Miến Điện xâm phạm không phận. Thêm tin: Bangladesh sắp lập các trại lớn cho người Rohingya (BBC).

Khủng bố ở Luân Đôn
Sau khi Tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech nhận là tác giả vụ khủng bố ở Luân Đôn ngày 15/09/2017, Thủ tướng Theresa May lập tức thông báo nâng cấp báo động khủng bố lên mức cao nhất. RFI cho biết, cảnh sát Anh đang tiếp tục truy lùng thủ phạm, để ngăn chặn những vụ đánh bom tương tự trong những ngày tới. Và cảnh sát Anh đã bắt 1 người trong vụ nổ bom trên tàu điện ngầm, VOA đưa tin.

Hiệp định biến đổi khí hậu Paris
RFI có bài nói về hội nghị khí hậu toàn cầu: Canada-Châu Âu-Trung Quốc thúc đẩy thỏa thuận khí hậu, được tổ chức tại Montreal, Canada, nhằm thúc đẩy việc thực thi thỏa thuận về khí hậu Paris 2015, đang gặp nhiều thách thức. Việc chọn Montreal, bang Quebec, làm địa điểm tổ chức nhằm phản ứng lại việc tổng thống Hoa Kỳ quyết định rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris.

Nạn đói trên thế giới gia tăng
Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp quốc báo động: Nạn đói gia tăng trên thế giới lần đầu tiên từ 10 năm qua. Theo phóng viên RFI, “nạn đói trên thế giới lại gia tăng, với 815 triệu người thiếu ăn, tính đến năm 2016, tức là tăng 38 triệu người so với năm trước. Trong những tháng tới, nạn đói có thể sẽ lan rộng ở Nam Sudan, Đông Bắc Nigeria, Somalia và Yemen”.

Thêm tin quốc tế: Hun Sen đòi đuổi Peace Corps của Mỹ về nước trong bài diễn văn trước công nhân may mặc ở thủ đô Phnom Penh (VOA). – Bắc Kinh phản đối Nhật đầu tư vào Đông Bắc Ấn Độ vì cho rằng đây là những vùng đang tranh chấp giữa Bắc Kinh và New Delhi (RFI).

-----------------------------------------------

Bài Mới Nhất
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017
17/09/2017




*
*






. . . .












No comments: