Friday, September 29, 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ NĂM 28/9/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Trung Quốc nói sẽ đóng cửa doanh nghiệp Triều Tiên sau nghị quyết LHQ

Bộ Thương mại Trung Quốc hôm thứ Năm cho biết các công ty của Triều Tiên hoặc các liên doanh ở Trung Quốc sẽ bị đóng cửa trong vòng 120 ngày sau khi những biện pháp chế tài mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được thông qua vào ngày 12 tháng 9.
Các liên doanh của Trung Quốc ở nước ngoài với các thực thể hoặc cá nhân ở Triều Tiên cũng sẽ bị đóng cửa, bộ này cho biết trong một thông báo đăng trên website của họ, nhưng không đưa ra khung thời gian.
Thứ Bảy tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc cho hay dầu lọc xuất khẩu cho Bình Nhưỡng sẽ được giới hạn ở mức hai triệu thùng mỗi năm có hiệu lực vào tháng 10, trong khi việc buôn bán khí thiên nhiên hóa lỏng sẽ bị cấm ngay lập tức.
Bắc Kinh cũng đã cấm hàng dệt may từ Triều Tiên. Hàng dệt may là nguồn thu chính cuối cùng của Bình Nhưỡng sau nhiều vòng chế tài liên tục của Liên Hiệp Quốc, mà theo đó Trung Quốc đã cắt đứt than đá, quặng sắt, hải sản và những hàng hóa khác.
Hôm 12 tháng 9, Hội đồng Bảo an đã nhất trí tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên, cấm xuất khẩu hàng dệt may và hạn chế cung cấp nhiên liệu.
Liên Hiệp Quốc đưa ra hành động này sau vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và lớn nhất của Triều Tiên trong tháng này. Đây là nghị quyết chế tài thứ chín của Hội đồng Bảo an liên quan đến chương trình đạn đạo và hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006. - VOA
|
|
2.
Biển Đông: "Tứ Sa" còn tệ hơn cả "đường lưỡi bò"

Tuần trước, báo mạng Washington Free Beacon có trụ sở tại Washington đã tiết lộ một chiến thuật mới của Trung Quốc trong mục tiêu độc chiếm Biển Đông : thay vì yêu sách đường 9 đoạn, thường gọi là « đường lưỡi bò », Bắc Kinh lại nêu ra khái niệm « Tứ Sa ».
Trong một cuộc họp kín với các viên chức bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vào ngày 28 và 29/08/2017 tại Boston, ông Mã Tân Dân (Ma Xinmin), cục phó Cục Hiệp định và Pháp luật thuộc bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã khẳng định « quyền lịch sử của Trung Quốc tại Tứ Sa ». Tờ báo cho biết các viên chức Mỹ tỏ ra rất ngạc nhiên về cách diễn dịch mới này.
Theo ông Mã Tân Dân, Trung Quốc có « chủ quyền và quyền hàng hải » kéo dài xung quanh bốn nhóm đảo ở Biển Đông là Đông Sa (Dongsha, tức Pratas Islands của Đài Loan), Tây Sa (Xisha, tức Hoàng Sa), Nam Sa (Nansha, tức Trường Sa), Trung Sa (Zhongsha, tức bãi cạn Macclesfield, là một bãi ngầm nằm cách Hoàng Sa 75 hải lý). Bắc Kinh gọi chung là « Tứ Sa », đòi hỏi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý xung quanh nhóm đảo này.
Ông Michael Pillsbury, thuộc Hudson Institute và là giám đốc Center for Chinese Strategy, nhận định, yêu sách về pháp lý trên đây là một trong « Tam chủng chiến pháp » do Quân ủy Trung ương đưa ra từ năm 2003, gồm tâm lý chiến, chiến tranh thông tin và chiến tranh pháp lý. Còn đại tá Hải quân về hưu Jim Fanell cho rằng thuyết « Tứ Sa » là« một bước lôgic của Bắc Kinh trong chiến thuật tằm ăn dâu » trên Biển Đông.
Hai chuyên gia về công pháp quốc tế Julian Ku và Christopher Mirasola trên trang Lawfare - một trang chuyên về an ninh do Lawfare Institute và Brooking Institution thực hiện, với sự hợp tác của nhiều luật gia - trong một bài viết mới đây đã khẳng định « Biển Đông và yêu sách "Tứ Sa" của Trung Quốc : Lý thuyết mới về pháp luật, nhưng lập luận tệ hại như cũ ». Theo hai tác giả trên, về mặt luật pháp, lý lẽ về « Tứ Sa » cũng chẳng hơn gì so với đường lưỡi bò lâu nay.
Thật ra đây không phải là một khái niệm mới mẻ. Luật về lãnh hải và đường tiếp giáp của Trung Quốc năm 1992 đã tuyên bố lãnh thổ Trung Quốc bao gồm cả « Đông Sa, Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa ». Sách Trắng công bố năm 2016 khi tranh chấp với Philippines cũng khẳng định chủ quyền « Nam Hải chư đảo » (tức các đảo trên Biển Đông) gồm bốn nhóm đảo trên, kể cả « các đảo, rạn san hô, bãi cạn, thực thể có số lượng và kích thước khác nhau ».
Như Bắc Kinh đã nhìn nhận, mỗi nhóm đảo gồm nhiều thực thể đa dạng, đa số không mang lại quyền lợi hàng hải. Chẳng hạn phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye năm 2016 nhận định, không một thực thể nào ở Trường Sa đủ lớn để có được lãnh hải 12 hải lý xung quanh. Năm 1996, Trung Quốc ấn định các đường cơ sở bao quanh quần đảo Hoàng Sa, coi đây là một đơn vị địa lý duy nhất (có lẽ nhằm mở rộng tối đa yêu sách).
Vì Trung Quốc không phải là một quốc gia gồm nhiều đảo hợp lại như Indonesia hay Philippines, Hoa Kỳ và hầu hết các nước coi việc vẽ ra những đường cơ sở xung quanh một nhóm đảo là đi ngược lại với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Điều 47 của Công ước quy định đường cơ sở xung quanh một quần đảo như Hoàng Sa chẳng hạn, chỉ có thể được ấn định nếu bao quanh « các đảo chính và một khu vực mà tỉ lệ khoảng cách từ vùng biển so với vùng đất, kể cả rạn san hô » của một Nhà nước« là từ 1-1 đến 9-1 ». Hai chuyên gia Julian Ku và Christopher Mirasola khẳng định, Trung Quốc không hội đủ điều kiện này, vì đất liền Hoa lục xa tít tắp vùng biển yêu sách.
Do vậy, cơ sở luật pháp của « Tứ Sa » thậm chí còn yếu hơn cả đường lưỡi bò, vì rõ ràng là vi phạm UNCLOS (điều 46 và 47). Tuy vậy có vẻ như Trung Quốc có lợi hơn khi thay đường 9 đoạn bằng « Tứ Sa ». Vì sao ?
Trước hết, các lãnh đạo Bắc Kinh có thể đã nhận ra rằng đường lưỡi bò đã trở nên một gánh nặng về ngoại giao. Đây là một « sui generis » (tình trạng pháp lý chưa có tiền lệ) : chưa hề có một Nhà nước nào đòi hỏi « quyền lịch sử trên biển » như vậy. Thế nên đường lưỡi bò đã khiến Trung Quốc trở thành mục tiêu bị quốc tế phê phán.
Thứ hai, khi sử dụng một thuật ngữ có vẻ giống như trong UNCLOS, Trung Quốc có thể tránh né được những chỉ trích.
Thứ ba - và theo hai chuyên gia trên, là đáng phẫn nộ nhất - Bắc Kinh có thể kết luận là tốt nhất nên bóp méo Luật Biển theo kiểu của mình, qua việc sử dụng những thuật ngữ của UNCLOS. Cường quốc đang lên này diễn dịch những quy định hiện hành theo cách nào có lợi nhất. Tìm được sự ủng hộ về đường cơ sở có lẽ dễ dàng hơn so với đường lưỡi bò. Tiến hành « chiến tranh pháp lý », Bắc Kinh có thể trông cậy vào đội ngũ đông đảo các luật sư và nhà nghiên cứu Trung Quốc để quảng bá chiến lược mới này với cộng đồng quốc tế.
Hai nhà nghiên cứu Julian Ku và Christopher Mirasola kết luận, trong khi chờ đợi đường lưỡi bò bị quẳng vào thùng rác (hợp pháp) của lịch sử, khó thể tin rằng với « Tứ Sa », Bắc Kinh sẽ đóng một vai trò khiêm tốn hơn tại Biển Đông. Lý lẽ về « Tứ Sa » không mấy vững, thậm chí yếu hơn cả đường 9 đoạn. Tuy nhiên để giải thích khái niệm « Tứ Sa » thiếu vững chắc và bất hợp pháp như thế nào, cần có những phân tích phức tạp về luật pháp, cộng với những thông điệp công khai, hiệu quả. Chính quyền Mỹ liệu có đẩy mạnh những công cụ này để khẳng định chính sách về Biển Đông hay không? - RFI
|
|
3.
Các bộ trưởng quốc phòng ASEAN sẽ ra ‘tuyên bố nhất quán’ về Biển Đông --- Trung Quốc cố chiêu dụ các nước ASEAN

Bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Ðông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, theo dự liệu sẽ ra một “tuyên bố nhất quán” về Biển Đông tại một hội nghị vào tháng tới.
Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana của Philippines, nước đang làm chủ tịch luân phiên ASEAN, hôm thứ Năm 28/9 đã phát biểu như vậy tại cuộc họp báo ở Manila, theo báo Inquirer.
Bộ trưởng Lorenzana nói: “Chúng tôi sẽ đưa ra một tuyên bố, và một giải pháp cho các vấn đề mâu thuẫn trên Biển Đông. Hy vọng đó là tuyên bố nhất quán của các nước ASEAN.”
Philippines sẽ chủ trì Hội nghị bộ trưởng quốc phòng của 10 nước ASEAN, gọi tắt là ADMM, và hội nghị ADMM cộng với 8 đối tác đối thoại, gọi tắt là ADMM-Cộng, trong hai ngày 23 và 24 tháng 10 tại thành phố Clark, thuộc tỉnh Pampanga, nằm về hướng bắc của thủ đô Manila.
Tám đối tác đối thoại tại hội nghị ADMM Cộng là Australia, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ.
Bộ trưởng quốc phòng nước chủ nhà nói: “Tại hội nghị an ninh cấp cao quan trọng này, chúng tôi sẽ thảo luận về những vấn đề quan tâm chung. Vấn đề hàng đầu tất nhiên là khủng bố. Vấn đề thứ nhì là ma túy. Chúng ta ở trong khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, do đó quản lý thảm họa cũng sẽ được thảo luận.”
Bộ trưởng Lorenzana cũng bày tỏ hy vọng rằng hội nghị cũng sẽ bàn về các mối de dọa đến hòa bình và an ninh của khu vực. - VOA

***
Theo trang mạng The Diplomat, ngày 25/09/2017, một hạm đội của Trung Quốc đã đến cảng lớn nhất của Brunei trong khuôn khổ một chuyến « viếng thăm hữu nghị », kéo dài 3 ngày. Đây là một trong những biểu hiện của việc Bắc Kinh đang thúc đẩy quan hệ quốc phòng không chỉ với Brunei, mà còn với nhiều quốc gia khác của ASEAN, một hình thức chiêu dụ các quốc gia này nhằm đối lại với thế lực của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Đối với Brunei, Trung Quốc là một đối tác hết sức quan trọng cho việc củng cố và đa dạng hóa một nền kinh tế mà cho tới nay chủ yếu vẫn dựa vào dầu hỏa. Còn Bắc Kinh thì xem Brunei là một nguồn cung cấp năng lượng cần thiết và cũng là một tiếng nói hữu dụng đối với Trung Quốc trong khối ASEAN.
Quan hệ song phương Brunei-Trung Quốc đã tiếp tục được thắt chặt trong năm nay. Trong tháng này, chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Bắc Kinh, khi ông này đến dự Triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14. Hai nhà lãnh đạo nhân dịp đó đã bàn đến việc tăng cường quan hệ quốc phòng.
Theo The Diplomat, thật ra Brunei cũng đang mở rộng quan hệ với các quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản hay Singapore, nhưng việc Trung Quốc tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông vẫn nóng bỏng ( mà trong đó Brunei cũng là một bên tranh chấp nhưng rất kín tiếng ) chuyến « viếng thăm hữu nghị » của hạm đội Trung Quốc đến Brunei là một diễn biến đáng chú ý.
Nhưng đáng chú ý hơn nữa, đó là việc Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ mới với Singapore, đồng minh của Mỹ. Tờ South China Morning Post ngày 27/09/2017 đã có một bài viết nhân chuyến viếng thăm vào tuần trước của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19.
Để chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này, cả 4 lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường, chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang và người lãnh đạo uỷ ban chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn đều đã tiếp thủ tướng Lý Hiển Long.
Ông Tập Cận Bình đã ca ngợi « một chương sử mới » trong quan hệ Trung Quốc - Singapore, còn thủ tướng Lý Hiển Long thì cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh để đưa mối quan hệ này lên một « cấp độ mới ».
Tuy vậy, theo South China Morning Post, tình hình địa chính trị sẽ không thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề căn bản còn tồn tại trong quan hệ Trung Quốc- Singapore sẽ không dễ gì mà giải quyết. Singapore sẽ không từ bỏ mối quan hệ truyền thống với Hoa Kỳ và Đài Loan để làm vừa lòng Trung Quốc.
Thế nhưng, Bắc Kinh đang thay đổi cách tiếp cận với Singapore, theo đúng chủ trương hiện nay của ông Tập Cận Bình là tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và theo đúng tinh thần của « Sáng kiến Con đường và Vành đai » do chính ông tung ra. Dẫu sao, thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc buộc Singapore phải cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc Mỹ-Trung.
Đối với Bắc Kinh, Singapore có vai trò ngày càng quan trọng, vì nước này không chỉ là cầu nối Trung Quốc với phương Tây, mà hiện đang là điều phối viên trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Ấy là chưa kể, năm tới Singapore sẽ nắm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Cũng trong nỗ lực nhằm đối lại với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ quân sự với Malaysia và các nước ASEAN khác, theo ghi nhận của trang mạng FMT (Free Malaysia Today) ngày 26/09/2017.
Trích tờ South China Morning Post, trang mạng này cho biết quan hệ giữa Kuala Lumpur với Bắc Kinh đã được thắt chặt, kể từ chính phủ Malaysia quay sang tìm nguồn cung cấp vũ khí từ Trung Quốc. Malaysia đã mua máy bay giá rẻ, chiến hạm, rocket từ Trung Quốc. Năm ngoái, hai nước đã ký một hiệp định trị giá 1,17 tỷ nhân dân tệ, hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên, về việc cùng sản xuất 4 tàu tuần duyên. Tháng tư vừa qua, Malaysia và Trung Quốc cũng vừa thành lập một ủy ban hợp tác quốc phòng.
Ngay cả quốc gia đồng minh lâu đời của Mỹ là Philippines nay cũng quay sang Trung Quốc kể từ khi tổng thống Rodriguez Duterte lên cầm quyền. Trong bối cảnh quan hệ Manila-Bắc Kinh nồng ấm lên, tháng 4 vừa qua, các chiến hạm của Trung Quốc lần đầu tiên từ năm 2010 đã đến thăm Philippines. Tháng 5 vừa qua, tổng thống Duterte đã ký một ý định thư mua 500 triệu đôla vũ khí và thiết bị quân sự từ một công ty Trung Quốc.
Tờ South China Morning Post cũng cho biết là Lào và Trung Quốc cũng đã tái khẳng định mối quan hệ quân sự trong chuyến viếng thăm 4 ngày của các quan chức Trung Quốc tại Lào trong tháng này. Nhân dịp đó, Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Lào. Tờ báo này cũng ghi nhận Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Cam Bốt kể từ năm 2012 và Bắc Kinh cũng đang cấp nguồn tài chính cho quân đội Cam Bốt.
Trong khi đó, hợp tác quân sự giữa Thái Lan với Trung Quốc cũng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. South China Morning Post nhắc lại rằng tháng 6 vừa qua, chính phủ Bangkok đã thông qua yêu cầu của Quân đội Hoàng gia Thái mua 34 thiết vận xa của Trung Quốc trị giá tổng cộng gần 70 triệu đôla. Cũng trong năm nay, Quốc Hội Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc. Hai nước cũng đã mở các cuộc tập trận chung, cả trên biển và trên bộ, trong tháng 5 và tháng 6.
Hiện đang khá căng thẳng với Indonesia trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc cũng đang cố chiêu dụ Jakarta, qua việc cho Indonesia mượn hai con gấu trúc (panda). Hai con gấu này vừa được đưa bằng máy bay từ Thành Đô đến Jakarta, theo tin của tờ Nikkei Asian Review ngày 28/09/2017.
Theo tờ báo Nhật, hiệp định « thuê » gấu trúc Trung Quốc đã được ký vào năm 2010, dưới thời tổng thống Susilo Bambang Yodhoyono. Khi loan báo thông tin hai gấu trúc này sắp đến Indonesia, đại biện của sứ quán Trung Quốc tại Jakarta xem đây là « một biểu tượng cho quan hệ song phương vững chắc hơn ». Các lãnh đạo Indonesia cũng hy vọng là việc này sẽ giúp khôi phục quan hệ giữa hai nước.
Quan hệ Jakarta-Bắc Kinh đã xấu đi từ năm trước, do vụ các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, nam Biển Đông. Đối với Bắc Kinh, vùng này là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc.
Tranh chấp này đã ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước. Kế hoạch cùng xây dựng đường xe lửa cao tốc Jakarta-Bandung hiện không tiến triển chút nào, dù hai bên đã ký hợp đồng về tài trợ.
Nhưng theo ghi nhận của Nikkei Asian Review, chính sách ngoại giao « panda » của Trung Quốc có vẻ không gây tác động như mong muốn của Bắc Kinh. Tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng ở nước này, một phần là do tin đồn hiện có đến khoảng… 20 triệu lao động Trung Quốc đang làm việc ở Indonesia, tin đồn mà chính quyền Jakarta đã bác bỏ. Thành ra báo chí Indonesia đã không loan tin nhiều về sự kiện hai con gấu trúc sắp đến nước này, khác với thái độ hồ hởi ở những nước khác đã từng được Trung Quốc cho mượn loài thú rất dễ thương này. - RFI
|
|
4.
Thủ tướng Nhật giải tán Hạ viện

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chính thức giải tán Hạ viện hôm 28/9.
Động thái này diễn ra chỉ ba ngày sau khi ông Abe bất ngờ tuyên bố tổ chức bầu cử toàn quốc sớm vào ngày 22/10.
Thủ tướng Nhật nói:
"Chúng tôi có trách nhiệm trình các chính sách của chúng tôi với cử tri và mang lại kết quả. Chúng tôi sẽ trình các chính sách một cách công khai và hợp lý trước các cử tri (trong cuộc bầu cử tới).
Chiến thắng trong cuộc bầu cử mới sẽ cho phép ông Abe nắm quyền cho đến ít nhất là năm 2021.
Tuy nhiên, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của thủ tướng Abe đang phải đối mặt với thách thức mạnh bất ngờ từ chính đảng mới có tên Hy vọng của đô trưởng Tokyo Yuriko Koike. - VOA
|
|
5.
TT Philippines đổi giọng, khen ‘đồng minh Mỹ’

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm 28/9 dành lời khen ngợi hiếm hoi cho Hoa Kỳ, gọi nước này là một đồng minh an ninh quan trọng, và xí xóa rằng những sự đối nghịch trong lịch sử cũng như những phát ngôn đầy giận dữ của ông chống lại Washington trong thời gian gần đây là "nước trôi qua cầu".
Ông Duterte lên tiếng nhân kỷ niệm lần thứ 116 của một trong những trận chiến đẫm máu nhất trong chiến tranh giữa Mỹ và Philippines trên đảo Samar, nơi 39 thường dân Philippin bị giết hại để trả đũa cho vụ 48 quân nhân bị phiến quân giết.
Ông Duterte phát biểu tại Balangiga, một thị trấn bị quân Mỹ đốt trụi vào năm 1901.
Ông Duterte nói hôm 28/9 rằng Bộ Ngoại giao đã cố vấn ông nên giảm những lời lẽ lên gân chống Mỹ, và ông nên có những từ ngữ tích cực về quân đội Mỹ.
"Tôi không nói họ là những vị cứu tinh của chúng ta, mà là đồng minh và đã giúp chúng ta. Thậm chí ngày hôm nay, họ cung cấp trang bị thiết yếu cho binh sĩ của chúng ta ở Marawi để chống lại bọn khủng bố" khi đề cập đến thành phố nơi những kẻ trung thành với Nhà nước Hồi giáo bị vây hãm trong bốn tháng.
Kể từ khi ông Donald Trump thay thế ông Obama trong cương vị tổng thống Mỹ, các công kích của ông Duterte nhằm vào Hoa Kỳ đã giảm.
Ông Duterte đã gây bất ngờ hồi tháng trước khi đón tiếp nồng hậu Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson, khi Tổng thống Philippines tự gọi mình là một "người bạn khiêm tốn" của Hoa Kỳ.
Một số nhà bình luận cho rằng ông Duterte đã dịu giọng vì chính quyền ông Trump tránh chỉ trích cuộc chiến chống ma túy mang đậm dấu ấn của ông Duterte.
Bộ trưởng Ngoại giao của ông Duterte, ông Alan Peter Cayetano, nói Philippines sẵn sàng tiếp các nhà quan sát nước ngoài kiểm tra hồ sơ nhân quyền và cuộc chiến chống ma túy đã làm hàng ngàn người thiệt mạng. - VOA
|
|
6.
Đập thủy điện lớn nhất của Campuchia khánh thành trên phụ lưu sông Mekong
Đập thủy điện Hạ Sesan 2 trên một chi lưu quan trọng của sông Mekong đã được Thủ tướng Campuchia Hun Sen khánh thành hôm 26/9 bất chấp những quan ngại của các tổ chức bảo vệ môi trường. Đây là đập thủy điện lớn nhất của Campuchia và cũng gây nhiều tranh cãi nhất.
Một nhà khoa học của Việt Nam nói rằng thêm một đập thủy điện mới trên sông Mekong cũng “không tác động gì nhiều” đến vùng Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nhờ Việt Nam lâu nay đã tìm cách ứng phó với tác động tiêu cực của các đập trên thượng nguồn.
Tua bin đầu tiên của đập thủy điện có công suất 400 megawatt, trị giá 800 triệu đô la này dự kiến sẽ bắt đầu phát điện trước cuối tháng 11 năm 2017, và toàn bộ đập sẽ đi vào hoạt động đầy đủ vào năm 2018.
Đây là một dự án liên kết giữa các tập đoàn năng lượng Hydrolancang của Trung Quốc, EVN của Việt Nam và Royal Group của Campuchia. Dự kiến các nhà đầu tư sẽ được quyền khai thác dự án trong 40 năm trước khi chuyển giao lại cho chính phủ Campuchia.
Trong bài diễn văn khánh thành kéo dài một tiếng đồng hồ, Thủ tướng Hun Sen nói dự án này sẽ giúp làm giảm giá thành sản xuất điện ở Campuchia, đồng thời giúp nước ông tiến đến mục tiêu, là đưa tất cả các thôn làng hòa vào lưới điện quốc gia trước năm 2022.
“Không có sự phát triển nào mà không gây tác động đến môi trường,” ông Hun Sen được tờ Phnom Penh Post dẫn lời nói. “Chỉ là tác động nhiều hay ít mà thôi.”
Ông Hun Sen chỉ trích những người mà ông gọi là “bảo vệ môi trường cực đoan” và chỉ ra nhu cầu năng lượng bùng nổ của Campuchia – nơi có giá điện đắt nhất trong khu vực hiện nay.
Ông nói:
“Mother Nature (một tổ chức hoạt động môi trường vừa bị giải thể ở Campuchia) việc gì cũng kiếm chuyện. Nếu anh cứ như vậy thì làm sao chúng ta có thể phát triển? Khai thác than và dầu hôi thì họ nói gây khói mù, và còn sản xuất điện thì họ nói ảnh hưởng đến môi trường.”
Nhà lãnh đạo Campuchia cũng bác bỏ việc đập thủy điện mới sẽ ảnh hưởng đến sản lượng đánh bắt cá, và nói ông “ngạc nhiên” khi có người khuyên ông nên từ bỏ đập Hạ Sesan 2 để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
“Tôm cá ở Campuchia có thể leo cây và leo núi,” ông châm biếm. “Cá ở nước tôi sống ở Biển Hồ và sông Mekong. Chúng không sống ở sông Sesan.”
“Sau khi xây xong đập thủy điện, chỉ cần thả thêm cá xuống sông là được,” ông nói thêm.
Ông Ian Baird, một nhà nghiên cứu về nguồn lợi thủy sản sông Mekong tại Đại học Wisconsin, nói rằng sự sinh trưởng của các loài cá phụ thuộc vào khả năng di cư của chúng để sinh sản. Ông cho rằng đập thủy điện mới sẽ có tác động tiêu cực đến Việt Nam, vốn lệ thuộc vào chu kỳ lũ hàng năm để đưa phù sa về bồi đắp cho đồng bằng sông Cửu Long. Con đập này cũng sẽ chặn đứng đường di cư của các loài cá.
Do đó các nhà sinh thái và các chuyên gia về nguồn nước quan ngại rằng đối với đập thủy điện Hạ Sesan 2 thì “hại nhiều hơn lợi”.
“Tác động trực tiếp của từng dự án thì nhỏ, nhưng gộp chung lại thì chúng sẽ thay đổi dòng chảy và dòng phù sa trên sông Mekong,” ông Jamie Pittock, một nhà sinh thái nước ngọt tại Đại học Quốc gia Úc được Phnom Penh Post dẫn lời nói.
Một cuộc nghiên cứu của Ủy hội sông Mekong hồi năm ngoái chỉ ra rằng thiệt hại kinh tế ước tính của 11 dự án đập đang được đề xuất ở hạ lưu sông Mekong đối với Campuchia sẽ lên tới 450 triệu đô la mỗi năm, và sản lượng đánh bắt cá của nước này sẽ giảm xuống, còn có phân nửa.
Một báo cáo hồi tháng Sáu của viện nghiên cứu chiến lược Stimson ở thủ đô Washington của Hoa Kỳ, cho biết chỉ tính riêng đập Hạ Sesan cũng đã giảm 9,3% lượng tôm cá di cư ở vùng đồng bằng sông Mekong.
Các dự án thủy điện, phần lớn do Trung Quốc đầu tư, đang mọc lên trên khắcp dòng chính và phụ lưu của sông Mekong. Riêng Campuchia đang cân nhắc thêm hai dự án nữa đều có quy mô lớn hơn rất nhiều so với Hạ Sesan 2: dự án Stung Treng có công suất 900 megawatt và dự án Sambor có công suất 2.600 megawatt – đều trên dòng chính của sông Mekong.
Báo cáo của Viện Stimson cũng cho biết là hiện nay hai dự án này đã được chính phủ của Thủ tướng Hun Sen bật đèn xanh để nghiên cứu tiền khả thi. Mặc dù chúng chưa thể khởi động trước năm 2020 nhưng chúng được dư đoán sẽ gây ra “hậu quả hết sức tai hại đối với nguồn lợi thủy sản và bồi đắp phù sa do vị trí gần với Biển Hồ (tức Tonle Sap) và Đồng bằng sông Cửu Long.”
Trao đổi với VOA, Giáo sư Võ Tòng Xuân, một nhà khoa học nhiều năm nghiên cứu về Đồng bằng sông Cửu Long, nói rằng việc Việt Nam nhiều năm qua lên tiếng phản đối các nước trên thượng nguồn sông Mekong đắp đập làm thủy điện “cũng như không.”
“[Ủy hội Sông Mekong Quốc tế] họp bàn cũng nhất trí nhiều thứ nhưng mà cuối cùng khi mà người ta trở về nước thì người ta phải lo cho lợi ích của nước người ta,” ông nói và cho biết Việt Nam không nên mất thời gian để thuyết phục các nước thay đổi lập trường nữa.
Thay vào đó, Giáo sư Xuân cho rằng Việt Nam phải tìm cách ứng phó các tác động có hại mà các đập thủy điện này gây ra, và một trong những việc đang được thực hiện là tích trữ nước ngọt từ mùa mưa để dành cho việc tưới tiêu vào mùa khô để đối phó với tình trạng lượng nước đổ xuống từ thượng nguồn sẽ ít đi.
Riêng về lượng thủy sản suy giảm, Giáo sư Xuân nói việc này không ảnh hưởng gì nhiều vì Việt Nam hiện nay “nuôi trồng là chủ yếu”, chứ đánh bắt từ các ngư trường thiên nhiên không còn bao nhiêu. - VOA
|
|
7.
Thủ tướng Thái: bà Yingluck đang ở Dubai

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết người tiền nhiệm của ông, bà Yingluck Shinawatra, đang ở Dubai.
Thủ tướng Chan-ocha tiết lộ tung tích của bà Yingluck hôm 28/9 trong một cuộc gặp báo giới, dẫn lại báo cáo của bộ ngoại giao về những hành tung của bà.
Anh trai của bà Yingluck, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, sống lưu vong ở Dubai sau khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự.
Bà Yingluck đã bị Toà án Tối cao Thái Lan kết án hôm 27/9 về tội thiếu trách nhiệm trong chương trình trợ giá lúa gạo có nhiều sai sót. Bản án vắng mặt bà phải nhận là 5 năm tù giam. - VOA
|
|
8.
Ân Xá Quốc Tế lo ngại Interpol bị Trung Quốc thao túng

Hội nghị thường niên lần thứ 86 của Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế - Interpol đang diễn ra tại Trung Quốc, từ ngày 26/09/2017 đến cuối tuần này. Việc Interpol hiện nằm dưới sự lãnh đạo của một thứ trưởng Công An Trung Quốc khiến giới bảo vệ nhân quyền hết sức lo ngại Bắc Kinh thao túng tổ chức này để đàn áp những người ly khai, thanh toán các đối thủ chính trị.
Trả lời RFI, ông Nicholas Bequelin, giám đốc khu vực của Ân Xá Quốc Tế nhận định :
« Tôi cho rằng Ân Xá Quốc Tế rất lo ngại về nguy cơ Trung Quốc thao túng Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế, với việc bầu mộtthứ trưởng bộ Công An Trung Quốc (ông Mạnh Hoành Vĩ/Meng Hongwei), một cơ quan rất nổi tiếng về các xâm phạm nhân quyền. Đây là một dấu hiệu rất đáng lo ngại.
Không có quốc gia nào có quyền chứa chấp những kẻ phạm tội tham nhũng đến từ quốc gia khác. Nhưng chúng ta có thể thấy là chiến dịch chống tham nhũng được tiến hành tại Trung Quốc bên ngoài khuôn khổ pháp luật.
Ủy ban kỷ luật của Đảng Cộng Sản lập ra một danh sách những người cần bị truy lùng ở nước ngoài. Và cũng chính tổ chức này tiến hành thẩm vấn. Như vậy là Tổ Chức Cảnh Sát Quốc Tế đã phối hợp với các hoạt động được tiến hành ngoài khuôn khổ pháp luật tại Trung Quốc. Tôi tin rằng đây là điều mà cộng đồng quốc tế cần phải lên tiếng ».
Theo Reuters, đầu tháng 9, vừa qua, tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW đã công bố một báo cáo, dựa trên phỏng vấn các giới chức Liên Hiệp Quốc, các nhà ngoại giao nước ngoài và nhiều đại diện của xã hội dân sự Trung Quốc. Báo cáo mang tên « Cái giá của sự biện hộ quốc tế : Sự can thiệp của Trung Quốc vào các định chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc », cảnh báo là Bắc Kinh đang nỗ lực làm suy yếu năng lực bảo vệ nhân quyền của Liên Hiệp Quốc một cách có hệ thống và đàn áp tại Trung Quốc hiện nay là « khốc liệt nhất » kể từ phong trào Thiên An Môn 1989.
Việc Bắc Kinh kiểm duyệt tất cả những bài viết, hình ảnh về nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba, khôi nguyên Nobel hòa bình, qua đời trong nhà tù Trung Quốc vì căn bệnh ung thư hồi tháng 7, bất chấp các lời kêu gọi đưa ông ra nước ngoài chăm sóc, là một trong các dấu hiệu tiêu biểu cho tình trạng đàn áp hiện nay. - RFI
|
|
9.
Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc với trọng tâm là Bắc Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đến Trung Quốc hôm nay, 28/09/2017. Theo thông cáo của bộ Ngoại Giao Mỹ, có mặt tại Bắc Kinh đến ngày 30/09/2017, ông Tillerson sẽ thảo luận với các lãnh đạo Trung Quốc về một loạt các hồ sơ, từ chuyến công du Trung Quốc tháng 11/2017 của tổng thống Trump, đến khủng hoảng hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đồng ý về mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, nhưng hai bên còn bất đồng về cách đối phó với chế độ Bình Nhưỡng. Thông tín viên đài RFI từ thủ đô Trung Quốc, Heike Schmidt cho biết thêm :
"Trước khi đặt chân lên lãnh thổ Trung Quốc, Rex Tillerson đã chuẩn bị dư luận. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khẳng định là Bắc Kinh đã có « những bước tiến rất dài theo chiều hướng tốt » khi ủng hộ nghị quyết của Liên Hiệp Quốc trừng phạt Bắc Triều Tiên.
Lần này, tổng thống Trump dường như tỏ thái độ ủng hộ ngoại trưởng Tillerson, khác hẳn với điều đã xảy ra trong chuyến công du Trung Quốc của lãnh đạo ngoại giao Hoa Kỳ hồi tháng 3/2017. Khi đó, một ngày trước khi ông Tillerson đến Bắc Kinh, tổng thống Trump đã viết trên mạng Twitter : « Trung Quốc chẳng giúp được gì nhiều » ( để thuyết phục Bắc Triều Tiên ngưng các chương trình phát triển hạn nhân). Tuyên bố ấy đã khiến Bắc Kinh giận giữ. Lần này thì khác. Cách nay hai ngày, cũng Donald Trump đã « hoan nghênh Bắc Kinh cắt đứt mọi giao dịch ngân hàng với Bình Nhưỡng ».
Trong số những chủ đề mà ông Tillerson sẽ đề cập tới với phía Trung Quốc chắc hẳn sẽ có một vấn đề liên quan tới số liệu thống kê vừa được cơ quan thuế vụ Trung Quốc công bố : Tháng 8/2017, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,6 triệu tấn than của Bắc Triều Tiên, trái với quy định của Liên Hiệp Quốc hiện hành từ tháng 2/2017.
Liệu có nên tăng cường các biện pháp trừng phạt ? Nối lại đối thoại hay sử dụng vũ lực ? Trên tất cả những câu hỏi đó, tốt hơn hết là Washington và Bắc Kinh tìm ra đồng thuận trước khi tổng thống Donald Trump lần đầu đến Trung Quốc vào tháng 11 tới đây".

Gia tăng áp lực với Bắc Triều Tiên 
Chuẩn bị tiếp ngoại trưởng Hoa Kỳ, bộ Thương Mại Trung Quốc trong buổi họp báo sáng nay (28/09/2017) cho biết Bắc Kinh đang "áp dụng toàn bộ" các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc : cấm nhập than đá và hải sản của Bắc Triều Tiên. Theo hãng tin Reuters, thông cáo này nhằm xua tan mọi nghi ngờ Bắc Kinh vi phạm lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên của Liên Hiệp Quốc.
Về phía Malaysia, chính quyền Kuala Lumpur ngày 28/09/2017 thông báo cấm tất cả công dân nước này tới Bắc Triều Tiên. Hãng tin Reuter trích dẫn một thông cáo của bộ Ngoại Giao Malaysia cho biết như trên và nhắc lại rằng, cho tới nay Malaysia là một trong những quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt đẹp nhất với chế độ Bình Nhưỡng. Nhưng quan hệ song phương đã xấu hẳn đi sau vụ người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong Un là Kim Jong Nam bị ám sát tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur hồi tháng 2/2017.
Còn tại Seoul một số các chuyên gia an ninh Hàn Quốc dự báo Bắc Triều Tiên sẽ còn tiếp tục bắn thử tên lửa hoặc thử vũ khí nguyên tử vào giữa tháng 10/2017, đúng vào lúc Trung Quốc tổ chức Đại Hội Đảng Cộng Sản lần thứ 19. - RFI
|
|
10.
Châu Âu sẽ tiếp nhận 50.000 người tị nạn từ Bắc Phi và Trung Đông

Hôm qua, 27/09/2017, Ủy Ban Châu Âu thông báo chương trình hai năm 2017-2019 đón tiếp 50.000 người tị nạn mới trực tiếp từ Bắc Phi và Trung Đông. Với kế hoạch này, Liên Hiệp Châu Âu hy vọng nhiều người muốn vượt Địa Trung Hải sang châu Âu sẽ từ bỏ ý định hết sức nguy hiểm này.
Chương trình mang tên « tái định cư » (réinstallation) vừa được thông báo nhằm nối tiếp chương trình đón tiếp người tị nạn, được khởi sự từ đầu năm 2015, vừa hết hạn trong tuần này, nhằm bảo vệ « những người được coi là dễ tổn thương nhất ».
Một ngân sách khoảng 500 triệu euro được chuẩn bị để hỗ trợ các quốc gia châu Âu tình nguyện đón người xin tị nạn, với kinh phí 10.000 euro cho một người.
Các nước là đối tượng ưu tiên của chương trình này bao gồm : Libya, Ai Cập, Niger, Tchad, Sudan và Ethiopia. Đơn xin tị nạn sẽ được xem xét tại các nước sở tại.
Về phần những người muốn tị nạn đã đến Hy Lạp và Ý, Liên Âu đã thi hành chính sách « tái phân bố » (relocalisation) . Hiện có khoảng 37.000 người xin tị nạn đang chờ đợi quyết định phân bổ. Cũng thông báo nói trên của Ủy Ban Châu Âu cho biết, cho đến nay mới chỉ có 11 quốc gia thành viên châu Âu đáp lại lời kêu gọi của Ủy Ban, với tổng số người dự kiến tiếp nhận là 14.000.
Theo Reuters, hôm thứ Tư, 26/09, Hội Đồng Toàn Châu Âu ra báo cáo tố cáo tình trạng « phi nhân tính » tại một số trại tị nạn ở Hy Lạp, được lập ra cuối năm 2015, tại năm hòn đảo sát với Thổ Nhĩ Kỳ. Tình hình từ đó đến nay đã phần nào được cải thiện.
Theo dự đoán của các chuyên gia, dòng người tị nạn từ Trung Đông vẫn sẽ tiếp tục. Quan điểm của Ủy Ban Châu Âu là tiếp tục khuyến khích việc tái định cư ngay tại Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Trung Đông.
Áp lực nhập cư với châu Âu là rất lớn. Theo Ủy Ban Châu Âu, trong « một tương lai gần », số người tị nạn sẽ lên tới 1,5 triệu. Hôm qua, giáo hoàng Phanxicô khai trương một chương trình của tổ chức từ thiện Công Giáo Caritas, có mục tiêu hỗ trợ cho sự hội nhập của người di cư và tị nạn tại các địa phương. - RFI
|
|
11.
Bagdad siết chặt gọng kềm lên vùng Kurdistan

Căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa Irak và lãnh đạo vùng Kurdistan tự trị. Ngày 28/09/2017 Bagdad ra lệnh kể từ tối mai đình chỉ tất cả các chuyến bay quốc tế đến và từ thành phố Erbil, đóng cửa phi trường Souleimaniyeh. Quyết định trên được đưa ra một ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý, với 92 % đòi độc lập với Badgad.
Thông tín viên đài RFI từ Erbil, Oriane Verdier cho biết thêm :
"Lãnh đạo vùng Kurdistan tại Irak, Massoud Barzani tối qua đã thông báo kết quả trưng cầu dân ý với đại đa số đồi độc lập. Nhưng có thể nói con số được đưa ra chỉ mang tính hình thức, bởi khó có thể kiểm chứng được tính xác thực. Không một quan sát viên quốc tế nào được điều tới tận nơi, vì không một quốc gia nào ủng hộ sáng kiến tổ chức trưng cầu dân ý do ông Barzani đề xuất.
Qua việc thông báo kết quả 92 % đòi độc lập, Massoud Barzani chẳng qua chỉ nhằm tô điểm lại hình ảnh của mình, khi biết rằng, trên nguyên tắc nhiệm kỳ chủ tịch vùng Kurdistan tự trị của ông đã kết thúc từ hai năm qua. Ông Barzani muốn đưa ra hình ảnh một người cha của cả dân tộc Kurdistan.
Ngoài ra, con số nói trên cũng nhằm khẳng định vị thế và tính chính đáng của Erbil với Bagdad. Chính quyền trung ương Irak ngày càng có thái độ cứng rắn hơn với vùng Kurdistan. Hôm nay, Bagdad quyết định tối Thứ Sáu này sẽ đóng cửa các sân bay trong vùng Kurdistan. Quốc Hội Irak thì đòi chiếm lại Kirkouk, một thành phố có nhiều dầu hỏa đang do vùng tự trị Kurdistan ở Irak kiểm soát". - RFI
|
|
12.
Anh 'cay đắng' vì thuế Mỹ áp vào Bombardier

Chính phủ Anh bày tỏ sự thất vọng 'cay đắng' vì Mỹ áp thuế nhập 219% với phi cơ Bombardier do Canada sản xuất nhưng Anh có phần đầu tư lớn.
Kênh Twitter của Phủ Thủ tướng Anh gửi ra tin nhắn nói họ "Thất vọng cay đắng" (Bitterly disappointed) về vụ thuế đánh vào phi cơ Bombardier loại C-Series.
Chừng 4000 việc làm trong nhà máy làm cánh và thùng chứa dầu cho phi cơ này ở Bắc Ireland bị đe dọa nếu công ty Canada phải cắt giảm chi phí vì thuế của Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã nghe theo yêu cầu của tập đoàn Boeing cho rằng Bombardier đã bán giá 'dưới chi phí thực' và đánh thuế cao vào loại phi cơ bán cho khách hàng tại Mỹ.
Boeing cho rằng Bombardier "nhận được trợ cấp từ chính phủ Anh và Canada".
Các báo Anh đồng loạt đặt câu hỏi về chiến lược thương mại của Anh sau Brexit vốn được chính phủ của bà Theresa May xây dựng trên kỳ vọng về những quan hệ được ưu đãi với Hoa Kỳ.
Bà May đã trao đổi với lãnh đạo Bắc Ireland, nơi có nhà máy trị giá 520 triệu bảng ở Queen's Island, Belfast chế tạo ra cánh cho phi cơ C-Series của Bombardier.
Bộ trưởng Quốc phòng Anh nói vụ tranh chấp của Boeing với Bombardier có thể đe dọa các hợp đồng quân sự của Boeing với chính phủ Anh. - BBC
|
|
13.
Hơn 120 ngàn người ở Bali sơ tán vì lo núi lửa phun

Hơn 120 ngàn người dân tại đảo nghỉ mát nổi tiếng Bali, Indonesia phải di tản vì núi lửa Agung có thể phun trào bất cứ lúc nào.
Hãng thông tấn AFP cho biết thông tin vừa nêu vào ngày 28 tháng 9, dẫn nguồn từ giới chức thuộc Cơ quan giảm nhẹ thiên tai, tại quận Klungkung. Theo đó hơn 122 ngàn người phải di tản đến nhà họ hàng hoặc đến ở tại 500 nhà tạm trú.
Theo Cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Indonesia, có khoảng 62.000 người sống trong khu vực nguy hiểm, nhưng cư dân bên ngoài khu vực này cũng đi sơ tán vì lo sợ.
Phát ngôn nhân Sutopo Purwo Nugroho của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Indonesia vào ngày 28 tháng 9 nói rằng việc di tản diễn ra thuận lợi và nguồn cung cấp hậu cần được đầy đủ cho những người đi sơ tán.
Cơ quan giảm nhẹ thiên tai của Indonesia cũng đã gửi mặt nạ, nệm, chăn, lều và thực phẩm cho những người di tản.
Năm còi báo động đã được cài đặt trong vùng nguy hiểm để cảnh báo người dân khi núi lửa phun trào.
Khoảng 10.000 động vật cũng đã được di tản ra khỏi các sườn núi lửa.
Núi lửa Agung cách trung tâm nghỉ mát Kuta 75 km, đã bắt đầu xuất hiện dấu hiệu rung chuyển từ tháng Tám và có thể phun trào lại sau lần vào năm 1963. Lúc đó có gần 1600 người thiệt mạng do núi lửa phun nham thạch gây nên. - RFA
|
|
14.
Orange County: Irvine muốn xây tổng hành dinh thứ hai của Amazon

Orange County là một cụm thành phố, nhưng không có nơi nào là trung tâm. Chính vì lý do đó, Irvine hiện đang tìm cách để biến thành phố này thành nơi cư ngụ của tổng hành dinh thứ hai của công ty bán hàng trên mạng Amazon.
Theo tin nhật báo the Orange County Register, Hội Đồng Kinh Doanh Orange County đang kêu gọi tất cả 34 thành phố trong quận hạt viết thư ủng hộ Irvine.
Amazon đang có kế hoạch đầu $5 tỷ cho tổng hành dinh thứ hai này, có nơi ở cho 50,000 nhân viên, và lương trung bình là $100,000/năm.
Bà Lucy Dunn, chủ tịch và giám đốc điều hành của Hội Đồng Kinh Doanh Orange County, nói lên cảm nghĩ của mình: “Amazon mà đến Orange County sẽ có lợi cho tất cả các thành phố tại đây.”
Bà còn nói thêm rằng sự hiện diện của Amazon ở Irvine sẽ làm cho cả nước Mỹ chú ý đến Orange County hơn.
“Chúng ta có những công ty toàn cầu ở đây rồi, nhưng đây là một chuyện lớn hơn rất nhiều,” bà Dunn nói.
Bà còn nói cho biết thêm Amazon sẽ đem lại rất nhiều công việc có lương cao cho cư dân trẻ tuổi ở Orange County.
“Điều này với tôi là một điều cực kỳ quan trọng cho kinh tế của Orange County,” bà nói.
Cũng theo OC Register, vào ngày 7 Tháng Chín, Amazon công bố sẽ chọn một thành phố để đặt tổng hành dinh thứ hai.
Các quan chức Irvine nghe tin này, và có nhiều ý định để đề nghị Amazon đặt trụ sở thứ hai tại thành phố này.
Vào ngày 26 Tháng Chín, hội đồng thành phố đồng thuận ủng hộ chuyện này, và đang làm việc với các chủ đất như Irvine Co. và FivePoint.
Phải làm như vậy vì Irvine không có đất để xây trụ sở 8 triệu square foot của Amazon.
Hai ông Donald Bren và Emile Haddad, chủ tịch của Irvine Co., và giám đốc điều hành của FivePoint, đều ủng hộ ý định của thành phố.
Ông Craig Reem, phát ngôn viên của Irvine, cho biết rằng thành phố sẽ làm việc với các chủ đất để tìm được chỗ đặt trụ sở của Amazon.
Thành phố Irvine có đến ngày 19 Tháng Mười để nộp đề nghị lên Amazon.
Irvine sẽ phải đối chọi với các thành phố lớn như Los Angeles, Chicago, và Houston để giành được tổng hành dinh của Amazon.
Bà Dunn nói rằng sự đoàn kết của Orange County sẽ tăng khả năng chiến thắng của Irvine lên, vì mỗi thành phố của vùng này đều có nét đặc sắc riêng.
Bà còn cho biết là còn quá sớm để biết được mức ủng hộ của những thành phố khác vì hội đồng kinh doanh chỉ mới gửi thư kêu gọi hồi tuần trước.
Ông Dan Baker, phụ tá quản trị thành phố Costa Mesa, cho biết hội đồng thành phố đang viết một lá thư để ủng hộ Irvine.
Ông tin rằng Costa Mesa sẽ thu hút được rất nhiều nhân viên của Amazon vì thành phố này có nhiều trung tâm bán lẻ lớn như South Coast Plaza, và những nơi giải trí như Segerstrom Center for the Arts.
“Những thành phố trong Orange County nên giúp đỡ nhau,” ông Baker nói.
Bà Dunn cho biết Irvine đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng kinh doanh của Orange County.
Phòng thương mại của thành phố này vừa đưa ra một chiến dịch để ủng hộ việc đưa Amazon đến Irvine.
Bà Dunn cho biết rằng lần cuối cùng mà cả Orange County có sự đoàn kết như vậy là hồi năm 1990, khi có rất nhiều dân cử bỏ phiếu để ủng hộ Measure M, thuế cầu đường nửa cent để tu sửa hệ thống giao thông.
“Đây là một hoạt động đoàn kết Orange County,” bà nói. “Đây là một dự án đáng ủng hộ, và giúp Orange County chiến thắng trong cuộc đua này.” - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

15.
Ghế lung lay, bộ trưởng y tế Mỹ hứa trả tiền thuê máy bay riêng đi công cán

Một ngày sau khi Tổng thống Trump lên tiếng khiển trách, Bộ trưởng Y tế Tom Price hôm thứ Năm hứa sẽ trả hoàn lại tiền của người đóng thuế vì chi phí thuê máy bay riêng của ông khi đi công cán trong khi cố gắng giữ lại chiếc ghế đang lung lay của mình.
"Tôi lấy làm tiếc vì những lo ngại được nêu lên trong việc tôi sử dụng tiền của người đóng thuế," ông Price nói trong một thông cáo. "Ngày hôm nay, tôi sẽ viết một chi phiếu cá nhân cho Bộ Tài chính chi trả những chi phí du hành của tôi trên máy bay thuê riêng. Người đóng thuế sẽ không trả một xu nào cho chỗ ngồi của tôi trên những máy bay đó."
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh cho biết ông sẽ không bao giờ thuê máy bay riêng nữ và lặp lại lời hứa của ông hợp tác đầy đủ với các cuộc điều tra đang diễn tiến.
Ông Price cũng cho biết ông hy vọng sẽ giữ được công việc của ông, nhưng phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders tỏ ra dè dặt.
"Chúng tôi sẽ tiến hành một cuộc rà soát đầy đủ và chúng tôi sẽ xem chuyện gì sẽ xảy ra," bà Sanders nói với các phóng viên.
Hôm thứ Tư ông Trump tuyên bố ông "không hài lòng" về người đứng đầu bộ y tế của ông sau khi có những bản tin cho hay ông Price đã bay trên những chuyến bay thuê bao tốn kém trong khi ông có thể bay những chuyến bay thương mại rẻ hơn khi đi công tác. Khi được hỏi liệu ông sẽ sa thải ông Price hay không, ông Trump nói, "Để rồi xem."
Ông Price nói với các phóng viên hôm thứ Năm, "Tôi nghĩ chúng tôi vẫn có sự tin tưởng của tổng thống." Về vụ tai tiếng, ông nói, "Chúng tôi sẽ nỗ lực giải quyết xong vụ này." - VOA
|
|
16.
Tướng 3 sao được giao nhiệm vụ ứng phó bão ở Puerto Rico --- Ông Trump miễn áp dụng Đạo luật Jones để cứu trợ Puerto Rico

Lầu Năm Góc đã chỉ định Trung tướng Jeffrey Buchanan lãnh đạo tất cả các nỗ lực ứng phó bão của quân đội Mỹ ở Puerto Rico.
Ông Buchanan, một vị tướng ba sao, đến Puerto Rico vào cuối ngày thứ Năm, theo thông tín viên Carla Babb của VOA.
Chính quyền Trump những ngày qua vấp phải nhiều chỉ trích vì không ứng phó nhanh hơn đối với cuộc khủng hoảng tại lãnh thổ này của Mỹ ở Biển Caribe, nơi bị bão Maria tàn phá vào ngày 17 tháng 9.
Hôm thứ Năm, Cố vấn An ninh Nội địa Tom Bossert lên tiếng bênh vực khoảng thời gian tám ngày trì hoãn từ lúc tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở Puerto Rico cho tới lúc cử một nhà lãnh đạo phụ trách những nỗ lực phục hồi.
"Tám ngày trước chưa cần một vị tướng ba sao," ông Bossert nói với với các phóng viên trong phòng họp báo Nhà Trắng. Ông cũng nói một số thông tin mà ông nghe được từ báo đài là lỗi thời. "Tường trình về chuyện này trong một số trường hợp tạo ấn tượng là chúng tôi đang xúc tiến không đủ nhanh," ông nói.
Ông nói với các phóng viên rằng hiện tại ở Puerto Rico có 44 bệnh viện đang hoạt động, trong tổng số 69 bệnh viện.
Quyền Bộ trưởng An ninh Nội địa Elaine Duke nói với các phóng viên tại cùng cuộc họp báo rằng 200 trạm xăng đã được mở ra cho mọi người đến lấy nhiên liệu dùng cho máy phát điện của họ.
Trước đó, chính quyền Trump đã đình chỉ một đạo luật đã gây cản trở việc cung cấp viện trợ khẩn cấp cho các nạn nhân bão, trong khi Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói rằng tài khoản cứu trợ thiên tai của Cơ quan Quản lý Tình trạng Khẩn cấp Liên bang sẽ nhận thêm ngân khoản trị giá 6,7 tỉ đôla trong vài ngày nữa.
Thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello cho hay 3,4 triệu người trên đảo đang đối mặt với thảm họa nhân đạo. "Đây là thảm họa lớn nhất trong lịch sử Puerto Rico, và có lẽ đây là thảm họa bão lớn nhất ở Mỹ," ông Rossello nói với các phóng viên khi ông phát viện trợ hôm thứ Tư tại thành phố Salinas.
Lưới điện của hòn đảo gần như bị phá hủy bởi hai cơn bão liên tiếp ập vào, khiến các quan chức dự đoán rằng có thể mất nhiều tháng để khôi phục hoàn toàn dịch vụ điện ổn định - ảnh hưởng đến việc tiếp cận việc chữa trị y tế và nước máy, cũng như khiến hàng triệu người mất hệ thống điều hòa giữa cái nóng vùng nhiệt đới. - VOA

***
Tòa Bạch Ốc sáng ngày 28/9 cho biết chính phủ đã ra lệnh miễn áp dụng các quy định hạn chế các chuyến hàng từ đất liền ra Puerto Rico, giữa lúc hòn đảo này đang đối mặt với hậu quả của trận bão Maria.
Người phát ngôn của Tòa Bạch Ốc, bà Sarah Sanders viết trên Twitter, cho biết là theo yêu cầu của thống đốc Puerto Rico Ricardo Rossello, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ra lệnh "miễn áp dụng Đạo luật Jones trong trường hợp Puerto Rico, lệnh này sẽ có hiệu lực ngay lập tức."
Tối thứ Tư, ông Rossello viết trên trang Twitter, kiến nghị Tòa Bạch Ốc tạm thời miễn áp dụng Đạo luật Jones. Yêu cầu của ông được nhiều nhà lập pháp Mỹ ủng hộ, kể cả Thượng nghị sĩ Marco Rubio của bang Florida, người đã đến thăm Puerto Rico, một hòn đảo thuộc lãnh thổ của Hoa Kỳ, hôm thứ Hai 25/9.
Đạo luật Jones đòi hỏi tất cả các tàu đi từ một bờ biển của Mỹ đến một bờ biển khác của Mỹ, phải là tàu có quốc tịch Hoa Kỳ - ngay cả khi không có sẵn tàu Mỹ. Các nhà phê bình nói đạo luật này đang làm trì trệ các nỗ lực cứu trợ ở Puerto Rico, nơi người dân đang cấp thiết cần các vật phẩm cứu trợ trong thời gian sớm nhất có thể.
Hôm thứ Ba 26/9, Bộ An ninh Nội địa nói rằng miễn áp dụng đạo luật Jones cũng không giúp ích gì nhiều cho Puerto Rico vì các bến cảng đều bị hư hại nặng, khiến tàu không thể cập bến.
Bão Maria đã gây hư hại nặng cho mạng lưới điện trên cả hòn đảo có 3,4 triệu dân này. Các giới chức dự đoán sẽ mất hơn vài tháng mới có thể khôi phục hoàn toàn hệ thống điện tại đây.
Mất điện ảnh hưởng nghiêm trọng đến các dịch vụ điều trị bệnh và nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trong khi hàng triệu người phải chịu cái nóng bức xứ nhiệt đới mà không có máy điều hòa. - VOA
|
|
17.
Dân biểu Scalise, nạn nhân vụ nổ súng ở Alexandria, trở lại điện Capitol

Dân biểu Hoa Kỳ Steve Scalise đã trở lại Hạ viện lần đầu tiên kể từ khi bị bắn vào ngày 14 tháng 6. Ông nói với các đồng nghiệp rằng ông là "minh chứng sống" cho thấy phép lạ thực sự xảy ra.
Mấy tháng sau khi hồi phục từ những thương tích gần gây tử vong, ông Scalise chống nạng chầm chậm bước vào nghị trường Hạ viện hôm thứ Năm trong tràng pháo tay không ngớt của các đồng nghiệp.
Ông Scalise phát biểu trước các đồng nghiệp trên sàn Hạ viện trong lần xuất hiện đầu tiên của ông ở nơi công cộng kể từ vụ nổ súng ở thành phố Alexandria, bang Virginia cách không xa thủ đô của Mỹ về phía nam.
Ông Scalise, người giữ nhiệm vụ đôn đốc các nghị sĩ khối đa số biểu quyết, ca ngợi hai viên cảnh sát Điện Capitol là Crystal Griner và David Bailey, những người được điều đi theo giữ an ninh cho ông Scalise và cũng bị thương trong vụ nổ súng, là "những thiên thần thật sự" và cảm ơn họ vì đã cứu mạng sống của ông và của "rất nhiều người khác ở đây trong nghị trường này hôm nay."
James Hodgkinson, 63 tuổi, nổ súng vào một buổi tập luyện của các nghị sĩ Cộng hòa chuẩn bị cho Trận đấu Bóng chày Quốc hội, một sự kiện từ thiện hàng năm quy tụ các nhà lập pháp của cả hai đảng. Ông Scalise bị thương nghiêm trọng tới mức các bác sĩ nói ông có "nguy cơ tử vong cận kề" khi ông nhập viện.
Ngoài ông Scalise, cô Griner và anh Bailey, một người khác cũng bị bắn và hai người khác bị thương.
"Các nhà lập pháp Cộng hòa lẫn Dân chủ đều thăm hỏi tôi và tôi không biết diễn tả ra sao lòng biết ơn và điều này có ý nghĩa lớn như thế nào đối với tôi," ông nói.
Ông Scalise cho biết ông nhận được vô số lời động viên và cầu nguyện từ nhiều người, kể cả các nhà lãnh đạo thế giới mà ông chưa bao giờ gặp. Ông nói những lời cầu nguyện đó đã khiến ông ngộ ra nhiều điều về sức mạnh lời cầu nguyện
"Thế nên tôi chắc chắn là minh chứng sống cho thấy phép lạ thực sự xảy ra," ông nói. - VOA
|
|
18.
Người sáng lập tạp chí Playboy qua đời ở tuổi 91

Ông Hugh Hefner, người sáng lập tạp chí Playboy, vừa qua đời ở tuổi 91.
Ông Hefner đã cho ra đời tạp chí Playboy vào năm 1953 với một bức ảnh khỏa thân của nữ diễn viên và người mẫu nổi tiếng Marilyn Monroe. Ông là người đã giúp thúc đẩy một cuộc cách mạng trong các quan điểm về tình dục khi tạp chí Playboy thu hút hơn 7 triệu độc giả đăng ký vào những năm 1970.
Công ty Playboy loan báo ông Hefner qua đời hôm thứ Tư 27/9 do tuổi cao tại tư dinh, lâu đài Playboy, ở thành phố Los Angeles.
Ngoài tạp chí dành cho đàn ông, thương hiệu Playboy qua thời gian đã mở rộng thành một đế chế truyền thông đa phương tiện, bao gồm các ấn bản có mặt ở 20 quốc gia, các câu lạc bộ đêm, sòng bạc, mạng truyền hình và một công ty sản xuất phim.
Ngoài các bức ảnh khỏa thân, tạp chí Playboy còn nổi tiếng về các bài phỏng vấn có chiều sâu của các nhân vật nổi tiếng, cũng như các bài viết của những tác giả nặng ký như Ray Bradbury, John Updike, Vladimir Nabokov và Joyce Carol Oates.
Đích thân ông Hefner đóng vai chính trong các chương trình truyền hình thực tế mang tên "The Girls Next Door," nói về cuộc sống của ông tại lâu đài Playboy cùng với một số người mẫu của tạp chí.
Ông nổi tiếng với bộ đồ ngủ bằng lụa đi kèm với chiếc áo choàng và ống điếu, cùng lối sống hưởng thụ vương giả với các buổi tiệc hoành tráng tại dinh thự của ông.
Ông Hefner đã kết hôn ba lần và có bốn người con. - VOA
|
|
19.
Nga can thiệp bầu cử Mỹ: Twitter ra điều trần trước quốc hội

Các đại diện của mạng truyền thông xã hội Twitter sẽ gặp các thành viên của Ủy ban Tình báo Hạ viện và Thượng viện liên quan đến cuộc điều tra đang tiến hành về vụ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái.
Các buổi họp kín diễn ra theo sau các cuộc họp tương tự hồi đầu tháng với đại diện của Facebook, trang mạng xã hội này đã đồng ý cung cấp cho các nhà lập pháp 3.000 mẫu quảng cáo có liên kết với Nga, liên quan tới những vấn đề xã hội và chính trị gây nhiều chia rẽ đăng trên Facebook.
Các ủy ban quốc hội Mỹ đang điều tra sự lan truyền của các tin tức giả tạo và liệu có bất kỳ ai ở Hoa Kỳ đã tiếp tay chuyển các nội dung đó đến một thành phần nhất định trong giới sử dụng các trang mạng xã hội. Trong trường hợp mạng Twitter, tiến trình bao gồm việc điều tra các tài khoản có chương trình lặp (còn gọi là tài khoản bot) được thiết lập để lan truyền thông tin một cách nhanh chóng và tự động.
Công ty Twitter nói sẽ hợp tác với cuộc điều tra: “Twitter rất tôn trọng tính chân thực của quá trình bầu cử, nền tảng của tất cả các nền dân chủ, và sẽ tiếp tục tăng cường nỗ lực chống lại các chương trình lặp và các hình thức thao túng trên mạng, vi phạm các Điều khoản Dịch vụ của chúng tôi."
Các cuộc điều trần của các công ty công nghệ là các cuộc họp kín, nhưng cả ủy ban tình báo Hạ viện lẫn Thượng viện đều có kế hoạch mở các buổi điều trần công khai về việc sử dụng các công cụ trực tuyến liên quan đến âm mưu gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Các ủy ban đã mời công ty Facebook, Twitter và công ty mẹ của Google, Alphabet, tham dự phiên điều trần của Hạ viện dự kiến tổ chức vào tháng 10 và phiên điều trần của Thượng viện vào đầu tháng 11.
Các cơ quan tình báo Mỹ cho biết trong một bản báo cáo đầu năm nay rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch gây ảnh hưởng nhắm vào cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ để giúp ông Donald Trump có nhiều cơ may thắng cử trước đối thủ của ông bên đảng Dân chủ, là bà Hillary Clinton. - VOA
|
|
20.
Obama 'khóc' khi con vào đại học

Barack Obama cho biết ông đã khóc sau khi đưa con gái Malia đến nhập học tại Harvard.
Cựu tổng thống Mỹ nói: "Cứ như phẫu thuật mở tim vậy."
"Tôi tự hào là mình đã không khóc trước mặt con."
"Nhưng trên đường về, các Mật vụ nhìn chăm chăm về phía trước, giả vờ như không nghe thấy tôi đang sụt sịt."
"Đến cuối đời, những điều mà chúng ta sẽ nhớ mãi đó là niềm vui của con cái và hy vọng sau này là con cháu mang lại."
Malia, 19 tuổi, chọn học Harvard sau khi tạm nghỉ một năm sau thời trung học.
Con gái thứ hai của ông Obama, Sasha, 16 tuổi, vẫn đang học trung học và sống với bố mẹ tại nhà mới ở Washington, DC. - BBC
|
|

Tin Việt Nam

21.
Vụ OceanBank: Nguyễn Xuân Sơn bị tuyên án tử hình, Hà Văn Thắm chung thân

Nguyên tổng giám đốc OceanBank Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình còn cựu chủ tịch Hà Văn Thắm nhận án chung thân, sau phiên tòa tuyên án sáng 29/9, theo báo Tuổi Trẻ.
Cựu Tổng Giám đốc OceanBank, cựu Phó Tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn Nguyễn Xuân Sơn bị kết án tử hình về ba tội: tham ô, lạm dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản và cố ý làm trái.
Cựu Chủ tịch HĐQT OceanBank Hà Văn Thắm bị mức án chung thân vì bốn tội: cố ý làm trái, vi phạm quy định về cho vay, lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản và tham ô tài sản.
Những bị cáo khác như Nguyễn Minh Thu, cũng nguyên TGD Oceanbank bị kết án 22 năm tù về tội cố ý làm trái, lạm dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản.
Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng, bị phạt 14 năm tù về tội vi phạm quy định trong cho vay , tổng hợp với hình phạt trong vụ án trướv đó, phải chấp hành hình phạt chung 30 năm tù.
Hứa Thị Phấn bị phạt 17 năm tù về tội vi phạm về quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cho vay không đảm bảo, sai quy định
HĐXX kết luận Hà Văn Thắm đã cho Phạm Công Danh vay 500 tỉ thông qua Công ty Trung Dung không đảm bảo tiền góp vốn, không có tài sản đảm bảo.
"Ông Danh vay 500 tỉ đồng để thanh toán các khoản vay cho nhóm bà Hứa Thị Phấn chứ không phải để thực hiện dự án sân vận động Chi Lăng, tuy nhiên Thắm vẫn duyệt cho Danh vay.
"Hành vi của Hà Văn Thắm, Phạm Công Danh, Hứa Thị Phấn đã phạm vào tội vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng," báo Tuổi Trẻ dẫn lời HĐXX.

Nguyễn Xuân Sơn chiếm đoạt hơn 300 tỉ
HĐXX kết luận trong thời gian làm tổng giám đốc OceanBank, Nguyễn Xuân Sơn đã chiếm đoạt hơn 60 tỉ từ việc thu phí tỉ giá ngoại tệ thông qua công ty BSC do Thắm lập.
Thêm vào đó, trong số tiền hơn 1.500 tỉ của Oceanbank mà Hà Văn Thắm cố ý làm trái, 246 tỉ đã đưa cho Nguyễn Xuân Sơn để chi lãi ngoài hợp đồng. Trong khi đó PVN đã góp vốn tương ứng 20% vốn điều lệ của Oceanbank, tức Sơn đã chiếm đoạt 49 tỉ của PVN, của ngân sách nhà nước.
Hà Văn Thắm, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 1.500 tỉ
Năm 2011, khi là Chủ tịch HĐQT của Oceanbank, Hà Văn Thắm ra chủ trương chi ngoài lãi suất huy động vốn. Từ 2011-2014, Oceanbank đã chi hơn 1.576 tỉ đồng.
Theo HĐXX, điều này đã dẫn đến lỗ luỹ kế trên 10.000 tỉ đồng, nợ xấu hơn 14.000 tỉ, âm vốn chủ sở hữu 2,5 lần, khiến Ngân Hàng Nhà Nước phải đưa OceanBank vào dạng kiểm soát đặc biệt.
Sau đó NHNN đã mua lại Oceanbank với giá 0 và phải gánh toàn bộ nghĩa vụ trả nợ cho OceanBank.
Thêm vào đó, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) góp vốn vào OceanBank mất 800 tỉ đồng còn Tổng công ty xây dựng Sông Đà mất hơn 200 tỉ đồng.
Và khi còn là đối tác chiến lược, không chỉ PVN mà các công ty con, đối tác chiến lược,… đều gửi tiền ở OceanBank, thời điểm cao nhất 30.000 tỉ.
Theo báo Dân Trí, Hà Văn Thắm và các bị cáo liên quan phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 1.500 tỉ thất thoát, trừ số tiền Sơn đã chiếm đoạt.
Trong khi đó ông Sơn phải bồi thường hơn 60 tỉ chiếm đoạt thông qua công ty BSC, 49 tỉ cho PVN và gần 200 tỉ còn lại cho Oceanbank. - BBC
|
|
22.
Xin lỗi vì câu 'rừng U Minh' của ông Đoàn Ngọc Hải

Bí thư Quận ủy quận 1 (TPHCM) Huỳnh Thanh Hải đã thay mặt Thường trực Quận ủy quận 1 ký thư xin lỗi Cà Mau vì phát ngôn "không biết luật về rừng U Minh mà sống" của ông Đoàn Ngọc Hải.
Trước đó, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau gửi công văn cho ông Đoàn Ngọc Hải, phó chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM, đề nghị phản hồi về phát ngôn "gây sốc".
Ông Huỳnh Thanh Hải, Bí thư Quận ủy quận 1, TPHCM, xác nhận với báo chí Việt Nam rằng đã gửi thư xin lỗi.
Trong thư có đoạn: "Đó là một lời nói bột phát trong lúc nóng nảy nhất thời giữa cá nhân người thực thi công vụ với cá nhân người vi phạm. Tuy nhiên, điều này có thể gây ngộ nhận. Chúng tôi đã nghiêm túc rút kinh nghiệm; mong các đồng chí chia sẻ bỏ qua."
Theo truyền thông Việt Nam, hôm 21/9, khi giải thích với một người về việc vi phạm giao thông, ông Hải nói: "Mình sống ở quận 1 là phải biết luật, chấp hành luật, còn không thì về rừng U Minh sống."
Hôm 25/9, Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau gửi công văn, cho rằng phát ngôn này "gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến người dân Cà Mau nói chung, người dân U Minh nói riêng".
Thời gian qua, tuy chỉ là một viên chức địa phương, nhưng ông Đoàn Ngọc Hải được báo chí Việt Nam đưa tin liên tục trong vai trò lập lại trật tự vỉa hè ở quận 1, TP HCM.
Ông Hải trở thành nhân vật nổi bật trên truyền thông với các phát ngôn liên quan việc lập lại trật tự vỉa hè, xử lý tình trạng nhếch nhác, ô tô đậu tràn lan. - BBC
|
|
23.
Phản đối đàn áp cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy

Hội đồng Liên Tôn Việt Nam vào ngày 27 tháng 9 ra kháng thư phản đối việc đàn áp của cơ quan chức năng Việt Nam đối với một cư sĩ Phật giáo Hòa Hảo và cũng là một cựu tù chính trị, ông Vương Văn Thả và gia đình ông này.
Kháng thư do đại diện các vị trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam thuật lại sự việc gia đình ông Vương Văn Thả vào ngày 18 tháng 5 vừa qua bị một lực lượng gồm cả trăm người, trong đó có cả công an sắc phục lẫn không mặc sắc phục và những thành phần bị cho là côn đồ, tấn công bằng vòi rồng.
Vào thời điểm đó trong gia đình ông Vương Văn Thả có 9 người gồm 1 cụ bà trên 80 tuổi, 1 cháu bé 6 tháng tuổi, 3 phụ nữ và 3 cậu con trai. Sau đợt tấn công, những người phụ nữ và trẻ em trong gia đình bị nhất được đưa đến bệnh viện; riêng ông Vương Văn Thả, cậu con trai Vương Văn Thuận và hai em Nguyễn Nhật Trường, Nguyễn Nhật Thương bị bắt.
Hơn 3 tháng sau, gia đình mới nhận được thông tin 4 người bị giam giữ tại nhà tù Bằng Lăng, Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang.
Một vị đại diện Phật Giáo Hòa Hảo trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam, ông Nguyễn Văn Điền, cho biết:
Khi bị bắt là tại huyện An Phú, tỉnh An Giang nên chúng tôi liên lạc Công an Tỉnh. Thế nhưng nay công an vẫn ‘bí mật’ nên không cho biết. Chỉ có những người đi thăm được thân nhân bị giam giữ nói là ông Thả bị biệt giam và nghe ông than vãn không chịu nổi. Những người này khi gặp thân nhân kể lại và từ đó kể lại cho gia đình ông Thả.
Kháng tư của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam cho rằng biện pháp mà lực lượng chức năng sử dụng đối với ông Vương Văn Thả và gia đình là không cần thiết; thậm chí vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do phát biểu của công dân được công nhận trong Hiến Pháp Việt Nam cũng như Công Pháp Quốc Tế.
Ông Vương Văn Thả từng bị kết án tù 3 năm và mãn án vào tháng 8 năm ngoái. Lần đó ông bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’ theo điều 258 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.
Trước khi bị bắt lại vào trung tuần tháng 5 vừa qua, ông Vương Văn Thả bắc loa lên tiếng tố cáo những sai lầm và tội ác của chính quyền Việt Nam hiện nay. Từ đó gia đình ông bị phong tỏa, cắt điện, cúp nước và ném đá, chửi bới, dọa nạt. - RFA
|
|
24.
Nhân quyền là một quan tâm của tân đại sứ Mỹ tại VN

Nhân quyền là một trong những quan tâm của tân Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Điều này được ông Daniel J. Kritenbrink, người dự kiến sẽ được bổ nhiệm làm đại sứ Mỹ tại Hà Nội, trình bày trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào ngày 27 tháng 9, theo giờ địa phương.
Ngoài ra ông Kritenbrink còn đề cập đến những vấn đề khác sẽ thực hiện trong cương vị đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam gồm an ninh, đầu tư- thương mại, các vấn đề nhân đạo và giải quyết hậu quả chiến tranh.
Ông Kritenbrink nói rằng quan hệ Việt- Mỹ đã thay đổi rất sâu sắc trong thời gian 40 năm qua, và bây giờ Việt Nam đã trở thành đối tác toàn diện của Hoa Kỳ. Ông nhấn mạnh rằng có được quan hệ tốt đẹp đó đến nay là nhờ cố gắng của các chính phủ tiền nhiệm nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với một quốc gia quan trọng ở châu Á, và trong những cố gắng đó có sự đóng góp của các thành viên trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt.
Ông Daniel J. Kritenbrink gốc ở tiểu bang Virginia, là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp từ năm 1994, và đảm nhiệm nhiều vị trí trong các đoàn ngoại giao Mỹ tại châu Á. - RFA
|
|
25.
Phó cục trưởng bị trộm gần 400 triệu đồng khi đi thanh tra ở Long An

Dư luận đang rầm rộ việc ông phó cục trưởng Cục Kiểm Soát Hoạt Động Bảo Vệ Môi Trường bị mất trộm gần 400 triệu đồng tại một khách sạn ở thành phố Tân An khi đang đi thanh tra doanh nghiệp, khiến công an tỉnh Long An phải điều tra.
Công an xác nhận với báo Thanh Niên, ngày 28 Tháng Chín rằng ông Nguyễn Xuân Quang (42 tuổi), phó cục trưởng Cục Kiểm Soát Hoạt Động Bảo Vệ Môi Trường, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường, báo mất 385 triệu đồng, 1 laptop được cất trong hành lý cá nhân để ở khách sạn, trong thời gian ông đang đi thanh tra việc bảo vệ môi trường của doanh nghiệp ở tỉnh Long An.

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9










No comments: