Wednesday, January 25, 2017

ÂU CHÂU, NATO & ÔNG PUTIN (Lê Phan)




Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Đoàn công voa dài của một lữ đoàn thiết giáp lặng lẽ vượt biên giới Đức vào Ba Lan khoảng 10 giờ sáng hôm Thứ Năm, 12 Tháng Giêng. Vài chục dân chúng ở thị trấn biên giới phía Tây Nam Olszyna ra chào đón. Ông Mieczyslaw Mroz, 62 tuổi, hớn hở nói: “Người Mỹ đến đây là chuyện lớn nhất xảy ra cho chúng tôi từ trước đến nay.” Đoàn công voa, toán tiền phương của một hứa hẹn nhiều ngàn binh sĩ NATO sẽ được đưa tới đóng quân trên toàn Đông Âu – ầm ầm đi vào thị trấn Zagan gần đó nơi ở quảng trường lạnh giá mưa tuyết lất phất, các viên chức chính thức nghênh đón. Ông Jan Siemion, cũng 62 tuổi, cựu cảnh sát viên về hưu, vừa nghe được đoạn cuối của những bài diễn văn, chép miệng bảo: “Đáng lẽ họ phải tới sớm hơn. Có thể nó sẽ chặn cái ông ở phương Đông vốn đã đe dọa chúng tôi nhiều thập niên nay.”

Sau nhiều năm ao ước có được một sự hiện diện thường trực của quân đội NATO dọc theo sườn phía đông của Liên Minh – để giữ cho cái ông từ phương Đông, Tổng Thống Vladimir V. Putin của Nga, đừng lộng hành – các lãnh tụ của Ba Lan và các nơi khác trên toàn vùng Đông Âu đã vui mừng khi một kế hoạch đóng quân luân phiên nhiều ngàn binh sĩ đa quốc được chấp thuận ở khóa họp thượng đỉnh của Liên Minh ở Warsaw vào mùa Hè vừa qua.

Nhưng nay, khi những binh sĩ này đến nơi, tình hình đã thay đổi tận gốc rễ, và hứa hẹn của sự an toàn cảm thấy ít chắc chắn hơn.

Tổng Thống Donald J. Trump, người vừa nhậm chức hôm Thứ Sáu, đã bước vào Tòa Bạch Ốc kéo theo một loạt những tuyên bố đôi khi trái nghịch nhau về NATO và cả quyết sẽ mở màn cho một thời đại mới cho liên hệ thân thiện hơn với vị lãnh đạo độc đoán của Nga.

Chả trách có rất nhiều lo ngại ở Warsaw và các thủ đô của Đông Âu khác về chuyện liệu những binh sĩ này sẽ có đến với đủ con số được hứa hẹn hay không, và liệu ước muốn có một liên hệ tốt đẹp hơn với Moscow sẽ dẫn đến một dàn xếp làm giảm hết ý nghĩa của những cố gắng này.

Tiến Sĩ Marcin Zaborowski, phó giám đốc điều hành của trung tâm nghiên cứu Center for European Policy Analysis, giải thích: “Mỗi tổng thống Hoa Kỳ lên là muốn khởi đầu một thứ điều đình lớn với Nga. Và vùng này luôn lãnh chịu hậu quả của những cố gắng đó. Tôi sợ là sự đau khổ lần này còn lớn hơn.”

Các viên chức NATO, cựu cũng như đương kim, nói họ tin tưởng là việc triển khai lực lượng sẽ tiếp tục và tin tưởng là tân tổng thống sẽ sớm hiểu bản chất của đe dọa mà ông Putin đưa đến cho Âu Châu và Hoa Kỳ. Tổng thư ký NATO hiện nay chẳng hạn, ông Jens Stoltenberg, cả quyết: “Tôi hoàn toàn tin tưởng là quyết tâm của Hoa Kỳ vững như bàn thạch. Chính ông Donald Trump nói với tôi như vậy. Ông ấy tỏ ra cương quyết lắm.”

Các viên chức này giải thích là những tuyên bố của ông Trump trong khi vận động tranh cử vốn đã đặt câu hỏi về sự việc liệu NATO có còn ích lợi gì hay không, phản ảnh, một phần, cái tính toán của một nhà kinh doanh khi thấy các đồng minh của mình không chia sẻ công bằng chi phí cho liên minh.

Giáo Sư James G. Stavridis, một vị đô đốc hồi hưu của Hải Quân Hoa Kỳ và là cựu tham mưu trưởng tối cao của NATO từ năm 2009 đến năm 2013, nay là khoa trưởng trường nổi tiếng về ngoại giao Fletcher School of Law and Diplomacy ở đại học Tufts University, Medford, Massasschusetts, thì lạc quan nghĩ rằng: “Các cơ quan tình báo của chúng ta là những nguồn tin rất chính xác về cách đối xử của người Nga. Một khi tổng thống thấy điều này, ông sẽ ủng hộ họ. Và khi ông có thêm thông tin về Nga, sự nghi ngờ của ông về Vladimir Putin sẽ sâu đậm hơn.”

Và hành vi của Nga trong tương lai sẽ buộc liên minh phải tiếp tục triển khai lực lượng. Giáo Sư Stavridis thêm: “Tôi nghĩ thật khó có chuyện ông Putin biến mình từ con cá mập thành con cá vàng. Chúng ta sẽ thấy những hành vi cá mập tiếp tục ở khu vực ven biên giới của NATO.”

Cuộc triển khai được tổ chức theo kiểu luân phiên chín tháng. Lữ đoàn cơ giới đã vừa vượt biên giới hôm sáng Thứ Năm đó, có căn cứ nhà ở Fort Carson, Colorado, và họ sẽ lưu lại ở Ba Lan cho đến mùa Thu, một số sẽ đặt căn cứ gần Zagan và những nhóm khác trải ra khắp vùng. Nhưng họ không dự trù rời bỏ vị trí cho đến khi có lực lượng thay thế. Thành ra trên thực tế, sự hiện diện của họ là thường xuyên.

Một đơn vị thứ nhì của Hoa Kỳ, dự trù đến vào Tháng Tư, sẽ được đặt ở phía Đông Ba Lan, gần khu vực gọi là khe Suwalki, vốn được coi như là con đường có nhiều triển vọng nhất trên đường xâm lăng của Nga, tuy rằng một cuộc xâm lăng như vậy được coi là khó xảy ra.
Nhưng ở Đông Âu, các lãnh tụ Ba Lan và lãnh tụ khác trong vùng không tin cho lắm vào điều đó, đang phân vân không hiểu là liệu lực lượng đó có đến hay không nay khi ông Trump đã lên cầm quyền, và nếu họ có đến, liệu họ có đóng quân ở miền Đông như đã hứa hẹn hay không.

Và còn chưa tính đến những quan ngại về những hứa hẹn một sáng kiến của Hoa Kỳ và NATO nhằm trấn an Đông Âu lo lắng, kể cả hệ thống hỏa tiễn lá chắn xây dựng ở Ba Lan, cũng giống như hệ thống đã được đặt ở Romania, và việc mở những kho tiếp tế trong suốt vùng nơi mà vũ khí của NATO có thể được cất sẵn cho phép việc triển khai lực lượng nhanh chóng hơn trong trường hợp có xâm lăng.

Ông Zaborowski bi quan nói: “Tôi đoán là án binh tiền phương sẽ không xảy ra, và nếu có, nó sẽ là ở phía Tây của Ba Lan. Ông Trump sẽ có một sự thỏa thuận nào đó với ông Putin về việc giữ cho quân số càng thấp càng tốt, giữ cho khả năng thực sự ngăn ngừa ở mức thấp nhất có thể được và giữ binh sĩ ở phía Tây của Ba Lan thay vì phía Đông.”

Ông Stavridis thì nói là ông chờ đợi việc triển khai lực lượng sẽ xảy ra đúng lịch trình, nhưng sợ là ước muốn có được một thỏa thuận với Nga của tân chính phủ sẽ dẫn đến một số mặc cả trả giá, có thể liên hệ đến hệ thống hỏa tiễn lá chắn.

Việc đề cử Tướng James N. Mattis, một người mạnh mẽ ủng hộ NATO, làm bộ trưởng Quốc Phòng trong chính phủ của ông Trump đã làm cho Đông Âu tin tưởng hơn. Ông Thomas Donnelly, đồng giám đốc trung tâm Marilyn Ware Center for Security Studies ở viện nghiên cứu American Enterprise Institute, giải thích: “Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu Tướng Mattis rút khỏi những hứa hẹn này. Việc triển khai lực lượng này không phải là mọi điều chúng ta muốn, nhưng là một cải thiện thực sự.”
 “Nay, ít nhất, nếu Nga có vượt qua biên giới, họ sẽ đụng vào lực lượng NATO và có thể giết một số người Mỹ,” ông thêm, và bảo đó sẽ là một sự ngăn ngừa mạnh mẽ sự hung hăng của Nga.

Ông Donnelly còn phân tích thêm: “Ông Trump nay nói cả xuôi lẫn ngược. Nhưng ông thích những người mạnh bạo. Ông nghĩ mình là một người mạnh mẽ. Tôi nghĩ sẽ có nhiều điều khác trong liên hệ Mỹ-Nga hơn là ông Trump chỉ làm những gì mà ông Putin muốn ông làm.”

Một ban quân nhạc Ba Lan chơi quốc ca của Ba Lan và Hoa Kỳ trong nghi lễ chào mừng ở Zagan. Khoảng 20 người dân cũng ráng đến dự trong trời lạnh cóng, kể cả một cô bé mặc áo choàng đỏ và nón mầu hồng, ngồi trên xe trượt tuyết phất cờ Hoa Kỳ.

Đại Úy Matt Piazza, 28 tuổi, cũng như các quân nhân Hoa Kỳ khác, từ chối nói đích danh Nga là lý do cho cuộc điều động quân lính này. Ông bảo: “Chúng tôi đến đây để ngăn ngừa mọi hành động xâm lấn, dầu nó đến từ đâu. Nhưng tôi không tin là nó sẽ xảy ra. Đây là một sứ vụ hòa bình.”

Ông Edyta Maher, 39 tuổi, từ ngôi làng nhỏ xíu đến thị trấn để xem đoàn công voa vượt biên giới, tỏ vẻ lo ngại hơn: “Chính cái ông Trump này làm tôi lo nhất. Không biết được ông sẽ làm gì trong chức vụ tổng thống. Nhưng có vẻ như ông và ông Putin có thể có một số âm mưu nào đó. Nó chắc sẽ không hay gì cho Ba Lan.”

Từ Ba Lan, dọc qua suốt Đông Âu lên đến các quốc gia Baltic và bọc cả đến các quốc gia Bắc Âu, người Âu Châu sống kế bên Nga đang rất lo ngại. Đây không phải lần đầu họ bị hy sinh.




No comments: