Friday, January 27, 2017

CUỐI NĂM THÂN, NHÌN VỀ KINH TẾ VIỆT NAM : ĐẾN LÚC TỈNH NGỦ (Phạm Đỗ Chí)




Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2017

Cuối năm âm lịch, đời sống chính trị bên Mỹ sôi động với lễ tuyên thệ của TT Trump và cuộc biểu tình chống đối khổng lồ với 3 triệu người được ước tính tham dự do Phụ Nữ Hoa Kỳ tổ chức và có rất đông các thành phần dân chúng tham dự.

Hàng ngày lướt Internet thấy không khí rộn rịp không kém ở Việt Nam cho tuần lễ cuối năm, nhưng là để chờ... ăn Tết! Tin mới duy nhất là thành phần lãnh đạo của chính phủ sang dự Hội nghị Davos ở Thụy Sĩ, tổ chức hàng năm vào dịp mùa đông lạnh lẽo này với sự tham dự của nhiều lãnh tụ quốc gia và doanh nhân cấp CEO cũng như một số khoa bảng nổi tiếng. Tuy không có cơ cấu chính thức nhưng tổ chức này được coi là dịp móc nối ở cấp cao, bàn về các vấn đề kinh tế lớn của thế giới, cũng như là dịp cho một số quốc gia "tự quảng cáo" về mình cho vấn đề phát triển và tìm đầu tư quốc tế. Đây có lẽ là trường hợp của Việt Nam tham dự lần này ở cấp Thủ Tướng và có chương trình được chuẩn bị chu đáo, với tin tức là do sáng kiến Bộ Ngoại giao. Theo tuyên bố chính thức, Việt Nam đã "tìm được sự hỗ trợ cho phát triển bền vững".

Đây là chi tiết lạ nhưng không đáng ngạc nhiên khi theo dõi các tin tức từ bên nhà vào các hội nghị trong nước cuối năm, với những nguy cơ của một thế Vỡ Trận Tài Chính. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức cảnh cáo Hội nghị Tài chính toàn quốc về nguy cơ Nợ công đã vượt xa mức giới hạn là 65% của GDP, từ lâu đã không được giới hữu trách xác nhận để giữ "màu hồng" cho nền kinh tế và tiếp tục thu hút đầu tư ngoại quốc FDI. Sự cảnh cáo chính thức này phản ảnh trung thực mối nguy của nền kinh tế cuối năm, và có lẽ là động cơ khiến ông không có mặt ở nhà vào dịp tiễn ông Táo, mà thay ông Táo bay sang Thụy Sĩ gặp các "thượng hoàng" của kinh tế thế giới để "kết thân" và chờ lúc "cầu cứu" nếu cần?

Đâu là bối cảnh của những mối lo về kinh tế cuối năm 2016 và sự sụp đổ có thể tới năm 2017 về ngân sách quốc gia nói riêng và nền tài chính nói chung?


Tại sao Kinh Tế Việt Nam cần Đổi Mới lần nữa thay vì Một Chương Trình Tái Cơ Cấu Tốn Kém?

Theo tin tức từ Bộ Kế hoạch Đầu tư dịp cuối năm 2016, chương trình đầu tư được gọi là Tái Cơ Cấu (TCC) đòi hỏi một số "vốn" khổng lồ là mười triệu tỷ VNĐ hay 480 tỷ USD cho thời gian 5 năm 2016-20. Nhưng không nêu rõ là tiền này sẽ lấy từ đâu ra, ngân sách hay vay mượn nước ngoài?

Một phát biểu chuyên gia, nói là sẽ có thể có tài trợ từ Quỹ Phát Triển Hạ Tầng do Trung hoa bảo trợ, là mơ hồ và thiếu trách nhiệm trong tinh thần muốn "thoát Trung" từ nhiều thành phần xã hội.

Tính ra sẽ cần gần 100 tỷ đô la đầu tư TCC cho mỗi năm trong 4 năm sắp tới từ 2017 đến 2020, tức một nửa của GDP năm 2015 (199 tỷ) và gấp đôi tiền tích lũy (tiết kiệm của cả nước) hàng năm khoảng 50 tỷ. Đó là một con số không tưởng. Và không rõ tái cơ cấu gồm những đề mục hay các dự án nào mà tốn kém như thế, và hiệu quả ra sao với chỉ số ICOR (7-8) đã rất lớn của Việt Nam do hiệu quả đầu tư vốn rất kém trong vùng.
Thật sự, theo một số chuyên gia trong và ngoài nước nói lên sự thực[1], Việt Nam hiện không có tiền và không cần tiền để đầu tư lớn và tốn kém như vậy. Thực trạng ngân sách 2016 và dự báo 2017 là tiền thu ngân sách chỉ vừa đủ để trả nợ trong và ngoài nước và chi thường xuyên. Đầu tư chính phủ gần như hoàn toàn dựa vào tiền đi vay. Lấy đâu ra để đầu tư tái cơ cấu như đề ra như trên?

Chương trình Đổi Mới trong nền kinh tế Việt Nam gần sụp đổ vào các năm 1986-1990 đã dựa vào đổi mới cơ chế và tạo thành công kinh tế đáng kể trong hai thập niên vừa qua, mà không cần đầu tư nhiều, là thí dụ về cơ chế sản xuất và cho giá gạo trong nước được ấn định tự do theo thị trường.

Hai thí dụ quan trọng cho việc tái cơ cấu mà cần ít vốn hơn là; (i) sự phối nhập giữa các hãng công nghệ trong nước với các hãng FDI để học hỏi và áp dụng công nghệ cao hiệu quả từ bên ngoài như bài học từ kinh nghiệm Đài Loan và Hàn quốc; và (ii) tái phân bổ nguồn lực từ khu vực công nghệ sang khu vực dịch vụ và nông nghiệp, sẽ có thể làm GDP tăng trưởng nhanh hơn và ít ô nhiễm hơn.

Nhưng quan trọng nhất, Đổi Mới lần nữa bây giờ, theo ý kiến từ trong hay ngoài nước bây giờ, từ một cải cách thể chế cơ bản, là : Nền Kinh Tế Tự Do Hơn cho Khu Vực Tư Nhân, Phát Triển bằng cách "Cởi Trói Doanh Nghiệp" và giải thể dần khu vực công vẫn đang khống chế toàn nền kinh tế.

Chính sách tái cơ cấu kinh tế mới này có ý nghĩa và thích hợp cho vai trò một chính phủ muốn mang danh "kiến tạo" như TT Phúc từng tuyên bố nhiều lần. Là không nhằm điều khiển hay tạo dựng tất cả thay đổi về chính sách và điều kiện thực hiện, mà chỉ nhằm vai trò hướng dẫn xúc tác, kích thích các sáng tạo từ thị trường, và nhất là từ khu vực kinh tế tư nhân, để phát triển kinh tế cả nước, chỉ theo thị trường mà bỏ hẳn cái đuôi "theo định hướng xã hội".

Trong vai trò đó, cần có một chương trình cải cách thể chế chính trị và chính sách kinh tế một cách toàn diện, nhằm “cởi trói” cho doanh nghiệp tư nhân, tạo cú hích để tăng tốc phát triển nền kinh tế. Chương trình đó có thể bắt đầu với Sài Gòn là thí điểm, sau đó có thể lan rộng ra các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ,...

Làm sao để Sài gòn tiếp tục giữ vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước?

Cần khắc phục những khó khăn đang “trói buộc” sự phát triển của doanh nghiệp, những rào cản phát triển của thành phố này nói riêng và cả nước nói chung. Sài Gòn cần xây dựng một chương trình cải cách thể chế kinh tế một cách toàn diện, gồm cải cách hệ thống quy định pháp luật, chính sách kinh tế và cơ chế thực thi. Sài Gòn có thể phát triển thành Đặc khu Kinh tế và Thương mại dựa trên ba trụ cột kinh tế. Thứ nhất là thành lập và phát triển Trung tâm Công nghệ cao vào năm 2018, gồm xây dựng Quy chế đặc biệt cho Khu CN cao, khuyến khích phát triển doanh nghiệp mới đi đôi với phát triển giáo dục và công nghệ cao; Thứ hai, chuẩn bị cho việc hình thành Trung tâm Tài chính vào năm 2020; Thứ ba, phát triển hệ thống du lịch hạng cao hơn hiện tại với môi trường sạch đáng sống.

Điều quan trọng nhất trong cải cách thể chế kinh tế là xây dựng pháp luật công bằng, bình đẳng về cơ hội và tiếp cận nguồn lực giữa doanh nghiệp công và doanh nghiệp tư nhân và ngay trong nội bộ doanh nghiệp tư nhân, xoá bỏ những ưu tiên chỉ dành cho một số ít doanh nghiệp (thí dụ để một số ít nhà đầu tư "sân sau" hưởng lợi lớn).

Trở lại với đầu đề chính về đe dọa cho nền kinh tế Việt Nam cho năm mới, song hành với nợ công thật sự (kể cả nợ của các xí nghiệp quốc doanh) được ước tính đã lên tới trên 100% GDP, còn phải kể đến "cục đông" là món nợ xấu ngân hàng vượt trên 10% theo ước tính quốc tế (chứ không phải con số "đẹp" chính thức công bố là 3%), đây là hai lý do quan trọng có thể đưa đến một thế vỡ trận tài chính cho năm 2017.

Nhưng lý do chính yếu cho kinh tế Việt Nam còn phát triển tạm khá chung quanh mức tăng 6% của GDP nhờ vào lượng đầu tư dồi dào FDI trên 10 tỷ USD mỗi năm trong các năm vừa qua, và tỷ giá của Đồng VN cũng theo đó đứng vững, phần lớn dựa vào hy vọng của hiệp định TPP tương lai từ năm 2017.

Nhưng từ ngày 20/01/2017 vừa qua, chính phủ Trump đã thực sự tuyên bố rút khỏi TPP. Với thực tế đó, FDI liệu còn đóng nổi vai trò trụ cột đó cho Việt Nam không? Và tỷ giá của ĐVN sẽ ra sao nếu đồng Nhân Dân Tệ của Trung hoa sẽ xuống dốc không phanh với các biện pháp chế tài thương mại mới của Hoa Kỳ và tiếp đó là khủng hoảng lòng tin của dân Tàu với đồng tiền của nước họ?

Ở thời điểm giao mùa giữa hai năm cũ và mới, tất nhiên điều mơ ước của người viết cho quê hương cũ của mình là một đất nước tự do, thanh bình và phát triển. Những nhà lãnh đạo hiện thời có vẻ bắt đầu tỉnh ngủ về thực trạng kinh tế. Nhưng liệu họ có sớm tỉnh ngủ cả về chính trị để thực hiện cho Việt Nam những cải tổ về chính trị như Myanmar đã làm cho đất nước họ trong vài năm gần đây?

Chú thích:
[1] Đây là bài viết lại của bài nói chuyện của tác giả trong một cuộc hội thảo tại Sài Gòn cuối tháng 11/2016, về vấn đề phát triển thành phố Sài Gòn trong khung cảnh chung hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, với sự tham dự của khoảng 500 người Việt từ hải ngoại. Bài viết phản ảnh ý kiến riêng của tác giả và được cập nhật hóa với các dữ kiện thống kê.




No comments: