Ngô Nhân Dụng
Tuesday,
May 10, 2016 7:05:13 PM
Ngày
Thứ Hai, 9 Tháng Năm 2016, nhật báo Nhân Dân ở Bắc Kinh đăng một bài dài hơn 11
ngàn chữ, với luận điệu dạy bảo nội các của Thủ Tướng Lý Khắc Cường về chính
sách kinh tế. Dưới hình thức phỏng vấn một “quan chức có thẩm quyền” không nói
rõ họ tên, các ý kiến nêu lên đã bài bác gần hết những chính sách mà ông Lý Khắc
Cường đã thi hành trong một năm qua, từ việc dùng tiền cứu nguy thị trường chứng
khoán hai lần sụt giá nặng, cho tới việc ra lệnh các ngân hàng cho các doanh
nghiệp nhà nước vay thêm tiền để tránh cho kinh tế khỏi giảm tốc quá nhanh.
Ngày Thứ Ba, nhật báo Nhân Dân lại đăng một bài khác dài 20,000 chữ, là một bài
thuyết giảng của Tập Cận Bình về chính sách mới mà ông ta gọi là “cải tổ cơ cấu
phần cung” để dạy dỗ các quan chức, cán bộ.
Bài
phỏng vấn ngày đầu tuần chiếm một phần ba trang nhất và đầy trang thứ hai trên
tờ báo chính thức của đảng. Lời lẽ mạnh mẽ đầy tự tin trong bài khiến các quan
sát viên ngoại quốc đoán rằng nhân vật giấu tên này là Lưu Hạc (Liu He, 刘鹤),
một phụ tá thân cận được Tập Cận Bình nâng lên từ mấy năm nay. Lưu Hạc điều khiển
công việc hàng ngày của ủy ban cải tổ kinh tế mà Tập Cận Bình làm chủ tịch, Lý
Khắc Cường là phó.
Bài
ghi chép lời Tập Cận Bình đăng hôm qua chiếm cả hai trang đầu của tờ báo; đó là
bài thuyết trình của Tập Cận Bình nói từ Tháng Giêng, nay mới đưa công khai lên
mặt báo. Cách xếp đặt cho bài phỏng vấn ra trước một ngày cho thấy Tập Cận Bình
muốn chuẩn bị cho dư luận xôn xao về những lời lẽ công kích chính sách của Lý
Khắc Cường, do đó sẽ chú ý đến nhiều hơn khi đọc các “khuôn vàng thước ngọc
kinh tế của Tập Chủ Tịch.” Tại sao Tập Cận Bình phải thu xếp đăng hai bài trên
báo Nhân Dân như vậy? Có lẽ sau khi đã loại bỏ hầu hết các đối thủ chính trị bằng
chiến dịch chống tham nhũng, Tập Cận Bình muốn răn đe nhân vật thứ hai của chế
độ là Lý Khắc Cường, muốn quyền hành được tập trung tuyệt đối vào một tay ông
ta. Nhưng biến cố này cũng cho thấy trong nội bộ lãnh đạo Cộng Sản Trung Quốc
có sự rạn nứt, vì ý kiến bất đồng đối với chương trình cải tổ cơ cấu kinh tế.
Trong
năm qua, Bắc Kinh đã bơm tiền cứu nguy nền tài chánh với khoảng 200 tỷ Mỹ kim vực
dậy thị trường chứng khoán, 65 tỷ Mỹ kim bù cho các món nợ xấu ở ngân hàng.
Trong ba tháng đầu năm nay chính phủ lại tiếp tục dùng tiền ngân hàng cho vay để
giữ mức tăng trưởng kinh tế không xuống thấp hơn 6.5%. Nhờ chính quyền nâng đỡ
nên thị trường địa ốc đã vững lại, giá các nguyên liệu không sụp đổ. Nhưng
trong thời gian đó, tất cả chương trình cải tổ kinh tế được hứa hẹn trong kỳ đại
hội đảng đã phải ngưng lại. Lý Khắc Cường đã hành động theo yêu cầu của các
quan chức cấp dưới, từ các địa phương cho tới các doanh nghiệp nhà nước và ngân
hàng của nhà nước. Những người này không muốn cuộc cải tổ đi nhanh quá. Họ muốn
tiếp tục đường lối “bơm tiền” cho các xí nghiệp và ngân hàng của nhà nước để giữ
cho kinh tế tăng trưởng với một tỷ lệ khoảng 6.5%. Nghĩa là tiến trình cải tổ
cơ cấu chậm chạp và dè dặt sẽ kéo dài hàng chục năm nữa hay lâu hơn. Trong khi
đó Tập Cận Bình và nhóm cố vấn thân cận nhìn thấy nếu không thúc đẩy cải tổ
nhanh hơn thì sau hai nhiệm kỳ mọi việc sẽ vẫn còn dang dở, và Tập Cận Bình sẽ
để lại một nền kinh tế suy yếu chưa đủ thời gian hồi phục khi ông ta phải rời
khỏi chức vụ!
Bài
phỏng vấn “nhân vật có thẩm quyền” là một lời cảnh cáo công khai chính sách bơm
thêm tiền thúc đẩy kinh tế, thường được mô tả là “kích cầu.” Nhân vật giấu tên
nói thẳng rằng kích thích kinh tế bằng cách tăng tiền cho vay nợ không khác gì
“trồng cây giữa trời,” không dính gì tới mặt đất. Bài phỏng vấn nói thẳng: Gia
tăng số tiền cho vay sẽ dẫn tới khủng hoảng tài chánh, mà không giải quyết được
các khó khăn đã ăn sâu vào gốc rễ. Ðây là một mối đe dọa mà các quan sát viên
ngoại quốc đã nhìn thấy từ lâu, khi khối tiền nợ trong cả nước lớn lên bằng
250% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa (GDP).
Nhân
vật giấu tên trong bài phỏng vấn ngày Thứ Hai khẳng định kinh tế Trung Quốc sẽ
bước vào giai đoạn không tăng trưởng ngoạn mục, ông ta mô tả bằng “hình chữ L,”
tức là đi xuống xong rồi đi ngang. Ông nói, “Trung Quốc phải quyết tâm thi hành
các cải tổ cơ cấu.” Và đe dọa rằng bất cứ dấu hiệu nào tỏ ra vẫn theo đường lối
cũ, kích thích bằng tiền cho vay để tăng trưởng, sẽ khiến cho cả thị trường lo
lắng, rụt rè và bối rối.”
Trong
bài nói chuyện với các quan chức thuộc các bộ trung ương và đứng đầu địa phương
đầu năm 2016, Tập Cận Bình nói rằng nhiều cán bộ vẫn chưa hiểu rõ cụm từ “cải tổ
trên mặt cung” (supply-side reform) cho nên ông ta cần giải thích. Trước hết,
ông xác định rõ chủ truong này khác với các chính sách thời Tổng Thống Reagan ở
Mỹ hay Thủ Tướng Thatcher ở Anh, cũng diễn tả bằng các danh từ đó. Ông nói ở
Trung Quốc phải gọi là “cải tổ cơ cấu trên mặt cung” (supply-side structural
reform,) nhấn mạnh vào chữ cơ cấu. Ông giải thích, đó là “cắt giảm bớt khả năng
sản xuất dư thừa (cutting capacity), giảm bớt hàng tồn kho ứ đọng (reducing
inventory), giảm vay nợ (cutting leverage) và giảm chi phí (lowering costs). Ðó
là những liều thuốc đắng. Vì tất cả các biện pháp đó sẽ làm cho các xí nghiệp
và ngân hàng quốc doanh bị xáo trộn, nhiều cơ sở sẽ vỡ nợ và khánh tận, nhiều
công nhân viên sẽ mất việc.
Tập
Cận Bình nói Trung Quốc không thể chỉ kích thích phía cầu (bằng cách tăng tiền
cho vay) vì cứ tiếp tục như vậy sẽ không giải quyết được các khó khăn trong cơ
cấu. Ông nêu một thí dụ là việc xây dựng các nhà máy thật nhiều, khả năng dư thừa
không dùng để sản xuất thêm, vì hàng hóa chế ra không thể bán được. Họ Tập nêu
một thí dụ cụ thể: Người Trung Hoa lục địa đi mua sắm ở ngoại quốc, mua cả những
món gia dụng hàng ngày như nồi cơm điện, ghế ngồi trong nhà vệ sinh, sữa bột,
cho tới bình sữa nuôi con nít, cho thấy phần cung trong nền kinh tế Trung Quốc
không đáp ứng nhu cầu người tiêu thụ.
Họ
Tập kết luận rằng kinh tế Trung Quốc là một nền kinh tế “lớn mà không mạnh”
đang phải đối diện với với các vấn đề trọng đại, mặc dù đứng hàng thứ hai trên
thế giới. Ông cảnh cáo: “Triệu chứng thấy rõ nhất là không có phát minh, sáng
kiến. Ðó là nhược điểm chính (gót chân Achilles) của kinh tế Trung Quốc!
Hai
bài đăng liên tiếp hai ngày trên báo Nhân Dân cho thấy nội bộ giới lãnh đạo Cộng
Sản Trung Quốc đang chứa những mâu thuẫn nặng nề về tốc độ cải tổ, về phương
pháp cải tổ và thứ tự các mục tiêu cần cải tổ.
Trong
mấy năm từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền, lãnh vực tài chánh và ngân hàng đã gặp
nhiều tai nạn. Năm 2014, nhiều công ty tài chánh do các ngân hàng lập ra để
không phải theo luật lệ đã vỡ nợ, năm 2015, thị trường chứng khoán đã sụp đổ
hai lần, và trong năm 2016, số tiền vốn chạy ra nước ngoài đã lên tới 600 tỷ Mỹ
kim. Cơ cấu tài chánh còn yên ổn được mặc dù số nợ không đòi được gia tăng vì đảng
cộng sản làm chủ cả các ngân hàng lẫn các công ty vay nợ, vừa đóng vai người
vay và đóng vai người cho vay! Khi một ngân hàng sắp phá sản vì người vay không
trả nợ được thì đảng đem tiền tới cứu, sau đó bộ máy vay và cho vay lại hoạt động
như cũ. Tình trạng này không thể kéo dài mãi mãi. Vì khác với tình trạng các
năm trước, khi kinh tế còn tăng trưởng với tỷ lệ 9 đến 10%, hiện nay kinh tế chỉ
tăng ở mức 6% (trong thực tế còn thấp hơn).
Tình
trạng kinh tế Trung Quốc hiện nay cũng giống như kinh tế Nhật Bản trong thập
niên 1980, mà ngay sau đó các cuộc khủng hoảng địa ốc và ngân hàng khiến kinh tế
Nhật suy sụp, từ đầu thập niên 1990. Cho tới nay kinh tế Nhật vẫn chưa hồi phục.
Nhưng Nhật Bản thời 1990 khác với Trung Quốc năm 2016. Vì lúc đó người dân Nhật
đã giầu có, lợi tức đầu người ngang với dân Mỹ. Còn dân Trung Quốc hiện nay lợi
tức chỉ bằng một phần tư dân Mỹ. Công cuộc cải tổ sẽ bắt các xí nghiệp và ngân
hàng Trung Quốc phải theo quy tắc thị trường, lời ăn lỗ chịu. Ðó là mệnh lệnh
mà Tập Cận Bình muốn các cán bộ chính trị và kinh tế phải chấp nhận!
Nhưng
sức phản kháng của các người đang hưởng lợi nhờ cơ cấu bao cấp hiện tại chắc đã
tăng lên rất mạnh, cho nên báo Nhân Dân phải đăng hai bài liên tiếp, mục đích là
bắt tất cả mọi người phải nuốt các liều thuốc đắng của Tập Cận Bình.
No comments:
Post a Comment