Sunday, April 24, 2016

PHẢI CHI BAO NHIÊU TIỀN ĐỂ CÓ ĐƯỢC TẤM BẰNG TIẾN SĨ Ở VN? (Anh Vũ - Tiền Phong)





Chủ Nhật, ngày 24 tháng 4 năm 2016

Chi phí cho một tấm bằng tiến sỹ ở Việt Nam
Anh Vũ 
Tiền Phong
06:31 ngày 24 tháng 04 năm 2016

TP - Theo tiết lộ của một số nghiên cứu sinh (NCS), mức chi phí thực tế để có một tấm bằng tiến sỹ ở Việt Nam cao hay thấp tùy theo ngành, ngành hot như kinh tế có khi hơn 1 tỷ đồng, ngành kém hot hơn cũng vài trăm triệu đồng.

Tuy nhiên, cũng theo một số nguồn tin giấu tên, chi phí tiến sỹ ngành kinh tế giờ đã giảm nhiều, hay nói vui là “bị phá giá” do bị cạnh tranh nhiều bởi có nhiều trường đại học được quyền chiêu sinh NCS.

Nếu tính theo mức học phí qui định thì tổng chi phí cho một nghiên cứu sinh chỉ khoảng 50 triệu đồng,  bằng 1/10- 1/20 so với chi phí thực tế. Căn cứ  thông báo về “Mức thu học phí đối với Nghiên cứu sinh và học viên Cao học năm học 2015 – 2016” do Học viện Khoa học Xã hội ban hành ngày 4/12/2015, học phí dành cho NCS  là 1.525.000 đồng/ tháng/ học viên. Như vậy, học phí 1 năm là 15.250.000 đồng/ học viên, tổng cộng 3 năm nghiên cứu là 45.750.000 đồng.

Thế nhưng, ai cũng hiểu rằng, để có được một tấm bằng tiến sỹ, đâu chỉ có học phí.

“Đọc tên một số đề tài không khỏi ngao ngán cho nền khoa học nước nhà. Năm 2012 tôi từ bỏ theo tiến sĩ ngành kinh tế/ quản trị ở một cơ sở đào tạo trong nước. Đó là quyết định đúng đắn.”
Lê Ngọc Sơn


Một giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội kể: “Hôm trước tôi có nói chuyện với mấy đứa ngành kinh tế. Tôi hỏi chúng nó dạo này học TS kinh tế giá cả thế nào. Bọn chúng bảo, hạ giá rồi. Từ ngày trường đại học Nông nghiệp mở đào tạo TS Kinh tế nên hạ giá chỉ vài trăm triệu khi bảo vệ thôi”.

Khi hỏi về chi phí cụ thể, một người khác làm NCS ngành kinh tế cho biết, dường như không có mức chính thức vì còn nhiều khoản chi phí khác ngoài tiền bảo vệ luận án. Thông thường, ai làm NCS mà là người của các trường đại học hoặc viện nghiên cứu thì thường cố xin để trở thành đề tài cấp Bộ để bù đắp kinh phí.
Tính sơ sơ,  để trở thành tiến sỹ, theo qui định, một NCS phải có 3 chuyên đề, 2 hội thảo, 2 lần bảo vệ. Bây giờ, một cái hội thảo mở rộng đã tốn khoảng 50 triệu đồng.  Chi phí của Khối Kỹ thuật còn ít, chứ khối Kinh tế thì tốn kém từ khi đi học đại học vì - theo nhiều người trong cuộc - chi phí “chạy” tốn kinh khủng. TS khối kỹ thuật thì chi phí ít hơn bên kinh tế nhưng để bảo vệ được phải làm thí nghiệm cũng “vỡ mặt”, nên nhiều người bỏ giữa chừng.

Ngoài chi phí bảo vệ luận án,  một NCS cũng phải lo chi phí cho Hội đồng chấm luận án. Một hội đồng có 5-7 người x 2 hội đồng thì đã thấy tốn kém thế nào. Đó là chưa kể luận án Tiến sỹ còn phải trải qua một hội đồng phản biện kín. Nếu “đen”, có ủy viên hội đồng ở tỉnh khác thì còn phải lo kinh phí đi lại, ăn ở cho vị ủy viên đó. Một tiến sỹ kể: “Hồi tôi bảo vệ, có một thầy ở TPHCM, tôi phải sáng bay vào gửi luận án và kinh phí cho thầy, chiều bay ra luôn. Chưa kể phải xin ý kiến của tối thiểu 20 người nữa. Nhiều khi còn bị gợi ý thuê người chụp ảnh, mua hoa...”

Một Tiến sỹ ngành xã hội học thì cho biết, chi phí cũng tốn kém, nhưng do nhà nghèo nên cố gắng tự làm lấy hết mọi việc có thể để giảm bớt chi phí. Chứ chị biết, có NCS bận rộn, họ thuê người làm luận án một phần hoặc toàn phần.

Tuy nhiên, theo một người bạn đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, nếu không có học bổng  mà học ở Anh hay Mỹ thì  khoảng 1,5 tỷ- 2 tỷ/ năm, tùy trường. Thời gian học Tiến sỹ ở đây trung bình 4 năm.  Còn học ở Thụy Điển hay Đức không mất học phí, nhưng mất tiền ăn ở, bảo hiểm, chừng 500 triệu/ năm, nhưng đầu vào và đầu ra cực kỳ khắt khe. Vì thế, nếu ai  có điều kiện thì họ không chọn học  ở nơi miễn học phí.

Chi phí rẻ thì chất lượng thế nào?

Cô bạn là tiến sỹ kinh tế kể: “Hồi tôi thi đầu vào NCS buồn cười lắm, chỉ tiêu 10 mà có 9 người thi, thế nên môn tiếng Anh được dặn là nếu không trả lời được thì phải chép lại câu hỏi để có lý do cho 5,  thế mà có ông Hiệu phó ngồi sau mình còn không biết chép thế nào cứ phải chép từ bài mình ra”. Bây giờ thì NCS không phải thi như thế nữa, mà nhà trường cho nợ đầu vào, khi nào trả xong chứng chỉ ngoại ngữ thì lấy bằng.

Giảng dạy trong một trường đại học có tiếng ở Hà Nội với những tiêu chuẩn khắt khe đối với NCS, nhưng cô bạn tôi cũng ngán ngẩm với chất lượng đầu ra của nhiều NCS. Dù trường này có chuẩn đầu ra về tiếng Anh và kỹ năng mềm (thuyết trình, làm việc nhóm, viết văn bản,...) khá khắt khe, thế nhưng học viên chỉ cần đóng 2 triệu đồng thì điểm cao ngất ngưởng, còn không thì trượt. Kỹ năng mềm cũng  tương tự, đạt điểm cao nhưng học xong chả biết gì.

Một tiến sỹ giấu tên cho biết, ở Việt Nam đào tạo Tiến sĩ và cao học là khá lãi và nhiều lợi ích: 1. Học phí cao 2. Học kiểu cuối tuần và tại chức nên học viên sẵn sàng chi trả để bổi dưỡng thêm cho giảng viên 3. Đào tạo nhiều thì các thầy mới sớm là Phó Giáo sư (hướng dẫn 2 thạc sĩ) và GS (hướng dẫn 2 TS) 4. Người  học thì oai.


------------------------------

Tác giả: theo Trí thức trẻ




No comments: