Friday, February 26, 2016

GIÀN RADAR, CHỨ KHÔNG PHẢI TÊN LỬA CỦA TRUNG QUỐC MỚI CÓ THỂ LÀM THAY ĐỔI CỤC DIỆN BIỂN ĐÔNG ( Larry Ong, Epoch Times)





Tác giảLarry Ong, Epoch Times 
Dịch giả: Trà Văn Kính
26 Tháng Hai , 2016

Một viện nghiên của Mỹ cho biết, có vẻ như Trung Quốc đang triển khai radar cực mạnh trên một hòn đảo ở Biển Đông. Điều đó cho thấy chính quyền Trung Quốc đang cố gắng “kiểm soát có hiệu quả” các vùng biển tranh chấp. Đây là khu vực thuộc lộ trình hàng hải rất trọng yếu nhưng lại có rất nhiều tuyên bố tranh chấp đối với vùng lãnh hải này.

Trong một báo cáo được công bố vào ngày 22 tháng 2 năm 2016, Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS), có trụ sở tại Washington nói rằng, những hình ảnh vệ tinh chụp Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) cho thấy những chi tiết mang dáng dấp một giàn radar tần số cao. Sự lắp đặt radar cũng được nhìn thấy trên các hòn đảo mà Trung Quốc chiếm đóng như Đá Gaven (Gaven Reef), Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson South Reef).

Trong báo cáo của CSIS, một giàn radar tần số cao trên Đá Châu Viên sẽ “tăng cường đáng kể” khả năng của Trung Quốc trong việc giám sát tàu hoặc máy bay đi qua eo biển Malacca – một tuyến đường hàng hải rất quan trọng nằm giữa Malaysia và Indonesia. Ngược lại, trong tuần vừa qua, việc Trung Quốc lắp đặt các tên lửa đất đối không trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã tạo ra nhiều mối bất đồng gay gắt hơn nữa trong chính sách ngoại giao giữa Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên dựa theo một báo cáo riêng biệt của CSIS thì việc lắp đặt thêm tên lửa cũng chẳng tạo thêm ý nghĩa chiến lược nào cả do Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã bố trí nhiều phi đạn địa đối không ưu việt tại Biển Đông rồi.

Các hình ảnh vệ tinh do CSIS chụp vào khoảng thời gian từ ngày 24 tháng 1 đến ngày 12 tháng 2. Đá Châu Viên, Đá Gaven, Đá Tư Nghĩa, và Đá Gạc Ma là 4 trong số 7 bãi đá nhân tạo đã nhanh chóng được Trung Quốc cải tạo dù Brunei và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền đối với các đảo đá nằm trong quần đảo Trường Sa này. Trong một cuộc điều trần của Quốc hội vào ngày 23 tháng 2, Đô đốc Harry Harris, Jr đã xác nhận sự hiện diện của giàn radar mới trên Đá Châu Viên.

Sự hiện diện của giàn radar cực mạnh sẽ là khúc ngoặt mới nhất trong vụ việc đầy kịch tính đang diễn ra ở Biển Đông, một vùng biển 1,3 triệu dặm vuông bao gồm các vùng biển và hải đảo đang gây nên sự tranh cãi giữa Brunei, Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Dù Hoa Kỳ không có bất kỳ yêu sách chủ quyền nào ở Biển Đông, nhưng quốc gia này cũng bị lôi kéo vào vụ việc với yêu cầu duy trì tự do hàng hải, đảm bảo giao thương quốc tế trên Biển Đông được diễn ra một cách bình thường.

Theo báo cáo của CSIS, việc Trung Quốc triển khai các cơ sở radar trên quần đảo Trường Sa và xây dựng “những đường băng mới và khả năng phòng thủ trên không” ở những hòn đảo khác đã cho thấy rằng Trung Quốc có một “chiến lược chống tiếp cận dài hạn – là một chiến lược mà có thể giúp họ (Bắc Kinh) thiết lập sự kiểm soát hiệu quả trên toàn bộ vùng biển và vùng trời trên khắp Biển Đông”.

Tại một cuộc họp báo vào ngày 23 tháng 2 năm 2016, khi được hỏi về việc có hay không sự xuất hiện của các cơ sở radar hiện đại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói “không nắm rõ được tình hình”, nhưng bà vẫn một mực cho rằng theo luật pháp quốc tế thì chính quyền Trung Quốc có quyền triển khai “các cơ sở quân sự cần thiết và trong giới hạn trên các đảo đá có liên quan” ở quần đảo Trường Sa.

Kể từ tháng 11 năm 2013, chính quyền Trung Quốc đã bắt đầu tỏ ra ngang ngược hơn trong việc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. Năm ngoái, Trung Quốc đã triển khai một dự án rất lớn cải tạo đất đá để xây dựng một số hòn đảo nhân tạo. Một đường băng dường như được thiết kế theo tiêu chuẩn quân sự đã xuất hiện trên một trong những hòn đảo nhân tạo này. Chính quyền Trung Quốc cũng đã trang bị vũ khí trên các hòn đảo, dựa theo những tin tức đã đăng vào tháng 5 năm 2015.

Đô đốc Harry Harris của Mỹ tin rằng chính quyền Trung Quốc đang tăng cường khả năng kiểm soát toàn khu vực. Vào ngày 23 tháng 2, ông Harris đã nói thẳng với các nhà lập pháp trong một phiên họp Quốc hội: “Tôi tin Trung Quốc đang muốn làm bá chủ ở khu vực Đông Nam Á”. Nhưng trớ trêu thay, cũng giống như các luận điệu tuyên truyền trước đây, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc lại tiếp tục cáo buộc Mỹ đang tìm cách đẩy mạnh sự bá quyền trên biển dưới chiêu bài tự do hàng hải.

Trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Đô đốc Harry khẳng định rằng Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông, và ông nói thẳng: “Chỉ có những ai tin là trái đất dẹp mới có thể có suy nghĩ khác [với điều tôi đã khẳng định]”.

Bài viết này có sự đóng góp của hãng tin Associated Press.





No comments: