Friday, October 23, 2015

Làm sao để giảm thiểu án oan tại Việt Nam? (Gia Minh - RFA)





Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
2015-10-23

Những án tử hình, chung thân bị cho là oan ngày càng được công khai nhiều tại Việt Nam. Hướng giải quyết của cơ quan chức năng ra sao? Và làm thế nào để có thể giảm thiểu những sai sót chết người như thế?

Vụ mới

Bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh, quê xã Yên Thịnh, huyện Yên Bình, tỉnh Thanh Hóa hiện đang có mặt tại Hà Nội để kêu đến các cơ quan chức năng cao nhất nước về trường hợp người con mà bà này cho là bị tuyên án tử oan.

Lần này bà Nguyễn Thị Việt phải ra đến Hà Nội vì Tòa án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa vào ngày 17 tháng 10 vừa qua gửi thông báo cho bà vào ngày thứ hai, 26 tháng 10 đi nhận xác con về chôn cất sau khi bị thi hành án tử.

Vào chiều ngày 22 tháng 10 khi đang kêu oan cho con tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Việt nhắc lại vụ án mà con bà được nói là ‘ngoại phạm’:

“Có vụ án một cô bé 13 buổi bị hiếp dâm rồi giết chết vùi xác cạnh bờ sông. Chỗ con bé chết đến nhà tôi khoảng độ 200 mét. Chiều hôm xảy ra sự việc thì con tôi là ‘ngoại phạm’, đang đi sửa nhà cho con em gái mãi đến 5:30’ mới về nhà. Khi nghe tin người chết đuối thì đi mò, đi lặn cả đêm, đến mai chiều mới tìm thấy xác ở bờ sông. Công an Thanh Hóa về mổ xẻ, rồi lấy tinh trùng nhưng không tìm ra chứng cứ gì cả. Khi họ mổ (tử thi) con tôi có ngồi trông xem và đi chôn cất. Sau một tháng công an không tìm ra thủ phạm gây án thì về cho áp giải con tôi lên trụ sở ủy ban xã nói để hỏi một số vụ việc. Vào nhà không có giấy triệu tập, không có lệnh bắt. Khi áp giải con tôi đến cổng ủy ban thì bắt đầu đánh và áp giải con tôi cho vào tù. Ở đó không biết tù hay công an đánh bức cung con tôi buộc phải nhận tội. Ra tòa con tôi kêu oan nhưng tòa xử theo lời nhận tội. Qua hai phiên xử, đến giám đốc thẩm hủy toàn bộ hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm để Thanh Hóa điều tra lại; nhưng Thanh Hóa không điều tra được gì cả mà vẫn đem bản án tử hình ra đối với con tôi.”

Những vụ đang kêu cứu

Hiện cũng đang có hai tử tù mà gia đình kêu oan lâu nay đến các cơ quan trung ương là Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng và Hồ Duy Hải ở Long An.

Người thân của hai tử tù này cũng tỏ ra rất cảm thông với hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Việt, mẹ của tử tù Lê Văn Mạnh ở Thanh Hóa. Tuy nhiên vụ việc kêu oan của hai gia đình Nguyễn Văn Chưởng và Hồ Duy Hải suốt mấy năm qua đến nay được cho biết vẫn chưa có gì tiến triển.

Cháu Nguyễn Thị Thanh Hải con gái của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, khi bố bị bắt còn đang nằm trong bụng mẹ, lớn lên đi đi kêu oan cho bố.

Ông Nguyễn Trường Chinh, cha của Nguyễn Văn Chưởng cho biết về vụ việc con ông và nhận định về việc thực thi pháp luật ở Việt Nam:

“Nhà cầm quyền Việt Nam vẫn để yên chưa trả lời thế nào cả, chưa có văn bản nào trả lời cho gia đình về việc đó cả. Tôi rất lo. Họ cứ để yên lặng thế thôi, không nói gì hết. Trên đài báo chính thống thì họ nói quốc hội sẽ rà soát lại trong năm 2015, nhưng cho đến hôm nay vẫn chưa thấy gì.
Ở Việt Nam, luật pháp rất nhiều, rất đúng; nhưng thực thi luật pháp không có; người dân Việt Nam không được hưởng những luật đó. Luật họ ra cho có để mị dân và lừa dối dư luận quốc tế thôi. Cho nên rất nhiều vụ oan sai. Cứ đến số 1 Ngô Thời Nhiệm, nơi tiếp dân của Trung ương đảng và Nhà nước, họ chỉ lừa dân thôi chứ không giải quyết được vụ nào. Hai năm nay tôi lên đó ăn nằm, đi làm thuê, làm mướn ở vỉa hè, và hằng ngày ở đó không thấy có vụ nào giải quyết cho dân cả.”

Bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì của Hồ Duy Hải, cũng trình bày về trường hợp kêu oan cho cháu bà trong thời gian qua:

“Không có diễn tiến gì hết, gia đình vẫn tiếp tục tố cáo ông Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình và tố giác tội phạm Nguyễn Văn Nghị. Luật sư có những chứng cứ rất phù hợp Nguyễn Văn Nghị là hung thủ; nhưng chưa có cơ quan chính quyền nào trả lời hết. Gia đình tiếp tục gửi đơn tố cáo và đến nay nhiều lần lắm rồi.”

Vụ án Hồ Duy Hải được đại biểu quốc hội Lê Thị Nga, phó chủ nhiệm ủy ban tư pháp quốc hội, xem xét và có ý kiến có nhiều sai sót cần phải điều tra lại.

Tuy nhiên gia đình bà Nguyễn Thị Rưỡi cho biết chỉ được gặp bà Lê thị Nga một lần khi bà này vào Long An để xem xét hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải. Sau đó đến nay, gia đình nhiều lần gọi điện nhưng bà này không còn bắt máy nữa. Trong khi đó khi ra Hà Nội kêu oan cho người cháu thì bà gặp phải đối xử của các cơ quan công quyền như sau:

“Từ đó đến giờ không được gặp đại biểu quốc hội nào hết ngoài lần bà Nga vào miền nam và bà hẹn gặp chứ chưa gặp được ai hết. Chỉ một lần biểu tình tố cáo ông Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình là được vào cổng rào Tòa án Tối cao thôi; chưa xưa nay là ở ngoài rào và bị công an đe dọa đòi đổ keo vô miệng, rối bấm tay tôi đến nỗi ‘tè’ trong quần luôn. Họ đối xử ác nghiệt với người dân mình lắm.”

Những vụ được điều tra lại

Sau vụ minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang và ông này được bồi thường số tiền cho những năm tháng tù oan là hơn 7 tỷ đồng, vừa qua có thêm trường hợp tù chung thân Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận được kháng nghị hủy án đã tuyên để điều tra, xét xử lại…

Vào chiều ngày 22 tháng 10, luật sư Trần Vũ Hải cho biết ông được thông báo là gia đình đang ở cơ quan công an để bảo lãnh đưa ông Huỳnh Văn Nén về nhà.

Cũng dịp này, luật sư Trần Vũ Hải đưa ra ý kiến về việc phải cân nhắc hết sức khi tuyên án tử hình hay chung thân:

“Riêng đối với những vụ tử hình hay chung thân việc buộc tội phải có căn cứ và phải có tranh luận kỹ càng của các luật sư. Nếu bản án có tuyên cũng phải xem nhưng căn cứ của các luật sư và bị cáo đưa ra trong việc oan đó như thế nào mà để bác bỏ; mà có chứng cứ gì không thể bác bỏ được, dùng chứng cứ đó bác lại những lời khai hay là các luận cứ của luật sư… Mình phải yêu cầu Viện Kiểm sát phải chứng minh một cách rõ ràng như vậy. Chừng nào còn nghi ngờ, theo tôi, không thể nào thực hiện một bản án nặng được.”

Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa 13 đang diễn ra tại Hà Nội và theo thông báo thì Luật Tố tụng Hình sự Sửa đổi sẽ được thông qua tại kỳ họp này. Giới luật sư như luật sư Trần Vũ Hải bảy tỏ mong muốn luật mới có chỉnh sửa sẽ giúp giải được những khó khăn mà người luật sư tại Việt Nam phải đối đầu bấy lâu nay. Ngoài ra luật mới thông qua cũng được kỳ vọng sẽ là công cụ giúp có thể bảo vệ công lý cho công dân.










No comments: