Saturday, October 24, 2015

Kéo kiểm duyệt Trung Quốc vươn ra toàn thế giới (Trọng Thành - RFI)





Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày 24-10-2015

Tham vọng kiểm soát tư tưởng con người bên ngoài biên giới của chính quyền Bắc Kinh là chủ đề chính mục thảo luận của Le Monde. Bài « Bắc Kinh muốn kiểm duyệt toàn thế giới như thế nào » của nhà văn Trung Quốc Mộ Dung Tuyết Thôn (Murong Xuecun), vén lộ thực trạng, với nhiều cảnh báo chua chát.

Mộ Dung Tuyết Thôn nhắc lại một ấn tượng đặc biệt của ông cách nay hai năm, khi ông tiếp xúc với trang mạng của một tạp chí Anh, nơi mời ông viết bài. Nhà văn đọc được rất nhiều bài viết ca ngợi hết lời đảng Cộng sản Trung Quốc. Người phụ trách biên tập giải thích tạp chí Anh này phải đăng tải các bài viết nói trên theo yêu cầu của các doanh nghiệp Trung Quốc, khách hàng đăng quảng cáo. Ông cho biết thêm, nếu trang mạng có quá nhiều bài phê phán đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc, thì các doanh nghiệp sẽ ngừng cộng tác.

Tìm hiểu thêm, Mộ Dung Tuyết Thôn biết rằng tại nhiều nước Châu Âu khác, tại Hoa Kỳ, Úc cho đến Châu Phi, thực tế này là phổ biến. Chỉ riêng tại thành phố Sydney đã có tới 6 tờ báo Trung Quốc, có quan điểm gần gũi với chính quyền. Chính vì thế mà tại Úc, quan điểm của chính quyền Trung Quốc ngày càng có nhiều ảnh hưởng, cho dù phần lớn mọi người dường như không nhận ra.

Nhà văn nhắc lại, hồi tháng 5 vừa qua, tổ chức văn bút Hoa Kỳ Pen America, trong bản báo cáo mang tên « Kiểm duyệt và ý thức : các tác giả nước ngoài và thách thức của kiểm duyệt Trung Quốc », cho thấy nền công nghiệp xuất bản Mỹ và một số nhà văn Mỹ đã bị đặt dưới sự kiểm duyệt của Bắc Kinh. Tình hình tại Úc là rất rõ. Một bài viết trên The Australian năm 2014 cho biết, kênh truyền thông có tiếng ABC đã ký một thỏa thuận đối tác, chia sẻ nội dung, với tập đoàn truyền thông Trung Quốc Shanghai Media. Điều đó có nghĩa là các chương trình tại Úc sẽ được kiểm duyệt từ Trung Quốc.

Riêng tại Hồng Kông, từ khi thành phố 7 triệu dân trở về thuộc chủ quyền Trung Quốc, theo nhà văn Mộ Dung Tuyết Thôn, « gần như không còn một kênh truyền thông nào còn giữ được sự độc lập thực sự, các nhà chính trị thì càng ngày càng giống với các bí thư chi bộ của đảng Cộng sản Trung Quốc. Những người biểu thị thái độ chống chính quyền Bắc Kinh ngày càng bị mafia đe dọa nhiều hơn ».

Nhà văn Trung Quốc kết luận, nền văn minh (nhân loại) là một hiện thực toàn thể. Khi chính phủ một nước tìm cách bịt miệng người viết, thì đó không chỉ đối với cư dân một quốc gia, mà đối với cả nhân loại. Ông cảnh báo : ở Phương Tây, nạn kiểm duyệt Trung Quốc là một chuyện dường như xa xôi, nhưng nếu một ngày nào đó, các vị nhận thấy báo chí của các vị ngày càng ít các bài phê phán Trung Quốc, các trí thức và truyền thông đồng thanh ca ngợi Trung Quốc, và nhiều chính trị gia công khai bảo vệ lợi ích của Trung Quốc, hy vọng lúc đó các vị sẽ nhớ lại lời tôi hôm nay.

Pháp : Đi tìm nguyên nhân tai nạn thảm khốc 
Nước Pháp chấn động với tai nạn đường bộ khiến nhiều người thiệt mạng nhất kể từ hơn 30 năm. 43 người chết, theo thông tin mới nhất, tại tỉnh Gironde, miền tây nam. Tai nạn xảy ra sáng qua 23/10/2015, khi một xe ca chở người cao tuổi đi du lịch đâm phải một chiếc xe tải tại một khúc quanh nguy hiểm. Báo Le Figaro chạy tựa trang nhất « Cả nước bàng hoàng », trong khi đó hàng tựa của Libération như một lời chia sẻ lặng lẽ : « Những người đã mất của làng Petit-Palais ». 28 trong số 43 nạn nhân trong chuyến xe bất hạnh này là người về hưu của ngôi làng nói trên.
Le Figaro thuật lại chi tiết vụ tai nạn xảy ra trên một xa lộ cấp tỉnh chật hẹp, với hai bên đường là rừng và ruộng nho. Sau cú va chạm, lửa bùng lên ngay lập tức. Chỉ có tám người trên xe thoát nạn, trong đó bốn người đang ở trong tình trạng nghiêm trọng.
Bài « Chính giới giữa cảm xúc và tranh luận » dẫn lời ông Noel Mamère, dân biểu đảng Xanh, đại diện cho vùng này. Vị dân biểu chỉ trích lựa chọn của chính phủ đương nhiệm trong lĩnh vực giao thông, ưu tiên cho ô tô ca, thay vì đường sắt và các phương tiện an toàn hơn. Một thành viên ban lãnh đạo đảng Xã hội còn yêu cầu bộ trưởng Macron từ nhiệm. Ông Macron là người chủ trương ra luật khuyến khích phát triển giao thông bằng xe ca mới đây. Thủ tướng Pháp tuyên bố đây là một ngày tang tóc đối với toàn quốc. 
Bài « Tại nơi xảy ra thảm kịch, cảm xúc và các nghi vấn » của Libération thuật lại diễn biến của ngày thứ Sáu đen tối này. Đại tá Réty, phụ trách điều tra, nhận xét, địa điểm nơi xảy ra tai nạn là một con đường dốc, rất hẹp, cộng với độ ẩm cao, sau các đợt mưa nhẹ và sương sớm, trên mặt đường có nhiều lá cây rụng. Những yếu tố nói trên có thể giải thích cho việc chiếc xe tải bị mất lái, nhưng hiện tại các nhà điều tra còn chưa có đủ cơ sở để xác định, liệu có phải tốc độ quá cao cũng là nguồn gốc của thảm nạn. Theo Libération, phải vài tuần nữa mới có thể có được kết quả điều tra.
Libération đi tìm nguyên nhân sâu xa của tai nạn ở tầm quốc gia. « Các đường ô tô cấp tỉnh là nơi dễ xảy ra tai nạn hơn là đường cao tốc » là nhận định khác của tờ báo, kèm theo con số thống kê 2/3 số tai nạn giao thông chết người năm 2014 xảy ra bên ngoài các vùng trung tâm (với 2150 người). Theo một chuyên gia ngành bảo hiểm, được Libération dẫn lời, đã có một sự coi nhẹ ý thức giao thông trên các con đường nhỏ, cụ thể là thiếu hẳn những thông tin về các hiểm họa trên các trục đường giao thông thứ cấp, trong khi ưu tiên được dành cho đường cao tốc và các thành phố lớn, là nơi mà tai nạn ít hơn nhiều.

Hội nghị khí hậu Bonn : Mâu thuẫn Bắc – Nam trở lại
Kết quả đàm phán về khí hậu sau một tuần làm tại Bonn, Đức, được Libération phân tích. Bài « COP 21. Thỏa thuận và các văn bản » cho biết hơn 190 quốc gia tham dự đã đạt được đồng thuận xung quanh một văn bản dự thảo thỏa thuận. Dự thảo này sẽ làm cơ sở cho các bên đàm phán trong Thượng đỉnh cuối tháng 11 tới tại Paris. Đây được coi là cơ hội hy hữu cho việc đạt thỏa thuận nhằm hạn chế nhiệt độ Trái đất không tăng quá 2°C. Bonn là hội nghị quan trọng cuối cùng trước COP21 tại Paris.
Libération thuật lại không khí của cuộc đàm phán. Trong thời điểm khai mạc thứ Hai tuần này, các nước đang phát triển, với 134 quốc gia (hay nhóm G77 và Trung Quốc), đã nổi giận vì lập trường của họ không được phản ánh trong văn bản dự thảo trước đó. Sau đó, nhóm 134 nước được giao bổ sung thêm văn bản, với kết quả là một văn bản mới 34 trang ra đời (so với 20 trang trước đó), « cân bằng hơn », như ca ngợi của « các nước phía Nam và xã hội dân sự ».
Đại diện Pháp phụ trách COP21 Laurence Tubiana đánh giá cao nỗ lực này, và khẳng định, đây là biểu hiện cho thấy « sự trưởng thành của quá trình thương lượng », trong bối cảnh tình thế trên bên bờ vực thẳm hồi đầu tuần.
Động thái đầy kịch tính nói trên cho thấy các mâu thuẫn hết sức lớn giữa các nước công nghiệp phát triển với các nước nghèo đã trỗi dậy trở lại, thách thức trực tiếp khả năng đạt đồng thuận.
Các nước đang phát triển mong đợi các nước giàu gánh vác chi phí của việc thích nghi và các thiệt hại do biến đổi khí hậu, vì cho rằng các cường quốc công nghiệp phải có "trách nhiệm lịch sử", phải trả "một món nợ". Đây là điều kiện tiên quyết cho mọi thỏa thuận. Trong khi đó, các nước phát triển không hề thích thú gì khi phải rút tiền, nhất là khi họ cho rằng, thế giới hiện nay đã thay đổi, và một số nước như các quốc gia dầu khí vùng Vịnh, hay các nước đang trỗi dậy cũng dồi dào về tài chính và có thể đóng góp. Đây là một đề nghị mà nhóm G77 và Trung Quốc bác bỏ. Theo một chuyên gia Mỹ, nhóm các nước Vùng Vịnh rất có khả năng sẽ làm quá trình đàm phán rơi vào bế tắc.
Một điểm khác gây ấn tượng là văn bản dự thảo Bonn có rất nhiều ngoặc kép, nêu ra hai khả năng « buộc phải » và « có thể », tức mức độ ràng buộc về pháp lý của thỏa thuận. Có đến gần 1.500 cặp khả năng như vậy trong văn bản này, so với 200 trong văn bản trước. Cùng với số lượng trang tăng lên, số lượng các ngoặc kép như trên cho thấy thách thức còn rất nhiều trước khi các bên đi đến được một thỏa thuận chung cuộc tại Paris.

Bầu cử Ba Lan : Phe bảo thủ thắng thế
Về thời sự quốc tế, hai cuộc bầu cử được báo chí Pháp chú ý : bầu Quốc hội Ba Lan và Tổng thống Achentina ngày mai.
Tại Ba Lan, theo Le Monde, đảng bảo thủ Luật pháp và Công lý PiS có rất nhiều khả năng giành chiến thắng trước đảng trung hữu PO, cầm quyền từ 8 năm nay. Ba Lan, với tăng trưởng liên tục từ 8 năm nay, và tỉ lệ thất nghiệp chỉ có 8,6%, được đánh giá là một thành công ngoạn mục tại Châu Âu, tuy nhiên vấn đề theo Le Monde là : thành quả tăng trưởng cao đã không được phân chia công bằng.
Le Figaro có phóng sự đưa bạn đọc đến với Zyrardow, một thị trấn nhỏ, bị bỏ rơi. Đây là hình ảnh thu nhỏ của một nước « Ba Lan B », như người ta gọi ở đây. Rất nhiều người dân tại nơi này có thể sẽ đi theo tiếng gọi của đảng bảo thủ. Tuy nhiên, theo người phụ trách một đài phát thanh địa phương, « vấn đề lớn ở đây là cử tri không muốn đi bỏ phiếu ».

Achentina : Cử tri tin tưởng không có thay đổi lớn
Cũng sau 8 năm cầm quyền, Tổng thống Achentina Kirchner sẽ không tái cử. Người hiện có khả năng kế nhiệm bà cũng là người thuộc đảng cầm quyền, ông Daniel Scioli, một nhà doanh nghiệp, cựu vận động viên. Theo nhận định của Le Figaro, ứng cử viên đảng cầm quyền Justicialisme – do tướng Peron sáng lập sau Thế chiến Hai - đang được tỉ lệ ủng hộ gần 40%, có thể đắc cử ngay trong vòng một, nếu chênh lệch 10 điểm so với đối thủ, theo luật bầu cử của Achentina.
Theo một dự đoán, « gần một nửa cử tri tin tưởng dù thắng lợi thuộc về bên nào, tương lai Achentina sẽ tiếp tục tốt như hiện nay, hoặc hơn, sở dĩ có tình cảm này, có thể vì các ứng cử viên đều hứa hẹn các thay đổi ôn hòa ».

Tổng thống Nga muốn bầu cử « minh bạch » tại Syria
Cũng về bầu cử, nhưng tại Syria. Ba tuần sau can thiệp quân sự tại Syria, theo Le Monde, Tổng thống Nga nêu viễn cảnh tổ chức bầu cử « minh bạch ». Bài « Putin muốn tái hợp thức hóa chính quyền Damas » mở đầu với nhận xét : « Tại một đất nước tan hoang vì nội chiến, khiến 250 000 người chết từ bốn năm nay và hàng triệu người phải tha hương, giả thuyết tổ chức bầu cử không làm cho ông Putin hoảng sợ ».

Ngân hàng Châu Âu sẵn sàng cho một loạt biện pháp mới
Về Châu Âu, tựa lớn của Le Monde là « Ngân hàng trung ương Châu Âu sẵn sàng làm tất cả để đưa tăng trưởng trở lại ». Hôm qua, thống đốc ngân hàng, ông Mario Draghi tuyên bố sử dụng « mọi biện pháp chính sách tiền tệ ».
Kể từ đầu cuộc khủng hoảng tài chính, Ngân hàng trung ương đã rót vào nền kinh tế Châu Âu khoảng 900 tỷ euro, nhưng không xoay chuyển được mức lạm phát đang quá thấp hiện nay.







No comments: