Trọng Nghĩa - RFI
Đăng ngày 24-10-2015
Quần đảo Natuna của
Indonesia tại Biển Đông. Đường lưỡi bò của Trung Quốc đã liếm vào một vùng biển
ở khu vực này, được Indonsia cho là thuộc chủ quyền của mình.DR
Tổng
thống Indonesia Joko Widodo sẽ lên đường công du Hoa Kỳ, với cuộc họp thượng đỉnh
với đồng nhiệm Mỹ Barack Obama được dự trù ngày 26/10/2015 tại Washington. Hồ
sơ Biển Đông được cho là cũng sẽ nổi bật trong chương trình thảo luận của ông
Widodo với lãnh đạo Mỹ. Trước ngày Tổng thống Indonesia lên đường, Jakarta đã
tái xác định quan điểm bác bỏ đường 9 đoạn mà Trung Quốc vạch ra để đòi chủ quyền
tại Biển Đông.
Trong một phát biểu với báo giới vào hôm qua, 24/10,
phát ngôn viên Nhà Trắng Eric Schultz xác nhận một số nội dung chính nhân Hội
nghị Thượng đỉnh Obama-Widodo, từ biến đổi khí hậu cho đến thương mại, và nhất
là hợp tác trong lãnh vực quốc phòng và hàng hải.
Cùng ngày, nhật báo Mỹ Wall Street Journal đã trích
lời ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng đặc trách về các vấn đề chính trị, pháp lý
và an ninh, một nhân vật được cho là có ảnh hưởng mạnh nhất trong chính phủ
Indonesia hiện nay, xác định rằng Jakarta sẽ nhờ Washington giúp đỡ trong việc
thành lập một lực lượng tuần duyên hiện đại để tuần tra các vùng biển chiến lược
của mình, cũng như đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giải quyết tranh chấp
lãnh thổ với Trung Quốc ở Biển Đông.
Theo ông Pandjaitan, trong thời gian qua, Indonesia
đã tập trung giải quyết ổn thỏa các vấn đề trong nước, đặc biệt là kinh tế, và
giờ đây đến lúc nước này quan tâm nhiều hơn đến vấn đề khu vực và quốc tế.
Mỹ
có quyền tiến vào vùng 12 dặm quanh đảo nhân tạo của Trung Quốc
Về vấn đề thời sự nóng bỏng hiện nay là các tuyên bố
liên tiếp của Mỹ, khẳng định rằng sẽ sớm cho tàu Hải quân tiến vào vùng biển bảo
quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa bồi đắp tại vùng Trường Sa, ông
Pandjaitan không ngần ngại cho rằng Mỹ có quyền làm như vậy.
Ông giải thích : « Chúng tôi không muốn làm như là
chúng tôi mời Mỹ đến đó… Nhưng đấy là biển quốc tế, và tất cả mọi người đều có
quyền đi qua khu vực đó. »
Nhân vật này đồng thời nhắc lại lập trường xuyên suốt
của Indonesia liên quan đến yêu sách chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển
Đông : « Chúng tôi không công nhận đường 9 đoạn ».
Đường
lưỡi bò : Một điều tưởng tượng
Theo ông Pandjaitan, đường lưỡi bò mà Bắc Kinh cho
là phản ánh chủ quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông, chỉ là một điều «
tưởng tượng ».
Theo báo Wall Street Journal, khi được hỏi, Bộ Ngoại
giao Trung Quốc đã không trả lời yêu cầu bình luận về phát biểu của ông
Pandjaitan.
Trong hồ sơ Biển Đông, Indonesia không phải là một
bên tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, khác với 4 thành viên khác trong cùng
khối ASEAN là Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei. Tuy nhiên, đường lưỡi
bò mà Trung Quốc dùng để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông đã liếm vào vùng dầu
khí Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia, gây bất bình không ít tại quốc gia
này.
No comments:
Post a Comment