Monday, January 30, 2012

HÀN LÂM . . . LIỆT TRUYỆN (Hiệu Minh)


Hiệu Minh
Thursday, January 26th, 2012 at 1:56 am

Nói đến Viện Khoa học Việt Nam (VKHVN) trên Nghĩa Đô (Hà Nội), ai cũng biết đó là cái nôi của nền khoa học nước nhà với ước vọng thành Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam. Nhà văn Tô Hoài kể ngày xưa dốc Bưởi Nghĩa Đô có nhiều trộm cướp.

Được thành lập sau 1975, VKHVN có các viện chuyên ngành như Toán, Tin học, Sinh học, Vật lý, Hóa học… Biên chế khoảng 3000 cán bộ khoa học trẻ, tốt nghiệp loại ưu tú từ các nước XHCN trở về.

Thời gian đầu Giáo sư Trần Đại Nghĩa làm Viện trưởng, sau đó là Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu. Tuổi trẻ như tôi vào đó với bao ước vọng lớn lao. Chiến tranh đi du học, hòa bình quay về xây dựng đất nước. Hoài bão không nhỏ, nhưng khi vào thực tế thì mới biết câu chuyện hàn lâm ở một nước nghèo không đơn giản.

Hành trình đưa điều khiển học về hợp tác xã
Nhớ tháng 8-1977, từ Ba Lan về Viện Tin học ở làng Liễu Giai (Ba Đình, Hà Nội) nhận việc, tôi được một cái bàn cũ, cóc gặm nham nhở, ngồi cạnh anh Hồ Thuần là trưởng phòng Lập trình và tiến sỹ Vũ Duy Mẫn. Phòng 8m2 mà có tới 6 cán bộ hàn lâm. Mở ngăn kéo ra muỗi bay đầy vào mặt, gián, chuột tha hồ tung tăng khắp sân.

Làng Liễu Giai trồng rau, hoa, nhất là hoa lay ơn, thược dược, cần phân tươi, nước giải. Chiều chiều bà con làm vườn, dân khoa học cổ cồn, quần ly, sang trọng dự seminar, vừa bịt mũi, vừa nghe giảng về lưới Petri, automat hữu hạn, vi mạch và micro computer.

Mình trẻ nhất, được các anh chị phân làm việc rửa chén, pha chè mỗi sáng, mỗi chiều. Cơm cặp lồng, quả cà, rau muống và ngủ trưa trên bàn. Cứ thế cuộc đời trôi đi lặng lẽ hàng chục năm trời mà chẳng hiểu mình làm gì cho đất nước.

Ban Điều khiển có bác Ngô Thúc Loan làm trưởng phòng. Nghe nói đây là Tiến sỹ Cybernetics giỏi nhất VN bấy giờ.
Đọc sách, seminar mãi đâm chán, bác Loan có sáng kiến nên về thâm nhập thực tế. Một đoàn cán bộ trẻ như Tuấn Hoa, Kim Anh, Kiều Oanh xinh đẹp lên đường về nông thôn. Họ ăn ở cùng nông dân để xem liệu ngành điều khiển có giúp gì trong việc sản xuất lúa gạo, hay cải tiến thủy nông. Tiến sỹ Loan cũng rất thực tế, khoa học mà chả giúp gì nông dân thì khoa học làm gì.

Một lần họp xã viên, bác chủ nhiệm đứng lên giới thiệu. Hôm nay vinh dự có các anh chị trên trung ương về dự. Có ba vấn đề bàn, không cái nào quan trọng hơn cái nào. Đó là đào mương thông sang làng bên, sinh đẻ có kế hoạch bằng thẳt ống dẫn tinh và đưa điều khiển học vào việc đếm trâu đi làm. Cho điều khiển học đứng sau đặt vòng, nhà nông thực tế hơn các viện sỹ.

Không kể thêm cũng biết, điều khiển học đếm trâu đi theo Ngưu Ma Vương sang Tây Trúc thỉnh kinh.
Tiến sỹ Loan thực tế hơn, bỏ điều khiển học, lấy vợ trẻ, có con, sang Liên Xô, xuất khẩu lao động kiêm buôn máy tính. Hai nàng Kim Anh và Kiều Oanh hoa khôi một thời, nay đã thành các bà lão 60.

Vi tính Việt Nam không thể ra biển lớn
Tôi còn nhớ các chuyên gia Pháp thi nhau đến giảng dạy về vi xử lý tại Viện, nơi có chiếc máy ODRA mua của Ba Lan, giá hàng triệu rúp (triệu đô la), chiếm mấy gian hầm chống B52 tại Đồi Thông trong làng Liễu Giai. Đó là niềm tự hào tin học của miền Bắc lúc đó.

Chuyên gia và cũng là cha đẻ của ngành vi tính Việt Nam, Alain Teissonnière, đã tiên đoán máy vi tính sẽ thay thế chiếc ODRA cồng kềng kia và sức mạnh tính toán sẽ được đặt trên chiếc bàn làm việc chứ không phải trong một căn nhà đồ sộ, tốn kém.

Không ai tin được, kể cả những vị công tác lâu năm. Thế mà sau vài năm, điều tưởng chừng vô lý lại thành sự thật.
Hôm nay, ít người nhớ nước ta đã xuất xưởng chiếc máy vi tính đầu tiên của Châu Á từ phòng thí nghiệm tại Viện Tin học. Chiếc máy được thiết kế với chip Intel 8080A nên anh em kỹ sư đặt tên là VT80, VT có nghĩa là vi tính.
Thế hệ sau của VT80 là VT8X được mang đi ứng dụng thử vào quản lý vật tư cho xí nghiệp may Sinco tại Sài gòn vào năm 1981. Phần lập trình đều viết bằng ngôn ngữ bậc thấp assembler. Chiếc máy đó đã chứng minh rằng, vi tính là tương lai của công nghệ thông tin và sức mạnh tính toán có thể đặt trên một chiếc bàn.

Tôi nhớ lần mang chiếc VT8X đến Hội nghị thành ủy Sài gòn để trình diễn vào giờ nghỉ trưa, được các vị Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và Mai Chí Thọ nghe rất chăm chú qua lời giới thiệu rất PR của PTS trẻ Vũ Duy Mẫn. Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt hỏi đùa một câu “Giá chiếc máy bé xíu này tương đương với mấy tấn lúa?”.

Khi đó, khu vực Châu Á nói chung, trừ Nhật bản ra, còn rất lạ lẫm với vi xử lý. Các đoàn từ Thái Lan, Nam Triều tiên, Singapore, Malaysia hay Ấn độ đến thăm Viện nườm nượp, một nơi mà đi vệ sinh phải đeo khẩu trang.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên thăm hỏi Giáo sư Phan Đình Diệu, vị đứng đầu ngành tin học, hay người chủ trì đề tài vi tính Nguyễn Chí Công về những tiến bộ đạt được.

Năm 1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Viện, thấy hoàn cảnh cơ cực của những nhà khoa học nên đã giao cho Phó thủ tướng Đồng Sĩ Nguyên, khi xây Viện Toán học trên Nghĩa Đô, phải dành một phần cho phòng thí nghiệm vi tính, để khách quốc tế đến thăm, đỡ thấy đất nước mình quá khổ.

Quan hệ XHCN với các nước tư bản như Pháp lúc đó rất khó khăn, kèm theo cấm vận của Mỹ nhất là nhập khẩu công nghệ. Từ lãnh đạo đến cán bộ trẻ của Viện, sang Paris thực tập, khi về nước mang trong va li những linh kiện vi tính, dù với số tiền đó, họ có thể mua thêm một cái xe máy, tương đương một căn hộ lắp ghép Thành Công.
Những thành công sáng chói bước đầu của vi tính Việt Nam đều có dấu ấn lãnh đạo cấp nhà nước, của cán bộ trẻ năng động và chuyên gia Pháp, hết lòng vì khoa học, dù chỉ dừng ở phòng thí nghiệm.

Tiếc thay, do cấm vận của Mỹ, không thể nhập công nghệ để sản xuất đại trà, do tầm nhìn hạn hẹp và lợi ích nhóm, vun vén cá nhân tranh thủ làm giầu, rồi đấu tranh nội bộ liên miên của lãnh đạo sau này, chiếc máy vi tính VT80 không thể bơi ra biển lớn.

Hôm nay Singapore, Hàn Quốc, Ấn độ đã bỏ xa Việt Nam, mà họ một thời từng đến học hỏi tại làng Liễu Giai đầy mùi phân tươi trộn nước giải. Dịp may hiếm có 30 năm trước để vi tính Việt Nam trở thành thương hiệu quốc tế đã bị phai phí.

Sau hòa bình 1975, VKHVN có bao nhiêu dự án khoa học bị dở dang, uổng phí tiền bạc và tài năng thì khó ai biết được. Đôi lúc tên dự án rất kêu nhưng trong thực tế, chả mang lại gì nhiều cho người dân bình thường. May ra tính được trên đầu ngón tay những dự án trong sinh học, khí tượng, vật lý, tin học mang lại chút hiệu quả.

Nhưng so với số tiền mà người dân đóng thuế, những gì thu được vô cùng nhỏ bé tại một nơi gọi là hàn lâm viện này.

Từ Viện sỹ Nguyễn Văn Hiệu đến Giáo sư Ngô Bảo Châu
Tin về Viện Toán cao cấp của giáo sư Ngô Bảo Châu vừa thành lập, tôi bỗng nhớ ngày xưa làm việc ở dốc Bưởi nhiều trộm cướp và làng Liễu Giai bốc mùi phân tươi.

Người ta phấn đấu “đến năm 2020 toán học Việt Nam có thứ hạng thứ 40 trên thế giới”, rồi “kinh phí 650 tỷ đồng để nghiên cứu mà Chính phủ không yêu cầu Viện phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, Hội đồng khoa học quyết định”.

Ai cũng biết Giáo sư, Viện sỹ, UVTW (và nhiều chức danh khác rất dài) Nguyễn Văn Hiệu là tiến sỹ khoa học thực thụ của viện Dupna lúc 26 tuổi. Sự nổi tiếng của ông không khác Giáo sư Ngô Bảo Châu hôm nay. Công trình vật lý về hạt neutrino của Viện sỹ Hiệu cũng khó hiểu như Bổ đề Langlands của Giáo sư Châu.

Khi đó, báo chí đã gán cho Viện sỹ Hiệu tất cả nhãn mác của một nhà khoa học trẻ, tài năng và hy vọng sẽ được giải thưởng Nobel về Vật lý.

Lên thay giáo sư Trần Đại Nghĩa, giáo sư Hiệu là viện trưởng VKHVN lúc 45 tuổi, một trong những UVTW trẻ nhất thời bấy giờ. Ông được nhà nước dành cho mọi sự ưu đãi, kinh phí nghiên cứu và quyền hạn hơn cả bộ trưởng, tiền bạc, bổng lộc và danh vọng chính trị.

Tiếc thay, Viện sỹ có thể làm khoa học giỏi, là UVTW rồi các danh tiếng khác, nhưng quản lý thì hỡi ôi, khó mà nói được điều gì. Thay vì tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu khoa học như nhà nước giao phó, mong muốn đưa khoa học vào thực tiễn, ông bỗng tuyên bố “con thuyền VKHVN sắp chìm, các anh các chị hãy tự cứu mình”. Viện sỹ cho thành lập các công ty trong Viện, biến nơi đây thành một thị trường nửa hàn lâm, nửa chợ trời buôn bán trao tay.
Khống chế hạt neutrino trong thí nghiệm Vật Lý khác xa với quản lý một viện nghiên cứu có mấy ngàn người. Không có kỹ năng thì kết cục như thế là điều dễ hiểu.

Hàng nghìn cán bộ tài năng trôi giạt khắp nơi. Sau 35 năm, nhiều người ở tuổi “thất thập cổ lai hy” bỗng tự hỏi, mình đã làm gì cho đất nước này, khó mà tìm ra câu trả lời.

Nghĩ về VKHVN, rồi Viện sỹ Hiệu nay đã hưu mà lo cho Viện Toán Cao cấp và Giáo sư Châu. Dù tin vào tài năng xuất chúng của tác giả giải Fields, vẫn có nỗi lo không phải không có căn cứ. Cứ xem sau 40 năm hoạt động của Viện Toán đã góp gì cho nền kinh tế nước nhà cũng đủ hiểu tại sao.

Vĩ thanh
Mấy tháng trước, anh Phạm Ngọc Khôi nhắn tôi về dự kỷ niệm Viện Tin học nhân 35 năm thành lập. Lần khân rồi chẳng về. Buồn nhớ bạn cũ, vào trang web của viện để xem có tin ảnh gì không. Đọc được mẩu tin này khá thú vị
“Thực hiện chỉ thị số 725/CT-TTg ngày 17 tháng 5 năm 2011 của Thủ tướng chính phủ phát động về thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2011 và kế hoạch 5 năm (2011- 2015), đồng thời để góp phần tích cực thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam lần thứ VI, Viện Công nghệ Thông tin (CNTT) phát động phong trào thi đua với chủ đề “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015”.

Nếu phát động này có 35 năm trước (1977) thì không ai ngạc nhiên. Nhưng thế giới đã đi rất xa sau hơn mấy thập kỷ mà vẫn một kiểu tư duy thời bao cấp với “vĩ từ và sáo ngữ”. Tự nhiên thấy thương bạn ở lại, và thương cả người đi.

Trong tôi bỗng hiện ra lối mòn hàn lâm xưa ở Nghĩa Đô và con đường làng mà Tiến sỹ Loan đưa điều khiển học về đếm trâu.

Ai có thể chắc chắn rằng, cách đầu tư cho khoa học có cách đây gần 40 năm sẽ đưa Toán học nước mình lên thứ 40, ngoại trừ chỉ có 40 quốc gia trên thế giới nghiên cứu về môn có ứng dụng cho vài thế kỷ sau, trong khi quốc gia đang vượt nghèo này cần bao nhiêu thứ khác thiết thực hơn.

Ở quốc gia đã nghèo, lối mòn trong tư duy quản lý càng kéo lùi sự phát triển, dẫn đến pha phí chất xám.
Ước mong của thế hệ trẻ tài năng bị chết “lâm sàng” bởi có những bác học tưởng rằng, con người cũng chỉ là bổ đề lạ hay hạt neutrino để bắn phá trong phòng thí nghiệm.

Hiệu Minh. 24-01-2012.

PS. Ảnh trong entry được lấy từ website của Viện Tin học (Viện CN TT).

------------------------------

158 Responses to Hàn lâm  . . . liệt truyện

erzwombat says:
Tôi cũng may mắn có mặt tại VKHVN từ những ngày đầu. Hồi ấy các cán bộ trẻ chúng tôi thực sự chờ đợi anh Nguyễn Văn Hiệu về phụ trách Viện, vì anh ấy là người đầu tiên của giới trí thức mới có ghế lãnh đạo. Tiền thân của Viện KHoa học VN là Viện nghiên cứu khoa học tự nhiên, thoát thai từ nhà 39 Trần Hưng Đạo của Ủy Ban Khoa học Nhà Nước (tôi thường gọi là Nhà đầy Nước, vì mỗi khi mưa to là cả tầng dưới lội lõm bõm). Vị Viện phó thứ nhất đầu tiên là Bác Nguyễn Minh Tân, một người không có chuyên môn sâu nhưng thông minh, và tất nhiên là không làm được gì cho khoa học trong điều kiện thời ấy. Cuôi những năm chiến tranh phá hoại LX giúp xây dựng và trang bị Viện KHVN, căn nhà dài hiện nay sinh ra từ thời ấy. Lãnh đạo Viện là cụ Trần Đại Nghĩa, một người rất am hiểu nhưng cũng không làm gì đáng kể được cho khoa học. Hồi ấy ông tướng Giáp nhàn cư rất muốn về làm viện trưởng Viện hàn lâm khoa học VN. Tuy các tướng tá đàn em bị đánh đấm túi bụi, ông cố tự xoay sở một chỗ ngồi yên ổn hơn. Ông thường xuyên đến đăng đàn thuyết trình về làm khoa học theo đường lối phong cách VN. Ông ta đi rồi, hôm sau cụ Nghĩa lại lên bục bảo vệ quan điểm làm khoa học không có con đường nào khác lạ và phải có đầu tư có trang bị. Cụ cũng không có đủ dũng khí để làm theo ý mình khi thấy đúng. Khi bắt buộc phải sa thải anh Nguyễn Phúc Giác Hải, cụ không nói là quyết định của Viện mà nói rõ là theo chỉ thị của ông Tố Hữu. Chắc cụ biết rõ anh Giác Hải chẳng có tội gì, chỉ có không biết thời!

Trong hoàn cảnh ấy anh Nguyễn Văn Hiệu về. Anh có công đào tạo cho VN nói chung một hàng ngũ các nhà khoa học dù sao cũng là đầu ngành tuy chính anh than thở trước mặt chúng tôi rằng, con bò mà kéo sang LX thì khi về nó cũng có bằng Phó tiến sĩ. Với quan hệ quốc tế của mình anh Hiệu vươn tay sang đưa người sang được Pháp, Mỹ là điều trước anh không ai làm hoặc không quan tâm. Phải nhớ rằng, anh Hiệu phải vượt rất nhiều chống đối phá phách khi thực hiện những ý đồ khoa học. Những cán bộ tổ chức không dấu diếm chúng tôi khi họ chỉ muốn ông chóng đổ. THời ấy trí thức VN không phải là giới được ưa chuộng. Chỉ riêng việc anh Hiệu bắt buộc nhận 9 ông Viện phó đại diện quyền lực của 9 nhân vật lãnh đạo thì đủ biết anh phải cứng tay, liều lĩnh như thế nào để tiếp tục tồn tại trong Viện. Bất kể một thất bại nhỏ nào của anh người ta cũng có thể khoét sâu để hạ anh. Cho đến những năm 2005 một anh bạn quen cũ bị mất cái Trung tâm bê bối của anh khi gặp tôi còn thề sẽ vận động Đảng ủy hạ cho được “thằng Hiệu”. Anh đã quên hết những ân huệ dành cho anh ta dễ dàng leo lên mấy ghế…

Trong thời gian đầu anh Hiệu làm Viện trưởng tướng Giáp vẫn đến vận động lập Viện khoa học VN. Những buổi đăng đàn của ông ta anh Hiệu thường tránh mặt. Như tôi biết, anh cho rằng chưa đủ điều kiện nhân tài và vật lực để lập Viện Hàn Lâm. Nếu anh Hiệu có máu bốc đồng thì chắc tướng Giáp đã thành chủ tịch Viện Hàn Lâm khoa học VN và các vị tham gia trang này như bạn Kiều Oanh kính mến đều là Viện sĩ cả.

Những năm 80 cả nước đói meo. Cái hoa Viện KHVN cắm trong cái lọ khô, anh Hiệu chủ trương cho cán bộ khoa học tự cứu mình bằng cách ra nước ngoài làm việc. Nhờ vậy viện bớt được chi tiêu để dùng tiền đó nuôi các cán bộ không đi đâu được như bộ máy tổ chức hành chính quyền uy vốn rất đáng sợ. Đó là một chủ trương táo bạo và rất thức thời. Biết bao nhiêu người Viện KHVN nhờ sự mở cửa của anh Hiệu đã ra khỏi được xiềng xích đói nghèo và lập nghiệp được ở nước ngoài. Với nhiều người đó là một ơn nghĩa lớn. Chúng ta cũng cần nhớ rằng, anh Hiệu là người đầu tiên có chủ trương táo bạo như vậy, anh quả đã đưa đầu đón dao để làm việc đó. Vài năm sau các nơi khác mới bắt chước anh để nới tay cho cán bộ khoa học đi kiếm ăn. Trong thời chiến tranh anh Hiệ đã góp phần chính xây dựng xong cơ sở vật chất và tổ chức cho Viện khoa học VN. Ngày nay đã là thời bình, tôi về không tìm thấy không khí say mê, hồ hởi của cán bộ thời anh Hiệu. Có lẽ thời ấy chúng tôi còn ngây thơ quá!


ĐỌC THÊM :


.
.
.

No comments: