'Gián điệp Trung Quốc':
thị trưởng Philippines bị bắt, cựu phó chánh văn phòng New York hầu tòa
BBC News Tiếng Việt
4
tháng 9 2024, 13:45 +07
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/czrgx6r5z5zo
Sau
nhiều tuần chạy trốn do bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc, cựu Thị trưởng
Philippines Alice Guo đã bị bắt ở Indonesia vào đêm ngày 3/9. Cùng thời gian tại
Mỹ, một phụ nữ khác bị buộc tội làm gián điệp cho Trung Quốc.
“Diễn
biến mới này đã được đồng nghiệp của chúng tôi tại Cục Di trú xác minh. Họ đã
xác định được rằng bà Guo hiện đang bị đội Jatanras Mabes Polri của Cảnh sát
Indonesia giam giữ,” Bộ Tư pháp Philippines cho biết trong một thông cáo.
Cựu
thị trưởng Philippines Alice Guo (trái) và bà Linda Sun, cựu phó chánh văn
phòng của thống đốc New York, đều bị cáo buộc làm gián điệp cho Trung Quốc
Jatanras
Mabes Polri là tên gọi của Tiểu ban Phòng chống Tội phạm Bạo lực của Bộ Tư lệnh
Cảnh sát Quốc gia Indonesia.
Bà
Alice Guo đã biến mất khỏi Philippines vào tháng Bảy sau khi bị điều tra với
các cáo buộc phạm tội.
Kể
từ đó, giới chức Philippines đã truy lùng bà Guo qua bốn quốc gia.
Bà
Guo bị buộc tội bảo vệ các sòng bạc trực tuyến vốn là vỏ bọc cho các trung tâm
lừa đảo và các tổ chức buôn người tại Bamban – một thị trấn ngái ngủ với nhiều
trang trại lợn.
Bà
Guo phủ nhận các cáo buộc.
Quan
chức Philippines cho biết họ đang phối hợp với chính quyền Indonesia để đưa bà
Guo trở về Philippines "sớm nhất có thể".
Bà
Guo nói rằng mình lớn lên tại một trang trại cùng với cha người Trung Quốc và mẹ
người Philippines.
Tuy
nhiên, những thượng nghị sĩ tham gia công tác điều tra các hoạt động của trung
tâm lừa đảo nói trên lại cáo buộc bà Guo là công dân Trung Quốc, có tên là Guo
Hua Ping, và đồng thời là một gián điệp “bảo kê” cho các băng nhóm tội phạm.
Trước
đó, vào ngày 21/8, bà Shiela Guo (chị gái của bà Alice Guo) và bà Cassandra Li
Ong (trợ lý kinh doanh của bà Alice Guo) đã bị bắt với cáo buộc liên quan đến vụ
việc.
Về
hành trình chạy trốn của bà Guo, giới chức Philippines cho rằng sau khi vượt
biên vào tháng Bảy, bà đã sử dụng thuyền để di chuyển sang các quốc gia láng giềng,
bao gồm Malaysia và Singapore, sau đó hướng về phía Indonesia – nơi bà bị bắt tại
biên giới phía tây thủ đô Jakarta.
Cũng
vào ngày 3/9, bà Linda Sun (41 tuổi, công dân Mỹ gốc Trung Quốc), cựu phó chánh
văn phòng của Thống đốc New York Kathy Hochul, phải hầu tòa với cáo buộc làm
gián điệp cho chính phủ Trung Quốc.
‘Hàng
triệu đô la tiền lại quả’
Căn
nhà của bà Linda Sun và chồng, ông Christopher Hu, tại Long Island (New York, Mỹ)
Trong
khoảng 14 năm, bà Sun đã thăng tiến qua nhiều chức vụ và trở thành phó chánh
văn phòng của thống đốc New York.
Theo
các công tố viên liên bang, bà Sun đã lợi dụng vị trí của mình để hỗ trợ các
quan chức chức Trung Quốc, bao gồm việc ngăn cản các nhà ngoại giao Đài Loan
liên hệ với chính quyền New York và bí mật chia sẻ các tài liệu nội bộ với Bắc
Kinh.
Đổi
lại, Trung Quốc được cho là đã trả cho bà Sun và chồng bà, ông Christopher Hu,
hàng triệu đô la tiền lại quả, giúp họ mua một căn nhà 4,1 triệu USD ở New
York, và một số đãi ngộ khác, bao gồm cả việc giao vịt muối tận nhà.
Các
công tố viên cáo buộc bà Sun đã làm "điệp viên bí mật của chính phủ Trung
Quốc", trong khi chồng bà "hỗ trợ việc chuyển giao hàng triệu đô đô
la tiền lại quả để phục vụ lợi ích cá nhân".
Hầu
tòa vào ngày 3/9, vợ chồng bà Sun ông Hu đã tuyên bố vô tội trước các cáo buộc,
bao gồm việc không đăng ký làm nhân viên đại diện của nước ngoài, gian lận thị
thực và rửa tiền.
Theo
luật của Mỹ, các cá nhân hoạt động vì lợi ích của các quốc gia khác, hoặc đảng
phái ngoại bang, sẽ phải đăng ký làm nhân viên đại diện của nước ngoài.
Bà
Sun chưa bao giờ làm điều này - và theo các công tố viên, bà “đã chủ động che
giấu việc thực hiện các hành động theo lệnh, yêu cầu hoặc chỉ đạo” của các quan
chức và đại diện của chính phủ Trung Quốc.
Bà
Sun bị cáo buộc đã tìm cách để các quan chức lãnh sự quán Trung Quốc “tiếp cận”
các lãnh đạo bang New York vào năm 2020, khi đại dịch Covid-19 lan rộng khắp
bang này.
Hành
động của bà Sun trắng trợn đến mức, có một lần, bà Sun đã bí mật đưa thêm một
quan chức Trung Quốc vào cuộc gọi nội bộ của chính quyền bang New York bàn về
giải pháp y tế công cộng liên quan tới Covid-19, theo các công tố viên.
·
Thị trưởng
Philippines bị nghi gián điệp Trung Quốc: lỗ hổng nào trong hàng rào an ninh?15 tháng 8 năm 2024
·
Philippines truy lùng
nữ thị trưởng bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc16 tháng 7 năm 2024
·
Vì sao nữ thị trưởng
Philippines bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc?18 tháng 5 năm 2024
‘Mọi
chuyện đã được xử lý ổn thỏa’
Theo
cáo trạng, bà Sun đã nhiều lần ngăn cản các đại diện của Đài Loan liên lạc hoặc
gặp gỡ các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ.
“Mọi
chuyện đã được xử lý ổn thỏa,” bà Sun bị cáo buộc đã khoe như vậy trong tin nhắn
gửi cho một quan chức lãnh sự Trung Quốc vào năm 2016, sau khi thành công ngăn
cản một chính trị gia cấp cao nhất của New York tham dự một sự kiện do Đài Loan
tổ chức.
Vào
năm 2019, khi Tổng thống Đài Loan lúc bấy giờ là bà Thái Anh Văn tới thành phố
New York, có những bức ảnh chụp cho thấy bà Sun đã tham gia một cuộc biểu tình
của phe thân Trung Quốc phản đối chuyến thăm.
Vào
thời điểm tháng 1/2021, bà Sun âm thầm tác động để chính quyền New York không đề
cập đến việc Bắc Kinh giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, một nhóm dân tộc chủ yếu theo
đạo Hồi ở tỉnh Tân Cương.
Bà
Sun sau đó đã nói với một quan chức Trung Quốc khác rằng bà đã có một cuộc
tranh luận với người viết diễn văn của Thống đốc New York Kathy Hochul để loại
bỏ chi tiết đề cập đến “tình hình người Duy Ngô Nhĩ” khỏi bản nháp bài phát biểu
của bà Hochul.
Khi
các quan chức Trung Quốc hỏi rằng liệu Thống đốc Kathy có thể ghi hình một
video chúc Tết Nguyên đán hay không, bà Sun đã hỏi họ muốn “điểm chính” là gì.
“Chủ
yếu là những lời chúc mừng năm mới, cũng như hy vọng về quan hệ hữu nghị và hợp
tác,” các quan chức Trung Quốc viết. “Đừng chính trị quá.”
Vào
năm 2023, khi làm việc tại Sở Lao động New York, bà Sun đã có được một thông điệp
chúc Tết Nguyên đán chính thức của Thống đốc Kathy Hochul và trao nó cho một
quan chức Trung Quốc.
Thông
điệp này đã được công bố trên các các kênh phi chính thống và thậm chí còn
không có sự cho phép của văn phòng bà Hochul.
Bà
Sun cũng soạn thảo các thư giả mạo mời các chính trị gia Trung Quốc đến Mỹ và
viết một lá thư tuyển dụng, dù không được ủy quyền, để bổ sung một đồng hương
vào Hội đồng Tư vấn người Mỹ gốc Á của thống đốc New York.
Tháng
3/2023, bà Sun đã bị đuổi việc.
Văn
phòng Thống đốc New York cho biết bà Sun đã được chính quyền trước đây của ông
Andrew Cuomo tuyển dụng.
Ông
Cuomo đã từ chức vào tháng 8/2021 sau khi bị cáo buộc tấn công tình dục.
“Người
này [bà Sun] được một ban điều hành tuyển dụng từ hơn một thập kỷ trước,” một
người phát ngôn của văn phòng thống đốc nói với BBC.
‘Chúng
tôi đã chấm dứt hợp đồng lao động của bà Sun vào tháng 3/2023 sau khi phát hiện
ra bằng chứng cho thấy có sai phạm, và ngay lập tức báo cáo hành vi của bà ấy
cho cơ quan thực thi pháp luật, [đồng thời] hỗ trợ cơ quan thực thi pháp luật
trong suốt quá trình này.’"
Bà
Christie Curtis, quyền trợ lý giám đốc FBI, cho biết bà Sun đã “lợi dụng chức vụ
của mình... để âm thầm thúc đẩy” chương trình nghị sự của Trung Quốc, “đe dọa
trực tiếp đến an ninh quốc gia của đất nước chúng ta [Mỹ]”.
Ông
Howard Master, cựu công tố viên New York, nói với BBC rằng các cáo buộc đối với
bà Sun phản ánh một xu hướng “đáng lo ngại” của việc quan chức cấp cao của Mỹ,
bao gồm cựu Thượng nghị sĩ New Jersey, Bob Menendez, nhận quà hối lộ từ các
chính phủ nước ngoài.
-------------------------------
Tin
liên quan
·
Gã nhà báo đã theo
dõi tôi - trước khi Putin đưa ông ta về Nga
2
tháng 9 năm 2024
·
Đức vật lộn với mối
đe dọa gián điệp từ Trung Quốc, Nga
28
tháng 4 năm 2024
·
Putin muốn chuộc lại
sát thủ Nga đang bị Đức giam giữ
2
tháng 4 năm 2024
No comments:
Post a Comment