Wednesday, May 6, 2020

CHÚNG TA ĐÃ ĐƯỢC BÁO TRƯỚC (Lê Phan)




Lê Phan
May 3, 2020

Nhiều chính trị gia gần đây nói là chúng ta không được báo trước về đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên thế giới, nhưng thực ra chúng ta đã được khuyến cáo nhiều lần rồi.

Chúng ta được khuyến cáo với dịch bệnh SARS năm 2002-2004 khi một căn bệnh đường hô hấp bắt đầu ở Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vào Tháng Mười Một năm 2002. Nhân loại may mắn vì SARS gây tử vong quá nhiều nên tự đưa mình đến chỗ kết liễu khoảng 8 tháng sau.

Chúng ta cũng được khuyến cáo năm 2009 khi dịch bệnh cúm heo H1N1 bùng lên, dịch bệnh thứ nhì cũng do H1N1 gây nên. Lần trước là Đại dịch Cúm Tây Ban Nha năm 1918-1920.  Dịch cúm H1N1 mới này kéo dài 20 tháng với 1.6 triệu người nhiễm bệnh. Điều đáng sợ nhất của đại dịch này là nó tấn công người trẻ nhiều hơn người già.

Ở Hoa Kỳ, năm 2017, một tuần lễ trước lễ nhậm chức của Tổng Thống Donald Trump, cố vấn nội an của Tổng Thống Barack Obama, bà Lisa Monaco, đã mời các viên chức an ninh quốc gia của chính phủ Trump và tổ chức một cuộc tập dượt dựa trên kinh nghiệm của chính phủ Obama về cúm heo H1N1, Ebola và Zika.

Cuộc tập dượt tìm hiểu xem chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải phản ứng trước một đại dịch cúm vốn sẽ ngưng du hành quốc tế, đảo lộn chuỗi cung cấp toàn cầu, làm thị trường chứng khoán sụp đổ, và gây quá tải cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong khi vaccine còn nhiều tháng mới xuất hiện.

Bà Monaco tâm sự với tờ The Atlantic “Kịch bản ác mộng cho chúng ta, và đó là sự thật cho bất cứ một chuyên gia y tế công cộng nào mà bạn nói chuyện, luôn là một loại cúm mới hay một bệnh đường hô hấp vì nó có thể lây lan dễ đến mức nào,” so với loại dịch bệnh không truyền được qua đường không khí.

Năm 2018 là đúng 100 năm kỷ niệm Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 vốn đã làm cho từ 50 đến 100 triệu người thiệt mạng trên toàn thế giới, kể cả ông nội của Tổng Thống Donald Trump.

Bà Lucinan Borio, lúc đó là giám đốc chuẩn bị cho y khoa và phòng vệ sinh học của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, nói với một cuộc hội thảo là “đe dọa một đại dịch cúm là một quan ngại số một về y khoa của chúng ta.”

Bà ghi nhận là đe dọa đó không bị ngăn chặn bởi biên giới. Ngày hôm sau cuộc hội thảo đó, tin loan ra là Cố Vấn An Ninh Quốc Gia John Bolton đã đóng cửa đơn vị của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia để chuẩn bị và phản ứng chống đại dịch, mà bà Borio là một thành viên. Một viên chức ở Tòa Bạch Ốc phụ trách lãnh đạo phản ứng chống các đe dọa dịch bệnh cũng từ chức và không có người thay.

Năm 2018 và 2019, Trung Tâm An Ninh Y Tế của Viện Đại Học John Hopkins mời các chuyên gia y tế công cộng, các lãnh tụ doanh nghiệp và các viên chức chính phủ Hoa Kỳ tham gia một cuộc tập dợt mô phỏng những hậu quả tai hại về nhân đạo, chính trị, xã hội và kinh tế tạo nên bởi một loại coronavirus giả tưởng vốn đã làm cho nhiều chục triệu người chết vòng quanh thế giới. Các tham dự viên đã ra khỏi cuộc họp đều nghĩ “Trời đất, chúng ta thực sự cần phải có hành động về việc này,” ông Eric Toner, đồng điều khiển cuộc tập dợt này giải thích.

Hai tháng sau cuộc tập dợt mô phỏng thứ nhì năm 2019, một loại virus Corona mới (tuy có vẻ có mức tử vong thấp hơn virus giả tưởng trong những kịch bản của Viện đại học John Hopkins) đã xuất hiện ở Trung Quốc.

Cũng năm 2019, cộng đồng tình báo Hoa Kỳ khuyến cáo trong “Thẩm Định Đe Dọa Toàn Cầu” thường niên về nguy cơ trầm trọng của một đại dịch cúm toàn cầu. Họ cũng đã đưa ra khuyến cáo năm 2018.

Và năm 2017. Và năm 2016. Và năm 2015. Và năm 2014. Và năm 2013, khi các viên chức tình báo khẩn khoản yêu cầu “Đây không phải là một đe dọa giả tưởng. Lịch sử đã có đầy những thí dụ của những loại virus độc hại lan tràn trong những dân số không có khả năng miễn nhiễm, tạo nên rối loạn chính trị và kinh tế.”

Báo cáo về đe dọa toàn cầu năm 2020, vốn lại một lần nữa khuyến cáo về sự dễ bị ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong trường hợp một đại dịch cúm xảy ra, đã bị hoãn phổ biến với không có lý do nào được đưa ra để giải thích tại sao.

Rồi một ngày nào đó khi một Ủy Hội Quốc Gia về Phản Ứng với COVID-19 được thành lập, nó sẽ khác Ủy Hội 9/11 là họ sẽ kết luận là “hệ thống đều bật đèn đỏ” không những chỉ ở bên trong nội bộ cộng đồng tình báo Hoa Kỳ nhưng ngay cả bên ngoài nữa, và trong nhiều năm liên tiếp, bên trong và bên ngoài chính phủ. Và mặc dầu vậy, chính phủ Hoa Kỳ đã không chuẩn bị đủ cho con ngáo ộp này, hôm nay khi virus mang cái tên khoa học là SARS-CoV-2, sau cùng xuất hiện. Tổng Thống Donald Trump đã nói đến đại dịch coronavirus như là “một vấn đề không ai thấy trước,” hay “một điều không ai chờ đợi” và là một cuộc khủng hoảng “không biết từ đâu tới xuất hiện.” Nhưng thực ra đã có rất nhiều chờ đợi nó sẽ xảy ra.

Sự thất bại hệ thống một phần phát xuất từ sự việc là trong mấy thập niên gần đây nhiều chính phủ liên tiếp đã không coi chuẩn bị cho đại dịch là quan trọng trong những đe dọa cho an ninh quốc gia mà họ luôn chăm chăm chú ý – từ khủng bố đến các quốc gia thù nghịch bên ngoài. Cái chiều hướng nhiều lần lập lại: Tổng thống vội ưu tiên an ninh sức khỏe và đổ tiền vào sau khi cuộc khủng hoảng xảy ra, rồi với quốc hội đồng lõa, rút lại tài nguyên và rơi vào quên lãng một khi cuộc khủng hoảng đã trôi qua.

Giáo Sư Toner giải thích là đại dịch không xảy ra thường xuyên như những vấn đề an ninh quốc gia khác như tấn công khủng bố và do đó thường được coi là “một triển vọng rất xa,” nhất là cho các vị dân cử mà tầm nhìn là nhiệm kỳ làm việc.

Ông giải thích: “Hầu hết người ta nghĩ là một đại khủng hoảng quá khó. Tôi đã phải nhiều lần đụng độ trong suốt sự nghiệp của tôi: Họ nói: “Tôi không thể đối phó với một dịch bệnh nhỏ. Làm sao ông chờ đợi tôi đối phó với một điều ở mức độ của năm 2018?”

Ông nói tiếp: “Phản ứng cho một đại dịch kinh hồn, theo tôi chúng ta đều sẽ phải học trong những tuần sắp tới, đòi hỏi thực sự thay đổi cách chúng ta làm nhiều việc. Nó có lẽ giống như những gì chúng ta đã làm trong Thế Chiến Thứ Hai hơn bất cứ gì khác. Nó đòi hỏi một đối phó toàn xã hội, và cho đến khi cuộc khủng hoảng xảy ra các nhà làm chính sách không biết làm sao đối phó.”

Tài trợ cho chuẩn bị chống đại dịch luôn là thứ yếu đứng sau những ưu tiên về nội an khác. Chính phủ Hoa Kỳ chi ra $100 tỷ một năm chống khủng bố nhưng chỉ chi ra $1 tỷ cho các chương trình chống đại dịch và dịch bệnh, theo một tính toán. Mặc dầu sự việc là đại dịch coronavirus đe dọa giết nhiều người Mỹ hơn là khủng bố có thể làm được.

Ông Toner thì nói là khi các viên chức của chính phủ Trump nói họ đã không chuẩn bị kịp vì Trung Quốc lúc đầu không thẳng thắn về virus, nhưng đại dịch di chuyển ở tốc độ của ánh sáng trong khi chuẩn bị chống đại dịch phải mất nhiều năm. Khi virus xuất hiện ở Hoa Lục, ông Toner nói, một chính phủ Hoa Kỳ có chuẩn bị sẽ ngay lập tức bắt đầu lo cho “việc dịch bệnh rồi sẽ đến” Hoa Kỳ bằng cách tăng cường cho bệnh viện và giúp các tiểu bang và chính quyền địa phương thực hiện những biện pháp ngăn ngừa như tạo khoảng cách xã hội.

Chính vì sự lan truyền của coronavirus dựa trên bản chất của cộng đồng con người, và bản chất của chúng ta là có khả năng gặp hoàn cảnh mà chúng ta không chuẩn bị đủ – mặc dầu có biết bao nhiêu là khuyến cáo. Có lẽ chỉ ở những quốc gia mà ký ức của SARS hay H1N1 còn quá gần như Nam Hàn và Đài Loan, là chính phủ có chuẩn bị đủ để có thể giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch. (Lê Phan)






No comments: