Tuesday, March 22, 2016

ĐẢNG DÂN CHỦ : TƯ BẢN hay XÃ HỘI CHỦ NGHĨA ? (Việt Nguyên)





Việt Nguyên
Friday, March 18, 2016 1:44:56 PM

Cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 bước qua khúc quanh với hai khuynh hướng cực đoan đang thắng thế. Ứng cử viên Donald Trump dẫn đầu với khuynh hướng cực hữu trong đảng Cộng Hòa. Ứng cử viên Hillary Clinton dẫn đầu nhưng vẫn ngang ngửa với ứng cử viên Bernie Sanders. Trong đảng Dân chủ, ông Bernie Sanders có khuynh hướng cực tả cấp tiến, đang là đối thủ đáng kể của bà Hillary Clinton. Cả hai ông Donald Trump và Bernie Sanders đã làm giới báo chí và phê bình chính trị ngạc nhiên trong một kỳ tranh cử lạ lùng trong lịch sử Hoa Kỳ, một cuộc tranh cử khó tiên đoán ngay từ đầu. Cả hai ông Trump và Sanders đều có cùng một chiến thuật: đả phá và lật đổ những nền tảng đã được thiết lập. Ông Trump với khuôn mặt hề, đả phá những giá trị bảo thủ của đảng Cộng Hòa, đi về con đường của đảng vào những năm sau Thế Chiến Thứ Hai. Ông Sanders, 74 tuổi, đưa đảng Dân Chủ với những bộ mặt trẻ tuổi như John F. Kenney và Barack Obama, đến thời kỳ cách mạng với khuôn mặt “cha già dân tộc” dẫn về chiều hướng dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Ông Sanders với tài tranh cử, cổ động những người ủng hộ đóng góp vào quỹ tranh cử, đã làm đảng Dân Chủ rúng động. Ông nhắm vào thành phần trẻ, một giới trẻ bất mãn xã hội Mỹ với nền kinh tế trong 35 năm không bình đẳng đồng đều cho mọi người, khác với hứa hẹn của đảng Dân chủ từ xưa đến nay, lập trường khác với Cộng Hòa, luôn luôn nhắm vào những chương trình xã hội. Một nền kinh tế trì trệ với lương công nhân không thay đổi, không được tăng lương mỗi năm trong khi thành phần tư bản giàu có nhất chiếm 1% dân số càng ngày càng giàu. Trên khuynh hướng xã hội, xã hội này thiếu luật lệ điều hành kiểm soát những đại công ty tài chính nhất là trong những năm kinh tế suy thoái từ 2006, nền kinh tế ấy hồi phục trong 8 năm của TT Obama nhưng hồi phục rất chậm. Ðối thủ của ông Sanders là bà Hillary Clinton đã biết đến những bất mãn của giới trẻ, năm ngoái đã đưa ra những đề nghị thay đổi như ngày nghỉ cho công nhân khi bệnh, chương trình cải tổ tư bản Wall Street, cải tổ hệ thống pháp lý (nhưng ủng hộ chương trình của những người Mỹ da đen “Black lives matter” (xem trọng sinh mạng của người da đen). Những cải tổ do bà Clinton đề nghị chỉ là bước đầu nhưng bà đã đánh giá thấp địch thủ Bernie Sanders với tài tranh cử và giới tả vẫn giận dữ với các ngân hàng lớn và các chương trình tài trợ cũng như họ đã mất lòng tin đảng.

Bà Ngoại Trưởng Hillary Clinton, cựu đệ nhất phu nhân của TT Bill Clinton lập chương trình y tế Hillary care không được phổ thông, hay tham dự các buổi họp nội các mặc dù không giữ vai trò trong chính quyền Clinton, được giới quan sát chính trị xem như là ứng cử viên tổng thống của chính quyền Bill Clinton nhiệm kỳ ba. Chương trình đối nội và đối ngoại của bà hoàn toàn có lập trường “bảo vệ thành trì chủ nghĩa Obama.”

Con đường tranh cử phía đảng Dân Chủ còn dài, bà Clinton chưa bỏ xa đối thủ Bernie Sanders là vì những thành phần cấp tiến trong đảng Dân chủ nghi ngờ chương trình cấp tiến của bà.

Về tài chính bà không thật sự giữ quan điểm cứng rắn về đạo luật Glass-Steafall một đạo luật nhằm kiểm soát các ngân hàng.

Về thuế bà nghiêng về phe Cộng Hòa bảo thủ, trong khi phe cấp tiến chủ trương tăng thuế trên tất cả những người đi làm, bà Clinton chống lại chủ trương ấy, chỉ đề nghị tăng thuế trên những người có lợi tức cao và không tăng thuế trên những người số lương dưới 250 ngàn một năm.

Bernie Sanders thiên về xã hội chủ nghĩa, hồi thời Chiến Tranh Lạnh, anh chàng trẻ tuổi Bernie đi qua Xô Viết để hưởng tuần trăng mật thay vì đi đến các nước tự do. Trong khi bà Clinton nhất định bảo vệ chương trình y tế Obama mặc dù chương trình y tế này cũng như bất kỳ một chương trình mới nào từ kinh tế đến y tế đều có những khiếm khuyết cần sửa đổi, ông Sanders chủ trương thay hẳn chương trình y tế Obama.

Khác với các ứng cử viên Cộng Hòa muốn thay chương trình y tế Obama bằng một chương trình y tế tư nhân, ông Bernie Sanders chủ trương tăng thuế để lập một chương trình y tế xã hội như ở Canada và Âu Châu, chương trình lấy Medicare là mô hình, một hệ thống duy nhất trả tiền cho bệnh viện và bác sĩ, một chương trình tốn kém với mức thuế cao nhất là 84% (hiện nay 35%). Chương trình y tế này sẽ không bắt bệnh nhân trả tiền khấu trừ (Deductible) hay tiền đóng thêm (copayment) ngay cả đến bảo hiểm răng và mắt cũng được trả như các dịch vụ y tế khác. Chương trình y tế Sanders đã được ông Harold Pollack phân tích. Chương trình này sẽ dẫn đến tăng thuế lợi tức gấp đôi so với thuế hiện tại.

Trong khi cử tri người da đen và Latino vẫn trung thành với bà Clinton thì ông Sanders với khả năng tài chính và chương trình xã hội dân chủ của ông quyến rũ được giới trẻ và giới ủng hộ ông càng ngày càng gia tăng. Nhằm mục đích đưa y tế đến cho mọi người (khác với chương trình Obama Care với tiền khấu trừ cao người đi làm phải trả tiền, các công ty trả ít chi phí y tế cho công nhân) ông Bernie Sanders đi vào con đường cấp tiến cực tả.

Ông được giới trẻ ủng hộ, cũng tương tự như giới bảo thủ quá khích ủng hộ Donald Trump, là kết quả của 8 năm Tổng Thống Obama, dân muốn một bộ mặt mới xuất hiện để dẫn Hoa Kỳ qua thời kỳ mệt mỏi chán nản mặc dù Bernie Sanders 74 tuổi không còn trẻ. Giới trẻ có học, trình độ đại học, ủng hộ Bernie Sanders một cách nồng nhiệt, họ cảm thấy ông già 74 tuổi lại có trái tim và tâm hồn trẻ hơn bà Clinton và Obama. Sau 8 năm, giới trẻ đồng ý
TT Obama có nhiệt tâm nhưng nhiệt tâm ấy không có vẻ thành thực, mang nặng bộ mặt chính trị, cân nhắc không dám thực hiện những điều đã hứa. Ông Bernie Sanders với 35 năm phục vụ, từ thị trưởng Burlington tiểu bang Vermont qua đến dân biểu (tái đắc cử 7 lần) rồi lên nghị sĩ cho thấy quá trình hoạt động dài hơn và kinh nghiệm hơn TT Obama và Hillary Clinton lúc ra ứng cử. Gốc Do Thái, nhưng ông Sanders được những người chung quanh xem như là một người Phật Giáo, Buddhist Yankee, trầm tĩnh, một con người tự do như triết gia Henry David Thoreau, không cảm thấy cắn rứt khi nói lên sự thật từ tận đáy lòng, dám ăn dám nói như Donald Trump nhưng ông giữ bộ mặt trí thức không làm mặt hề, không phỉ báng sỉ nhục đối thủ. Ðiềm tĩnh nhưng giận dữ về hai điều giới trẻ đang ấm ức: thời tiết thay đổi vì hiện tượng nóng toàn cầu do các kỹ nghệ lớn gây ra (từ sự phế thải thán khí Co2 và Methane vào không khí) và bất công về giàu nghèo. Giới trẻ có cảm tưởng, bộ mặt giận dữ của ông Sanders như bộ mặt một người cha già giận dữ bênh vực quyền lợi cho con cái (Trong 8 năm cầm quyền, TT Obama có đề cập đến sự bất công nhưng vẫn chủ trương nhiều lần: Ngân hàng lớn không thể để sập và luật cho người giàu và nghèo như nhau).

Donald Trump gọi Bernie Sanders là tên Cộng Sản. Ông Sanders đặt tên chính sách của ông là “dân chủ xã hội,” chương trình dân chủ khác với tính chất độc tài đổ máu của các chính quyền Trung Cộng và Xô Viết. Bà Clinton và chính quyền Obama trong 8 năm không lắng nghe tiếng nói của những cử tri đã ủng hộ ông Sanders ở Michigan, một tiểu bang kỹ nghệ miền Bắc, đa số cử tri là người da trắng khác với số cử tri thiểu số người da đen ủng hộ bà Clinton ở các tiểu bang miền Nam. Họ ở lứa tuổi 18 đến 39, tốt nghiệp đại học hay đang học đại học cùng với giai cấp công nhân thuộc thành phần trung lưu vùng ngoại ô Detroit được đặt tên là “thành phần dân chủ Ronald Reagan.” Ngay cả những người da đen ở Michigan cũng ủng hộ ông Sanders vì họ chỉ trích bà Clinton đã theo chính sách của TT Obama ủng hộ hiệp định NAFTA và TPP (hợp tác xuyên Thái Bình Dương) đã làm công nhân Mỹ mất việc về tay người Mexico và Á Châu.

Ðảng Dân Chủ vẫn được xem là mạnh về vấn đề đối nội và các chương trình kinh tế xã hội nhưng những năm của TT Obama đã không giải quyết những vấn đề như lương giảm so với vật giá lạm phát, không tăng lương, không khí và nước ô nhiễm (nhất là nước ở Flint, Michigan), thiếu sự trợ giúp của chính quyền, quyền lợi những nhà giàu tỷ phú càng ngày càng tăng với các công ty đặt bản doanh ở ngoại quốc tranh thuế. Theo nghiên cứu của cơ quan OCED, một nửa tất cả lợi tức trước khi đóng thuế vào tay những người giàu nhất nước (1% dân số). Tài sản những tỷ phú giàu sụ (0.1% dân số) bằng 90% tài sản của dân số cả nước. Sự cách biệt giàu nghèo đã được Thomas Picketty viết thành sách, ảnh hưởng lên giới trẻ từ 18 đến 29 tuổi, họ không muốn Hoa Kỳ trở nên một xứ “chuyên chính tư sản” như Trung Cộng hay Nga mà muốn chương trình xã hội hợp lý.

Giới trẻ đã lắng nghe và ủng hộ Bernie Sanders khi ông tấn công hai kỹ nghệ đã làm giàu cho thiểu số: các công ty tài chính Wall Street và các đại kỹ nghệ quốc phòng, những công ty đã làm yếu kém nền Dân Chủ Hoa Kỳ. Những quyết định trong Tòa Bạch Ốc bởi các chuyên viên đa số nhắm vào lợi ích riêng tư của họ, có lợi cho các đại công ty, để khi về hưu họ sẽ được nhận vào các công ty lớn như Goldman Sachs. Các quyết định này đã đi theo một kiểu mẫu từ các chính quyền Bill Clinton, George W. Bush xuống đến Obama. Nhiệm kỳ đầu của chính quyền Obama là nhiệm kỳ thứ ba của chính quyền Bill Clinton chứ không cần đợi đến bà Hillary Clinton tranh cử cho nhiệm kỳ ba cho TT Bill Clinton. Các chuyên viên của chính quyền Clinton nổi tiếng được TT Obama mời về lại: Rahm Emanuel, John Podester, Hillary Clinton, Lawrence Summer, Tom Denilon, Leon Panetta.

Trong khi đảng Cộng Hòa vỡ tan vì Donald Trump thì đảng Dân Chủ cũng rạn nứt. Bà Hillary Clinton đang dẫn đầu nhưng con đường đến Tòa Bạch Ốc còn chông gai vì hình ảnh một tổng thống “lương thiện và đáng tin cậy” thiếu vắng qua quá khứ của bà nhất là hộp thư Email tư đã được dùng cho bí mật quốc gia. Hình ảnh ngạo mạn của bà Clinton trong buổi tranh luận với ông Sanders, giơ tay quả quyết: “Chuyện bị buộc tội vì dùng điện thư chắc chắn sẽ không xảy ra” đã làm mất lòng đảng viên Dân Chủ. Hình ảnh ấy khiến cử tri không quên hình ảnh của bà ngoại trưởng gây những thảm họa cho chính quyền Obama về mặt đối ngoại: chiến tranh Libya với dòng người tị nạn đổ ra từ Bắc Phi, vũ khí cung cấp cho Syria “Assad phải ra đi,” khủng bố ISIS gia tăng từ Iraq, Syria cho đến Libya.

Về quốc phòng, cả hai ứng cử viên Hillary Clinton và Bernie Sanders đều có lập trường giống nhau: phải ngăn chặn ISIS, không đưa quân chiến đấu vào Iraq và Syria, tiếp tục giữ quân ở Á Phú Hãn. Ông Sanders chỉ khác bà Clinton một điều là muốn thắng chiến tranh ở Trung Ðông, Saudi Arabia và các nước Trung Ðông phải lập liên quân. Các quốc gia Saudi Arabia, Kuwait, Qatar giàu về dầu hỏa phải đổ máu thay vì quân đội Mỹ.

Ứng cử viên gốc Do Thái thứ nhì trong lịch sử tranh cử (sau Barry Goldwater) đã đưa tên nhân vật gốc Do Thái khác gây ra mọi thảm họa cho Hoa Kỳ: cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger, kẻ phá hoại và tội phạm như nhà bình luận Christopher Hitchens (một người Mỹ gốc Do Thái!) đã buộc tội. Ông Kissinger đã bán đứng Việt Nam Cộng Hòa và các sự can thiệp ở Cambodia đã đưa đến chiến thắng cho Pol Pot và Khmer đỏ.

Ðảng Dân Chủ mạnh về các chương trình đối nội tạo ra giấc mơ cho người Mỹ như “I have a dream” của Mục Sư Martin Luther King nhưng về quốc phòng thì như giấc mơ của TT Lyndon B. Johnson. Bà Doris Kearns là người ghi lại những giấc mơ cho TT Johnson. Mỗi 5g sáng, TT Johnson mặc áo ngủ gõ cửa phòng bà Doris, kể lại giấc mơ. Một ác mộng của ông ít người biết đã ảnh hưởng đến chiến tranh Việt Nam. Khi còn trẻ ông vẫn bị ác mộng: đang ngồi trong trại bò, mỗi lần bò chạy ông bị liệt người nên bị bò đạp. Khi làm phó tổng thống năm 1961, ông bị ác mộng tương tự: ngồi liệt trên ghế làm việc. Cơn ác mộng tê liệt nặng hơn sau Tết Mậu Thân 1968: ông nằm trên giường trong “phòng đỏ,” tê liệt không nói không cử động được, thân thể của ông là thân thể chết của TT Woodrow Wilson. Sau đó chiến tranh Việt Nam gia tăng, bỏ bom Bắc Việt nhưng ông Johnson lại nằm mơ bơi lội trên sông nhưng liệt không bơi được vào bờ. Cơn ác mộng ám ảnh khiến TT Johnson quyết định bỏ Việt Nam và không ra tranh cử tổng thống nhiệm kỳ hai!





No comments: