Thursday, March 31, 2016

SAI LẦM CHẾT NGƯỜI CỦA TẬP CẬN BÌNH (Nguyễn Quang Dy)





Nguyễn Quang Dy 
Viet Studies    30/03/2016

(Bình luận nhanh nhân đọc và dịch bài điểm sách mới “The Great Fall of China”, Jeffrey Wasserstrom, Wall Street Journal, March 28, 2016)

1. Cuốn sách mới của David Shambaugh (China’s Future, Polity, March 2016) tiếp theo bài phân tích của tác giả cách đây một năm (“The Coming Chinese Crackup”, Wall Street Journal, March 6, 2015) là một bước mới khẳng định sự sụp đổ không thể tránh khỏi của chế độ Trung Cộng. Tuy nhiên, chính xác là bao giờ và sụp đổ thế nào thì chưa ai khẳng định cụ thể (kể cả Minxin Pei và Paul Krugman hay Gordon Chang). Trong số này thì David Shambaugh là người thay đổi lập trường rõ rệt nhất, từ chỗ đánh giá cao đến chỗ chỉ trích gay gắt lãnh đạo TQ. Có lẽ không phải tác giả thay đổi lập trường, mà lãnh đạo TQ thay đổi đường lối (cụ thể là Tập Cận Bình khác với Hồ Cầm Đào và Ôn Gia Bảo) nên tác giả thất vọng. Không nên xếp tác giả vào “trường phái sụp đổ” (collapsist) như Gordon Chang. 

2. Trong 3 năm qua, Tập Cận Bình đã tập trung quyền lực gần như tuyệt đối (không kém gì Mao). Từ mô hình lãnh đạo tập thể dựa trên nhất trí (consensus) nay đã biến thành mô hình quyền lực cá nhân dựa trên độc tài. Từ luật chơi không được đụng đến các ủy viên thường vụ BCT (cả mới lẫn cũ), nay ông Tập đã xử lý hầu hết các đối thủ chính trị (siêu hổ) như Bạc Hy Lai, Chu Vính Khang, Lệnh Kế hoạch, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, thậm chí cả Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng. Ngọn cờ chống tham nhũng để mị dân và có chính danh (legitimacy) là một vũ khí lợi hại để ông Tập thâu tóm quyền lực. Phải công nhận Tập Cận Bình (và Vương Kỳ Sơn) rất kiên định, mặc dù có tin bị ám sát hụt mấy lần. Hay nói cách khác, “đâm lao phải theo lao”, đã leo lên lưng hổ thì không thể dừng lại.

3. Không phải chỉ “đả hổ diệt ruồi”, ông Tập còn xiết chặt quyền tự do dân chủ, tăng cường kiểm soát giới trí thức, các tổ chức dân sự và tôn giáo (kể cả người nước ngoài), tạo không khí lo sợ (terror) như thời cách mạng văn hóa (“rule of fear”, Minxin Pei). Ông Tập chủ trương siết chặt bên trong (để giữ nguyên trạng chế độ chính trị) và bành trướng ra bên ngoài (để thay đổi nguyên trạng) cổ vũ chủ nghĩa dân tộc cực đoan, để giảm sức ép bên trong. Bài toán cổ điển này có thể hiệu quả nhất thời, nhưng về lâu dài sẽ phản tác dụng (trong thời đại internet), vì nó chỉ dựa trên quyền lực cứng để trấn áp và mua chuộc (cái gậy và củ cà rốt). Gần đây, có nhiều dấu hiệu bất ổn trong nội bộ, như thư ngỏ kêu gọi Tập Cận Bình từ chức, và bài chỉ trích chính sách của ông Tập đăng trên website của Ủy Ban Kiểm tra TƯ (CCDI). 

4. Các chính sách cực đoan nói trên: đả hổ diệt ruồi, xiết chặt kiểm soát bên trong, bành trướng ra bên ngoài (Biển Đông), chạy đua vũ trang, thách thức vị trí đứng đầu của Mỹ, để thực hiện “Giấc mộng Trung hoa” (China Dream)… là con dao hai lưỡi. Nếu kinh tế TQ ổn định, tiếp tục phát triển mạnh như trước, thì ông Tập vẫn còn thế thượng phong. Nhưng đáng tiếc, các chỉ số kinh tế cơ bản đang ngày càng xấu đi đến mức báo động (như nợ xấu quá lớn, dự trữ ngoại tệ giảm sút nhanh, phá giá đồng tiền, thị trường chứng khoán lao dốc, ô nhiễm môi trường quá nặng, người lao động di cư ngược về quê, dòng người và dòng vốn tháo chạy ra nước ngoài…). Những chính sách cực đoan của ông Tập có thể phản tác dụng (backleash), trở thành sai lầm chết người. Đây là giới hạn của quyền lực cứng (cái gậy và củ cà rốt) và phát triển không theo quy luật (cải cách kinh tế không đi đôi với cải cách chính trị).  

5. Vậy lối thoát là gì? Theo David Shambaugh, Trung Quốc đã phát triển hết đà, đang sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, muốn thoát ra phải dựa vào tri thức (quyền lực mềm) chứ không phải cơ bắp (quyền lực cứng), phải cải tổ cả thể chế chính trị lẫn kinh tế. Nhưng đây là điều bất khả thi và một nghịch lý đối với quan điểm cực đoan của ông Tập, vì chính ông Tập đã nhìn ra tử huyệt của chế độ nên mới ra tay một cách cực đoan để hy vọng giữ được chế độ “ổn định”.  Nhưng David Shambaugh lập luận rằng ông Tập càng hành động cực đoan, thì càng đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ (như hệ quả không định trước). Vì vậy, không có lối thoát. Theo tác giả, ông Tập chỉ có 4 sự lựa chọn: “Chuyên chế Cứng” (như hiện nay) hay “Chuyên chế Mềm” (như trước đây)? “Độc tài Kiểu mới” (như thời Mao) hay “Dân chủ Nửa vời” (như kiểu Singapore)? Phương án “Chuyên chế Cứng” hiện nay đang có dấu hiệu “Độc tài Kiểu mới”. Sai lầm chết người của ông Tập là quay “trở lại tương lai” (back to the future).

Tóm lại, trong cuốn sách mới của mình, David shambaugh vẫn khẳng định những gì đang diễn ra là màn chót (end game) của chế độ Trung Cộng. Nhưng bao giờ thì nó sụp đổ? Theo tác giả, có thể là trong thập kỷ tới (the next decade or so). 

NQD. 30/3/2016

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-3-16





No comments: