25.03.2015
Những ngày vừa qua chính quyền Hà Nội đã tiến hành “dự
án” chặt hạ 6.700 cây xanh lâu năm trên 190 tuyến phố, để lại những đường phố
huơ huếch, xém cháy dưới mặt trời. Ngay lập tức hành vi tàn sát cây xanh hàng
loạt này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của mọi tầng lớp nhân dân Thủ đô, đặc
biệt của giới trí thức và thanh niên, cho dù Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam và Hội đồng
nhân dân từ phường tới thành phố được chế độ cộng sản hiện hành mô tả là “Tiếng
nói của dân” thảy đều im hơi lặng tiếng. Không nghi ngờ gì nữa, cuộc tàn sát
môi trường có tổ chức nói trên nếu được thực hiện trót lọt là nhát rìu khai tử
cho cái danh hiệu “Xanh, Sạch, Đẹp” của Thủ đô mà nhà cầm quyền thường vỗ ngực.
Rõ ràng là mất số lượng lớn cổ thụ thì sẽ không còn “xanh”, điều này tất dẫn tới
gia tăng ô nhiễm, tức mất “sạch” và một khi Hà Nội mất cả “xanh” lẫn “sạch” thì
không thể gọi là “đẹp”!
Chặt hạ cây xanh trái pháp luật
Đã có những văn bản pháp luật Việt Nam quy định từ nguyên
tắc cho đến chi tiết bảo vệ cây xanh đô thị. Đó là Luật bảo vệ môi trường, Luật
Thủ đô và Nghị định 64/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị.
Nếu như Luật bảo vệ môi trường nêu ra nguyên tắc “Bảo vệ
môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà
nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân” thì Luật Thủ đô tại Khoản 1 Điều 14 ghi rõ
“nghiêm cấm chặt phá cây xanh”. Bên cạnh đó, với quy định “Quản lý và bảo vệ
môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững gắn với
việc duy trì các yếu tố tự nhiên, văn hóa và lịch sử ở Thủ đô” tại Khoản 1 Điều
này cây xanh ở Thủ đô được bảo vệ một cách toàn diện. Thực vậy, những hàng cổ
thụ của Hà Nội tự bao giờ đã đi vào thơ, vào nhạc. “Đường Láng thơm bạc hà,
canh giới/ Ôi trăng soi trên lá xà cừ…” ( Đêm trăng đường Láng, thơ Xuân
Diệu); “Nhớ phố thâm nghiêm rợp bóng cây, tiếng ve ru những trưa hè…”(Nhớ về
Hà Nội, ca khúc của Hoàng Hiệp), “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây
bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau…” (Nhớ mùa Thu Hà Nội, ca khúc của Trịnh
Công Sơn); “Em ơi, Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa…”
(Em ơi Hà Nội phố, ca khúc của Phú Quang)…Tóm lại, những hàng cổ thụ đã
đi vào tiềm thức của người Hà Nội và vì vậy hẳn nhiên trở thành một phần của
văn hóa và lịch sử của chốn kinh kỳ. Nói cách khác, cây xanh lâu năm không chỉ
là văn hóa vật thể mà còn là văn hóa phi vật thể của Hà Nội.
Tính đến tác động môi trường, văn hóa, lịch sử của cây xanh
trong các văn bản luật nói trên, Nghị định 64/2010/NĐ-CP về quản lý cây xanh đô
thị quy định khá kỹ những loại cây phải bảo tồn và những trường hợp cây có thể
bị chặt hạ, dịch chuyển.
Theo Khoản 6 Điều 2 Nghị định thì “Cây cổ thụ là cây thân
gỗ lâu năm được trồng hoặc mọc tự nhiên, có độ tuổi tối thiểu 50 năm hoặc cây
có đường kính từ 50 cm trở lên tại chiều cao 1,3 m của cây”. Tiếp đó, theo Khoản
7 của Điều này thì cùng với cây quý hiếm, cây được liệt kê trong sách đỏ thực vật
Việt Nam, cây được công nhận có giá trị lịch sử văn hóa, cổ thụ được xếp vào
“cây được bảo tồn”. Đồng thời Khoản 1 Điều 14 Nghị định quy định rất rõ các điều
kiện cho việc chặt hạ, dịch chuyển cây xanh đô thị. Đó là: a) Cây đã chết, đã bị
đổ gãy hoặc có nguy cơ gãy đổ gây nguy hiểm; b) Cây xanh bị bệnh hoặc đến tuổi
già cỗi không đảm bảo an toàn và c) Cây xanh trong các khu vực thực hiện dự án
đầu tư xây dựng công trình.
Những bức ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng
cho ta thấy tuyệt đại đa số các cây đã bị đốn đều là cổ thụ còn sống, không bị
bệnh, tức không thuộc diện bị chặt hạ đã được Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định.
Như vậy “dự án” chặt hạ 6700 cây xanh của chính quyền Hà Nội là chà đạp pháp luật
một cách trắng trợn. Thực ra, hành vi tàn sát môi trường đô thị có tổ chức và
có quy mô lớn chưa từng thấy này bắt nguồn từ một hành vi phản pháp luật khác.
Đó là chính quyền Hà Nội cố tình bỏ qua người dân khi lập kế hoạch chặt phá cây
xanh trên diện rộng. Chính Phan Đăng Long, Phó Trưởng ban tuyên giáo thành ủy
Hà Nội đã thẳng toẹt trước công luận là “chính quyền chặt cây không cần phải hỏi
dân!” Vậy vai trò của người dân trong quản lý cây xanh được pháp luật quy định
như thế nào?
Ngoài nguyên tắc “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn
xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá
nhân” được nêu trong Luật bảo vệ môi trường như đã đề cập, Điều 6 Nghị định
64/2010/NĐ-CP quy định chính quyền “hướng dẫn người dân và cộng đồng dân cư
tham gia chăm sóc, bảo vệ cây xanh đô thị” và Khoản 2 Điều 13 vẫn của Nghị định
này tiếp tục quy định “Mọi tổ chức và cá nhân, hộ gia đình có trách nhiệm chăm
sóc, bảo vệ cây xanh đô thị”. Như vậy, người dân có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ
cây xanh đô thị đương nhiên có quyền biểu quyết về mọi đề xuất chặt hạ chúng.
Cần nói thêm rằng tất cả cây xanh nơi công cộng là tài sản
công và hơn thế nữa với tư cách là môi trường sống, liên quan mật thiết đến cuộc
sống hàng ngày của người dân, từ sức khỏe cho đến tình cảm, thẩm mỹ như Khoản 1
Điều 14 Luật Thủ đô đã đề cập. Do đó, cứ cho là không có các quy đinh pháp luật
nói trên thì việc chặt hạ cây xanh nhất thiết phải lấy ý kiến của người dân, đặc
biệt ý kiến của các nhà khoa học về môi trường, các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch
sử.
Tham nhũng là nguyên nhân
Từ trước tới nay luôn có một công ty 100% vốn Nhà nước
chuyên lo về cây bóng mát ở Hà Nội, đó là Công ty trách nhiệm hữu hạn Nhà nước
một thành viên công viên cây xanh (gọi tắt là Công ty công viên cây xanh) trực
thuộc UBND thành phố Hà Nội. Theo Quyết định 197/2004/QĐ-UB của Chủ tịch UBND
thành phố Hà Nội, công ty này với vốn điều lệ là 48 tỷ đồng có chức năng “Quản
lý, duy trì, tôn tạo và xây dựng mới các công viên, vườn hoa, cây bóng mát của
Thành phố” và “Kinh doanh xuất nhập khẩu hoa, cây cảnh, cây bóng mát”. Như vậy,
việc đốn cây, trồng cây thay thế và di chuyển cây bóng mát là trách nhiệm của
Công ty công viên cây xanh. Thế nhưng, việc đốn 6700 cây xanh và trồng cây thay
thế lại được giao cho các công ty tư nhân do UBND Hà Nội thuê thực hiện. Sự vô
lý cùng cực này chứng tỏ không có nhu cầu khách quan để chặt hạ một số lượng
cây xanh lớn đến như vậy bởi nếu để Công ty công viên cây xanh đảm trách việc
chặt hạ chúng thì có khác nào nói Công ty được nuôi bằng tiền Nhà nước chỉ để
chăm sóc, quản lý cây xanh này là ăn hại. Cũng cần khẳng định rằng ngay cả
trong trường hợp chính quyền Hà Nội nhận được tài trợ từ xã hội cho việc chặt
cây thuộc diện phải chặt hạ và mua cây trồng thay thế thì điều này không đương
nhiên buộc chính quyền Hà Nội loại bỏ Công ty công viên cây xanh mà thuê công
ty tư nhân. Đơn giản là dù tài trợ đến từ xã hội thì số tiền đó thuộc tài chính
công mà đã là tài chính công thì chính quyền Hà Nội giao việc cho công ty công
ích mà ở đây là Công ty công viên cây xanh về nguyên tắc là giải pháp tiết kiệm
cho ngân sách thành phố nhất bởi công ty tư nhân hoạt động vì lợi nhuận và vì vậy
giá thuê sẽ cao hơn. Còn nếu chính quyền Hà Nội nghi ngờ tính hiệu quả của
chính “con đẻ” của mình thì tốt nhất là cho đấu thầu giữa Công ty công viên cây
xanh và các công ty khác bao gồm các công ty tư nhân.
Vấn đề đặt ra là động cơ nào khiến chính quyền Hà Nội “biến
công thành tư” này? Hỏi tức trả lời: chỉ có thể là tham nhũng! Thực vậy những
người lập “dự án” giao các công ty tư nhân chặt hạ cây xanh là để biến cây xanh
là tài sản công thành tài sản của các công ty này nhằm được chia chác từ siêu lợi
nhuận từ bán gỗ cây bị đốn, hay được “lại quả” theo ngôn ngữ dân gian đương đại.
Lẽ dĩ nhiên trong trường hợp đó số lượng cây xanh bị đốn phải là con số cực lớn
thì các công ty tư nhân mới bõ làm và đó là bản chất của “dự án” 6700 cây xanh
phải chết của chính quyền Hà Nội. Con tính “biến công thành tư” hay tham nhũng
này vẫn được chính Phan Đăng Long, Phó Trưởng ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội
gián tiếp thừa nhận khi công khai khẳng định doanh nghiệp (tư nhân) bỏ tiền ra
chặt cây thì sẽ quyết định làm gì với cây đã đốn. Nghĩa là “lấy mỡ nó rán nó”
theo cách nói của người xưa!
Xà cừ chiếm một số lượng lớn trong danh sách cây xanh bị
khai tử và là loại cây bị đốn trước tiên hẳn là một bằng chứng rõ ràng của tuyệt
chiêu “lấy mỡ nó rán nó”. Thực vậy, gỗ xà cừ đang rất có giá vì được sử dụng để
làm đồ mỹ nghệ, thậm chí được xử dụng để giả gụ là loại gỗ quý hiếm
trong bối cảnh rừng đã “đóng”. Điều này giải thích vì sao đường Nguyễn
Chí Thanh được mệnh danh “con đường đẹp nhất Việt Nam” bởi rợp bóng của gần 100
xà cừ cổ thụ đã phẳng như đường băng máy bay chỉ sau có vài ngày thực hiện “dự
án”. Đó là chưa nói không loại trừ trong 6700 cây bị khai tử kia có nhiều cây
sưa cổ thụ có giá tới hàng trăm tỷ đồng mỗi cây. Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế
Thảo quê ở Bắc Ninh và cũng từng là chủ tịch tỉnh này, nơi có các làng nghề gỗ
mỹ nghệ nổi tiếng như Đồng Kỵ, hẳn quá biết giá trị của loại các loại gỗ đó...
Ngoài ra, lời nói dối trắng trợn của chính quyền Hà Nội về
vụ đốn cây xanh chỉ càng chứng minh tham nhũng là nguyên nhân. Phát biểu trong
cuộc họp báo chiều 20/3 vừa qua, Phó Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho rằng
việc chặt ồ ạt cây xanh là do “sự nôn nóng của các nhà tài trợ” trong đó có các
doanh nghiệp VPBank, Vingroup và Bình Minh. Thế nhưng các nhà tài trợ này đều
cho biết họ chỉ góp tiền, góp sức ủng hộ Thủ đô trồng cây mới, chứ không hề biết,
không tham gia và không hưởng lợi gì từ việc chặt hàng loạt cây trên đường phố
trong những ngày qua. Ông Trần Tuấn Việt, đại diện VPBank, khẳng định: “Những
nhà hảo tâm hoàn toàn không có động cơ để ‘nôn nóng chặt cây’”.
Suy cho cùng, tham nhũng trong vụ đốn cây nằm ngay trong
cách thức tổ chức bộ máy chính quyền Thủ đô. UBND Hà Nội tại Quyết định số 6541
ngày 15/12/2009 quy định Sở xây dựng tham mưu về xây dựng vừa tham mưu về quản
lý cây xanh lại vừa tham mưu về chọn nhà thầu chặt hạ cây. Nói cách khác là
trao cho cơ quan này quy chế “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Thành thử Sở xây dựng
không ngần ngại vạch ra các tuyến xây dựng đè lên các tuyến cây xanh để có cớ
triệt hạ cây xanh nhằm lấy gỗ đem bán theo kiểu “nhất cử lưỡng tiện” thì mới là
lạ!
Ngoài ra, pháp luật về quản lý Nhà
nước về cây xanh vừa thừa lại vừa thiếu cũng dẫn tới cây xanh làm mồi cho tham
nhũng.
Khoản 1 Điều 3 Nghị định 64/2010/NĐ-CP quy định: “Chính
phủ thống nhất quản lý cây xanh đô thị”. Tiếp đó Khoản 1 Điều 20 Nghị định quy
định: “Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về cây xanh đô thị”. Chưa
hết, Khoản 1 Điều 21 lại quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thống nhất quản lý
cây xanh các đô thị trên địa bàn tỉnh”. “Thống nhất quản lý” tức là quản lý được
thu về một đầu mối. Thế nhưng như ta đã thấy, có đến 3 “đầu mối” quản lý cây
xanh, điều này tất dẫn đến tình trạng quản lý bị thả lỏng hay “vô chính phủ”
trong quản lý cây xanh.
Trong khi đó, cơ quan Nhà nước tưởng như không thể thiếu
được trong quản lý cây xanh đô thị hay “lá phổi” của đô thị là cơ quan quản lý
Môi trường thì lại hoàn toàn vắng bóng trong việc quyết định “tồn tại hay không
tồn tại” của xanh. Cần phải khẳng định rằng cây xanh công cộng cho dù được Sở
xây dựng hay tổ chức khác trồng thì việc quản lý cây xanh phải là một chức năng
của cơ quan quản lý môi trường, cụ thể là của Sở Tài nguyên và Môi trường cũng
như của đơn vị chuyên trách là Công ty công ích công viên cây xanh. Tóm lại,
không thể coi cây xanh ở đô thị là nguồn khai thác gỗ, ai trồng thì người đó muốn
chặt lúc nào thì chặt. Không những thế, ngay từ khi quy hoạch đô thị nói chung,
quy hoạch cây xanh đô thị nói riêng, đã phải có sự tham gia của cơ quan quản lý
môi trường. Do đó, để bịt kín những lỗ hổng tạo cơ hội cho tham nhũng, Nghị định
64/2010/NĐ-CP cần được sửa theo hướng sau:
Thứ nhất, bỏ quy định “Chính phủ thống nhất quản lý cây
xanh đô thị” và quy định “Bộ Xây dựng thống nhất quản lý nhà nước về cây
xanh đô thị” bởi chức năng của Chính phủ, của cấp Bộ là ra chính sách, đề ra
phương thức quản lý cây xanh để cho cấp địa phương thực hiện chứ không phải làm
thay cấp địa phương, đó chưa nói trên thực tế Chính phủ không tài nào quản lý
được tất cả cây xanh đô thị. Thực ra quy định này tạo ra cơ chế ”xin-cho”, tức
cái gì địa phương làm cũng phải được Chính phủ, cho phép, buộc chính quyền địa
phương phải “bôi trơn” hay nói thẳng ra là hối lộ để Chính phủ hoặc đồng tình
hoặc làm ngơ như một hình thức bảo kê quyết định sai trái của chính quyền địa
phương.
Thứ hai, bổ sung quy định: “Sở Tài Nguyên và Môi trường
tham mưu cho UBND cấp tỉnh về quy hoạch và quản lý cây xanh đô thị”.
Đến đây có thể có câu hỏi: Nếu UBND cấp tỉnh ra quyết định
xâm hại môi trường bất chấp phản đối của Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc do Sở
này tham mưu sai thì Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có bó tay? Hoàn
toàn không. Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường với tư cách giám sát thực thi
pháp luật và chính sách do bản thân các cơ quan này ban hành đương nhiên có thẩm
quyền yêu cầu UBND cấp tỉnh hủy quyết định trái pháp luật đó, thậm chí yêu cầu
các cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố hình sự những cá nhân liên quan đến việc
ra quyết định đó trong trường hợp quyết định đã gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Khởi tố “vụ án chặt cây xanh Hà Nội”
– việc cần làm ngay
Theo báo “PetroTimes” ngày 20/3/2015 là ngày Chủ tịch Hà
Nội Nguyễn Thế Thảo tuyên bố dừng “dự án” trước sự phản đối mạnh mẽ của công luận
trong và ngoài nước, đã có khoảng 2000 cây xanh bị chặt phăng, một thiệt hại to
lớn cho Nhà nước cũng như cho người dân Thủ đô. Do đó khởi tố vụ án chặt cây
xanh ở Hà Nội theo Điều 281 Bộ Luật hình sự - Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn
trong khi thi hành công vụ (Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác
mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái công vụ gây thiệt hại cho lợi ích của
Nhà nước, của xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân) là việc các cơ quan
tiến hành tố tụng cần làm ngay, nhất là trong bối cảnh việc chặt hạ cây vẫn điềm
nhiên diễn ra, như thể không có tuyên bố dừng của người đứng đầu chính quyền
thành phố.
Vấn đề còn lại là xác định hình phạt cho những kẻ đã gây
ra thiệt hại nói trên. Theo Thông tư liên tịch số 02/2001 của VKSND Tối cao -
TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp, hành vi gây thiệt hại từ 50 triệu đồng
trở lên là nghiêm trọng, từ 500 triệu đồng trở lên là rất nghiêm trọng, từ 1,5
tỉ đồng trở lên là đặc biệt nghiêm trọng. Vậy đốn ngã 2000 cây xanh mà giá trị
trung bình là hàng chục triệu đồng mỗi cây chỉ tính gỗ, không kể giá trị vô
hình là bóng mát thì đã có đủ căn cứ để khởi tố những kẻ liên quan đến việc ra
quyết định chặt cây xanh ở Hà Nội theo Khoản 3 Điều 281 (Phạm tội gây hậu quả rất
nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười năm đến mười
lăm năm).
Để chuẩn bị cho “vụ án chặt cây xanh Hà Nội”, ngay từ bây
giờ người dân Thủ đô cần tích cực thu thập chứng cứ bằng cách quay phim, chụp ảnh
tất cả các địa điểm nơi cây xanh bị chặt hạ và tất cả các tổ chức và cá nhân
tham gia chặt hạ chúng cũng như sẵn sàng làm đứng ra làm chứng trong quá trình
tố tụng. Đó là những gì mà người viết bài này, một Người Hà Nội và luôn đau đáu
về Hà Nội, mong muốn, không chỉ để giữ lại một môi trường trong sạch mà còn để
loại bỏ thứ ô nhiễm nguy hại nhất – độc đoán và tham nhũng!
Tác giả là một nhà hoạt động bảo vệ
môi trường, đã từng tham gia đấu tranh chống xây khách sạn tại Công viên Thống
nhất ở Hà Nội và kiện Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng do đã quyết định cho khai thác
bauxite tại Tây Nguyên, hiện là học giả tại Đại học George Washington, Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
-----------------------------------
No comments:
Post a Comment