Người Việt
Monday, February 23, 2015 5:18:55 PM
QUẢNG
CHÂU (NV) .- Trước sự bất lực của các nước tranh chấp, và Mỹ cũng chỉ
khuyến cáo suông, Trung Quốc ngang nhiên lấn tới ở Biển Đông, đặt các nước
tranh chấp vào sự đã rồi.
Hôm Thứ Hai, Tân Hoa Xã loan báo tàu khảo sát của
Trung Quốc đã hoàn tất chương trình nghiên cứu tài nguyên thủy sản trên Biển
Đông sau hai năm tiến hành. Bản tin vừa kể thuật lời chuyên viên của họ nói khu
vực quanh quần đảo Trường Sa có trữ lượng thủy sản khoảng 1.8 triệu tấn với khoảng
nửa triệu tấn sẵn sàng khai thác.
Hành động Trung Quốc nghiên cứu Biển Đông đơn phương
không hề thảo luận hoặc kêu gọi sự thảo luận với các nước khác, đặc biệt đang
tranh chấp chủ quyền biển đảo, cho người ta cảm tưởng Bắc Kinh coi nơi này như
“ao nhà” của họ.
Bắc Kinh đã cho các loại tàu khảo sát khác nhau tiến
hành, từ máy năm trước, theo những kế hoạch muốn nuốt trọn Biển Đông mà từ đó,
người ta đã thấy Trung Quốc gấp rút biến các bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm
1988 thành các đảo nhân tạo, gồm cả phi trường và cảng biển.
Với nhịp độ tiến hành đang diễn ra ồ ạt tại 7 bãi đá
ngầm tại Trường Sa, nhiều chuyên viên quốc tế tin rằng các công trình xây dựng
trên các đảo nhân tạo của Trung Quốc phần lớn hoàn tất trong năm 2015, trước
khi phiên tòa quốc tế phân xử về các cáo buộc Bắc Kinh vi phạm luật lệ về biển
và xâm phạm chủ quyền nước khác.
Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nhưng
Bắc Kinh lập lại nhiều lần là họ sẽ không tham dự tranh tụng. Lý do họ viện dẫn
là những gì họ đang làm ở khu vực quần đảo Trường Sa nằm hoàn toàn trong vùng
tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ như được vẽ mơ hồ qua đường 9 đoạn, giống
như hình “lưỡi bò”.
Cái “Lưỡi bò” này khi kết nối lại với nhau, chiếm
hơn 80% Biển Đông. Các nước ở khu vực gồm Việt Nam, Philippines ở hai đầu Đông
Tây, Malaysia, Brunei và Indonesia ở phía nam, chỉ còn các rẻo nước dọc theo bờ
biển. Nhiều khu vực bị cái “Lưỡi bò” liếm sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của
các nước.
“Nếu Trung Quốc có thể xây dựng phi trường và các cơ
sở khác trên các đảo nhân tạo, họ coi như dựng các bức tường thép đằng sau những
tuyên bố chủ quyền”. Ông James Holmes, giáo sư về chiến lược tại Học Viện Hải
Quân Hoa Kỳ phát biểu trên tạp chí Foreign Policy.
Không những các nước ASEAN tranh chấp biển đảo với
Trung Quốc bị báo động, hành động của Bắc Kinh cũng thấy không ổn khi mà các lực
lượng quân sự của Trung Quốc gồm cả không quân và hải quân chặn ở giữa hải lộ bận
rộn nhất thế giới với 5 ngàn tỉ đô la hàng hóa được vận chuyển mỗi năm.
Trước hành động của Trung Quốc, một viên chức cao cấp
thuộc Hải quân Hoa Kỳ cho hay trong tuần trước rằng Mỹ trù tính trú đóng
chiến hạm ở nước Úc trong khi một số chiến hạm được gửi thêm đến Singapore từ
năm 2017.
Nhật Bản cũng đang có những kế hoạch tuần tiễu trên
Biển Đông ít ra là với các máy bay tuần thám. Hơn nữa, thủ tướng Nhật Shinzo
Abe kêu gọi nước họ từ bỏ “hiến pháp hòa bình” có từ khi thất trận Thế chiến Thứ
Hai, viết bản hiến mới cho thích hợp với hoàn cảnh an ninh mà họ đang phải đối
diện.
Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia đều cố gắng
tăng cường lực lượng để đối phó với các nguy cơ thuộc chủ quyền lãnh thổ ngày một
trầm trọng hơn, lộ rõ hơn. Dù vậy, khả năng của các nước này cũng chỉ ở tầm mức
“răn đe”, lấy yếu chống mạnh khi bị tấn công, cho nên chỉ thấy đả kích Bắc Kinh
vi phạm các cam kết quốc tế mà không thấy có lực lượng nào tới cản trở tàu
Trung Quốc làm đảo nhân tạo.
Theo ông Taylor Fravel, chuyên viên về chính sách biển
của Trung Quốc của học viện MIT, các nỗ lực của Trung Quốc biến các bãi đá san
hô ngầm ở Trường Sa thành các đảo nhân tạo là mở màn cho những gì có thể diễn
ra trong tương lai, tương tự những gì đã xảy ra hồi năm ngoái giữa Việt Nam và
Trung Quốc ở khu vực phía nam quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đưa giàn khoan khổng lồ xuống phía nam quần
đảo Hoàng Sa ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khoan tìm dầu khí từ
đầu Tháng 5-2014 đã dẫn tới cuộc đối đầu trên biển giữa hai nước suốt 2 tháng
rưỡi cho đến khi dàn khoan này được kéo đi.
Tháng 8-2014, Bắc Kinh loan báo đã tìm thấy một mỏ
khí đốt khổng lồ ở khu vực Biển Đông họ gọi là mỏ Lăng Thủy (Lingshui) 17-2 nằm
cách đảo Hải Nam khoảng 150 cây số về phía nam. Trữ lượng của mỏ này ước lượng
đến 100 tỉ mét khối khí đốt ở độ sâu 1,500 mét. Điều này lại càng làm cho Bắc
Kinh hăm hở hơn nữa trong kế hoạch làm đảo nhân tạo hậu thuẫn cho tham vọng nuốt
trọn Biển Đông.
Tuy nhiên, theo ông Fravel, dù gấp rút và hăm hở làm
đảo nhân tạo, Trung Quốc cũng không đạt được nhiều lợi ích quân sự lắm. Theo
ông nhận định, nếu có một biến động tồi tệ xảy ra, các đảo nhân tạo đó sẽ trở
thành các mục tiêu cố định cho các cuộc tấn công, tức khó tránh thiệt hại, nếu
không được phòng thủ thật quy mô như những pháo đài thép.
Nhìn vào các sự việc đang diễn ra, giới chuyên viên
luật pháp quốc tế cho rằng dù các đảo nhân tạo đang hình thành, Trung Quốc cũng
không đạt được các lợi ích pháp lý, theo các định nghĩa về Luật Biển như đã có
mà Trung Quốc cũng tham gia ký kết công nhận.
“Nếu các nước tranh chấp với Trung Quốc không thể bảo
vệ thành công cho các tuyên bố chủ quyền của mình thì họ phải làm gì?” Ông
Holmes đặt câu hỏi. “Và nếu họ lại không làm gì cả, dần dà theo thời gian, các
sự việc đang diễn ra trên mặt đất sẽ mỗi ngày một vững chãi hơn theo thông lệ
quốc tế và có thể biến thành luật quốc tế. Đấy là điều Bắc Kinh thấy thích hợp.”
Rõ ràng, mặc cho các nước khác loay hoay tìm cách đối
phó từ đả kích suông đến “xoay trục”, Bắc Kinh cứ mỗi ngày hành động theo ý
mình, đặt các nước khác trước sự đã rồi. (TN)
No comments:
Post a Comment