Saturday, December 31, 2011

TẾT Ở TRONG NƯỚC, TẾT Ở PHƯƠNG XA (Song Chi)




Song Chi

Tết Nguyên đán, với người VN, là lễ hội lớn nhất, quan trọng và thiêng liêng nhất trong năm. Là dịp để gia đình họ hàng quây quần sum họp bên nhau cùng ăn uống, nghỉ ngơi, vui chơi, nhớ về ông bà tổ tiên, nghĩ về một năm đã qua với những được, mất, những dự tính, ước mơ còn dang dở và mong cho năm mới mọi chuyện tốt đẹp hơn năm cũ. Tết Nguyên đán có nhiều ý nghĩa với người VN như vậy nên gia đình nào dù nghèo đến đâu cũng phải cố gắng sắm sửa chút ít ba ngày Tết cho trẻ con, người già trong nhà đỡ tủi.

Tết Nguyên đán cũng là dịp mà người đi làm, đi học được nghỉ nhiều nhất ở VN. Học sinh được nghỉ khoảng hai tuần. Công nhân viên chức mọi năm chỉ được nghỉ 4 hoặc 5 ngày tùy cơ quan, nhưng năm nay đọc báo thấy nhà nước cho công chức nghỉ luôn 9 ngày, tha hồ mà xả hơi.

Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, Đà Nẵng…cái không khí trễ tràng lười biếng chờ lễ, Tết đã bắt đầu từ…trước Noel, khi các thành phố bắt đầu trang hoàng cho mùa Giáng Sinh và Năm Mới. Mọi người vừa đi làm vừa ngóng chờ món tiền thưởng cuối năm. Năm vừa qua kinh tế VN gặp khó khăn nhất kể từ năm 1991, nhiều doanh nghiệp lỗ lã thậm chí vỡ nợ, chắc chắn nhiều cơ quan, công ty sẽ đau đầu với “món nợ” tiền thưởng này cho công nhân viên. Nhưng đó là những doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, làm ăn lời lỗ bởi chính đồng tiền mồ hôi xương máu của mình. Còn các cơ quan doanh nghiệp tập đoàn nhà nước, có lỗ nặng hàng trăm hàng ngàn tỷ thì lương vẫn cao, Tết đến vẫn thưởng lu bù, nhất là những người có vị trí cao trong cơ quan. Còn lỗ, nợ đến đâu từ từ sẽ tính tiếp, có gì cứ bấu vào ngân sách nhà nước, tức là bấu vào tiền thuế của nhân dân thôi.

Những năm sau này đời sống của người Việt, nhất là ở một số thành phố lớn nhìn chung khá hơn. Khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa, giữa các tầng lớp khác nhau trong xã hội cũng ngày càng lớn. Tết là một dịp để người dân nhận ra rõ hơn cái khoảng cách gấp hàng chục lần này. Sự khác biệt thấy ngay từ món tiền thưởng cuối năm. Báo đăng năm nay có doanh nghiệp thưởng Tết cá nhân 700 triệu đồng cho Tết Dương lịch, 400 triệu đồng cho Tết Nguyên đán, tổng cộng là 1,1 tỷ VNĐ-xấp xỉ 50,000 USD. Thông thường thì khoảng từ vài chục cho đến một trăm triệu đồng-khoảng 4-5000USD. Ngược lại có những ngành như công nhân chỉ được khoảng một, hai trăm ngàn đồng tức khoảng 20-40 USD, có trường mỗi giáo viên chỉ nhận được một bịch hạt dưa hoặc cuốn lịch gọi là đón Tết! Còn các quan to quan nhỏ thì là ngoại lệ, chỉ riêng tiền cho thuê các bất động sản hoặc tiền lãi từ các ngân hàng ở Thụy Sĩ cũng đủ để quanh năm là Tết rồi, muốn ăn/mua/chơi gì mà chả có, cứ gì Tết nhất.

Người giàu thì trang hoàng nhà cửa mua sắm quần áo từ trước Tết cả hai tháng, rồi mua sắm thực phầm lai rai từ mấy tuần trước, người nghèo thì sát ngày Tết bếp núc trong nhà vẫn lạnh tanh. Vào trong những con hẻm nhỏ của giới lao động nghèo hoặc khu nhà trọ của công nhân, chiều hăm chín vẫn chưa thấy có không khí Tết. Người dân vẫn còn sấp ngửa mưu sinh ngoài đường, các cửa tiệm tạp hóa nhỏ, tiệm cắt tóc, sửa xe…trong hẻm vẫn làm ăn bình thường, chỉ đóng cửa mỗi chiều ba mươi, sáng mùng một đã lại mở cửa rồi, ba ngày này kiếm tiền nhiều khi còn hơn ngày thường, tội gì mà nghỉ.

Càng sát ngày Tết, càng thấy rõ cái không khí “chạy” Tết chung quanh, nhất là ở các thành phố lớn. Là lúc mà ngay cả giới viên chức hạng trung cho đến công nhân, giáo viên…những tầng lớp thu nhập trung bình thấp và thấp của xã hội, cũng có món tiền thường nho nhỏ sát ngày để kịp đi mua sắm mấy món cuối năm. Người giàu thì vào những siêu thị, chợ lớn, hào phóng vung tiền từ rượu ngoại, thực phầm ngoại, những món ăn đắt tiền, mua tưởng chừng để dành ăn cả hai tháng cũng không hết. Người nghèo thì chỉ ra cái chợ hổm, chợ bình dân ngoài lề đường hoặc mấy tiệm tạp hóa gần nhà, vét mấy thứ mứt nhuộm phầm xanh đỏ, mấy món thịt, trái cây kém tươi nên giá rẻ, bó hoa mồng gà, hoa cúc…cắm bàn thờ là xong.

Năm vừa qua cũng là liên tiếp mấy năm tình trạng lạm phát ở VN tăng nhanh, có những giai đoạn cao nhất châu Á, thứ nhì thế giới-chỉ sau Venezuela. Lạm phát cao, giá cả sinh hoạt đắt đỏ sẽ càng đắt đỏ hơn vào dịp Tết. Có thể thấy một bộ phân dân chúng năm nay sẽ không có nổi một cái Tết. Không chỉ giới công nhân, người nghèo, người sống ngoài lề đường bằng đủ cách mưu sinh từ gánh hàng rong, buôn bán nhỏ cho đến đủ loại dịch vụ tạp nham ở các thành thị, mà cơ cực hơn nữa, còn là tầng lớp nông dân, dân chúng ở vùng sâu vùng sa, đồng bào dân tộc thiểu số…Ngày thường đã chạy ăn từng bữa nói gì đến chuyện Tết nhất.

Trong khi đó, ở mấy thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn, dù Tết, quán xá nhà hàng vẫn mở cửa suốt gần như 24/24 để mọi người ăn uống thả cửa bất cứ giờ nào. Nhất là Sài Gòn. Từ các khu vui chơi, công viên, quán café, quán bar, phòng trà cho đến khách sạn, quán trọ…đều “cháy” chỗ ba ngày Tết.

Dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch người nước ngoài đến Hà Nội, Sài Gòn cũng nhiều, chỗ nào cũng có thể thấy khách du lịch với đủ màu da, ngôn ngữ khác nhau. Nói gì thì nói, đón năm mới ở những đất nước đang phát triển như Việt Nam giá cả quá rẻ, thức ăn thì ngon, mà cũng đâu thiếu món ăn chơi từ rượu, vũ trường cho đến gái vừa trẻ vừa đẹp giá nào cũng có.

Nếu nhìn người dân Sài Gòn vui chơi ăn uống, cứ tưởng như kinh tế năm qua vẫn phát triển ngon lành, đất nước không có chuyện gì phải lo. Dân nhà giàu mấy năm sau này dịp nghỉ Tết thường có xu hướng đi ăn chơi kết hợp du lịch ở mấy nước khác, như Hongkong, Thượng Hải, Singapore, Thái Lan hoặc Mỹ. Dân có tiển ở xứ mình không hiểu sao vẫn khoái đi du lịch loanh quanh mấy nước châu Á, hoặc nếu xa thì Mỹ, chứ ít khi nghĩ đến mấy thành phố châu Âu, hoặc du lịch kết hợp khám phá, tìm hiểu văn hóa, lịch sử ở những nơi xa xôi như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Trung Đông, Ấn Độ hay Nam Mỹ chẳng hạn.

Còn đối với người Việt đang sống ở nước ngoài, dịp lễ vui chơi lớn nhất trong năm có lẽ sẽ là Giáng Sinh và Tết Dương lịch, cùng với người bản xứ. Ở các thành phố lớn, phong phú, dày dặn về văn hóa như Paris, London, Roma, New York, Los Angeles, Tokyo cho đến Berlin, Warszawa, Moscow…. đây là dịp để thành phố trang hoàng tưng bừng lộng lẫy. Người dân tha hồ thưởng thức các món ăn truyền thống ngon tuyệt vời, các sinh hoạt vui chơi giải trí thưởng thức văn hóa đa dạng, trong không khí yên bình, văn minh, lịch sự, vui vẻ khiến ai đã một lần ghé đến nhiều năm sau vẫn không quên.

Còn Tết Âm lịch hay Tết Nguyên đán đối với người Việt ở nước ngoài, có lẽ chỉ có cộng đồng ở California là đón cái Tết Nguyên đán gần như đầy đủ nhất, phần nào giống như đang ở trong nước nhất. Vì người Việt ở Cali đông, có cả một khu Little Saigon riêng cho mình. Còn ở đâu trên trái đất này thì cộng đồng người Việt cũng chỉ có thể tổ chức gọi là cho có không khí Tết.

Chẳng hạn như ở Na Uy. Dù đã sống gần 3 năm ở Na Uy, rất biết ơn sự bình yên, đời sống êm ả, ít lo âu căng thẳng ở đất nước này, tôi vẫn không sao quen được với cái vắng vẻ, tĩnh lặng, thậm chí buồn tẻ của Na Uy, đặc biệt vào những dịp Noel, Tết Dương Lịch. Người Na Uy và hình như dân các nước Bắc Âu đều thế, vào những dịp này, thường dành cho gia đình, ăn uống họp mặt ở nhà, ít khi ra ngoài, nếu có bạn bè họ hàng cũng là mời nhau đến nhà. Một phần vì thời tiết lạnh quá, mùa đông lại có tuyết và trời tối sớm, nên người ta nói chung ngại ra bên ngoài. Bọn trẻ, nếu không ở nhà thì cũng chui vào quán bar nhảy nhót, uống rượu cho ấm.

Khi hậu lạnh cũng ảnh hường phần nào đến tính cách của một dân tộc. Người dân các xứ nóng ở Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Đông cho đến châu Á, thường nồng nhiệt, cởi mở, nói nhiều, cười nhiều, nhảy múa nhiều (nhất là dân châu Phi và Nam Mỹ), thích ăn uống vui chơi ngoài trời. Còn dân Bắc Âu, trời lạnh khiến người ta dường như cũng nói ít hơn, trầm lặng hơn, thích ngồi nhà ăn uống chứ dại gì ra ngoài cho lạnh? Nên mặc dù cũng mua sắm tiêu pha rất nhiều tiền cho thực phẩm, áo quần, rượu, các thứ trang hoàng nhưng là để đón Noel, đón Tết Dương lịch trong nhà, với gia đình, bạn bè.

Một tháng trước Noel, bắt đầu Mùa Vọng, những cái giá nến xinh xắn với bốn cây nến màu tím xuất hiện trong ngôi nhà người Na Uy. Cứ mỗi tuần thắp một cây. Lần lượt, đến hết cây nến thứ tư là Noel đến. Noel với phần lớn dân Na Uy là dành để đi nhà thờ, gặp gỡ những người bạn tại đó, buổi tối ăn uống với gia đình. Những món ăn truyền thống vào dịp này là sườn heo, sườn cừu xông khói, xúc xích heo, gà tây quay, cá tuyết, cá hồi, kẹo chocolate, bánh pudding, bánh qui hình trái tim có vị quế, bánh kem…Phố xá, cửa hàng, quán ăn cho đến siêu thị đều đóng cửa từ hôm 24 đến 26.12. Tết Dương lịch cũng đóng cửa hai ngày 31.12 và 1.1. Ngoài đường những ngày này vắng ngắt. Dân nhập cư dù ở xứ nào rồi cũng phải quen với những điều này.

Tết Nguyên đán thường được cộng đồng người Việt tổ chức vào một buổi nào đó. Ở thành phố Kristiansand nơi tôi ở, cũng vậy. Thường thì Ban Tổ chức phải chọn ngày cuối tuần, ngày nghỉ để bà con có thể đi dự đông đảo, nên chẳng mấy khi trúng ngày ba mươi hay mùng một Tết ở Việt Nam. Tất cả cái Tết gói gọn trong một buổi, tổ chức tại một hội trường hoặc một nơi nào mà năm đó Ban tổ chức liên hệ thuê được. Có chương trình sân khấu với những phần vọng tế tổ tiên, múa lân, phần trình diễn của ông Táo, ca nhạc…Trước khi xem thì ăn uống, có thể ăn tại chỗ hoặc mua mang về, cũng khá nhiều món từ bánh chưng, bánh bèo, bánh tầm bì, bánh mì thịt, chả giò, bún bò, mì quảng v.v...

Mỗi thành phố tự chọn một ngày phù hợp với cộng đồng ở tại thành phố đó để tổ chức. Cũng có khi cùng một thành phố lại có mấy chương trình đón Tết Nguyên đán khác nhau do cộng đồng Thiên chúa giáo tổ chức, cộng đồng Phật giáo tổ chức, rồi hội đoàn này đoàn thể khác…

Cũng là một dịp để bà con gặp gỡ, nói tiếng Việt với nhau, cùng nhau nhớ vể nguồn cội, tổ tiên, quê nhà, quá khứ. Đó là nói lứa tuổi từ 40 trở lên, nhất là những người già 60, 70…còn mong đợi Tết để gặp đồng hương, chứ bọn trẻ dưới 30 trở xuống, sinh ra trên một nước khác, không hiểu gì nhiều về VN, ký ức về VN không có, tiếng Việt nói cũng không sõi, thì chẳng thiết tha gì mấy.

Còn cúng bái trong nhà thì cũng làm qua loa, chả ai có thì giờ nhiều. Cũng may bây giờ ngay ở một đất nước xa xôi như Na Uy cũng có được khoảng 20,000 người Việt đang sinh sống, chưa kể các sắc dân châu Á khác như Thái Lan, Campuchia, Philippines, Trung Quốc, Hàn Quốc…đủ cả, nên thực phẩm, gia vị gần như đầy đủ để có thể nấu những món ăn như ở nhà. Tối 30 thắp một nén nhang thơm, bày mâm cỗ cúng, lâm râm cầu khấn rồi chờ cho nhang tàn, người trong gia đình quây quần thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc. Như thế cũng là đón Tết. Rồi một năm lại qua đi…

.
.
.

No comments: