Wednesday, August 31, 2011

NGUYỄN CHÍ VỊNH TRẢ LỜI PHỎNG VẤN CỦA BÁO CHÍ TẠI BẮC KINH



Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh:
QĐND - Thứ Tư, 31/08/2011, 0:3 (GMT+7)

QĐND - Nhân dịp tới Bắc Kinh dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung cấp thứ trưởng lần thứ hai, Đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh dẫn đầu đã tới thăm Đại học Quốc phòng Trung Quốc sáng 30-8. Đoàn Việt Nam đã tham quan và tiến hành thảo luận về tình hình an ninh khu vực với lãnh đạo nhà trường. Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh có cuộc trao đổi với Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc.
Cùng ngày, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh đã trả lời phỏng vấn báo chí tại Bắc Kinh:

- Xin đồng chí Thứ trưởng cho biết đôi nét về nội dung Đối thoại chiến lược Quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc vừa diễn ra?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần này là lần thứ năm, nhưng là lần thứ hai sau khi hai nước nhất trí đưa đối thoại lên cấp thứ trưởng Quốc phòng, mức đối thoại cao nhất về chiến lược quốc phòng. Điều này không những thể hiện sự tin cậy và nhu cầu về hợp tác quốc phòng an ninh trong bối cảnh chung của khu vực, mà còn phát triển tương xứng với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Trong Đối thoại chiến lược quốc phòng lần này, cũng như thông lệ, hai bên đã trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực liên quan đến quốc phòng an ninh của mỗi nước, đồng thời trao đổi về những biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng Việt Nam và Trung Quốc.
Trong tình hình hiện nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc có hai vấn đề được nhân dân, đảng, nhà nước và quân đội rất quan tâm. Vấn đề thứ nhất là phải tăng cường hợp tác trên tất cả các phương diện, các lĩnh vực, bộ ngành, trong đó có quốc phòng an ninh nhằm tương xứng với mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Vấn đề thứ hai, lý do khiến cuộc đối thoại lần này nhận được sự quan tâm nhiều hơn là giữa Việt Nam và Trung Quốc có những vấn đề khác biệt, đặc biệt là vấn đề Biển Đông. Không thể không nói đến vấn đề Biển Đông trong đối thoại chiến lược quốc phòng, nhưng nói như thế nào để vừa giữ được quan điểm của Đảng và Nhà nước ta, vừa giữ được hòa khí, tình đoàn kết hữu nghị với Trung Quốc và đây cũng chính là mục tiêu cao nhất của đoàn Việt Nam đặt ra lần này.
Nói về diễn biến của cuộc đối thoại chiến lược, tôi không biết các bạn Trung Quốc đánh giá như thế nào, nhưng phía Việt Nam cho rằng cuộc đối thoại đã diễn ra tốt đẹp. Chúng ta đã nói được với các đồng chí Trung Quốc tất cả những gì ta cần nói-đó là sự khẳng định của Việt Nam về chủ quyền lãnh thổ, khẳng định của Việt Nam về độc lập tự chủ của đất nước, đồng thời cũng thể hiện Việt Nam mong muốn giải quyết và xử lý các vấn đề tranh chấp với Trung Quốc bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và công khai minh bạch. Ngược lại, phía Trung Quốc cũng trao đổi với đoàn ta rất thẳng thắn về những quan điểm của Trung Quốc. Điều đáng mừng nhất là các đồng chí Trung Quốc cũng bày tỏ một cách rõ ràng mong muốn có tính nguyên tắc trong giải quyết những vấn đề tồn tại giữa Trung Quốc và Việt Nam bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở hai nước XHCN láng giềng, tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam, theo luật pháp quốc tế và công khai minh bạch. Những vấn đề, những nội dung chúng ta nói với phía Trung Quốc đều là thực tiễn và sự thực. Những gì mà các đồng chí Trung Quốc nói với chúng ta cũng là những điều mà Trung Quốc nghĩ đến, nhưng để ngồi mà nói với nhau một cách thẳng thắn về những ý nghĩ đó thì lại là điều không phải dễ. Sau khi hai bên trao đổi thẳng thắn với nhau, chúng tôi thấy phía Trung Quốc rất vui vẻ, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của chúng ta. Trong khi đó, đoàn Việt Nam cũng lắng nghe và tiếp thu ý kiến của phía Trung Quốc.
Tôi nhắc lại, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc được khẳng định và dựa trên cơ sở láng giềng XHCN, nhưng trước hết phải tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ, tôn trọng độc lập tự chủ của nhau. Đó chính là các điểm và những nội dung nổi bật trong cuộc đối thoại chiến lược quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc lần này.

- Là một bộ phận trong quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong thời gian qua, quan hệ quốc phòng đã có những đóng góp như thế nào trong quan hệ chung giữa hai nước?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Quan hệ quốc phòng trước hết tạo ra sự tin cậy lẫn nhau giữa hai nước. Mối quan hệ quốc phòng càng sâu, càng cao thì sự tin cậy về hòa bình, tin cậy về ổn định cũng như tin cậy về nhu cầu hợp tác càng tăng lên. Hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam với Trung Quốc đã có truyền thống từ trước đến nay. Trong tình hình mới hiện nay, hợp tác đa dạng, ở nhiều cấp một cách thường xuyên và phát triển sẽ củng cố sự tin cậy giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tác dụng thứ hai của hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc là trên cơ sở hợp tác quốc phòng, chúng ta có điều kiện để mở rộng quan hệ đối ngoại của quân đội, không chỉ với riêng Trung Quốc mà còn tham gia vào các diễn đàn đa phương cũng như xúc tiến quan hệ quốc phòng với nhiều nước khác. Có thể nói, ta đã có quan hệ hợp tác quốc phòng với tất cả các nước lớn trên thế giới và các nước trong khu vực có quan hệ kinh tế, chính trị với Việt Nam. Tác dụng thứ ba của hợp tác quốc phòng là góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước, trong đó chủ yếu là công tác đào tạo. Có thể thấy, lĩnh vực giáo dục đào tạo của Trung Quốc đã có những bước tiến khá xa so với trước đây, trong đó có đào tạo quốc phòng. Chúng ta đã gửi các sinh viên sang Trung Quốc học những ngành mà Trung Quốc có thế mạnh như khoa học, kỹ thuật và nghệ thuật…

- Đồng chí đánh giá như thế nào về triển vọng quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian tới?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Triển vọng hợp tác quốc phòng trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào mức độ quan hệ chung giữa Việt Nam và Trung Quốc. Như các đồng chí đã biết, quan hệ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc đang tốt đẹp. Hiện chúng ta đang chờ đợi những sự kiện chính trị to lớn giữa hai đảng và hai nhà nước. Thứ hai là quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua đã có sự phát triển vượt cao hơn cả dự kiến, điển hình Trung Quốc trong năm 2010 đã trở thành đối tác kinh tế hàng đầu của chúng ta với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 30 tỷ USD, năm nay có thể sẽ còn cao hơn. Trong bối cảnh chung đó, hợp tác quốc phòng giữa hai nước sẽ phát triển do những điều kiện thuận lợi của tình hình cũng như quan hệ chiến lược giữa hai nước tạo ra.
Mặt khác, hợp tác quốc phòng giữa hai nước được tăng cường còn do xuất phát từ nhu cầu giải quyết những bất đồng, khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tôi nhắc lại, giữa Việt Nam và Trung Quốc rõ ràng có một thực tế là tồn tại những khác biệt và bất đồng ở Biển Đông. Quốc phòng phải đảm bảo cho bất đồng mà không xung đột, mâu thuẫn nhưng không trở thành điểm nóng. Do đó, tôi cho rằng vừa xuất phát từ điều kiện và hoàn cảnh, vừa xuất phát từ thực tiễn và nhu cầu nên hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian tới sẽ và cần phải tiếp tục phát triển.

- Trong cuộc đối thoại vừa rồi, hai bên có đạt được những thỏa thuận mang tính nguyên tắc về vấn đề Biển Đông không, thưa Thứ trưởng?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước hết, những vấn đề cụ thể liên quan đến việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông không thuộc chức năng của quốc phòng, vì vậy đối thoại không bàn các nguyên tắc để giải quyết vấn đề Biển Đông. Đây là việc của các bộ, ngành khác.
Tuy nhiên, quốc phòng cần phải đặt ra những nguyên tắc ứng xử trong lĩnh vực quốc phòng. Trước hết là không được sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực và tôi cũng đã phát biểu với các đồng chí Trung Quốc là thậm chí cũng không được nghĩ đến việc sử dụng vũ lực trong vấn đề Biển Đông. Bên cạnh đó, quốc phòng phải tăng cường xây dựng một vùng biển hòa bình và phát triển. Ví dụ như phải cùng giúp đỡ bảo vệ ngư dân; làm tốt các công tác quản lý trên biển; bảo vệ các hoạt động lao động hòa bình trên biển; tuân thủ luật pháp quốc tế... Đó là những nguyên tắc hai bên đã đạt được từ trước và được nhắc lại tại cuộc đối thoại lần này và đưa ra các biện pháp cụ thể để thực hiện.
Chúng tôi nhất trí tăng cường hợp tác Hải quân, tuần tra chung, tăng cường cử tàu thăm lẫn nhau với mục đích không để xảy ra va chạm giữa hai lực lượng quốc phòng trên biển. Một khía cạnh hợp tác Hải quân rất quan trọng khác là bảo vệ ngư dân và các lao động hòa bình trên biển. Tuyệt đối không được ứng xử thô bạo với ngư dân, dù họ đúng hay sai thì đều phải đối xử nhân đạo như đối với ngư dân nước mình. Họ sai thì phải chỉ cho cái họ sai và hướng dẫn làm cho đúng.
Hợp tác biên phòng ở Vịnh Bắc Bộ và đường biên giới trên bộ đã có những hợp tác tốt. Có thể nói đường biên giới Việt - Trung trên bộ cho đến nay là đường biên hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Như vậy, hợp tác biên phòng trên biển cũng có thể làm tình hình dịu đi.
Bên cạnh đó, Việt Nam và Trung Quốc cũng là đồng tác giả của Sáng kiến hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Sáng kiến này liên quan chặt chẽ với biển vì biển là nơi dễ bị thảm họa nhiều nhất.
Đây là những ví dụ cho thấy, bằng giải pháp cụ thể thì hai bên sẽ hiện thực hóa cam kết giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân đội hai nước.

- Có một thực tế là những năm gần đây Trung Quốc không ngừng tăng cường hiện đại hóa quân đội. Đặc biệt thời gian gần đây có những sự kiện lớn như Trung Quốc thử nghiệm tàu sân bay, máy bay tàng hình J-20. Xin Thứ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh: Trước tiên, với một nước láng giềng lớn như Trung Quốc, việc Trung Quốc tăng cường tiềm lực quốc phòng thì Việt Nam đương nhiên rất chú ý, chúng ta cần nghiên cứu sự phát triển về tiềm lực quốc phòng Trung Quốc. Nhưng sự phát triển đó phải phân biệt là phát triển về tiềm lực hay phát triển về hành động. Nếu phát triển về tiềm lực thì đó là quyền của mỗi nước và không gây ảnh hưởng nhiều tới tình hình an ninh khu vực. Nhưng nếu là phát triển về hành động, ví dụ đóng tàu sân bay rồi để đưa đến những vùng biển nhạy cảm hay tổ chức các cuộc diễn tập bất thường… thì sẽ gây lo ngại và mất an ninh cho khu vực. Còn nếu chỉ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biển của mình thì đó là quyền của mỗi nước./.

Bài và ảnh: Bảo Trung (từ Bắc Kinh)

.
.
.

No comments: