Friday, December 3, 2010

YONGBYON HỒI SINH : PHẢI CHĂNG LÀ NGUY CƠ MỚI ĐE DỌA NỀN AN NINH ?

Tiếng nói nước Nga
3.12.2010, 10:12

Trung tâm hạt nhân của Bắc Triều Tiên ở Yongbyon đang trải qua giai đoạn phục hồi. Hai năm trước đây, trong khuôn khổ chương trình quốc tế về phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên, Bình Nhưỡng đã tháo dỡ cơ sở này.  Còn bây giờ ở đây đã mọc lên hai nghìn thiết bị ly tâm làm giàu Uranium và đang xây dựng lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ.

Người nước ngoài duy nhất được phép tiếp cận cơ sở này là chuyên gia vật lý Mỹ Siegfried Hecker. Ông rất kinh ngạc trước những thiết bị công nghệ cao, nhưng người ta không giới thiệu cho nhà khoa học nước ngoài về chu trình hoạt động của hệ thống kỹ thuật. Ở đây nẩy  sinh nhiều câu hỏi. Liệu có phải là Bình Nhưỡng đã giới thiệu đồ giả hay chăng? Và nếu như đó là những cỗ máy ly tâm thực thụ, thì Bắc Triều Tiên có thể bảo đảm an toàn cho qúa trình làm giàu Uranium hay không? Vấn đề là ở chỗ:  Bình Nhưỡng phát triển chương trình hạt nhân của  mình trong điều kiện chịu các biện pháp trừng phạt cứng rắn, loại trừ hết khả năng nhận hỗ trợ từ nước ngoài. Còn bản thân Bình Nhưỡng thì chưa đủ kinh nghiệm về mặt công nghệ để độc lập thực hiện đề án quy mô lớn như vậy.

Sau đây là ý kiến của chuyên viên Georgi Toloraya, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên: “Người Triều Tiên không chỉ một lần làm cho toàn thế giới ngạc nhiên về thành quả lớn của họ trong lĩnh vực hạt nhân và tên lửa. Tuy nhiên, ở đây nói về một đề án đắt tiền và rất phức tạp về mặt kỹ thuật. Tất nhiên, Nga cũng như các láng giềng khác của Bắc Triều Tiên đều  không ai muốn để sát gần biên giới nước mình sừng sững một lò phản ứng hạt nhân không đáng tin cậy xây dựng theo công nghệ lạ lùng. Chính bởi vậy, cộng đồng thế giới phải tìm ra ngôn ngữ chung với Bắc Triều Tiên, phải giành sự hỗ trợ trong đề án xây dựng lò phản ứng nước nhẹ phục vụ nhu cầu năng lượng của nước này, đổi lấy việc Bình Nhưỡng tán thành chủ trương phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên".

Các chuyên viên cho rằng, các máy ly tâm ở Yongbyon có khả năng làm giàu Uranium đến mức 5%. Tức là đủ sức cung ứng nhiên liệu cho lò phản ứng nước nhẹ để sản xuất điện lực. Trong khi đó, kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng, nếu một nước tự mình xây dựng cơ sở như vậy và tự mình bảo đảm nhiên liệu hạt nhân thì hoạt động này là không hiệu quả. Không ngẫu nhiên mà hiện nay, hơn 30 quốc gia có đề án xây dựng nhà máy điện nguyên tử đang nghiên cứu phương án mua nhiên liệu hạt nhân từ Trung tâm quốc tế đầu tiên về làm giàu Uranium ở Nga. Trung tâm này được thành lập hai năm trước đây. Kể từ ngày 1 tháng 12, trong kho lưu trữ của Trung tâm bảo quản lô đầu tiên chất Uranium nghèo. Đề án này thực hiện dưới sự bảo trợ và kiểm tra của IAEA. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế là bảo đảm để những quốc gia khác không sử dụng công nghệ kép nhằm phát triển chương trình vũ khí hạt nhân.

Điều đó cũng liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Năm 2009, các chuyên gia IAEA đã buộc phải rời khỏi nước này. Vì thế, hoạt động của Bình Nhưỡng nhằm khôi phục và mở rộng chương trình hạt nhân cần đặt dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế. Đặc biệt là khi mà cả Seoul và Washington đều cho rằng, nhà máy mới ở Yongbyon sẽ giúp Bình Nhưỡng đẩy mạnh qúa trình thực hiện chương trình chế tạo thiết bị hạt nhân mới.

Giới chuyên viên không loại trừ khả năng là trong bối cảnh xung đột căng thẳng ngày càng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên, ai đó có thể ấp ủ mưu toan ném bom oanh tạc các kho dự trữ Uranium và Plutoni của CHDCND Triều Tiên. Trong trường hợp đó, hệ quả trước hết sẽ là xuất hiện đám mây phóng xạ bay theo hướng Nga hoặc Trung Quốc. "Tai bay vạ gió" như thế có thể cuốn theo bất cứ phương trời nào.
.
.
.

No comments: