Thursday, December 9, 2010

WIKILEAKS: NGƯỜI HÙNG HAY TỘI ĐỒ? (Ngô Minh Trí)

09/12/2010  

Cho dù người sáng lập và điều hành mạng Wikileaks, Julian Assange, đã nộp mình cho tòa án London vào tối thứ ba vừa qua, chưa có dấu hiệu nào Wikileaks sẽ ngưng công bố các tài liệu ngoại giao của Mỹ. Hoạt động của Wikileaks – là đề tài nóng nhất trong suốt mười ngày qua, vẫn tiếp tục được tranh cãi trên báo chí quốc tế, có người xem Wikileaks như một người hùng đấu tranh cho sự minh bạch thông tin, cũng có người coi đây là một tội đồ, một hoạt động vô chính phủ, lợi dụng tự do thông tin để gây những ảnh hưởng nghiêm trọng. Và ranh giới giữa người hùng và tội đồ dành cho Wikileaks đang mờ dần đi.

Trong một loạt các thông tin mật mà Wikileaks công bố, không phải thông tin nào cũng thực sự cần được mọi người biết đến. Có hai loại bí mật mà người ta cần phải giấu: thứ nhất là những việc làm sai trái mà người ta lo sợ bị bại lộ, thứ hai là những thông tin mà khi nhiều người biết sẽ không giúp gia tăng giá trị cho số đông, ngược lại có thể làm tổn hại một số người. Nếu như những bí mật thuộc loại thứ nhất luôn cần được phơi bày để chống lại những điều sai trái, thì loại bí mật thứ hai sẽ chỉ đem lại những ảnh hưởng tiêu cực nếu bị công bố. Người dân cần biết đến những sai lầm của quân đội Hoa Kỳ trong chiến tranh Iraq, Afghanishtan, nhưng người dân đâu cần biết đến những bí mật kinh doanh của các tập đoàn kinh tế như Intel, hay danh sách những địa điểm có ý nghĩa an ninh quan trọng. Trong số những bí mật mà Wikileaks tiết lộ, thì không ít bí mật thuộc loại mà đại đa số quần chúng không cần thiết phải biết đến.

Mới đây, Wikileaks đã công bố danh sách một loạt các địa điểm được Hoa Kỳ xác định “việc chúng bị tổn hại có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, an ninh kinh tế, đất nước và cả an ninh nội địa nước Mỹ”, trong đó có cả nhà máy thủy điện ở Canada, nhà máy sản xuất vắc xin ở Đan Mạch hay tổ hợp công nghiệp hóa chất ở Đức. Việc Mỹ lên danh sách để bảo vệ những địa điểm trên không có gì là sai trái và nếu ai cũng biết rõ tính quan trọng của những địa điểm như thế thì sẽ rất nguy hiểm, bởi các lực lượng khủng bố sẽ hiểu được đâu là mục tiêu tấn công để gây ra tổn thất lớn. Cho nên, việc tiết lộ danh sách những địa điểm trên là một hành động sai trái, là “tặng một danh sách mục tiêu cho nhóm các tổ chức giống như Al Qaeda”, như nhận định của Bộ Ngoại Giao Mỹ. Những bí mật kiểu như trên không có gì là mờ ám để cần phải phơi bày, ngược lại nó cần được giữ bí mật.


Không chỉ riêng gì chính phủ, các tập đoàn kinh tế như Intel cũng trở thành đối tượng của Wikileaks, khi Wikileaks đã tung ra nội dung thương thuyết giữa Intel với chính phủ Nga.  Việc tiết lộ này có thể xem như xâm phạm quyền riêng tư của các tổ chức, doanh nghiệp vì đó có thể xem là bí mật kinh doanh của các tập đoàn. Đi tới bước cực đoan này, Wikileaks đã xa rời mục tiêu “phơi bày những sự thật sai trái” mà tổ chức này nêu ra khi thành lập năm 2007 để biến thành kẻ quấy rối, chống lại các xã hội có tở chức.

Hơn thế nữa, Wikileaks đang tạo ra một tiền lệ có thể làm giật lùi đến tính tự do của báo chí. Từ nay, báo chí không còn dễ dàng khai thác thông tin từ các cơ quan, tổ chức để phục vụ nhu cầu người đọc, các nguồn tin sẽ kín miệng hơn vì không muốn những điều trao đổi riêng tư với các nhà báo có thể bị phơi bày trên mạng, bản thân các tờ báo cũng cẩn trọng hơn khi cung cấp thông tin ra công chúng. Tờ New York Times chẳng hạn, chưa bao giờ ngần ngại những bí mật mờ ám hay chỉ trích chính phủ; việc tờ báo này công bố “Hồ sơ Lầu Năm Góc” gồm 7.000 tài liệu về sự dối trá của chính quyền Mỹ khi dàn dựng và tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam năm 1971 đã buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam hai năm sau đó, nhưng khi New York Times được Wikileaks chọn là một trong năm tờ báo để chia sẻ thông tin, cùng với Guardian (Anh), Le Monde (Pháp), El Pais (Tây Ban Nha), Der Spiegel (Đức) để  công bố các tài liệu ngoại giao Mỹ mới đây, tờ báo này đã rất thận trọng tham khảo ý kiến các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ trước khi đăng tải. Nói cách khác, New York Times đã chủ động để cho chính phủ Hoa Kỳ can thiệp vào nội dung của mình ở một mức độ nào đó, cho dù đây là điều trái ngược với tôn chỉ của tờ báo uy tín này.

Đợt công bố các tàu liệu ngoại giao của Wikileaks cũng đang buộc các chính phủ khắp thế giới tăng cường kiểm soát việc luân chuyển thông tin, đề phòng những rủi ro rò rỉ trong tương lai, đồng thời tìm mọi cách ngăn chặn sự phát tán tài liệu của Wikileaks. Mỗi nước có một mức độ ngăn chặn khác nhau nhưng đây là lần đầu tiên có một cuộc ngăn chặn thông tin có quy mô toàn cầu như thế. Tổ chức Phóng viên không biên giới, hoạt động vì tự do báo chí, nhận định: “Đây là lần đầu tiên chúng ta thấy nhìn thấy một nỗ lực ở cấp độ cộng đồng quốc tế để kiểm duyệt một trang web dành cho các nguyên tắc về minh bạch”. Nói cách khác, hoạt động vô chính phủ của Wikileaks đang tạo ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến quyền tiếp cận thông tin của mọi người, trái hẳn với mục tiêu mà tổ chức này theo đuổi.

Các bí mật quốc gia đều có thể giải mật nhưng chúng vẫn cần một khoảng thời gian nhất định để tránh những di hại. Cho nên, những nỗ lực cho sự minh bạch dù luôn luôn cần thiết, nhưng minh bạch không đồng nghĩa với việc sẽ phơi bày mọi bí mật không đúng lúc đúng nơi. Nếu những bí mật bị khai thác quá đà, gây nhiều tác hại thì những người hùng trong đấu tranh minh bạch sẽ trở thành kẻ tội đồ mà Wikileaks là một minh chứng.

.
.
.

No comments: