Wednesday, December 1, 2010

VIỆC TRUNG HOA ỦNG HỘ BẮC TRIỀU TIÊN CÓ CƠ SỞ TRONG NHIỀU THẾ KỶ XUNG ĐỘT

Andrew Salmon, viết cho CNN, 26 tháng 11, 2010
Ngày đăng: 1.12.2010

Vừa mới vui hưởng lễ Tạ ơn, binh lính Hoa Kỳ ở Xơ-un Nam Triều Tiên đã được lệnh ở nhà vào dịp Nô-en khi họ mở đợt tấn công cuối cùng.

Thật ra họ đang bước vào cuộc mai phục lớn nhất trong lịch sử hiện đại.

Cách họ mười hai dặm về phía Bắc, 380.000 chiến binh địch ngụy trang sáng choang đang nằm đợi. Những ngày tiếp theo đây, quân đội Hoa Kỳ sẽ chịu thử thách gay go nhất trong vòng nửa thế kỷ qua.

Hai trung đoàn lính Mỹ đã bị thảm sát tại một con đèo tên là Kunuri, một trung đoàn khác bị tiêu diệt bên một cái hồ đóng băng tên gọi Chosin.
Thời gian là cách đây 60 năm, chiến trường là Bắc Triều Tiên, quân địch là Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa.

Mặc dầu những thay đổi lớn lao trên phạm vi toàn thế giới - sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu, kết thúc Chiến tranh Lạnh, Trung Hoa - Hoa Kỳ nối lại tình hữu nghị, nước Trung Hoa vươn lên thành siêu cường kinh tế - vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy Trung Hoa thay đổi lập trường của họ đối với việc duy trì cái chế độ cô lập ở bắc bán đảo này từ khi nó đánh tan các lực lượng Liên Hiệp Quốc do Mỹ dẫn đầu ở Triều Tiên năm 1950.

Trung Hoa không muốn mất Bắc Triều Tiên như một vùng đệm liền kề với một nước  Nam Triều Tiên thân Mỹ,” Kim Won-ho, Trưởng Khoa Nghiên cứu Quốc tế đại học Hankuk nói.

“Trung Hoa hoàn toàn không muốn nhìn thấy nền dân chủ kiểu Mỹ ở Bắc Triều Tiên,” bà Song Sun-young, ủy viên Ủy ban Quốc phòng Quốc hội Nam Triều Tiên nói. “Ngay cả khi họ áp dụng chính sách mở cửa cho thị trường của họ, Trung Hoa vẫn muốn Bắc Triều Tiên làm theo kiểu Trung Hoa.”

Trong khi đúng ra về toàn cục sẽ là hợp thời nếu nhìn Trung Hoa ngày nay qua lăng kính kinh tế, thì chính địa chính trị chứ không phải kinh tế nằm sau việc Bắc Kinh tiếp tục ủng hộ Bắc Triều Tiên. Vị trí chiến lược của bán đảo này không thay đổi trong cả thiên  niên kỷ.

Triều Tiên luôn luôn là một con dao găm đâm vào bụng nước Nga và một con đường xâm lược và xâm nhập giữa Nhật bản và Trung Hoa,” Kim Byung-ki một chuyên gia an ninh đại học Triều Tiên nói. “Đó là lý do tại sao Trung Hoa luôn luôn có mối quan tâm quan trọng như thế đến bán đảo này.”

Hình như lịch sử đã chứng minh điều này. Bọn thống trị Mông cổ đã hai lần từ Triều Tiên tấn công sang Nhật Bản trong thế kỷ 13. Nhật Bản xâm lược Trung Hoa vào thời nhà Minh thế kỷ 16 qua Triều Tiên. Hai cuộc chiến tranh Trung Nhật từ 1894 đến 1895, phần lớn là đánh nhau trên đất Triều Tiên.

Trong thế kỷ trước, cuộc chiến tranh Nga Nhật 1904-1905 là nhằm kiểm soát bán đảo này. Nhật dùng Triều Tiên làm bàn đạp để chiếm Mãn Châu năm 1931, từ đó nó tấn công chính Trung Hoa năm 1937. Cuối cùng, Chiến tranh Triều Tiên đưa binh lính Mỹ đến gần biên giới Trung Hoa năm 1950.

Ngày nay Mỹ đã thay thế Nga và Nhật làm kẻ tranh đua chủ yếu trong khu vực châu Á, Kim nói, và Mỹ đang bao vây Trung Hoa bằng hàng loạt phong trào và liên minh, - với Afghanistan, Ấn Độ, diễn đàn khu vực ASEAN, Nam Triều Tiên Nhật Bản và ngay cả Nga nữa - tất cả được hậu thuẫn bởi sức mạnh của Hạm đội Bảy.

“Trung Hoa sẽ là một cường quốc đang lên trong vòng 10-15 năm tới,” Kim nói. “Nhưng nó hiểu nó có những vấn đề với cuộc bao vây này.”

Trong bối cảnh này, Bắc Triều Tiên ngoài vị trí chiến lược là cửa ngõ của Trung Hoa, còn là một tiếng nói hiếm hoi giúp chống đỡ vai trò lịch sử của Trung Hoa ở trung tâm châu Á.

“Trong quá khứ, Trung Hoa chưa bao giờ chấp nhận Triều Tiên hay Mông Cổ hay Việt nam là những nước độc lập; [đối với nó, các nước này] chỉ là những nước chư hầu lệ thuộc chính quyền Trung Hoa,” Lim Jie-hyun, một giáo sư lịch sử ở đại học Hanyang nói. “Có liên tục và có gián đoạn, nhưng (đối với Trung Hoa) để làm một bá quyền ở đông bắc Á, nó cần những tiếng nói khác, và tiếng nói đó được cất lên bởi Bắc Triều Tiên.”

Mặc dầu chế độ hiếu chiến, cô lập ấy là một rắc rối ngoại giao khổng lồ đối với Trung Hoa, lập trường của Bắc Kinh đối với nó trùng khớp với chính sách của nó đối với các nước láng giềng khác - một chính sách ưu tiên cho ổn định.

“Một trong những lý do mà Trung Hoa nói năng khôn khéo ôn hòa quá đáng, đó là để nhất quán với những gì nó phải làm để duy trì các quan hệ ổn định với mọi chế độ,” Bob Broadfoot, cố vấn trưởng về Rủi ro Kinh tế Chính trị ở Hồng kông nói. “Trung Hoa có một chính sách để duy trì các quan hệ mềm mỏng với các nước có đường biên giới với nó, nó có nhiều nước chung đường biên giới hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.”

Mặc dầu như thế, Trung Hoa vẫn đang lặng lẽ chơi nước đôi, Lim nói, lưu ý rằng Bắc Kinh đã cho một nhóm người Bắc Triều Tiên chống Kim Nhật Thành trú ẩn khi họ chạy trốn khỏi đất nước vào những năm 1960.

“Hình như Bắc Kinh đang nuôi dưỡng một nhóm chính trị thay thế có thể chiếm chính quyền ngay tức khắc nếu Bắc Triều Tiên sụp đổ,” Lim nói.

Broadfoot nhất trí: “Tôi có thể thấy cái kịch bản khi mà chế độ đó đổ, nhưng tôi nghĩ mọi sự kế tục ở Bắc Triều Tiên đều dính với người mà Trung Hoa có quan hệ với. Tôi không thấy những nhóm người bên trong Bắc Triều Tiên nổi lên mà lại là kẻ thù của Trung Hoa và là bạn của Hoa Kỳ.”

Trong khi đó, quan hệ giữa Nam Triều Tiên và Trung Hoa là xung đột. Trong khi đồng minh chính trị quan trọng nhất của nó là Hoa Kỳ, thì bạn hàng lớn nhất của nó là Trung Hoa. Trung Hoa và Nam Triều Tiên có thanh toán thương mại song phương lên đến 156 tỉ USD năm 2009, so với 2,75 tỉ USD giữa Bắc Triều Tiên và Trung Hoa năm 2008, trước khi vòng cấm vận gần đây nhất được áp đặt năm 2009.

Tuy nhiên Xơ-un đã không có khả năng hay không sẵn lòng dùng cú hích kinh tế để tác động đến Bắc Kinh trong việc có thái độ cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.

Điều đáng lo ngại hơn với Nam Triều Tiên là vai trò của Bắc Kinh vừa là nhà đầu tư hàng đầu, vừa là kẻ trợ cấp hàng đầu của Bắc Triều Tiên. Nhân tố này đã khiến một số ủy viên quốc hội Nam Triều Tiên bực bội về sự kiểm soát dần dà và lén lút, thậm chí thực dân hóa nền kinh tế.

“Quyền lợi của Trung Hoa ở bán đảo này đã trở nên mạnh hơn, và cách họ củng cố vị trí chiến lược của họ không nhất thiết là bằng quân sự, mà bằng kinh tế,” nữ nghị sĩ Song nói. “Nếu họ có thể kiểm soát kinh tế, thì họ có thể kiểm soát chính trị và chiến lược, đó là lý do tại sao họ kiên trì trợ cấp cho Bắc Triều Tiên.”

Bởi vậy, ngay cả giữa tình trạng căng thẳng gay gắt về quân sự, Xơ-un vẫn không sẵn lòng đóng cửa Khu Liên hợp Công nghiệp Kaesong, một khu công nghiệp do Nam Triều Tiên bỏ vốn và quản lý, sử dụng đến 40 000 công nhân Bắc Triều Tiên trong hơn 100 nhà máy do miền nam làm chủ. Làm điều đó miền Nam sẽ mất đi đầu cầu duy nhất có ý nghĩa của nó trong nền kinh tế miền Bắc.

Không phải ai cũng tin rằng ngay cả chiếc ô ngoại giao chắc chắn và cái hầu bao kinh tế mà Bắc Kinh chìa cho Bình Nhưỡng có thể chuyển thành chiếc đòn bẩy có ý nghĩa đối với một trong những chế độ ngoan cố nhất thế giới này.

“Nếu Trung Hoa tỏ ra phản đối Bắc Triều Tiên mạnh hơn, nó có thể làm Trung Hoa phải bối rối và tỏ ra rằng nó không chịu ảnh hưởng,” nhà phân tích rủi ro Broadfoot nói.

Cũng có thể có lực cản ở Bắc Kinh cản trở nó làm bất cứ điều gì có thể đẩy chế độ có vị trí chiến lược trên cửa ngõ của nó vào vòng tay của một cường quốc đối thủ.

“Nếu Trung Hoa gây sức ép quá mạnh, Bắc Triều Tiên có thể rơi vào vòng tay của Nga, hay thậm chí cải thiện những mối quan hệ của nó với Nhật hay Mỹ,” Kim của đại học Triều Tiên nói, lưu ý rằng Bắc Triều Tiên có thể chơi cho Trung Hoa và Nga chọi nhau như Việt nam đã làm.
Bây giờ, khi những tàu sân bay Hoa Kỳ đã đến vùng biển Hoàng Hải để tập trận với đồng minh Nam Triều Tiên, điều chắc sẽ làm cho Bắc Kinh nổi khùng, xiết chặt thêm sự cộng tác “được tôi rèn bằng máu” giữa Trung Hoa và Bắc Triều Tiên.

Bất kỳ loại xung đột nào xung quanh Trung Hoa cũng có thể là một mối đe dọa cho sự ổn định chính trị của nó,” Kim của đại học Hankuk nói. “Và về lâu dài, nó sẽ không bao giờ muốn có chung biên giới với bất kỳ nước nào thân Mỹ.”

Sáu thập niên sau khi Trung Hoa vượt sông Áp Lục sang chiến đấu ở Triều Tiên, các liên minh tranh chấp sinh ra từ cuộc xung đột ấy - trận địa Chiến tranh Lạnh cuối cùng còn sót lại của thế giới - vẫn còn vững vàng nguyên chỗ cũ./.
.
.
.

No comments: