Monday, December 27, 2010

VỀ MỘT ĐỐI SÁCH ĐỐI VỚI BẮC HÀN (Phiếm luận)

Trần Bình Nam
Dec 27th, 2010

Lời nói đầu: Là “Phiếm Luân”, lời lẽ có chỗ không được nghiêm chỉnh và ý tưởng có khi phóng túng. Xin quý độc giả thứ lỗi.

----------------------------------

Mấy tháng nay tình hình nơi biên giới giữa Bắc và Nam Hàn căng thẳng. Ngày 26/3/2010 Bắc Hàn lén bắn chìm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn làm thiệt mạng 46 thủy thủ. Ngày 23/11 các khẩu trọng pháo Bắc Hàn pháo kích một trại lính Nam Hàn trên đảo Yeonpyeong làm thiệt mạng 2 binh sĩ và 2 thường dân và gây thương tích cho nhiều người khác. Trong vụ pháo kích, quân đội Nam Hàn đã bắn trả một cách chừng mực.

Tình trạng căng thẳng này làm người ta nhớ tình hình năm 1939 giữa Pháp và Đức qua chiến lũy Maginot trước khi Thế chiến II biến thành cơn bão lửa đốt cháy Âu châu, Bắc Phi châu và Đông Nam Á .

Nguyên nhân của tình hình căng thẳng Nam Bắc Hàn dễ hiểu: Trong chương trình trở thành siêu cường mở rộng biên cương ra Thái Bình Dương, Trung quốc – bước vào năm 2010 – không dè dặt đi những bước có tính đe dọa quyền lợi của khối Asean, Ấn Độ, Nhật Bản và nhất là của Hoa Kỳ tại tây Thái Bình Dương.
Một cách nửa kín nửa hỡ Trung quốc cho Hoa Kỳ và thế giới biết Trung quốc xem Biển Đông thuộc Trung quốc và sẳn sàng dùng sức mạnh để bảo vệ quyền lợi của mình. Bước đi này của Trung quốc buộc Hoa Kỳ phải phản ứng qua tuyên bố của bà ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tại Hà Nội tháng 7/2010 rằng Biển Đông là vùng biển quốc tế và Hoa Kỳ sẽ làm những gì cần thiết để bảo vệ quyền lưu thông hàng hải trên Biển Đông .

Khỏi cần nói, Trung quốc bắt đầu tìm cách tạo khó khăn cho Hoa Kỳ bằng cách gây hấn với Nhật Bản và dùng con bài Bắc Hàn gây hấn với Nam Hàn. Nhật Bản và Bắc Hàn là hai đồng minh quan trọng của Hoa Kỳ trong vùng tây Thái Bình Dương.

Sau lưng là Trung quốc, nhưng trước mắt là Bắc Hàn, một nước có vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn có đầu đạn nguyên tử và trong hơn một thập niên qua đã chứng tỏ là một nước cộng sản bất trị. Dùng vũ khí nguyên tử dọa gây chiến để đổi lấy thực phẩm, dầu khí của Hoa kỳ và Nam Hàn. Và cứ thế hết vòi vĩnh này đến vòi vĩnh khác.
Mới đây lãnh tụ Kim Chính Nhựt đưa con trai thứ ba Kim Jong-un mới hơn 20 tuổi mặt còn non choẹt chưa có chút kinh nghiệm quân sự nào lên hàm đại tướng, cùng cha nắm quân đội để chuẩn bị cho chú bé trở thành lãnh tụ tối cao Bắc Hàn!
Chuyện rỗn ràng gươm dao trong những tháng qua ngoài ẩn ý của Trung quốc làm rối trí Hoa Kỳ, ý của Kim Chính Nhật là chuẩn bị cho Kim Jong-un quen với súng đạn để có thể nắm các ông tướng Bắc Hàn bạc nhược.

Thế giới tự do, nhất là Hoa Kỳ cần có đối sách gì đối với Bắc Hàn?

Trung quốc muốn quấy phá Hoa Kỳ, nhưng từ năm 2002 đã đứng ra làm trung gian thành lập hội nghị 6 nước (Nga, Mỹ, Trung quốc, Nhật Bản, Nam Hàn, Bắc Hàn) để tìm cách giải quyết chương trình nguyên tử của Bắc Hàn. Hội nghị 6 nước họp phiên họp đầu tiên năm 2003, sau đó hằng năm họp rồi ngưng, ngưng rồi họp. Cho đến hôm nay cái “sườn” thương thuyết đó vẫn còn nhưng thực chất chỉ là miếng mồi nhữ Hoa Kỳ tùy theo nhu cầu “phá đám” của Bắc Hàn và Trung quốc.

Hoa Kỳ biết Bắc Hàn là một đứa bé bất trị, nhưng văn hóa của Hoa Kỳ không chỉ cho Hoa Kỳ cách trị một đứa bé bất trị. Trong gia đình con cái hư hỏng bố mẹ không dùng roi vọt, chỉ dùng lời khuyên bảo và nhiều lắm là phạt đứng quay mặt vào tường mươi mười lăm phút, không cho xem TV trong một buổi v.v… Kết quả đứa bé chỉ thêm hư.
Với cung cách đó Hoa Kỳ đối đãi với đứa bé hư Bắc Hàn làm cho Bắc Hàn càng lúc càng thêm hư hỏng lố lăng. Đó là tình trạng Bắc Hàn hôm nay. Và nếu không có đối sách đúng, chú bé hư Bắc Hàn có thể tạo bất ổn định trên thế giới.

Đối sách đúng là gì? Đứa bé hư đên độ không dùng lời khuyên bảo được (như chú bé Bắc Hàn) thì chỉ có một cách. Mỗi lần nó hư quất cho nó một trận đòn thật đau vào đít. Vài lần như vậy nó sẽ hiểu và có nhiều cơ may nó trở thành một đứa bé ngoan. Đa số các bé ngoan bằng cách này khi khôn lớn đều biết ơn cha mẹ đã dạy dỗ, không có đứa nào trở nên hận bố mẹ. Kinh nghiệm giáo dục con cái trong các gia đình Việt Nam (tại Việt Nam) cho thấy như vậy.

Một đối sách hữu hiệu đối với Bắc Hàn (cũng như đối với Iran, và –đáng lẽ – trước đây đối với Iraq) là đừng quá quan tâm đến các chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của các nước đó. Thế giới đang đầy dẫy vũ khí nguyên tử: Hoa Kỳ Liên bang Nga, Anh, Mỹ, Pháp, Trung quốc , Ấn Độ, Pakistan, chưa kể Do Thái ai cũng biết, và có thể cả Đài Loan, Nam Hàn, Ba Tư … thì có thêm Iran, Bắc Hàn cũng không làm cho thế giới trở nên bị đe dọa hơn.
Bắc Hàn và Iran nếu có bom nguyên tử cũng chỉ mất công tồn trữ và để nhìn thôi chứ chẳng dám dùng đánh ai. Họ có đủ thông minh để biết rằng mang mấy quả bom thô sơ đó ra dùng đánh người khác (thí dụ Iran đánh Do Thái, hay Bắc Hàn đánh Nam Hàn) là tự sát và cũng chẳng có nước nào (như Trung quốc, Liên bang Nga) dại dột đến bênh vực mình.

Phương cách hữu hiệu hiện nay đối với các quốc gia “bất trị” (rogue states) đặc biệt là Bắc Hàn là Nam Hàn và Hoa Kỳ công bố một chính sách “ăn miếng trả miếng”. Nếu Bắc Hàn gây hấn thí dụ như vụ bắn chìm chiếc tàu Cheonan hay vụ bắn trọng pháo vào đảo Yeonpyeong Nam Hàn sẽ trả đũa đến mức tối đa.

Nhiều học giả như Patrick M. Conin, giám đốc Asia-Pacific Security Pragram, một cơ sở không đảng phái chuyên nghiên cứu về sự an nguy của Hoa Kỳ tại Washington D.C mới đây viết cho CNN cho rằng hình thức “ăn miếng trả miếng” (escalation) có thể leo thang và đưa đến chiến tranh toàn diện. Đó là lý thuyết áp dụng cho một quốc gia hùng mạnh (một người trưởng thành) chứ không áp dụng cho một đứa bé hư như Bắc Hàn .
Bắc Hàn chỉ có thể leo thang với tính toán rằng Hoa Kỳ và Nam Hàn sẽ không chấp nhận chiến tranh vì họ sẽ mất mát nhiều (trong khi Bắc Hàn không có gì để mất), và ngoài ra Hoa Kỳ cũng như Nam Hàn đều lo ngại sự can thiệp của Trung quốc.

Tuy nhiên Trung quốc cũng không dại gì đến giúp Bắc Hàn để có thể bị kéo vào chiến tranh với Hoa Kỳ. Trung quốc đang có chương trình xây dựng sức mạnh quân sự và kinh tế để một ngày kia “so gươm” với Hoa Kỳ. Một cuộc chiến tranh quá sớm sẽ làm chậm trễ chương trình trở thành siêu cường của họ. Hơn nữa Trung quốc thừa biết rằng tại Hoa Kỳ vẫn có một phe diều hâu chủ trương đánh phủ đầu Trung quốc để bảo vệ tư thế siêu cường duy nhất trên thế giới.

Hoa Kỳ từng lo ngại sự can thiệp của Trung quốc như Trung quốc đã đưa chí nguyên quân sang Bắc Hàn khi quân Liên hiệp quốc tiến sát biên giới Trung quốc trong cuộc chiến Bắc Nam Hàn 1950-1953. Và sự lo ngại này đã làm hỏng chiến lược chiến tranh của Hoa Kỳ trong cuộc chiến Việt Nam.

Nếu vào năm 1967, khi Hoa Kỳ có nửa triệu quân tại Nam Việt Nam, Hoa Kỳ cắt tiệt đường tiếp vận binh sĩ và quân dụng của Bắc Việt vào miền Nam qua ngỏ Lào trung lập và yểm trợ cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa đổ bộ ra Bắc cắt ngang Thanh Hóa (và ngầm thông báo cho Trung quốc biết Hoa Kỳ không có ý định đụng chạm đến biên giới Trung quốc hay lật đổ chế độ Hồ Chí Minh tại miền Bắc) thì Cộng sản Bắc Việt không thể tiếp tục cuộc xâm lăng miền Nam.

Năm 1950 lúc cuộc chiến Nam Bắc Hàn diễn ra chế độ cộng sản tại Trung quốc còn mong manh và Mao Trạch Đông sợ cuộc tiến quân của Hoa Kỳ sát biên giới Trung quốc đe dọa an ninh của Trung quốc nên Mao phải can thiệp. Năm 1967 khi cuộc chiến Việt Nam lên cao độ chế độ cộng sản tại Trung quốc đã vững vàng, Trung quốc lại đang kèn cựa với Liên xô (mà Hồ Chí Minh thì đi dây nhưng vẫn có khuynh hướng thân Nga hơn) nên Mao cũng không muốn thấy Bắc Việt thống nhất Việt Nam. Tội gì Trung quốc nhảy vào hao người tốn của để tạo một quốc gia thống nhất và hùng mạnh tại biên giới phía Nam mà lịch sử từng chứng minh không chắc gì là một đồng minh tin cậy. Một nước Việt Nam chia đôi vẫn an toàn cho biên giới phía Nam Trung quốc hơn. Cái logic đó làm cho Trung quốc sẽ không can thiệp tại Việt Nam như ở Bắc Hàn.

Trong cuộc chiến tranh chống khủng bố hôm nay, chính sách : “ăn miếng trả miếng” là một chính sách mang lại ổn định và ít tốn kém hơn là chính sách đưa vào nhiều sư đoàn bộ binh đóng dài hạn để tảo trừ quân khủng bố như đã áp dụng tại AfghanistanIraq.

Hoa Kỳ tấn công Afghanistan vì chế độ Taliban dung dưỡng cho al Qaeda tổ chức cuộc tấn công 911 năm 2001giết chết 3000 công dân Mỹ. Cuộc tấn công này được thế giới yểm trợ và NATO xem là một công tác bảo vệ hòa bình thế giới và đã đóng góp quân lính và tiền bạc.

Nhưng nếu sau đó Hoa Kỳ rút quân và quốc hội Hoa Kỳ thông qua một đạo luật công bố cho thế giới biết rằng bất cứ nước nào dung dưỡng cho Al Qaeda làm căn cứ tổ chức khủng bố Hoa Kỳ, quân lực Hoa Kỳ sẽ dùng tất cả sức mạnh khả dụng để trả đũa theo nguyên tắc tự vệ chính đáng.

Vào thời gian 2001-2003, chính phủ George W. Bush nghi ngờ Saddam Hussein thông đồng với Al Qaeda và có thể đang chế tạo và tàng trữ vũ khí tàn sát tập thể để khủng bố Hoa Kỳ nên đã tấn công Iraq và do đó lún chân vào một cuộc chiến lâu dài và tốn kém đến nay vẫn chưa giải quyết xong.

Nếu Hoa Kỳ đã dùng chính sách “ăn miếng trả miếng” để cảnh cáo Saddam Hussein thì có lẽ Hoa Kỳ đã tránh được cuộc chiến tranh dai dẵng tốn kém nhân mạng và tài vật này.

Sở trường của quân lực Hoa Kỳ nhất là Không quân là có khả đánh mạnh, đánh nhanh, đánh bất thình lình, và những cuộc cuộc đột kích trả đũa theo đúng “quy ước ra quân” (rules of engagement) sẽ được nhân dân Hoa Kỳ ủng hộ và thế giới không có lý do gì để lên án. Và Hoa Kỳ sẽ được an tòan hơn.

Mười sáu năm qua (1994-2010), từ khi tổng thống Clinton ký Thỏa Ước Khung (The Agreed Framework) cung cấp cho Bắc Hàn hàng trăm triệu mỹ kim thực phẩm, dầu nhớt đổi lấy cam kết của Bắc Hàn ngưng chương trình sản xuất plutonium (TBN: để làm bom nguyên tử) và thôi không rút ra khỏi Thỏa Ước NPT, thế giới và Hoa Kỳ đã mất quá nhiều thì giờ, tài lực và nước bọt để dỗ dành chú bé Bắc Hàn. Lúc này chú bé lại được Trung quốc xúi bẩy sau lưng chú càng hư hơn nữa.

(Hoa Kỳ, Nam Hàn!) Hãy đánh cho chú một trận thật đau, chú sẽ ngồi yên, và tay phù thủy Bắc Kinh cũng phải suy nghĩ lại về chính sách “dương đông kích tây” cố hữu của mình.

Trần Bình Nam
Dec . 27, 2010
.
.
.

No comments: