26.12.2010
“...Anh vẫn nhìn thấy đôi mắt em trong những đêm mơ... đừng nói lời vĩnh biệt... hãy về lại Sorrento ...”
Đây là những lời tôi dịch vội từ bản tiếng Anh, Back to Sorrento, của bản tình ca bất hủ Torna a Surriento của Ernesto de Curtis. Tôi mê bản nhạc này từ những ngày mới bước chân vào trung học, qua lời ca tiếng Việt của Phạm Duy, Trở về mái nhà xưa. Vào lúc đó, tôi chưa hề thật sự sống xa nhà, chưa thật sự có những mất mát lớn nào, nhưng mỗi lần nghe vẫn thấy thắt ruột, cảm giác như mình đang trong tâm trạng một kẻ tha phương đang trở về ngôi nhà cũ. Cho đến một ngày, tôi vĩnh biệt tuổi thơ, rồi sống biền biệt xa nhà, sống xa bao người thân, trải qua bao mất mát kinh hoàng. Lúc đó, đêm nào nghe Luciano Pavarotti hát Torna a Surriento, tôi không ngủ được. Tôi không hiểu tiếng Ý, không hiểu ý nghĩa những lời ca tiếng Ý, nên nghe nhạc tôi liên tưởng ngay đến lời ca của Phạm Duy. Tôi mơ thời gian đi ngược, tôi mơ tôi thấy lại, tôi có lại... Tôi tưởng chừng đang nghe tiếng chân những hồn ma từ quá khứ trở về.
Tôi vào Võ Tánh năm 1952… Lúc đó trường chưa có cơ sở riêng, phải mượn một số lớp của trường Nam Tiểu Học, trên đường Hàn Thuyên. Ðến giữa năm, trường dời về trụ sở mới trên đường Bá Đa Lộc. Cũng trong năm đó, trường không còn mang tên Collège de Nhatrang, hay trường Trung Học Công Lập Nha Trang do anh cả tôi, Trương Văn Như, làm hiệu trưởng mà mang tên mới, Võ Tánh, với thầy hiệu trưởng mới, Lê Tá. Bây giờ trường mang tên Lý Tự Trọng. Ðã bao nhiêu biển dâu kể từ những ngày xa xưa đó. Nhưng mỗi khi hồi tưởng, hình ảnh nổi bật vẫn thường là hình ảnh những thằng bé sau giờ học chạy ra biển, chạy theo những con dã tràng, rong chơi, rượt bắt với bạn bè trên cát, hay hái trộm trái tra của Sở Thuốc dọc bờ biển Nha trang. Biển gắn liền với tuổi trẻ chúng tôi.
Năm mươi ba năm sau, do lời mời của Tôn Thất Chuyết, chúng tôi, một số bạn bè từ năm xưa, những thằng nhóc con của trường Võ Tánh ngày nào, lại gặp nhau, sống chung với nhau một tuần lễ trong cùng một ngôi nhà trên bãi biển. Không phải biển Nha trang mà biển Puerto Vallarta của Mễ Tây Cơ. Bãi biển chúng tôi đến còn khá hoang sơ, không giống với Nha trang bây giờ nhưng khá giống với Nha trang của 53 năm trước. Với mái tóc đã bạc hay ít nhất cũng đã muối tiêu, chúng tôi đều mang bà xã theo. Đến đây để thăm Chuyết, đang làm đồn điền ở đó, và để được sống trong một không gian ít nhiều giống không gian những ngày cũ. Trong số này, có vài người hơn 40 năm chưa gặp lại. Khi gặp, tất cả đều đã qua những chuỗi dài ngày tháng khác hẳn nhau.
Những ngày ở Puerto Vallarta, mỗi sáng chúng tôi đều xuống ngâm mình dưới biển, không bơi nhưng tụm lại nói chuyện xưa. Đứa nào còn, đứa nào mất. Đứa này bây giờ ra sao, đứa kia bây giờ ra sao. Tôi muốn nói ra đây vài lời về hai người bạn được nhắc đến trong những câu chuyện đó: chị Trần thị Hảo và Đồng Sĩ Thạnh. Các bạn tôi không biết hiện giờ chị Hảo ra sao nhưng tôi biết. Tôi không biết những gì đã xảy ra cho Đồng Sĩ Thạnh nhưng các bạn tôi biết rõ. Nghĩ đến họ, tôi không thể không hồi tưởng đến căn nhà cũ của tôi trên đường Hàn Thuyên. Từ trong nhà ngó ra, tôi có thể theo dõi bước chân của biết bao bạn bè đi học phải đi ngang qua đó. Có nhiều người tôi không bao giờ gặp lại, trong đó có chị Hảo. Tôi không bao giờ quên được nét mặt phúc hậu của chị. Chị lớn lên trong một gia đình có đức tin tôn giáo mạnh. Anh ruột chị, anh Trần Bá Lộc có thời gian làm quận trưởng Diên Khánh và từng là một giáo viên giỏi ở Nha Trang. Một người anh khác, Trần Bá Khương, là con rể của thầy Cung Giũ Nguyên. Sau 75, chị Hảo dắt đứa con gái duy nhất vượt biển nhưng cả hai không bao giờ tới nơi, không bao giờ trở về. Số phận đó cũng đến với một số người thân của anh Lộc. Về Đồng Sĩ Thạnh, đến lúc đó tôi mới biết là Thạnh đã tử trận từ trước 75. Một năm sau lần hội ngộ ở Puerto Vallarta, tôi có về thăm Việt nam. Tình cờ, khi đến một nghĩa trang tư ở ngoại ô Nha Trang để viếng mộ ông bà nhạc, tôi chợt thấy ngôi mộ của Thạnh, không biết ngôi mộ xây từ lâu hay mới dời về đó. Trên mộ, có hình của Thạnh, còn rất rõ, trong áo nhà binh, tóc ngắn, khoảng tuổi 25 đến 30, đẹp trai, trong sáng. Tôi cắm trên mộ Thạnh một nén nhang.
Một buổi tối ở Puerto Vallarta, chúng tôi được mời đến dùng cơm tại nhà một gia đình người Ý, bạn của Chuyết. Gia đình này sang Mễ Tây Cơ lập nghiệp khá lâu. Họ có một phòng tranh gần chỗ chúng tôi ở. Tranh chưng bày ở đó không có gì đặc sắc, nhưng ngôi biệt thự của họ thật xinh xắn. Từ sân thượng nhìn ra xa, qua những mái nhà ngói đỏ san sát là biển Puerto Vallarta. Hôm đó họ có mời vài người bạn Ý và một người Ðức mới đến làm ăn ở đây từ Canada. Sau bữa cơm tối kiểu Ý, tất cả lên sân thượng ngồi uống cà phê, nói chuyện và ca hát. Người bạn Ðức phụ họa bằng accordéon. Tôi yêu cầu họ hát Torna a Surriento. Bài ca bất hủ này người Ý nào cũng biết. Những người Ý và Ðức đều xa quê hương nên họ hát và đờn Torna a Surriento một cách say sưa. Hát rất to. Ðang nửa chừng bỗng chúng tôi nghe một giọng nữ cao vút… Về đây nghe tiếng hú hồn mê oan… Giọng hát của chị Oanh, bà xã của Thuần, trong sáng, tha thiết. Nhóm bạn Ý vội ngưng để lắng nghe, để chị hát tiếp một mình. Những người bạn Ý chắc không biết rằng Torna a Surriento với lời Việt của Phạm Duy đã gắn liền với tuổi trẻ chúng tôi như thế nào, đặc biệt vào những tháng ngày chúng tôi sống xa quê. Lời của Phạm Duy trong Trở Về Mái Nhà Xưa không hẳn là bản phỏng dịch của Torna a Surriento. Trong bản tiếng Việt, về lại Sorrento không phải chỉ để mong gặp đôi mắt ngày cũ, mà để nghe tiếng hú hồn mê oan, để đốt ánh đèn im bóng vào rêu xanh, để thấy kiếp xưa bước nhẹ về, để ngồi im bóng lắng nghe tháng ngày qua... Và, dù lời hát có khác nhau, tiếng nhạc của Torna a Surriento lúc nào nghe cũng tha thiết, thắt ruột.
Tháng 8 năm đó, nhân một chuyến du lịch vùng Địa Trung Hải, vợ chồng tôi cùng với hai người bạn quyết định đi thăm Sorrento. Từ Naples về Sorrento, xe bus chạy dọc theo bờ biển khoảng bốn tiếng đồng hồ. Tuyệt đẹp. Khi gần đến nơi, một thiếu phụ Mỹ ngồi bên cạnh hát khe khẽ bản Back to Sorrento , ... when I pass a garden air and the scent is in the air in my mind a dream awakes and my heart begins to break... Back to Sorrento không còn là của riêng của Ernesto DeCurtis, cũng không còn là của riêng người Ý. Nó trở thành một bài hát của bao nhiêu người đã từng có một tình yêu sâu đậm cho một người, một mái nhà, một vùng đất đã rời bỏ đi mà nếu có trở về cũng chỉ còn cảm nhận được những hồn ma ngày cũ. Sorrento cũng là một thành phố biển, không có những bãi cát thoai thoải như Nha Trang mà từ biển nhìn lên chỉ thấy những vách đá thẳng đứng. Trong tác phẩm của thi hào Homer, Sorrento là nơi trú ngụ của những mỹ nhân ngư, chuyên dùng tiếng hát mê hoặc mấy tay thủy thủ lỡ dại đi ngang vùng biển này, để rồi từ từ ru họ vào cõi chết. Ngày nay, Sorrento là một thành phố du lịch khá nổi tiếng của Ý. Tuy nhiên, rất nhiều du khách đến đây không phải vì thành phố biển đó đẹp, mặc dầu nó đẹp thật, mà chỉ vì bản Torna a Surriento mà trong tuổi trẻ của họ, họ đã từng nghe đã từng hát và đã giao cảm với tâm trạng của tác giả.
Mỗi người trong chúng ta đều có một Sorrento cho riêng mình. Với nhiều người trong chúng tôi, Nha Trang có thể cũng là một Sorrento, nhưng Nha Trang trong nghĩa này chắc không phải chỉ là biển, chỉ là thành phố. Biển thì ở đâu lại không có, và có rất nhiều bãi biển đẹp hơn. Thành phố cũng thế. Nhưng cái gì khiến mỗi lần nghe Back to Sorrento tôi thắt ruột và nhớ đến Nha Trang? Hay, có nhiều đêm, chỉ nghe tiếng sóng biển cũng nhớ đến Nha Trang, ngửi hơi gió biển cũng khiến nhớ đến Nha Trang? Có lẽ vì Nha Trang liên hệ chặt chẽ đến một thế giới của tuổi trẻ, trong đó có biển, có phố, có những hàng cây, những con đường... Và, trên hết, ở đó, không phải chỉ có hạnh phúc mà còn có đau buồn, mất mát. Không phải chỉ có niềm vui mà còn có luyến tiếc, ray rức, nợ nần. Không phải chỉ có thành công mà còn có thất bại. Không phải chỉ có điều tốt mà còn biết bao lỗi lầm... Nhưng đặc biệt, đó là một thế giới mang đầy dấu vết sâu đậm từ những liên hệ con người. Rất đặc thù. Một thế giới riêng cho mỗi người trong chúng ta.
Thời gian ở Puerto Vallarta , chúng tôi thường nhắc đến những hình ảnh từ thời còn đi học ở Nha Trang mà mỗi đứa đều nhớ rõ. Những hình ảnh đó không hoàn toàn giống nhau với mỗi đứa. Chẳng hạn, với tôi, hình ảnh còn in sâu đậm là cảnh sau đêm bão Nhâm Thìn, đèn điện đều tắt, nước biển tràn lên đến tận nhà Bưu Ðiện. Lúc đó, tôi khoảng hơn 10 tuổi, kéo vài bạn bè chạy xuống xem sóng lớn trong đêm, vừa vui vừa sợ vừa lạnh. Trước đó vài tháng, cũng ở khoảng biển đó, khi nghe tin một thiếu nữ vừa tự tử, tôi chạy xuống xem vừa kịp nhìn thấy cảnh một số thanh niên đang đưa xác cô gái lên bờ. Hôm đó biển động. Ðó là lần đầu tiên tôi chứng kiến một xác chết trên biển. Tôi bắt đầu thấy rằng biển cũng khá tàn bạo, không phải lúc nào cũng êm đềm như lúc biển lặng nhào xuống tung tăng bơi lội hay kéo nhau rượt đuổi trên cát.
Một hình ảnh chúng tôi nhớ khá nhiều là hình ảnh những người đàn bà điên trong thành phố. Khi nhắc đến họ tôi có một ray rứt. Trong đời sống, những ray rứt hay những luyến tiếc nhiều biết chừng nào. Nhưng có những cái thoạt nghĩ không có gì quan trọng mà lại luôn luôn còn đó, để trở thành một phần bất khả ly của một thế giới trong hồi tưởng. Một người đàn bà điên tôi nhớ đến nhiều nhất là Bà Hai, ở trước ngôi nhà cũ của tôi trên đường Hàn Thuyên. Bạn bè tôi hầu hết đều nhớ đến hình ảnh một người đàn bà thường ngồi vắt vẻo trên bức tường trước nhà, la hét, chỉ chỏ, cười nói, chửi rủa. Năm tôi khoảng mười tuổi, bà chưa điên. Một buổi chiều gần tối, khi đang chia phe đánh lộn với lũ bạn trong xóm thì có một đứa bé khoảng năm tuổi đến nói với tôi là bà Hai gọi tôi. Tôi theo nó vào nhà, một căn nhà tăm tối nhỏ như một cái am, ở sau những căn nhà cất cho nhân viên quan thuế. Bà Hai muốn tôi viết giùm một bức thư cho mạ và những bà con của bà ở Huế. Bà đọc cho tôi viết và hứa sau khi viết xong sẽ cho tôi hai đồng. Ðang viết nửa chừng, tôi nhớ đến “trận đánh” ngoài kia nên nói với bà tôi phải chạy ra chơi sau đó sẽ trở lại viết tiếp. Tôi đã không trở lại viết tiếp. Rồi quên bẵng đi cho đến khi tôi đã trở thành người “lớn”, đã lập gia đình, có con, và bà Hai đã trở thành bà Hai “điên”. Các con tôi mỗi khi gặp bà đều trốn chạy. Những lúc bà tỉnh táo tôi có hỏi thăm gia đình bà nhưng không dám nhắc lại chuyện bức thư viết dở. Cách đây tám năm, tôi có về lại Nha Trang, có đến những căn nhà đó. Mọi thứ hoàn toàn thay đổi. Bà Hai điên không còn nửa. Lúc đó, tôi thật sự có một mơ ước, là ngày xưa, tôi đã viết xong bức thư cho bà, bức thư để bà gửi cho mạ. Bức thư tôi viết dở dang chẳng dùng được gì cả, chẳng có nghĩa gì cả. Một ước mơ nhỏ nhưng sẽ không bao giờ thực hiện được. Mà trong đời tôi, có rất nhiều ước mơ rất nhỏ, có từ thời còn đi học ở Nha Trang, ấp ủ rất lâu nhưng đến khi có cơ hội thực hiện thì lại coi thường rồi để vuột mất. Không nói chi đến những ước mơ lớn.
Tôi bắt đầu tập chơi guitare cổ điển khi lên trung học, nhưng chỉ học lóm với bạn bè và thường thì tự học. Dĩ nhiên không thế nào đờn hay được bằng một cách học như vậy. Dầu sao, tôi cũng mê đờn một thời gian khá lâu, và đặc biệt nhờ đó tôi làm quen và ham thích nhạc cổ điển tây phương. Lúc đó Nha Trang không có trường hay lớp dạy nhạc cổ điển. Qua một số đĩa nhạc do một người du học ở nước ngoài mang về, tôi nghe được tiếng đàn guitare của Andres Segovia và một số bài giao hưởng trình tấu bởi dàn nhạc nổi tiếng của thành phố Philadelphia dưới sự điều khiển của nhạc trưởng thời danh Eugene Ormandy. Ðĩa cũ, máy cũ, tiếng nhạc rè rè khiến tôi mơ một ngày nào đó được tận mắt nhìn và nghe Segovia hay dàn nhạc Philadelphia với Ormandy trình tấu. Những giấc mơ đó tuy tầm thường nhưng lại rất xa vời với một học trò tỉnh lẻ ở Việt Nam vào lúc đó. Quá xa vời để không dám ấp ủ, và rồi lần lần quên đi. Guitare thì thỉnh thoảng vẫn cầm lên chơi cho đỡ buồn và càng lúc càng biết rõ mình chơi sai.
Ðầu tháng tư 1975, Nha Trang đổi chủ. Bao nhiêu ước mơ lớn vẫn còn ấp ủ đến lúc đó bay biến hết, nói chi đến chuyện đờn địch. Một buổi sáng, tôi còn nhớ rất rõ, Nguyễn Văn Tài đến chơi. Thấy cây đờn tôi treo trên tường, Tài lấy xuống và bắt đầu đánh một số đoãn khúc của Francisco Tarrega. Tôi rất ngạc nhiên. Tôi chơi với Tài từ lâu lắm, nhưng không hề biết là Tài chơi guitare classique và chơi rất hay, rất đúng sách vở. Khi Tài sắp về, tôi bảo Tài lấy cây đàn của tôi về đi, cây đàn tương đối tốt cho guitare classique. Tài lắc đầu. Sau đó không lâu, tôi từ biệt Nha Trang. Sang Mỹ, tôi có mua một cây đàn rẻ tiền và thỉnh thoảng vẫn cầm lên chơi dù vẫn chơi dở như ngày nào. Thành phố tôi ở là Philadelphia . Dàn nhạc giao hưởng của thành phố này vẫn đang nổi tiếng và nhạc trưởng Ormandy vẫn còn đó. Rất nhiều lần tôi đi qua lại trên đường Broad nơi trình diễn của dàn giao hưởng và định mua vé vào xem. Nhưng tiền học bổng ít, những thứ cần chi lại nhiều, tôi không dám mua vé, và luôn tự hứa là để khi nào có tiền sẽ trở lại xem. Sau này khi về vùng DC làm việc, đã có điều kiện tương đối về tài chánh, định trở lại Philadelphia thực hiện giấc mơ nhỏ ngày nào. Lúc đó mới biết Ormandy đã nghỉ hưu và dàn nhạc Philadelphia không còn phong độ như trước nữa. Eugene Ormandy là một thiên tài âm nhạc. Ông sinh ở Hung Gia Lơị, mới 7 tuổi đã trình tấu vĩ cầm, và tốt nghiệp thạc sĩ về âm nhạc khi chỉ mới 14 tuổi. Ông di cư sang Hoa Kỳ năm 1921, điều khiển dàn giao hưởng Philadelphia từ 1936 đến 1980 và mất ở đó năm 1985. Cũng trong khoảng đầu thập niên 1980 đó, tôi được tin Andres Segovia đến vùng Washington DC để trình diễn guitare cổ điển tại trung tâm Kennedy, không xa nơi tôi ở. Không nhớ vì lý do gì tôi không đến xem được, để rồi sau đó mới biết đây là lần trình diễn cuối cùng của Segovia ở vùng này. Segovia, người Tây Ban Nha, là một bậc thầy vĩ đại của guitare cổ điển, người đã đưa cây đàn guitare lên hàng nhạc cụ hòa tấu. Ông mất ở Madrid năm 1987, lúc 94 tuổi.
Trở lại câu chuyện với Nguyễn Văn Tài. Tài là bạn thân của tôi từ thời trung học. Khi về thăm Việt Nam, chúng tôi thường đi chơi với nhau, nhắc lại những chuyện tình xưa cũ như kể chuyện trong mơ. Tài vẫn còn độc thân, đã về hưu, và được giữ lại dạy toán cho một ít học trò theo chương trình Pháp. Tôi tỏ ý tiếc là Tài không tiếp tục chơi đàn nữa. Tài không nói gì. Trong một buổi họp mặt với một vài thầy giáo và nhiều đồng nghiệp, bạn bè cũ, tôi có mời thầy Ngân lên hát lại cho chúng tôi nghe bản One Day của Johann Strauss. Thầy Ngân với thầy Ðào là hai thầy dạy Anh văn của chúng tôi thời trung học, cả hai đều rất tài hoa, và đều có mặt trong buổi tối hôm đó. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe được bản One Day là do thầy Ngân hát trong lớp khoảng năm tôi 14 hay 15 tuổi. Tôi không bao giờ quên được hình ảnh của thầy khi hát bản này. Khi tôi yêu cầu thầy lên hát, thầy cười nhưng từ chối, có lẽ thầy nghĩ là mình đã già rồi. Nhưng một đồng nghiệp cũ của tôi, cô Lộc, dạy Pháp văn, và trước 1975 có thời gian là bí thư của Viện trưởng Ðại học, lên hát bản đó. Cô Lộc hát rất hay, rất có hồn, nhưng lại không thuộc hết bản, vì chắc cũng đã lâu lắm rồi không hát. Bất ngờ, Tài bước lên lấy micro từ tay cô Lộc, hát tiếp. Tài hát một cách say mê. One day when we were young, one wonderful morning in May, you told me you loved me...
Trong những lúc ngâm mình ở biển Puerto Vallarta, chúng tôi nhắc nhiều đến những bạn từ nhỏ đã đi vào con đường văn chương. Không kể lớp đàn anh như Nguyễn Xuân Hoàng, Nguyễn Hữu Trí, hay lớp sau như Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Tôn Nữ Nha Trang, đồng lớp với chúng tôi cũng có khá nhiều, như Nguyễn Mộng Giác, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Ðức Sơn, Nguyễn Văn Liễu (tức Trịnh Cung, họa sĩ và cũng là nhà thơ), Trần Văn Nam, Bùi Cao Hoành (Cao Hoành Nhân), Lê Hữu Phước (Hải Phương), v.v… Với Hải Phương tôi có một nợ nần đặc biệt, đúng ra là nợ nần với chị Quận, bà xã của Hải Phương. Cả hai học cùng lớp với tôi. Nhà chị Quận ở Phan Thiết nhưng chị ra trọ học ở Nha Trang vì lúc đó Phan Thiết chưa có đệ nhị cấp.
Năm tôi học đệ tam, đoàn Hướng Ðạo Nha Trang có tổ chức trại ở Phan Thiết. Vài tháng sau cái chuyến đi trại ở Phan Thiết đó, tôi đương đầu với một khủng hoảng. Không phải khủng hoảng về tình yêu, mà về thần tượng. Khá nặng. Nhưng rồi ngày tháng qua, lập gia đình, đi dạy học, đi lính, rồi bao nhiêu thăng trầm trong đời, tôi gần như quên đi cái khủng hoảng thời trẻ trung đó. Cho đến khi, chỉ mới đây thôi, nhân chuyến về thăm Việt Nam hơn hai năm trước, Nguyễn Thị Hoàng Bắc có nhờ tôi chuyển một lá thơ cho một chị bạn ở Sài Gòn. Tưởng ai, té ra là bạn học chung với tôi thời đó, và cùng sinh hoạt Hướng Ðạo với nhau. Chị rất giỏi toán, xinh đẹp, hiền lành, rất lý tưởng, rất trong sáng. Sau khi xong trung học, chị vào Sư Phạm rồi dạy toán ở một trường trung học miền Trung. Lần này về Sài Gòn, vợ chồng tôi đến thăm gia đình chị. Rất vui. Chồng chị cũng là nhà giáo, một người đàn ông rất lịch thiệp. Chúng tôi ngồi kể lại chuyện xưa, hỏi thăm từng bạn bè cũ. Thình lình, chị hỏi tôi về những khủng hoảng của thời học trò mà tôi và chị cùng một số bạn bè khác đã trải qua. Tôi chỉ nói với chị là tôi rất buồn về chuyện đó, rồi thôi. Không ngờ, sau khi về lại Mỹ, tôi nhận được một số e-mail của chị, nói rất nhiều về khoảng thời gian đó, những khủng hoảng đó, với những xúc động rất mạnh như chuyện chỉ vừa xảy ra hôm qua. Cái khủng hoảng mà tôi với chị cùng có hơn 45 năm trước, chị vẫn còn ám ảnh đến ngày hôm nay.
Tôi muốn nói rõ hơn ở đây. Lúc đó, chúng tôi có một ông thầy dạy toán đẹp trai, nói chuyện rất có duyên, nói rất nhiều về những điều thật lý tưởng với đầy tánh thuyết phục, và đồng thời cũng là một huynh trưởng Hướng Ðạo. Với tôi, ông quả thật là một thần tượng. Dĩ nhiên, không phải chỉ với tôi thôi. Ở vào tuổi mới lớn, khoảng mười lăm, mười sáu, trong một tỉnh lẻ, sự hiện diện của một thần tượng như vậy mang lại biết bao nhiêu niềm vui cho những đứa được thân và gần gũi với ông. Nhưng rồi, chúng tôi khám phá một số chuyện không vui về ông. Về bằng cấp giả, về những lời không thật, về chuyện lăng nhăng với học trò gái,... Tuổi trẻ, dễ tin nhưng cũng dễ phẫn nộ. Tôi bỏ lớp học một thời gian, rủ vài bạn về nhà quê tự học chung với nhau. Cũng từ đó tôi bỏ không sinh hoạt Hướng Ðạo nữa. Tôi biết, chị bạn gái của tôi là một trong những đối tượng của ông. Tuy nhiên, tôi cũng biết dù là một nữ sinh hồn nhiên nhưng chị rất thông minh để gìn giữ sự trong sạch, do đó chắc chắn đã không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra. Nhưng, tính lý tưởng và ước mơ sống trong một môi trường đầy lý tưởng với những người thầy, người đàn anh tài ba, trong sạch để hướng dẫn mình, quá mạnh nơi chị. Sự sụp đổ tình cảm và tâm lý tạo một vết thương lớn đến nay vẫn chưa lành được. Nhận e-mail, tôi chỉ trả lời với chị là ngày nay nhìn lại chuyện cũ đó rồi so với những sụp đổ tinh thần khác đã trải qua sau này tôi thấy chuyện đó cũng... bình thường thôi. Nói thế nhưng tôi hiểu, với các học trò hồn nhiên và lý tưởng như chị, những chuyện như vậy xảy ra ở thời trung học khó quên lắm. Nói đến đây, tôi không thể không liên tưởng đến lỗi lầm của một vài vị thầy cho đến hôm nay tôi vẫn thật sự kính mến vì những cống hiến của họ cho trường học quá lớn và do tính cách của lỗi lầm có khác. Tuy nhiên, dù có khác, dù có sự đồng thuận hay bị động, những lỗi lầm như vậy nếu không xảy ra ở trường học vẫn tốt hơn. Dầu sao, cuộc đời vốn phức tạp, con người vốn phức tạp, và có ai không từng mắc lỗi lầm, cách này hay cách khác, nên mọi phán đoán về con người chỉ có tính tương đối.
Tôi và Nguyễn Ðức Sơn có những liên hệ đặc biệt. Chúng tôi học chung với nhau từ tiểu học. Ba Sơn, thầy Nguyễn Đức Nhơn, là thầy dạy Pháp văn của tôi ở trung học. Má Sơn là bạn của má tôi. Thầy Nhơn đi kháng chiến từ 1945 hay 1946. Cô ở lại Nha Trang, tần tảo nuôi con. Thời gian chúng tôi sinh hoạt Hướng Ðạo, hầu hết những cái lều bị rách đều được cô vá lại. Năm 1954, sau hiệp định Genève, thầy Nhơn không đi tập kết, trở về lại Nha Trang. Không hiểu vì sao sau đó hai người ly dị nhau, các con chia đôi. Chúng tôi đều để ý là từ lúc đó Sơn là một đứa học trò đầy phẫn nộ. Mọi người đều thấy rõ là Sơn luôn tỏ ý bất mãn với thầy. Tuy nhiên, mãi sau này, khi Sơn đã là một nhà thơ nổi tiếng, Sơn có viết một bức thư cho cha, rất cảm động, đăng trong một cuốn thơ xuất bản trước 1975. Trong chuyến về thăm Việt Nam cách đây tám năm, tôi có gặp Sơn nhiều lần, và có lúc tôi định hỏi vài vấn đề riêng tư liên quan đến gia đình, đặc biệt, liên quan đến thầy cô Nhơn, nhưng rồi không có dịp thuận tiện nên thôi. Sơn có một cá tính đặc biệt, một cá tính mạnh, điều đó bạn bè và những người đọc sách của Sơn đều biết. Sơn có một thế giới riêng, có vẻ như cố làm cho quái dị. Thật sự, dưới lớp ngoài trông rất phức tạp, Sơn là một người chơn chất. Sơn là một tài năng của văn học Việt Nam . Nhưng vượt lên cả tài năng, Sơn là một mẫu nhà văn và trí thức rất hiếm hoi, dám sống và nói thật về điều mình tin, nhất là trong hoàn cảnh xã hội Việt Nam của vài chục năm qua. Có thể những điều Sơn tin và sống hết lòng với nó không hẳn được mọi người chia sẻ, nhưng cách sống đó đáng được kính phục. Thơ của Sơn phản ảnh hoàn toàn con người Sơn. Mỗi lần chạy lòng vòng với cuộc sống ở Mỹ và cả lòng vòng với trí óc của chính mình, tôi thường nghĩ đến một bài thơ của Sơn, và thường đọc cho bạn bè nghe:
Khi thấm mệt tôi đi luồn ra núi
Cuối chiều tà chỉ gặp bãi hoang sơ
Bước lủi thủi tôi đi luồn vô núi
Nghe nắng tàn run rẩy bóng cây khô
Chân rục rã tôi đi luồn ra núi
Hồn rụng rời trước mặt bãi hư vô.
Ðầu năm ngoái, khi xem một phim vidéo quay lại buổi họp mặt bạn bè Võ Tánh 1952-1958, tôi rất vui khi thấy Sơn trong đó. Khá bất ngờ, vì tôi biết Sơn rất kỵ những họp mặt như vậy. Tôi chờ đợi Sơn lên nói điều gì nhưng không thấy. Sau đó, tôi biết sở dĩ không ai dám mời Sơn lên nói vì sợ những điều Sơn nói... gây rắc rối. Tôi thông cảm với bạn bè nhưng tôi không vui. Chúng ta thường chỉ thích nghe hay nói những lời “phải đạo” và do đó những gì được nói ra trong những họp mặt của trường này trường nọ, ở nơi này nơi nọ, thường rất giống nhau. Mà nếu cuộc đời chỉ được tạo nên bằng những gì “chung chung”, những gì “phải đạo” thì làm sao có được một “Sorrento” riêng cho mỗi người, để phải thắt ruột mỗi khi muốn về lại.
Nói đến Sơn tôi không thể không nhớ đến những bài học với thầy Nhơn. Bài học khó quên nhất là bài giảng về truyện ngắn La Chèvre de monsieur Seguin (Con dê cái của ông Seguin ) của Alphonse Daudet. Con dê con của ông Seguin rất dễ thương, ngoan ngoãn, được nuôi tử tế trong vườn sau của ông. Nhưng rồi, một ngày kia, cũng như những con dê trước đó, nó phá rào, chạy lên núi, nơi đó những con sói hung tợn đang chờ. Dê con đã dùng chiếc sừng nhỏ bé tử chiến với sói suốt đêm. Đến hừng đông, nó gục ngã. Thầy Nhơn giảng bài đó rất hay. Khi giảng, thầy như sống với tâm trạng của dê con. Tôi nhớ mãi bài học đó, thích thú với câu chuyện của Alphonse Daudet nhưng càng lớn tôi càng không đồng ý với cái kết thúc của chuyện. Tôi biết, từ đời sống thật, có rất nhiều, rất nhiều dê con đã vượt khỏi nanh vuốt của sói để tự do tung tăng trên đỉnh non cao. Một bài khác cũng rất khó quên, được học từ khoảng thời gian này, là bài J’accuse (Tôi tố cáo) của Émile Zola. Nhà văn Émile Zola viết J’accuse để tố cáo chính phủ Pháp, quân đội Pháp, giáo hội Công giáo Pháp vả cả nhân dân Pháp vì tất cả đã sai lầm trầm trọng khi kết tội đại úy Alfred Dreyfus làm gián điệp cho Đức. Cả nước Pháp nổi giận, kết tội Émile Zola. Rất ít người đồng ý với ông. Émile Zola phải trốn sang Anh và chết năm 1902. Bốn năm sau, nước Pháp chính thức công nhận Émile Zola đúng, đại úy Dreyfus vô tội. Cho mãi đến hôm nay, hơn một trăm năm sau, hầu như các trường học nào trên thế giới cũng đều có giảng dạy về vụ án Dreyfus và bài J’accuse của Émile Zola. Với tôi, hai bài học này lúc nào cũng được tiếp tục học và không phải lúc nào cũng thuộc.
Bài J’accuse tôi không học từ thầy Nhơn mà học từ thầy Nguyễn Suyên, một thầy dạy văn rất giỏi về Đường thi. Thầy dạy bài này vào một thời gian ngắn thầy tạm phụ trách môn Lịch sử Thế giới thay người khác. Khi chúng tôi còn học ở Sài gòn, thầy Suyên mất. Hè năm đó, khi về lại Nha trang, tôi và các bạn có đến thăm mộ thầy, ở bên kia cầu Hà Ra. Đứng trước mộ, Hường bắt chước giọng ngâm của thầy, ngâm bốn câu đầu trong Binh Xa Hành của Đỗ Phủ. Xa lâng lâng mã tiêu tiêu, hành nhân cung tiễn các tại yêu, gia nương thê tử tẩu tương tống, trần ai bất kiến Hàm dương kiều. Tôi nhớ lại, thầy Suyên thường ngâm bốn câu này trong lớp, bằng cách ngâm theo giọng Bình Định rất đặc biệt của thầy. Về văn, tôi là một học trò loại trung bình và khá lười biếng nên ít khi thuộc thơ. Tuy nhiên, bốn câu đó tôi thuộc và thỉnh thoảng đọc lên mà thật sự không nhớ mình học được từ đâu. Bây giờ thì tôi nhớ. Ngày nay, cái nghĩa trang nơi chôn thầy Suyên đã bị san bằng, nhà cửa được xây san sát trên đó. Trong chúng tôi, không ai biết nắm xương tàn của thầy hiện nằm đâu. Cũng như, chắc không mấy ai biết ngôi mộ của thầy Nhơn nằm đâu. Nhưng tôi tin rằng những bài học của các thầy vẫn còn nằm đâu đó trong tiềm thức rất nhiều học trò cũ.
*
Trong chuyến về Việt nam đầu tiên, năm 2001, tôi thường đến thăm thầy Cung Giũ Nguyên. Lúc đó, thầy còn rất khỏe và hai thầy trò đi ăn tối với nhau nhiều lần. Năm 2006, tôi có về lại. Lần này, thầy đã yếu lắm, không đi đâu. Buổi chiều trước khi rời Nha trang, tôi đến từ giã và ngồi nói chuyện với thầy khá lâu. Thầy nói nhiều. Nói chuyện cũ, nói chuyện mới, nói cả suy nghĩ của thầy về những gì đang xẩy ra nơi tôi sống, bên này bờ đại dương. Đôi lúc, theo phản ứng tự nhiên của một anh học trò ưa cãi, tôi định ngắt lời thầy nhưng kịp dừng lại. Tôi ngồi im lắng nghe từng lời nói của thầy và bắt đầu cảm nhận mình đang hưởng những giây phút mà không biết bao giờ mới có lại.
Về lại Mỹ, tôi bắt đầu viết bài này. Sau đó bỏ ngang vì thấy chứa quá nhiều cái riêng tư, lỉnh kỉnh. Không lâu sau, tôi được tin vài học trò cũ, rất gần gũi, mới gặp lại sau hai mươi lăm năm xa cách, đột ngột ra đi. Nguyễn Lương Thuật, tôi mới biết là có một thời cùng sinh hoạt Hướng đạo với nhau, định khi gặp lại sẽ hỏi han thêm những kỷ niệm thời đó, cũng đột ngột ra đi. Vài bạn bè khác cũng thế. Rồi, một hôm, đến thăm bà xã anh Nguyễn Nho nằm trên giường bệnh. Mới ngày nào, anh chị đến nhà tôi chơi, bây giờ chị nằm đó, ngó thẳng vào tôi, không chớp mắt, không nhận ra ai. Qua anh Nho, tôi thấm thía với bài học về tình yêu, lòng tận tụy và tính tự tại. Rồi, hè năm ngoái, má tôi mất. Cuối năm, thầy Nguyên mất. Đầu năm nay, một bạn thân từ những năm đầu đại học, Trần Duy Nhiên, đột ngột qua đời. Tôi ngồi vào bàn computer, sửa lại chút đỉnh rồi tiếp tục bài viết này. Tôi tin rằng, nếu bây giờ tôi có nói lan man chuyện cũ chắc bạn bè không mấy ai trách.
Mỗi người trong chúng ta đều có một Sorrento, để về lại trong hồi tưởng. Dù có lẫn lộn với bao cảm xúc trái nghịch nhau, khi về lại, ít nhiều chúng ta cũng tìm được ở đó một gốc để nghỉ ngơi. Tôi xin kết thúc bài viết bằng một câu chuyện phỏng dịch từ cuốn sách nhỏ, The Giving Tree, của Shel Silverstein. Ông viết và minh họa cho trẻ con lẫn người lớn. Những minh họa của Silverstein độc đáo, tôi đề nghị các bạn tìm xem cuốn sách, do Harper Collins Publishers xuất bản. Câu chuyện như thế này:
Ngày xưa có một cây táo... nó yêu một thằng bé
Mỗi ngày thằng bé đến chơi với cây
Kết lá làm vương miện, đội lên đầu như chúa tể rừng xanh.
Thằng bé trèo lên thân cây, đu cành cây, ăn trái
Rồi chơi trò cút bắt với cây.
Khi mệt nó nằm ngủ dưới bóng mát.
Nó yêu cây táo vô cùng
Cây thấy mình hạnh phúc.
Thời gian qua...
Thằng bé lớn lên và không còn đến chơi với cây như ngày nào.
Cây thấy cô đơn.
Một ngày kia, thằng bé trở lại, cây bảo:
“Này thằng bé, hãy đến đây, trèo lên thân ta, đu cành ta, ăn trái cây của ta, và vui đùa dưới bóng mát của ta.”
Thằng bé trả lời:
“Ta lớn rồi, đâu còn leo trèo và chơi đùa như thế nữa.
Ta cần tiền để mua sắm và vui chơi như người lớn.
Ngươi có tiền cho ta không?”
Cây bảo:
“Ta không có tiền. Ta chỉ có lá và trái cây.
Này thằng bé, hãy hái táo của ta đem ra chợ bán.
Mi sẽ có tiền và mi sẽ sung sướng.”
Thằng bé liền trèo lên cây, hái thật nhiều táo rồi mang đi.
Cây thấy mình hạnh phúc.
Nhưng rồi, lâu lắm không thấy thằng bé
Cây táo buồn.
Bỗng, một ngày kia thằng bé trở lại, cây rung cành lên hớn hở:
“Lại đây, thằng bé, hãy trèo lên thân ta, đu những cành ta, và hãy vui đùa thỏa thích.”
Thằng bé bèn nói:
“Ta đâu có thì giờ để leo trèo
Ta lạnh lẽo và cần một mái ấm
Ta muốn có vợ, có con, nên cần một mái nhà.
Ngươi có nhà cho ta không?”
Cây trả lời:
“Ta không có nhà, cả khu rừng này xem như nhà của ta.
Nhưng, mi có thể chặt những cành cây của ta để cất nhà.
Mi sẽ sung sướng.”
Và như thế, thằng bé chặt hết những cành cây, rồi mang đi cất nhà.
Cây táo thấy mình hạnh phúc.
Nhưng rồi... lâu lắm, thằng bé không trở lại.
Khi nó trở lại, cây vui mừng khôn xiết, nhưng chỉ thều thào:
“Này thằng bé, hãy lại đây nô đùa với ta.”
Thằng bé bảo:
“Ta già rồi, và buồn nữa, làm sao vui đùa được.
Ta muốn có một chiếc thuyền để đi thật xa khỏi nơi này.
Ngươi có thuyền cho ta không?”
Cây trả lời:
“Hãy chặt thân ta để làm thuyền
Rồi giăng buồm đi xa... và sống hạnh phúc.”
Thằng bé bèn chặt thân cây, làm thuyền rồi giăng buồm đi xa.
Cây táo thấy mình hạnh phúc...
Thật ra... không hẳn như thế.
Sau đó rất lâu, thằng bé trở lại.
Cây bảo:
“Thằng bé ơi, ta xin lỗi. Bây giờ, ta chẳng còn gì cho mi nữa.
Ta chẳng còn trái táo nào cả.”
Thằng bé trả lời:
“Răng ta yếu lắm rồi, đâu còn ăn táo được nữa.”
Cây lại bảo:
“Ta cũng chẳng còn cành cây nào để mi đánh đu trên đó.”
Thằng bé trả lời:
“Ta già lắm rồi, còn sức nào mà đánh đu trên cành nữa.”
Cây lại bảo:
“Ta cũng chẳng còn thân cây nào để mi trèo lên chơi.”
Thằng bé trả lời:
“Ta yếu lắm rồi, đâu còn leo trèo gì được nữa.”
Cây thở dài:
“Ước chi ta còn chút gì cho mi.
Giờ đây, ta chỉ là một gốc cây già cỗi. Thế thôi...”
Thằng bé liền nói:
“Ta có thiết tha gì nữa đâu.
Ta chỉ cần một chỗ vắng vẻ ngồi xuống nghỉ ngơi.
Ta mệt mỏi lắm rồi.”
Cây táo chợt như vùng dậy, bảo:
“Tốt lắm. Cái gốc cây già cỗi này rất tiện để ngồi nghỉ.
Lại đây, thằng bé.
Hãy ngồi xuống và nghỉ mệt đi.”
Thằng bé bèn đi đến gốc cây, ngồi xuống.
Và...
Cây táo thấy mình hạnh phúc./.
Maryland, tháng 3 năm 2009
Bản cắt ngắn Trương Vũ
.
.
.
No comments:
Post a Comment