Friday, December 3, 2010

TRUNG QUỐC : NẰM GAI NẾM MẬT (The Economist)

Nguồn: The Economist

Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Sat, 12/04/2010 - 03:43

Trung Quốc cam đoan rằng việc phát triển quyền lực quân sự và ngoại giao của mình không là một mối đe doạ. Toàn bộ thế giới, và đặc biệt là Hoa Kỳ, thì không chắc chắn lắm, Edward Carr nói.

Năm 492 trước Công Nguyên, vào cuối thời kỳ Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc, Việt vương Câu Tiễn của vùng Chiết Giang hiện nay bị bắt làm tù binh sau một chiến dịch thảm bại chống lại Ngô vương Phù Sai, người láng giềng phía bắc. Câu Tiễn bị bắt làm lao công tại chuồng ngựa hoàng gia, nơi ông đã giữ vững khí tiết của mình đến nỗi Phù Sai phải vì nể. Sau vài năm Phù Sai thả ông về quê như một chư hầu.
Câu Tiễn không bao giờ quên mối nhục của mình. Ông ngủ trong bụi gai và treo một túi mật trong phòng rồi hàng ngày liếm nó để nhấm nhám chí phục thù. Nước Việt làm ra vẻ trung thành, nhưng tài nguyên và năng khiếu thủ công của nước này đã xui khiến Phù Sai xây dựng những cung điện và đền tháp mặc dù sự xa xỉ này đã đẩy ông vào vòng nợ nần. Câu Tiễn làm ông phân tâm bằng những thiếu nữ Việt xinh đẹp, mua chuộc các quan chức và bỏ tiền ra mua sạch kho thóc của Phù Sai. Trong khi vương quốc của Phù Sai đang lụn bại, nước Việt trở nên giàu có và đã xây dựng được đội quân mới.
Câu Tiễn chờ đợi đến tám năm ròng. Đến năm 482 trước Công Nguyên, tự tin với sự thắng thế của mình, ông tiến về phía bắc với gần 50 nghìn chiến binh. Sau vài chiến dịch, họ đã đặt Phù Sai và vương quốc của ông dưới lưỡi gươm của mình.

Chuyện vị vua từng nằm gai nếm mật trở nên quen thuộc với người Trung Quốc, tương tự như chuyện Vua Alfred và những chiếc bánh đối với người Anh, hoặc chuyện George Washington với cây đào đối với người Mỹ. Trong đầu thế kỷ 20, ông trở thành biểu tượng của sự phản kháng chống lại những hiệp ước giao thương, sự nhượng bộ trước ngoại bang và mối nhục thuộc địa lâu dài.

Theo chiều hướng đó, câu chuyện ngụ ngôn của Câu Tiễn đã tóm tắt lại sự việc mà một số người cảm thấy đáng báo động về một Trung Quốc hiện đang trở thành một cường quốc. Kể từ khi Đặng Tiểu Bình bắt tay vào việc cải cách kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc luôn đề cập đến hoà bình. Mặc dù về kinh tế và quân sự họ vẫn còn quá yếu để thách thức Hoa Kỳ, nhưng họ đang chú tâm vào việc làm giàu hơn nữa. Ngay cả khi Trung Quốc đang gia tăng quyền lực và cải tổ quân đội, phương Tây và Nhật Bản vẫn đang vay nợ và bán kỹ thuật cho họ. Trung Quốc đã tỏ ra kiên nhẫn, nhưng cái ngày mà họ có thể một lần nữa áp đặt ý chí của mình thì đang gần kề.

Tuy nhiên, câu chuyện của Câu Tiễn cũng mang một ý nghĩa khác. Paul Cohen, một học giả tại Harvard từng viết về vị vua này, đã giải thích rằng người Trung Quốc ngày nay xem ông như một biểu tượng của tinh thần kiên nhẫn và cống hiến. Học sinh được dạy rằng nếu muốn thành công, họ phải như Vua Câu Tiễn, phải nằm gai nếm mật - rằng thành công đi đôi với hy sinh và ý chí kiên định. Câu Tiễn này đại diện cho sự tự cải tiến và dấn thân chứ không phải là báo thù.

Trung Quốc sẽ đi theo Câu Tiễn nào trong thế kỷ 21? Liệu họ sẽ hoà nhập hoàn toàn vào thế giới phương Tây, nơi mà mọi người không muốn gì hơn ngoài một cơ hội để thành công và được hưởng thụ thành quả lao động cật lực của mình? Hoặc, khi sự giàu có và quyền lực của họ bắt đầu che phủ tất cả ngoại trừ Hoa Kỳ, liệu Trung Quốc sẽ trở thành một mối đe doạ - một quốc gia giận giữ ra tay trả thù mối nhục xưa và ép buộc những nước khác đi theo ý mình? Sự lựa chọn vai trò của Trung Quốc, theo Jim Steinberg, thứ trưởng ngoại giao Mỹ, là "câu hỏi lớn trong thời đại chúng ta". Nền hoà bình và thịnh vượng của thế giới dựa trên con đường nào mà họ sẽ chọn.

Một số người cho rằng Trung Quốc hiện đang dính líu quá nhiều trong quá trình toàn cầu hoá để dám đưa nền kinh tế thế giới vào vòng nguy hiểm bằng chiến tranh hoặc bằng ép buộc. Thương mại đem đến thịnh vượng. Trung Quốc mua nguyên liệu thô và linh kiện từ nước ngoài và bán sản phẩm của mình tại thị trường nước ngoài. Họ đang giữ một lượng dự trữ ngoại hối trị giá 2,6 nghìn tỉ Mỹ kim. Tại sao lại phải phá bỏ một hệ thống đang giúp họ rất nhiều?

Nhưng quan điểm này cũng quá lạc quan. Trong quá khứ, sự hoà nhập từng xảy ra trước khi có xung đột. Châu Âu đã bị thiêu huỷ vào năm 1914 mặc dù Đức từng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Anh và Anh là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức. Nhật trở nên giàu có và chịu thua trước những cường quốc châu Âu trước khi ra tay thuộc địa hoá châu Á một cách tàn bạo.

Một số người khác lại có quan điểm đối nghịch đầy cực đoan, cho rằng số phận của Trung Quốc và Mỹ phải là kẻ thù của nhau. Họ nói rằng kể từ khi quân Sparta dẫn đầu Liên minh Peloponnesian chống lại Athens, những cường quốc đang đi xuống đã không kịp nhường bước để thoả mãn những cường quốc đang lên. Một khi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc tăng lên thì tham vọng và tâm lý toàn quyền cũng tăng theo. Cuối cùng thì tính kiên nhẫn sẽ cạn dần, vì Hoa Kỳ sẽ không sẵn sàng bỏ rơi vị trí lãnh đạo của mình.

Lý do để lạc quan
Nhưng khả năng trên cũng không rõ rệt mấy. Trung Quốc vẫn giữ vững tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của mình với Đài Loan, Biển Nam Hải, một số quần đảo và với Ấn Độ. Nhưng không như những cường quốc trước năm 1945, Trung Quốc không đang tìm kiếm những thuộc địa mới. Và không như Liên Xô, Trung Quốc không muốn xuất khẩu một ý thức hệ. Thực tế là ý thức hệ tự do của Mỹ còn hiệu nghiệm hơn cả chủ nghĩa Cộng sản chiếu lệ, cả tư tưởng Khổng giáo đang được hâm lại hoặc bất cứ điều gì mà Trung Quốc có được. Khi cả hai quốc gia đều có vũ khí nguyên tử thì chẳng đáng để gây chiến với nhau.

Trong thế giới thực tại, việc đối phó giữa cường quốc đang lên và đang xuống không luôn rõ ràng. Anh Quốc đã hai lần từng sợ rằng lục địa châu Âu sẽ bị nước Đức bành trướng thống lĩnh và hai lần họ đã tham gia chiến tranh. Nhưng khi Hoa Kỳ nắm lấy vị trí lãnh đạo thế giới từ tay Anh Quốc, cả hai vẫn giữ nguyên là đồng minh của nhau. Sau chiến tranh thế giới thứ II Nhật và Đức đã đứng lên từ tro bụi và trở thành những quốc gia có nền kinh tế đứng thứ nhì và thứ ba trên thế giới mà không hề có một thách thức chính trị nhỏ nào đối với Hoa Kỳ.

Các nhà lý thuyết về quan hệ quốc tế đã suy nghĩ nhiều về những đế chế đã qua. Ý nghĩa về "giả thuyết chuyển nhượng quyền lực" là những cường quốc đã thoả mãn như Đức và Nhật thời hậu thế chiến sẽ không thách thức trật tự thế giới khi họ đi lên. Nhưng những cường quốc chưa thoả mãn, như Đức và Nhật thời tiền thế chiến, lại cho rằng hệ thống mà những cường quốc tại vị thiết lập và nắm giữ đang sử dụng để chống lại họ. Trên đấu trường hỗn loạn địa chính trị, họ cho rằng họ sẽ bị từ chối những gì chính thức thuộc về mình nếu họ không gây áp lực về những đòi hỏi của mình.

Vì thế trong hầu hết thập niên vừa qua hai cường quốc đang hướng về cái mà David Lampton, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Quốc tế Johns Hopkins gọi là sự đánh cược kép. Trung Quốc sẽ hoàn toàn đi theo trật tự thời hậu chiến của Mỹ, đánh cược rằng toàn bộ thế giới, đang mong mỏi sự giúp đỡ và thị trường của Trung Quốc, sẽ cho phép họ trở nên giàu có hơn và cuối cùng sẽ biến Trung Quốc thành một trong những kẻ hậu thuẫn hệ thống - một "cổ phần viên có trách nhiệm", theo ngôn ngữ của Robert Zoellick, một thứ trưởng ngoại giao dưới thời George Bush con và hiện là giám đốc Ngân hàng Thế giới.

Trong hầu hết thập niên vừa qua, ngoại trừ những dị biệt đơn lẻ, việc đánh cược này thành công. Trước năm 2001, Trung Quốc và Hoa Kỳ đã bất đồng về Đài Loan, về việc người Mỹ đánh bom đại sứ quán Trung Quốc tại Belgrade và cuộc đụng độ chết người trên không giữa một chiếc máy bay thám thính EP3 của Mỹ và một chiến đấu cơ Trung Quốc. Nhiều nhà bình luận lúc ấy đã nghĩ rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc đang trên một hướng đi nguy hiểm, nhưng những nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ đã không theo đuổi nó. Từ dạo ấy người Mỹ đã bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố và tìm cách đối phó một cách chân thực với Trung Quốc. Các công ty Mỹ đã được tham gia tương đối thoải mái vào thị trường Trung Quốc. Trung Quốc cũng cho chính phủ Mỹ vay mượn một món tiền khổng lồ.

Điều này phù hợp với Trung Quốc, vốn đã kết luận từ lâu rằng phương cách tốt nhất để xây dựng "sức mạnh quốc gia toàn khắp" là bằng việc tăng trưởng kinh tế. Theo các nhà phân tích Trung Quốc, vốn cũng được đề cập trong hàng loạt sách trắng và những bài phát biểu trong những năm cuối 1990s và đầu 2000s, đất nước này cần một "Khái niệm An ninh Mới". Tăng trưởng đòi hỏi ổn định, việc này lại đòi hỏi việc các nước láng giềng của Trung Quốc không cảm thấy bị đe doạ.

Để trấn an họ, Trung Quốc đã bắt đầu tham gia các tổ chức quốc tế mà họ vốn từng từ chối. Bên cạnh việc giúp cho họ có được uy tín của một thành viên tốt, việc này còn là phương cách an toàn để chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã dẫn đầu việc đàm phán sáu bên được thiết lập để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Hàn. Chính quyền Trung Quốc đã ký kết một Hiệp ước Cấm thử Vũ khí Hạt nhân Hoàn toàn và hầu như đã chấm dứt việc chạy đua vũ khí hạt nhân (mặc dù các đồng minh cứng đầu của Trung Quốc vẫn tiếp tục việc chạy đua này). Họ đã gửi người tham gia vào các chiến dịch gìn giữ hoà bình của Liên Hiệp Quốc, chu cấp nhiều nhân sự hơn tất cả những thành viên chính thức nào trong hội đồng bảo an hoặc bất cứ quốc gia nào thuộc khối NATO.

Đương nhiên là vẫn có những tranh chấp và dị biệt. Nhưng các nhà ngoại giao, giới lãnh đạo và các học giả đã cho phép mình tin rằn, trong thời đại nguyên tử, Trung Quốc chỉ vươn lên vị trí cường quốc một cách hoà bình. Tuy nhiên, sự tin tưởng này vừa qua đã bị suy giảm. Trong vài tháng qua Trung Quốc đã có mâu thuẫn với Nhật Bản qua việc một chiếc tàu đánh cá của họ đã đụng vào ít nhất là một hoặc hai chiếc tuần duyên của Nhật trong khu vực mà Nhật gọi là Quần đảo Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
Trước đó, Trung Quốc đã không hậu thuẫn Nam Hàn trong sự kiện chiếc tàu hộ tống hải quân của Nam Hàn bị đánh đắm, làm thiệt mạng 46 thuyền viên - mặc dù một hội đồng quốc tế đã kết luận rằng chiếc Cheonan đã bị tấn công bởi tàu ngầm của Bắc Hàn. Khi Hoa Kỳ và Nam Hàn phản ứng lại sự kiện đắm tàu bằng cách đưa ra kế hoạch hợp đồng tập trận trên biển Hoàng Hải, Trung Quốc đã phản đối và đưa một chiếc tàu của họ tiến về phía đông của Biển Nhật Bản. Và khi Bắc Hàn bắn pháo vào một hòn đảo của Nam Hàn vào tháng trước, Trung Quốc đã đặc biệt miễn cưỡng lên án việc này.

Trung Quốc cũng đã bắt đầu bao gồm tuyên bố chủ quyền trên một khu vực rộng lớn thuộc biển Nam Hải cùng với sáu "quan tâm chính" của mình - một ngôn ngữ mới đánh động các nhà ngoại giao. Khi thành viên của các nước ASEAN than phiền về sự việc trên trong một hội nghị ở Hà Nội trong mùa hè này, bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì đã nổi nóng: "Tất cả các người nên nhớ rằng sự thịnh vượng kinh tế của các người tuỳ thuộc bao nhiêu vào chúng tôi," ông được kể là đã nạt nộ lại như thế.

Năm ngoái một bài xã luận đầy hung hăng trên tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã tấn công Ấn Độ sau khi vị thủ tướng của nước này, Manmohan Singh đã đến thăm khu vực tranh chấp gần Tây Tạng. Barack Obama đã bị đối xử tồi tệ, lần đầu khi ông đến thăm Bắc Kinh và lần sau tại hội nghị về thay đổi khí hậu tại Copenhagen, khi một quan chức cấp thấp của Trung Quốc đã chỉ tay vào mặt của nhà lãnh đạo thế giới tự do. Rồi những chiếc tàu Trung Quốc liên tục quấy rầy các tàu chiến của Hoa Kỳ và Nhật, bao gồm chiến hạm USS John McCain và chiếc tàu do thám USNS Impeccable.

Những điều này bản thân chúng có lẽ là nhỏ nhặt nhưng đáng kể vì việc đánh cược kép ở trên. Hoa Kỳ liên tục tìm kiếm dấu hiệu rằng Trung Quốc đang định huỷ bỏ cuộc chơi và trở nên hiếu chiến - và Trung Quốc cũng đang tìm kiếm dấu hiệu Hoa Kỳ và những đồng minh của mình đang kết bè đảng để ngăn chặn sự đi lên của mình. Mọi thứ đều được bao phủ bởi màu sắc của sự hoài nghi mang tính chiến lược.

Nhìn qua lăng kính này, những người theo dõi Trung Quốc nhận ra một sự thay đổi. "Chính sách ngoại giao nụ cười đã chấm dứt," Richard Armitage, thứ trưởng ngoại giao dưới thời George Bush nói. "Tham vọng quyền lực của Trung Quốc thì rất hiển nhiên," Yukio Okamoto, chuyên gia an ninh của Nhật nói. Các nhà ngoại giao, phát biểu với điều kiện bí mật, luôn nhấn mạnh sự hoài nghi và lo lắng trong việc đương đầu với Trung Quốc. Mặc dù quan hệ hằng ngày giữa hai phía chính phủ Trung Quốc và Hoa Kỳ vẫn diễn ra êm thắm, "sự hoài nghi mang tính chiến lược giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ tiếp tục sâu nặng hơn," Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington DC nói.

Chẳng có điều gì gọi là không tránh khỏi về sự đi xuống này. Hoà bình vẫn là điều hợp lý. Trung Quốc đang đối diện với những khó khăn khổng lồ trong nước. Họ đang hưởng lợi từ thị trường Mỹ và từ mối quan hệ tốt đẹp với các láng giềng, như họ đã từng làm vào năm 2001. Đảng Cộng sản Trung Quốc và những chủ nhân của Nhà Trắng, dù thuộc bất cứ phe phái chính trị nào, vẫn thu lợi rất nhiều từ sự tăng trưởng kinh tế hơn bất cứ việc nào khác.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ điều này. Vào tháng Mười một 2003 và tháng Hai 2004 Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị đặc biệt về sự thành công và thất bại của các quốc gia từ thế kỷ 15. Các nhà lãnh đạo của Mỹ cũng không kém phần quan tâm về việc này, mặc dù sẽ khó đối phó với một Trung Quốc hùng mạnh, một Trung Quốc hùng mạnh và không thoả mãn lại càng không thể.

Tuy nhiên giờ hiện có những yếu tố từ nhiều hướng, từ chính trị trong nước đến cơn khủng hoảng tài chính, đang cùng nhau làm cho mối quan hệ xấu đi. Điều rủi ro không phải là chiến tranh - hiện nay điều này vẫn là chuyện không thể tưởng tượng được, mà bởi vì nó sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho cả các bên. Điều nguy hiểm là các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hoa Kỳ trong thập niên tới sẽ thiết lập nền tảng cho một thái độ kình địch sâu đậm hơn. Điều này đã được Henry Kissinger nhận định rất rõ.

Mặt tối
Dưới thời Richard Nixon, Henry Kissinger đã tạo ra điều kiện để có hoà bình dài 40 năm ở châu Á bằng cách bảo đảm rằng Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể thu lợi hơn từ việc hợp tác thay vì cạnh tranh. Hiện nay ông Kissinger lại lo lắng. Nói chuyện tại một hội nghị của Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế vào hôm tháng Chín, ông nhận xét rằng việc đưa Trung Quốc vào trật tự thế giới sẽ khó khăn hơn cả từng làm với Đức một thế kỷ trước.
"Vấn đề không phải là việc hội nhập quốc gia theo phong cách châu Âu mà là về quyền lực toàn phần của cả châu lục," ông nói. "Cấu tử căn bản từ Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể tạo ra một quan hệ thù địch ngày càng tăng, chẳng khác gì giữa Đức và Anh từng đi từ quan hệ hữu nghị sang đối đầu... Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều không có kinh nghiệm trong quan hệ hợp tác bình đẳng. Vì thế lãnh đạo của hai nước nên thấy rằng không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn việc là nhìn nhật sự thật rằng chẳng nước nào sẽ có thể thống lĩnh được nước kia, và sự mâu thuẫn giữa hai bện sẽ làm cạn kiệt xã hội và gây tổn thất cho viễn cảnh hoà bình của thế giới."

Chẳng nơi đâu mà sự đối đầu vừa chớm nở lại rõ ràng như giữa quân đội Hoa Kỳ và đối tác Trung Quốc đang nhanh chóng hiện đại hoá. Trên phương diện toàn cầu, quân đội Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong hơn nhiều. Nhưng trong vùng biển duyên hải của Trung Quốc, họ đã không còn chấp nhận chiến thắng dễ dàng như thế này.
.
.
.

No comments: