Saturday, December 18, 2010

TRUNG QUỐC : LỢI NHUẬN ĐÂU RỒI ? (The Economist)

The Economist
Nguyễn Huy Đức dịch
Đăng ngày 17/12/2010 lúc 19:40:42 EST

Sinh hoạt kinh doanh tại Trung Quốc (TQ) có thể được tóm lược như sau : Khối lượng, khối lượng và khối lượng. Và, ít ra, đây là quan niệm của nhiều nhà phân tích. Cứ như vậy, mỗi lần thu nhập của công ty (Cty) Trung Quốc tăng tốc là mỗi lần thị trường tràn ngập những dự báo lạc quan. Goldman Sachs, một ngân hàng đầu tư, dự đoán rằng cổ phiếu của các Cty TQ, được niêm yết tại thị trường chứng khoán Hương Cảng, sẽ tăng giá đến 30%. Nomura, một ngân hàng khác, cũng cho biết rằng các cổ phiếu này sẽ tăng hơn 20%.

Ngoài sự hiện tượng tăng tốc thu nhập ra, còn có hai lý do khiến giới đầu tư lạc quan. Giá trị của các doanh nghiệp TQ rẻ hơn so với quá khứ và so với các đồng nghiệp ở những nơi khác trên thế giới. Hơn nữa, tình hình cổ phiếu TQ đã rất ảm đạm năm nay (2010). Như vậy, giá trị của các cổ phần sẽ phải nhanh chóng vượt xa sự trì trệ đã vấp phải trong năm.
Giới đầu tư có lý để lạc quan không? Hay có thể nào quan niệm rằng cổ phiếu TQ đã mất giá trong năm nay vì thị trường đã nhận diện ra được nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến tình hình kinh doanh tại TQ. Một trong những vấn đề: Trong khi thu nhập tăng nhanh thì lợi nhuận đang suy sụp. Trong sáu tháng đầu năm 2010, thu nhập đã tăng một cách choáng ngộp (42% tính theo căn bản 12 tháng). Mức suy giảm đáng sợ của thu nhập của sáu tháng đầu năm 2009, phần nào giải thích tỷ lệ tăng trưởng vừa nêu trên. Tuy nhiên, theo dự đoán của trung tâm môi giới Macquarie Securities, thu nhập của 6 tháng cuối năm 2010 vẫn tiếp tục tăng ở tỷ lệ 23%. Dầu vậy, theo chiến lược gia của Macquarie-Asia, ông Michael Kurtz, lợi nhuận vẫn không ngừng trượt dốc và không có dấu hiệu gì cho thấy tình hình sẽ được ổn định. Thông thường, lãi ròng vẫn tăng khoảng 15% trong sáu tháng đầu năm vì những yếu tố mang tính cách thời vụ. Tuy nhiên, hiện tượng này đã không xảy ra trong năm 2010.

Tại một số ngành, tình hình đang trở nên kinh khiếp. Nếu tin tưởng vào các con số được Bộ Thương mại công bố thì lợi nhuận của các Cty xuất khẩu nằm dưới tỷ lệ 2%. Các doanh nghiệp tại vòng đai chế xuất phiá Nam Trung Quốc đang quằn quại dưới áp lực của giá thành. Một doanh nhân chuyên xuất khẩu giày dép đã trở lại đây sau một thời gian vắng mặt. Doanh nhân này nhận ra rằng các đối tác Đài Loan thường cung cấp phụ tùng đã bỏ cuộc rút lui vì bị đè nát bởi giá thành đang vùn vụt leo thang. Thay thế cho các doanh nhân Đài Loan là các đối tác địa phương cứng rắn. Họ đòi hỏi 100% giá hàng phụ tùng, bất kể những trục trặc có thể xảy ra. Doanh nhân xuất khẩu giày dép nói trên cũng đã bị đe dọa và đang suy xét nhu cầu thuê mướn cận vệ. Trường hợp của ông xảy ra như cơm bữa.
Chính quyền TQ đang từng bước giảm xuống số tiền trợ cấp cho các doanh nghiệp. Chính phủ cũng đang thả lỏng mức kiểm soát giá cả nguyên liệu. Đồng thời, nhân công đang đòi tăng lương. Các tiêu chuẩn về môi trường cũng đang được nâng cấp. Xu hướng này sẽ gây tổn hại cho lợi nhuận. Và chính quyền TQ tỏ ra hài lòng với tình huống này. Ông Kurtz nhận xét “Đây là hành động tự thu hẹp lợi nhuận”.

Chính quyền muốn tạo điều kiện để người dân hưởng thụ nhiều hơn những thành quả của phát triển. Bắc Kinh cho rằng một công dân sung sướng sẽ ít xuống đường nổi loạn hơn. Một công dân tương tự cũng sẽ không đòi hỏi quyền bầu cử. Cho đến mức độ nào? Đây là câu hỏi lớn.

Chính quyền có cho phép tăng lãi suất, (hiện bị kiềm hãm ở mức độ thấp) mà ngân hàng phải trả cho người gửi tiền? Hành động này sẽ giảm thiểu lượng tài sản từ người tiết kiệm (người dân) sang các doanh nghiệp gần gủi với chính quyền. Chính những doanh nghiệp này đang thừa hưởng chế độ lãi suất thấp.

Chính quyền có cho phép nâng giá đồng Nhân Dân Tệ, gây thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu nhưng, qua đó, tăng cường mãi lực của người tiêu dùng?

Như thường lệ tại Trung Quốc, không ai có câu trả lời.

The Economist

Nguyễn Huy Đức dịch
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: