Thursday, December 16, 2010

TRUNG QUỐC hay ẤN ĐỘ ? (Jagdish Bhagwati, Project Syndicate)

Jagdish Bhagwati

Tqvn2004 chuyển ngữ
Thứ Năm, 16/12/2010

NEW DELHI - Khi Tổng thống Mỹ Barack Obama viếng thăm Ấn Độ trong tháng Mười Một và khen ngợi các nhà lãnh đạo Ấn Độ trước thành công ngày càng tăng và sức mạnh của nền kinh tế của họ, một câu hỏi ngầm bỗng quay trở lại sân khấu trung tâm: Liệu Trung Quốc sẽ tăng trưởng nhanh hơn Ấn Độ mãi mãi, hay là Ấn Độ sẽ sớm vượt qua nó?

Trên thực tế, cuộc đọ sức này bắt đầu từ năm 1947, khi Ấn Độ giành được độc lập và dân chủ trở thành đặc tính xác định của đất nước này, trong khi Trung Quốc chuyển sang chủ nghĩa cộng sản với sự thành công của Mao Trạch Đông sau Vạn lý Trường chinh. Cả hai quốc gia, những "gã khổng lồ đang ngủ", được mọi người trông đợi rằng sẽ tỉnh dậy vào một lúc nào đó. Nhưng, bởi vì mô hình tăng trưởng thịnh hành lúc đó đặt trọng tâm vào tích lũy vốn, Trung Quốc được coi là có lợi thế hơn, bởi vì nó có thể nâng tốc độ đầu tư nhanh hơn Ấn Độ, nơi nền dân chủ hạn chế mức độ mà người dân có thể bị đánh thuế để tăng cường tiết kiệm trong nước.

Tuy nhiên, khi điều đó xảy ra, thì cả hai gã khổng lồ tiếp tục ngủ -- cho đến năm 1980, tại Trung Quốc và đầu những năm 1990 ở Ấn Độ - chủ yếu bởi vì cả hai nước chấp nhận một khung chính sách phản tác dụng làm tê liệt năng suất của các nỗ lực đầu tư của họ.

Đi theo những lập luận kinh tế sai lầm, Ấn Độ theo đuổi chính sách tự lực trong thương mại và từ chối dòng vốn đầu tư cổ phần. Nó cũng chứng kiến chủ nghĩa can thiệp kinh tế trên quy mô lớn, bao gồm việc gia tăng các doanh nghiệp quốc doanh trên các lĩnh vực nằm ngoài tiện ích công cộng. Ở Trung Quốc, kết quả cũng tương tự, khi quan điểm chính trị của Chủ nghĩa Cộng Sản cũng hướng tới tự lực và giao cho nhà nước một vai trò khổng lồ trong nền kinh tế.

Sau khi tháo dỡ dần khung chính sách kém hiệu quả của họ và thay bằng những cải cách mang tính "tự do hóa", hai gã khổng lồ bắt đầu bước nhanh về phía trước. Và cuộc đua cuối cùng cũng bắt đầu. Và, một lần nữa, Trung Quốc dường như là con ngựa mạnh nhất để đặt cược vào: nó đã tăng trưởng nhanh hơn, bởi vì nó thay đổi khung chính sách của nó nhanh hơn nhiều so với tốc độ thay đổi mà dân chủ [của Ấn Độ] cho phép. Nhưng có những lý do hợp lý để nghi ngờ rằng lợi thế độc tài của Trung Quốc sẽ không kéo dài.

Đầu tiên, trong khi sự độc đoán có thể tăng tốc cải cách, nó cũng có thể là yếu tố dẫn đến những sai lầm nghiêm trọng. Nhiều năm trước, khi cả hai Mao và Chu Ân Lai vẫn còn sống, Padma Desai, một chuyên gia của trường đại học Columbia về Nga, đã được hỏi về triển vọng tăng trưởng tương lai của Trung Quốc. Cô ấy trả lời: nó phụ thuộc vào việc Mao hay Chu chết trước - ý của cô ấy có nghĩa là: Trong một hệ thống phụ thuộc nặng nề vào người lãnh đạo, thì con đường tăng trưởng khó có thể đoán trước được, và như thế chịu ảnh hưởng của những biến động.

Hơn nữa, chúng ta biết từ kinh nghiệm ở nơi khác - và giờ đây ở chính Trung Quốc - rằng khi sự phát triển tăng tốc, nguyện vọng chính trị được đánh thức. Liệu chính quyền Trung Quốc sẽ đáp trả những đòi hỏi về mặt chính trị đó bằng sự đàn áp mạnh hơn nữa, như họ đã làm với những người bất đồng chính kiến và với tổ chức Pháp Luân Công, tạo ra sự bất hòa và gián đoạn, hay là họ sẽ đáp ứng nhu cầu mới của công chúng bằng cách chuyển đổi về phía dân chủ hơn?

Một lần nữa, nền chính trị độc đoán của Trung Quốc có nghĩa là nó không thể gặt hái những lợi ích của sự sáng tạo, bởi vì sự sáng tạo là cơ sở để bất đồng chính kiến nảy nở và lật đổ sự kiểm soát độc đoán. Một người có đầu óc sẽ nhận thấy, các PC (máy tính cá nhân) và CP (Đảng Cộng sản) không đi cùng nhau.
Cuối cùng, tăng trưởng của Trung Quốc sẽ tiếp tục phụ thuộc vào việc khai thác của các thị trường bên ngoài, điều này dễ làm nó tổn thương khi thế giới đang ngày càng đặt trọng tâm vào vấn đề dân chủ và quyền con người. Trong thế giới như vậy, hàng xuất khẩu Trung Quốc sẽ chắc chắn tiếp tục gặp những vướng mắc và trục trặc.

Các yếu tố kinh tế cũng có ảnh hưởng đến triển vọng của Trung Quốc. Tất nhiên Trung Quốc sẽ còn tiếp tục khai thác được một "đội quân thất nghiệp dự trữ" như cách nói của Karl Marx trong nhiều năm nữa - để phát triển nhanh chóng mà không phải đối mặt với sự hạn chế về nguồn lao động, nhờ đó tích lũy vốn sẽ không rơi vào quy luật lợi tức giảm dần. Nhưng bây giờ, với chính sách một con của Trung Quốc và thiếu cơ sở hạ tầng đầy đủ (bao gồm cả nhà ở) trong các khu vực đô thị phát triển nhanh, lao động đang khan hiếm và mức lương đang tăng lên.

Trong thuật ngữ kinh tế, đường cong cung ứng lao động trước đây phẳng, nhưng bây giờ đã dốc ngược lên, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng nhanh về lao động do tốc độ tăng trưởng cao đem lại sẽ dẫn đến mức lương ngày càng cao. Điều đó có nghĩa rằng Trung Quốc đang gặp những vấn đề hết sức "con người", khi mà tích lũy vốn đối mặt với lao động khan hiếm và tăng trưởng chậm lại.

Ngược lại, Ấn Độ có một nguồn cung cấp lao động dồi dào hơn rất nhiều, cũng như một hồ sơ nhân khẩu học thuận lợi hơn, nhờ đó, khi tỷ lệ đầu tư của Ấn Độ gia tăng, lao động sẽ không phải là một yếu tố hạn chế. Ấn Độ nhờ đó sẽ trở thành một Trung Quốc của hai thập niên qua mới.

Bên cạnh đó, trái ngược với Trung Quốc, nơi cải cách kinh tế diễn ra nhanh hơn và hoàn tất hơn, Ấn Độ vẫn có một con đường để đi: tư nhân hóa, cải cách thị trường lao động, và mở cửa lĩnh vực bán lẻ cho các nhà phân phối lớn hơn, hiệu quả hơn; tất cả còn đang chờ được thực hiện - và sẽ cung cấp lực đẩy lớn hơn nữa để Ấn Độ tăng tốc sau khi chúng được thực hiện.
--------------------
Jagdish Bhagwati là giáo sư kinh tế và Luật tại Đại học Columbia và thành viên cao cấp trong ban Kinh tế Quốc tế tại Hội đồng Quan hệ Đối Ngoại.
.
.
.

No comments: