Wednesday, December 8, 2010

TỔNG THỐNG OBAMA CHỊU LÙI (Ngô Nhân Dụng)

Ngô Nhân Dụng
Tuesday, December 07, 2010

Tổng Thống Barrack Obama đang được đem ra so sánh với cựu Tổng Thống George H.W. Bush, thân phụ của Tổng Thống George W. Bush (trẻ) mới đây; sau khi ông thỏa hiệp với Ðảng Cộng Hòa, kéo dài thêm 2 năm luật cắt giảm thuế cho những người lợi tức trên 250,000 Mỹ kim.

Hai mươi năm trước đây, Tổng Thống H.W. Bush (già) cũng chịu thỏa hiệp với đa số Dân Chủ trong Quốc Hội, đồng ý ký đạo luật tăng thuế những người giầu nhất nước để giảm bớt số khiếm hụt ngân sách khổng lồ thời Tổng Thống Reagan để lại. Nhưng trước đó, khi tranh cử năm 1988 ông Bush đã hứa không bao giờ tăng thuế (Lời hứa nổi tiếng của ông: “Hãy đọc môi tôi - Read My Lips” đã đi vào lịch sử).

Trong cuộc tranh cử năm 2008, ông Obama cũng nói đi nói lại là sẽ buộc những người giầu nhất nước Mỹ đóng thêm thuế, trong khi sẽ giữ mức thuế của dân trung lưu và dân nghèo thấp như cũ. Tối Thứ Hai vừa rồi, ông Obama cũng làm ngược lại lời đã hứa, chịu theo yêu cầu của các đại biểu Quốc Hội Cộng Hòa, là sẽ không tăng thuế ai hết, kể cả 2% số dân kiếm nhiều tiền nhất.

Hậu quả vụ thỏa hiệp của cựu Tổng Thống George H.W. Bush hồi 1990, chúng ta đã biết. Nhiều người trong đảng Cộng Hòa năm đó cảm thấy họ “bị phản bội.” Nhiều người bỏ rơi cụ Bush già, và 2 năm sau cụ thất cử trước đối thủ Bill Clinton. Bây giờ, đến lượt Tổng Thống Obama. Ông sẽ lãnh hậu quả như thế nào? Có giống như cụ Bush ngày xưa hay không?

Câu chuyện bắt đầu do những đạo luật cắt giảm thuế lợi tức năm 2001 và 2003 của Tổng Thống George W. Bush (trẻ). Khi đó, ngân sách Mỹ đã thặng dư, ông Bush trẻ cho cắt giảm thuế, và những người kiếm nhiều tiền nhất được cắt giảm thuế nhiều nhất. Các đạo luật đó sẽ hết hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2010. Nếu Quốc Hội không làm gì thì chỉ ba tuần nữa thôi, kể từ ngày 1 tháng 1, 2011 tất cả dân Mỹ sẽ bị tăng thuế, trở về suất thuế trước năm 2001.

Từ hai năm qua, ông Obama và đảng Dân Chủ chủ trương giữ nguyên suất thuế của ông Bush trẻ, trừ những người làm ra 200,000 và các gia đình kiếm trên 250,000 đô la. Hạ Viện, hiện vẫn do đảng Dân Chủ chiếm đa số, đã thông qua một dự luật dựa trên ý kiến này.

Lập trường của đảng Cộng Hòa là giữ nguyên tất cả luật cũ của ông Bush. Thứ Bẩy tuần qua, các nghị sĩ Dân Chủ ở Thượng Viện đã đề nghị đem dự luật của Hạ Viện ra bàn, nhưng bị các nghị sĩ Cộng Hòa phản đối. Theo thủ tục Thượng Viện chỉ cần 41 nghị sĩ phản đối thì không dự luật nào có thể được đem ra thảo luận; mà hiện nay Cộng Hòa có 42 nghị sĩ, cộng thêm vài nghị sĩ Dân Chủ cũng đồng ý với họ. Các vị lãnh đạo Ðảng Cộng Hòa cương quyết bảo vệ lập trường đó; nếu bên Dân Chủ và ông tổng thống không chấp nhận, có thể họ sẽ không tham dự và biểu quyết một đạo luật nào khác.

Với tình trạng giằng co như vậy, mọi dự luật của Quốc Hội sẽ bị đình trệ, cho tới sang năm khi các đại biểu mới nhậm chức và đảng Cộng Hòa sẽ chiếm đa số ghế ở Hạ Viện. Mà lúc đó, công việc lập pháp chưa chắc đã thông suốt, vì Thượng Viện vẫn đo đảng Dân Chủ chiếm đa số.

Nhưng đối với đa số dân Mỹ thì không chương trình lập pháp nào quan trọng bằng việc thuế má! Nếu Quốc Hội không làm gì thì cả nước, không kể giầu nghèo, sẽ đều bị tăng thuế!

Cho nên Tổng Thống Barack Obama đã thỏa hiệp, chấp nhận ý kiến của đảng Cộng Hòa, kéo dài việc cắt thuế cho cả những người giầu, trong hai năm. Và ông bắt đầu bị các chính khách trong đảng ông chỉ trích. Năm 2008, ông Obama là người đã đoàn kết các khuynh hướng trong đảng Dân Chủ, năm nay hành động thỏa hiệp của ông chia đảng làm hai: Phe Tòa Bạch Ốc ôn hòa thỏa hiệp, và phe cấp tiến trong Quốc Hội cương quyết đối đầu.

Tại sao “chưa đánh” đã chịu thua, tại sao “đầu hàng” sớm như vậy? Các đại biểu như Anthony Weiner tiểu bang New York và Jim McDermott, tiểu bang Washington đều lên tiếng phản đối. Nghị Sĩ Sherrod Brown (Dân Chủ-Ohio) nói đáng lẽ đảng Dân Chủ nên theo chiến thuật “đánh tới cùng!” Ông giải thích: “Chúng ta muốn cắt giảm thuế cho giới trung lưu và kéo dài thêm trợ cấp cho công nhân thất nghiệp; chúng ta không chịu cắt thuế cho các triệu phú và tỷ phú; cả nước biết như vậy. Nếu chúng ta cứ giữ vững lập trường đó cho tới ngày 1 tháng 1, bên Cộng Hòa sẽ biết là họ sai lầm!” Theo chiến thuật đó, nếu bên Dân Chủ cứ cương quyết bảo vệ dự luật giảm thuế cho tất cả trừ những người giầu, và bên Cộng Hòa cứ tiếp tục ngăn không cho đem luật này bàn ở Thượng Viện nếu không cho cả người giầu được hưởng, thì cuối cùng khi cả nước bị tăng thuế, dân chúng sẽ đổ lỗi cho đảng Cộng Hòa.
Nghị Sĩ Chuck Schumer, New York, có một ý kiến rất khôn: Ðồng ý nâng mức lợi tức của người giầu được giảm thuế lên một triệu đô la, thay vì 250,000 đô la, để tỏ ra bên Dân Chủ muốn nhượng bộ đảng Cộng Hòa! Như vậy sẽ có dưới 1% dân Mỹ bị ảnh hưởng! Nhưng khi đem đề tài này ra bàn cãi và bên Cộng Hòa còn tiếp tục không chịu, dân chúng Mỹ sẽ thấy các nghị sĩ Cộng Hòa chỉ lo bênh vực các tỷ phú! Nhiều đại biểu Dân Chủ tố cáo là đảng Cộng Hòa đã “bắt giữ con tin” để đòi được giảm thuế cho nhà giầu!

Nhưng cuối cùng, ông Obama không theo các ý kiến đó. Ông chịu nhượng bộ và thỏa hiệp, chịu giữ các đạo luật giảm thuế của Tổng Thống Bush thêm 2 năm nữa. Tức là đến năm 2012, trong mùa tranh cử tổng thống, cuộc đấu sẽ tái diễn! Khi đó, đảng Cộng Hòa đã kiểm soát Hạ Viện rồi, đảng Dân Chủ vẫn kiểm soát Thượng Viện, chắc chắn trận đấu lập pháp sẽ bất phân thắng bại. Mặt trận sẽ hoàn toàn là chính trị! Không ai đoán trước được vào năm 2012 hai đảng sẽ thỏa hiệp như thế nào, nhưng đây sẽ là đề tài tranh cử “nóng” nhất trong hai năm tới!

Ngày Thứ Ba, 7 tháng 12, Phó Tổng Thống Joe Biden đã tới Quốc Hội giải thích và thuyết phục với các đại biểu Dân Chủ. Cùng lúc đó, Tổng Thống Barack Obama đã trực tiếp trả lời những lời chỉ trích từ chính đảng Dân Chủ của ông.
Những lời giải thích cũng không khác lời cô Lynda Trần, phát ngôn viên của tổ chức OFA (Organizing for America), một ban vận động chính trị của Tổng Thống Obama. Cô Lynda Trần nói với nhà báo của Politico rằng: “OFA ủng hộ chương trình của tổng thống, có như vậy Quốc Hội mới có thể thông qua những dự luật như gia tăng thời hạn trợ cấp thất nghiệp, bãi bỏ việc cấm người đồng tính trong quân đội, phê chuẩn hiệp ước tài giảm vũ khí chiến lược với Nga (START), vân vân, trong khi vẫn bảo đảm là giới trung lưu vẫn được cắt giảm thuế sau ngày 1 tháng 1 tới.”

Như cô Lynda Trần giải thích, Tổng Thống Obama không đầu hàng mà chỉ thỏa hiệp với Cộng Hòa để đánh đổi; ông đòi lại những thứ khác! Các nhượng bộ từ giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa sẽ thúc đẩy chương trình lập pháp trong những ngày cuối cùng của Quốc Hội này. Nhiều dự luật đã được đa số dân chúng và đại biểu đồng ý nhưng cần hội đủ ít nhất 60 phiếu trên Thượng Viện mới có thể thông qua, sẽ bị tắc nghẽn nếu hơn 40 nghị sĩ Cộng Hòa tiếp tục không chịu. Với thỏa hiệp của ông Obama, hiệp ước START có thể sẽ được phê chuẩn. Dự luật cho người đồng tính công khai được chấp nhận phục vụ trong quân đội, đã được ông bộ trưởng Quốc Phòng và tướng tham mưu trưởng ủng hộ sau khi nghiên cứu dư luận trong quân đội, có thể được thông qua.

Nhưng những trao đổi quan trọng nhất mà ông Obama đạt được là trong phạm vi kinh tế. Những nhượng bộ này sẽ được ghi vào trong dự luật triển hạn luật giảm thuế của Tổng Thống George W. Bush.
Món đầu tiên là trợ cấp thất nghiệp. Theo thỏa hiệp giữa Tổng Thống Obama và đảng Cộng Hòa thì những người đáng lẽ sẽ hết thời hạn lãnh trợ cấp thất nghiệp sẽ được triển hạn mặc dù đã mất việc quá 26 tuần. Hơn 2 triệu người mất việc sẽ hết trợ cấp trong mùa Giáng Sinh này, sang năm bẩy triệu người sẽ mất trợ cấp. Nay họ có thể yên tâm được trợ cấp cho đến hết năm 2011 nếu chưa tìm được việc. Ðây là một điều mà trước đây đảng Cộng Hòa cương quyết chống, vì cho là việc triển hạn sẽ khiến ngân sách khiếm hụt thêm và người ta không cố gắng đi tìm việc.

Ông Obama đạt được một trao đổi nữa là cắt giảm thuế an sinh xã hội đóng trên lương bổng cho tất cả những người đang đi làm ở Mỹ. Trước đây từ thời Tổng Thống Bush trẻ, đảng Dân Chủ vẫn đòi hỏi giảm thuế an sinh xã hội này, vì những người người đi làm, trí óc cũng như tay chân, được hưởng nhiều hơn các người giầu. Thay vì đóng 6.2% số lương vào quỹ hưu bổng xã hội, giới lao động và trung lưu sẽ chỉ phải đóng 4.2% mà thôi; trong khi phần đóng góp của các chủ nhân không thay đổi. Nhiều điều thỏa hiệp khác, cũng nằm trong chương trình của đảng Dân Chủ, nay được Cộng Hòa chấp nhận, như giảm thuế cho những gia đình đông con, giảm thuế cho sinh viên, giảm thuế 100% trên số tiền các xí nghiệp đầu tư vào máy móc, thiết bị.

Khi tính đến tác dụng kinh tế, các nhượng bộ mà ông Obama đạt được từ giới lãnh đạo đảng Cộng Hòa không khác gì một chương trình kích thích kinh tế mới, khi những món tiền khổng lồ được trao vào tay người dân. Riêng khoản giảm thuế an sinh xã hội sẽ lên tới 120 tỷ đô la trong năm tới, để các người đi làm có thêm tiền tiêu thụ! Nếu ông Obama đề nghị với Quốc Hội một chương trình “kích thích kinh tế” vài trăm tỷ Mỹ kim, chắc chắn ông sẽ bị đảng Cộng Hòa phản đối đến cùng, lấy cơ ngân sách sẽ khiếm hụt. Nay chính bên Cộng Hòa chấp thuận kế hoạch kích thích kinh tế này!

Tổng số tiền mà vụ thỏa hiệp giữa Tổng Thống Obama và đảng Cộng Hòa sẽ đưa vào tay dân Mỹ sẽ lên tới 900 tỷ đô la trong 2 năm tới. Nhưng trong số các món tiền đó, có những đồng tiền gây tác dụng kinh tế mạnh hay yếu, tùy theo người thụ hưởng có đem tiêu thụ ngay hay không. Ông Mark Zandi, trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế của ngân hàng Moody's đã tính toán hậu quả của các đồng tiền kích thích. Một đô la trợ cấp phiếu thực phẩm sẽ tạo ra 1.74 đô la cho nền kinh tế, vì người được trợ cấp dùng mua thức ăn ngay. Một đồng tiền được lãnh nhờ triển hạn trợ cấp thất nghiệp cũng sẽ được dùng sớm, tạo ra 1.61 đô la cho nền kinh tế. Nhưng những đồng tiền giảm thuế cho giới phong lưu sẽ ảnh hưởng không đáng kể, mỗi đô la giảm thuế cho các triệu phú sẽ chỉ tạo ra thêm 32 xu (cents) cho kinh tế Mỹ, vì quý vị này thường không cầm đồng tiền ra chợ tiêu xài ngay. Do đó, cắt thuế cho nhà giầu không gây ảnh hưởng kích thích ngay trên nền kinh tế. Trong những năm ông Bill Clinton làm tổng thống, kinh tế Mỹ đã gia tăng rất mạnh, ngân sách từ khiếm hụt biến thành thặng dư. Mà hiện tượng đó diễn ra sau hai lần tăng thuế các người có lợi tức cao nhất, lần đầu do Tổng Thống George H.W. Bush (già) ký năm 1990, lần sau do ông Clinton ký năm 1993. Trong mùa Giáng Sinh năm nay, các cửa hàng bán lẻ sẽ biết ơn cuộc thỏa hiệp giữa ông tổng thống và đảng Cộng Hòa, vì rất nhiều người sẽ yên tâm đi mua sắm. Nếu vụ thỏa hiệp này được loan báo trễ vài tuần, người dân không biết sang năm mình có bị tăng thuế hay không, các cửa hàng phải ế ẩm!

Có thể coi như ông Obama đã đánh đổi, chịu giữ suất thuế nhẹ cho các người lợi tức cao nhất để đổi lại, đảng Cộng Hòa chấp nhận một kế hoạch kích thích kinh tế mới. Ông cũng có thể được lòng giới trung lưu ôn hòa nhờ chứng tỏ mình biết thỏa hiệp và không bị phe cực đoan trong đảng Dân Chủ áp đặt. Hai năm nữa, nếu kinh tế Mỹ gia tăng rõ ràng, chính ông Obama sẽ được lợi khi tái tranh cử.

Câu hỏi cuối cùng là: Liệu ông Obama sẽ phải lãnh hậu quả giống như cụ George H.W. Bush ngày xưa, chỉ làm tổng thống một nhiệm kỳ vì nuốt lời hứa hay không? Rất có thể, nhưng không chắc chắn.
Hoàn cảnh có khác nhau. Cụ Bush già trước đó vẫn bị nhiều người trong đảng Cộng Hòa chống đối, vì họ không tin cụ thực sự có khuynh hướng bảo thủ. Họ không bao giờ quên năm 1980 cụ Bush già đã gọi các chủ trương kinh tế của Tổng Thống Reagan là “Kinh tế Thầy Ðồng” (Woodoo Economics). Năm 1990 khi cụ Bush già bỏ lời hứa, tăng thuế giới thượng lưu, họ càng tin là cụ không hề bảo thủ; và cụ khó lòng bào chữa.

Năm nay, bên trong đảng Dân Chủ chưa có hiện tượng chống ông Obama mạnh như vậy. Các cuộc nghiên cứu dư luận cho thấy 80% những người tự coi là đảng Dân Chủ vẫn ủng hộ ông Obama. Nếu có một đối thủ của ông trong đảng Dân Chủ nhân cơ hội này tấn công ông để chuẩn bị tranh cử tổng thống năm 2012, lúc đó tình thế có thể khác. Hiện nay người đó chưa xuất hiện!

Trong cuộc họp báo ngày hôm qua, ông Obama đã nhấn mạnh rằng mặc dù thỏa hiệp ông vẫn tiếp tục chống việc cắt giảm thuế cho những người lợi tức cao nhất nước. Ông hứa cuộc đấu sẽ trở lại vào năm 2012. Nghe lời lẽ của ông người ta thấy như cuộc tranh cử đã bắt đầu rồi. Ông Obama giải thích: “Chính sách tốt nhất vẫn là không nên thương thuyết với những kẻ bắt cóc con tin - trừ khi con tin có thể bị hại... Trong vụ này, con tin là Nhân dân Mỹ, và tôi không muốn họ bị hại!” Chúng ta sẽ nghe những câu nói tương tự vào năm 2012!
.
.
.

No comments: