Wednesday, December 22, 2010

TÔI và MỘT VÀI GIỌNG HÁT ĐẸP CỦA NỀN TÂN NHẠC VIỆT NAM (Ngô Nguyên Dũng)

21.12.2010


Có thể nói, ngoài văn chương là bộ môn nghệ thuật mà tôi trực tiếp dự phần, âm nhạc và điện ảnh gắn bó với tôi mật thiết nhất. Trong bài tản văn này tôi muốn đề cập tới tân nhạc Việt nam cùng một số giọng hát gần gũi khiếu thưởng ngoạn của tôi nhất.

Tôi thích nghe nhạc từ tuổi hoa niên. Giờ đây, nhớ lại, tôi nhận ra sở thích riêng tư của mình thay đổi nhiều phen theo thời gian. Thuở thiếu thời, đầu thập niên 1960, tôi mến chuộng những ca sĩ có thanh giọng rõ ràng, trong sáng và những bài hát có ca từ "dễ ăn sâu vào lòng thính giả mộ điệu". Trong tâm tưởng tôi vẫn còn nguyên vẹn nỗi háo hức khi được các chị dẫn đi coi những chương trình Đại nhạc hội ca kịch tổ chức tưng bừng vào trưa chủ nhật. Trước khi vở kịch chính do ban thoại kịch Kim Cương hay Thẩm Thuý Hằng trình diễn là chương trình ca vũ nhạc quy tụ những tên tuổi thời danh: ca sĩ Phương Dung, được xướng ngôn viên giới thiệu là "con nhạn trắng Gò công", nhu mì trong chiếc áo dài trắng trình bày "Những đồi hoa sim", nhạc Dzũng Chinh phổ thơ Hữu Loan, "Khúc hát ân tình" của Xuân Tiên, hay "Đố ai" của Phạm Duy. Hoặc Thái Thanh với ban Thăng Long hợp xướng "Ô mê ly" của nhạc sĩ Văn Phụng. Xong một bài, dẫu được vỗ tay tán thưởng nhiều hay ít, khán giả thường nghe lặp lại điệp khúc "Ðể đáp lại tấm thịnh tình của khán giả, …" Thỉnh thoảng, chương trình còn góp mặt một số giọng ca nam được ưa chuộng: ca sĩ mang hai dòng máu Việt Ấn vang danh với "Hận Ðồ bàn" của nhạc sĩ Xuân Tiên, hoặc những những nam ca sĩ được ca ngợi có chất giọng "tê-no" trong làng tân nhạc Việt nam như Thanh Hùng (1) tuyệt vời với "Vọng ngày xanh" của Khánh Băng, Cao Thái dài hơi chất ngất trong ca khúc "Mexico" bằng Pháp ngữ, hay Hùng Cường truyền cảm độc đáo qua ca khúc "Ông lái đò" của Hiếu Nghĩa, bắt đầu với đoạn ca ngâm hoà tiếng đàn tranh và tiếng sáo da diết:

"Trên sông một bóng con thuyền
cắm sào đợi khách không phiền lòng ai.
Hôm nào có một chàng trai
về đây trút sạch những ngày đau thương…",

rồi rưng rưng thuật chuyện:
"Một dĩ vãng từ nghìn xưa chiếu dội.
Mỗi chiều buồn sống lại giữa hồn ông…"

Nhưng trong nhạc phẩm nói trên, ca sĩ Hùng Cường chưa thật sự thi thố chất giọng "nam cao" của mình, mà phải nghe anh trình bày "Vọng ngày xanh", thính giả mới có thể nhận ra tài năng thật sự của anh. Ca khúc này được thâu âm vào dĩa nhựa vào năm 1963, theo tôi là một trong ít ca khúc mang âm hưởng nhạc bán cổ điển tây phương tuyệt vời nhất của tân nhạc Việt nam.

Xin mời quí độc giả thưởng thức:

Nếu ca sĩ Phương Dung thành công tột bực trong lãnh vực Đại nhạc hội, thì tiếng hát của ca sĩ Hoàng Oanh vẫn được các chương trình nhạc phát thanh và sản xuất dĩa nhựa gởi tới thính giả mến mộ. Tôi vẫn thường xuyên đón nghe chương trình Nhạc yêu cầu của đài Sài gòn hay Quân đội, mà trước mỗi bài xướng ngôn viên kiên nhẫn đọc trọn tên người yêu cầu và người được tặng. Hoàng Oanh là ca sĩ đàn chị của Phương Hồng Hạnh, Phương Hoài Tâm, Phương Hồng Quế, Thanh Phong, v.v… Chị theo học nhạc lý của nhạc sĩ Nguyễn Đức, một "lò" đào tạo ca sĩ vang tiếng một thời, và xướng ngâm của bà Hồ Điệp, một tên tuổi lẫy lừng trong bộ môn thi ngâm, nên chị phát âm chuẩn mực, tròn trịa. Ca sĩ Hoàng Oanh còn có biệt tài phát âm giọng địa phương, nên diễn đạt tuyệt khéo các ca khúc viết về Huế của nhạc sĩ kiêm ca sĩ Duy Khánh, hoặc, như trong ca khúc "Mưa trên phố Huế" của nhạc sĩ Lê Dinh và Minh Kỳ phổ thơ Tôn Nữ Thuỵ Khương sau đây:

Ngoài một vài giọng hát nêu trên, còn có nhiều giọng ca chuyên trình diễn trong các phòng trà ca nhạc như Minh Hiếu, Bạch Yến, Lệ Thanh, Thanh Thuý, Yến Vỹ, Mỹ Thể, v.v… mà chỉ thỉnh thoảng tôi mới có dịp nghe tới.

Vào giữa thập niên 1960, sở thích nghe nhạc của tôi chuyển hướng sang nhạc Anh, nhạc Pháp. Tân nhạc Việt nam chỉ trở lại với tôi từ khi nhạc Trịnh Công Sơn bắt đầu thịnh hành với một loạt ca khúc "da vàng" phổ biến rộng rãi trong giới sinh viên, học sinh; hoặc những nhạc phẩm có lời ca ảnh hưởng triết lý hiện sinh như "Lời buồn thánh" được ca sĩ Bạch Yến thâu âm vào dĩa nhạc: "Chiều chủ nhật buồn, nằm trong căn gác đìu hiu…", "Diễm xưa" qua tiếng hát Khánh Ly: "Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ. Dài tay em mấy thuở mắt xanh xao…", "Xin mặt trời ngủ yên" với giọng ca Lệ Thu: "Một ngày, ngày đã qua. Ôi, một ngày, ngày chóng qua…" Và chỉ trong một thời gian ngắn, tại Sài gòn, một đội ngũ ca sĩ trẻ với những khuynh hướng tân nhạc khác nhau như Thanh Tuyền, Thanh Lan, Julie Quang, Giao Linh, Elvis Phương, Sĩ Phú, Anh Khoa, Duy Quang, Lê Uyên Phương, v.v… song hành theo những nguồn nhạc độc đáo của các nhạc sĩ Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Ngô Thuỵ Miên, Cung Tiến, Lê Uyên Phương, Trường Sa, Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà, v.v… đồng loạt nổi danh, thi nhau tranh tài cùng thế hệ ca nhạc sĩ đàn anh đàn chị. Kỹ thuật thâu âm băng tape, băng cát-sét hai chiều dần dà lấn lướt phong trào dĩa nhựa.

Để bây giờ, sau 40 năm ở trọ quê người, trải qua nhiều thời kỳ tân nhạc Việt nam chuyển biến theo mệnh nước, sở thích và cảm nhận của tôi về các giọng ca lại thay đổi thêm lần nữa. Tôi xin được chia sẻ cùng bạn đọc theo thứ tự a b c dưới đây:

- Tôi bắt đầu để ý tâm đắc giọng hát của ca sĩ Anh Dũng từ khi nghe anh trình bày ca khúc "Mấy dặm sơn khê" của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông trong dĩa nhạc "Gởi người em gái" phát hành năm 1997, tiếp đó là những "Tìm em nơi chân trời", "Tôi có em chiều thu" hay "Vạt nắng trong chiều" của nhạc sĩ Phan Bá Chức là người đã hướng dẫn anh về nhạc lý và kỹ thuật ca hát (2). Âm giọng ca sĩ Anh Dũng vững chãi, trữ tình, hơi ngân khoẻ và dài, điều kiện tất yếu để có thể luyến láy, ngắt đổi giai điệu tuỳ theo xúc cảm, thí dụ trong trường hợp anh trình bày ca khúc "Còn chút gì để nhớ", thơ Vũ Hữu Định, nhạc Phạm Duy, mang âm hưởng dân nhạc thượng du, góp mặt trong băng hình Paris by Night "Chúng ta ra đi mang theo cả quê hương". Mà, theo lời ca sĩ Anh Dũng, đó là nhạc phẩm ưng ý nhất của anh, vì gợi anh nhớ lại nhiều kỷ niệm êm đềm ở miền cao nguyên Đà lạt, là nơi anh sinh trưởng (2); và theo ý tôi, cũng là một trong những nhạc phẩm được anh ca diễn thành công nhất từ trước tới nay:

- Trong một chương trình vô tuyến truyền hình của trường trung học Mạc Đĩnh Chi vào cuối thập niên 1960, lần đầu tiên tôi được nghe giọng hát thiên phú thảnh thót của một cô nữ sinh có biệt danh Hoạ Mi. Rồi sau đó, thỉnh thoảng lại thấy chị xuất hiện trên màn ảnh vô tuyến, chuyên trình bày những ca khúc về quê hương. Ðược biết, chị là một trong số ít ca sĩ Việt nam tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc Sài gòn, và được nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ hướng dẫn trên con đường ca hát, tham gia trình diễn cho các phòng trà ca vũ nhạc danh tiếng nhất ở Sài gòn trước 1975. Sự nghiệp ca hát của chị thăng tiến từ đó. Ca sĩ Hoạ Mi rời Việt nam, định cư tại Pháp vào năm 1988. Nơi xứ người, chị vẫn tiếp tục nghiệp dĩ ca hát như một nghề tay trái. Bắt đầu từ đó, thính giả có thể nhận ra chất giọng của chị đã không còn vô tư thuở nào, mà mang mang u hoài, có lẽ vì vậy, tiếng hát chị càng thêm điêu luyện và mượt mà truyền cảm.
Cá nhân tôi đặc biệt yêu thích ca sĩ Hoạ Mi trình bày "Tiếc thu" của Thanh Trang hay "Trong nỗi nhớ muộn màng" của Ngô Thuỵ Miên. Nhưng, một dịp tình cờ, tôi xem được đoạn phỏng vấn chị trong chương trình "Sức Sống Mới" của đài truyền hình Việt nam, nhân lúc chị về thăm quê hương dịp tết ta 2010 (3), tôi quyết định chọn ca khúc này gởi tới độc giả. Chúng ta hãy rũ lắng tâm tư, nghe ca sĩ Hoạ Mi hé lộ một mảnh tình riêng qua ca khúc "Em đi rồi", nhạc sĩ Lam Phương sáng tác dành tặng người nghệ sĩ tài hoa này:

- Có một vài giọng ca, thoạt nghe qua lần đầu, chưa thấm, phải dành cơ hội nghe đi nghe lại đôi ba lần nữa, tâm tư người nghe mới cảm nhận trọn vẹn nét hài hoà tuyệt vời giữa giai điệu, lời ca của người viết nhạc cùng phong cách diễn đạt của người hát. Đó là trường hợp giữa cá nhân tôi và ca sĩ Quang Tuấn.
Trong một lần qua Cali thăm bạn năm 2002, tôi được bạn giới thiệu tiếng hát Quang Tuấn, một tên tuổi mà tôi chưa từng nghe qua trước đó. Tôi chưa cảm ngay. Phải hơn nhiều năm sau, có dịp nghe lại, tôi thảng thốt nhận ra chất giọng ấm áp, phơi phới sinh lực và nhạc lý vững chắc của nam ca sĩ này. Anh chọn lọc kỹ càng bài bản để trình diễn. Tôi cho rằng, giọng hát anh thích hợp với những ca khúc tiền chiến trữ tình như "Em đến thăm anh một chiều mưa" của Tô Vũ, "Nhặt cánh sao rơi" của Vũ Thành, "Hình ảnh một buổi chiều" của Lâm Tuyền và Dạ Chung, v.v… và những nhạc phẩm có tiết điệu dồn dập như trong hợp khúc "Mơ hoa & Lỡ cung đàn" của Hoàng Giác.
Kèm theo đây, tôi trân trọng gởi tới quý bạn một ca khúc tuyệt đẹp của nhạc sĩ Thanh Trang phổ thơ Kim Tuấn, sáng tác theo điệu tango Nam Mỹ la-tinh nhưng vô cùng đậm đà việt nam tính, bài "Nói với mùa thu" qua tiếng hát Quang Tuấn:

- Ca sĩ Quỳnh Giao xuất thân từ một gia đình nghệ sĩ. Mẹ chị là ca sĩ Minh Trang, một tiếng hát vang danh lừng lẫy trong thập niên 1950 qua những ca khúc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Trước 1975, Quỳnh Giao đã từng tốt nghiệp thủ khoa lớp dương cầm và được một nhân viên của Trung tâm Văn hoá Pháp hướng dẫn về thanh nhạc và kỹ thuật xướng âm nhạc cổ điển tây phương (4).
Nhờ chất giọng thanh tao và có căn bản nhạc lý khoa bảng, tiếng hát Quỳnh Giao thích hợp đặc biệt với những bài song ca hoặc hợp ca giọng bè. Sau đây là ca khúc "Nắng chiều" của Lê Trọng Nguyễn, qua tiếng hát Hùng Cường hoà cùng kỹ thuật đệm giọng sắc sảo của ca sĩ Quỳnh Giao, theo tôi là một trong những di sản âm nhạc tuyệt vời của nền tân nhạc Việt nam trước 1975:

Ở ngoài nước hiện nay, sánh cùng các ca sĩ đàn chị như Kim Tước, Mai Hương, ca sĩ Quỳnh Giao, sau nhiều năm vắng tiếng, lại tiếp tục theo đuổi con đường ca hát. Trở lại nhạc trường lần này, bên cạnh những tác phẩm thính phòng "kén thính giả" của các nhạc sĩ lão luyện Vũ Thành, Hoàng Trọng, Phạm Duy, Dương Thiệu Tước, Lê Trọng Nguyễn, v.v…, Quỳnh Giao còn chứng tỏ bản tính đa dạng và phóng khoáng khi trình bày thêm các ca khúc giá trị của một số nhạc sĩ thời danh khác như Trịnh Công Sơn, Ngô Thuỵ Miên, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng.
Xin mời quý bạn đọc lắng nghe sau đây ca khúc "Hoa vàng mấy độ", để thấy ra một hương sắc khác của dòng nhạc Trịnh Công Sơn, toả ngời qua giọng hát vang vang óng ả của ca sĩ Quỳnh Giao:

- Từ nhiều năm qua, trong các phòng trà và sân khấu ca nhạc đông đảo khách mộ điệu ở Sài gòn, khán giả thấy xuất hiện một một nữ ca sĩ mang tên Quỳnh Lan với phong cách trình diễn khác lạ: ngồi hát với cây đàn tây ban cầm tự đệm (5).
Tôi biết và để ý mến chuộng giọng hát trầm uất như một tiếng thở dài của người nữ ca sĩ này trong một lần tình cờ vào tin mạng truy tìm nhạc Việt. Tôi có thói quen, khi gặp phải một cái tên chưa biết, tôi chỉ tò mò nghe thử, nếu danh mục các ca khúc đính kèm tương đối đáp ứng sở thích tôi, vì tôi nghĩ rằng, cách kén chọn bài bản để trình bày bảo đảm phần nào phẩm chất giọng ca của người hát. Và ca sĩ Quỳnh Lan đã không làm tôi thất vọng.
Tôi xin chọn nhạc phẩm "Cô đơn" của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 để gởi tới quý bạn đọc kèm theo đây:

- Là ái nữ của nhạc sĩ Phạm Duy và ca sĩ Thái Hằng, Thái Hiền cùng với anh là ca sĩ Duy Quang và ban nhạc gia đình The Dreamers bắt đầu sự nghiệp ca hát qua những ca khúc tiếng Anh trong thập niên 1960 và những sáng tác dành cho tuổi hoa niên của Phạm Duy như "Tuổi mộng mơ", "Tuổi thần tiên", "Chú bé bắt được con công", v.v… Sau khi di tản cùng đại gia đình vào tháng 4 năm 1975 qua Hoa kỳ, Thái Hiền vẫn đeo đuổi nghề hát. Giữa thập niên 1980, cao điểm vượt biển thuyền nhân Việt nam, nhạc sĩ Phạm Duy cho ra đời "Lá diêu bông – Thông điệp mùa xuân 1985" gồm một số ca khúc mang danh "Thông điệp nhân văn" phổ thơ Hoàng Cầm: "Lá diêu bông", "Quả vườn ổi", "Cỗ bài tam cúc", "Ðạp lùi tinh tú", v.v… với phần hoà âm tân kỳ, linh động của Duy Cường. Băng nhạc này, gạt qua phần lý giải những ẩn ý chính trị của nhạc sĩ Phạm Duy mở đầu mỗi bài hát từng gây tranh luận sôi nổi một dạo, với tôi, là một trong những điểm son rực rỡ, ghi dấu mốc điểm trưởng thành của giọng hát dịu dàng, thanh thoát của ca sĩ Thái Hiền. Tiếp đó, cùng với ca sĩ Tuấn Ngọc, Thái Hiền thâu chung CD "Lời gọi chân mây" góp nhặt những ca khúc chọn lọc, cũng với phần hoà âm kỹ lưỡng, công phu của Duy Cường, chị đã định vị là một trong những ca sĩ hàng đầu của nền tân nhạc Việt nam.
Xin nhờ giọng hát không kiểu cách, thánh thót như tiếng hót một loài chim ngợi ca thời tiết, mà vẫn chuyên chở đậm đà cảm xúc của Thái Hiền, tôi hân hạnh giới thiệu cùng quý độc giả nhạc phẩm "Chiều tàn", một sáng tác ngoại lệ dòng nhạc đại chúng của nhạc sĩ Lam Phương:

- "Mặc dù không học nhiều lý thuyết về nhạc lý nhưng Vũ Công Khanh (tức Vũ Khanh) biết rằng anh có được một giọng ca tuyệt vời…" (6). Thật vậy, tiếng hát của ca sĩ Vũ Khanh trau chuốc, ấm lửa đam mê, gờn gợn nam tính, và vì vậy, vô cùng mặn mà truyền cảm. Có thể kết luận mà không ngại quá lời, anh là một trong vài giọng ca nam sáng giá nhất hiện nay ở ngoài nước.
Sau đây là ca khúc "Chờ em muôn kiếp" của nhạc sĩ Quốc Vượng, một trong nhiều ca khúc trữ tình biểu hiện đậm nét bản sắc tài hoa của người ca sĩ này:

- Tiếng hát của ca sĩ Xuân Phú đến với tôi cũng tương tự như trường hợp ca sĩ Quỳnh Lan. Cách chọn nhạc của anh đáp ứng tương đối sở thích cá nhân tôi. Thanh giọng anh nồng nàn cá tính, thích hợp với loại âm nhạc trước 1975, là điều hiếm thấy trong hoàn cảnh loạn phát ca sĩ hiện nay, trong cũng như ngoài nước, và theo tôi, vô cùng "ăn nhạc" của Từ Công Phụng và Ngô Thuỵ Miên.
Nhạc phẩm "Mùa thu mây ngàn", một trong những thành công đầu tiên của nhạc sĩ Từ Công Phụng đã được giới sinh viên, học sinh vào giữa thập niên 1960 đặt biệt yêu thích, được giọng hát Xuân Phú diễn tả sau đây:

Trở ngại lớn nhất cho những tài năng trẻ hiện nay khi trình bày các sáng tác thuộc thời đại mà họ không sống qua là họ phải cố gắng đặt mình vào hoàn cảnh ra đời của nhạc phẩm, để có thể truyền đạt cảm xúc tới giới thưởng ngoạn. Những Như Quỳnh, Ngọc Hạ, Anh Dũng, Trần Thái Hoà, Anh Tuấn, Thế Sơn, Nguyên Khang, v.v… ở ngoài nước, và Quỳnh Lan, Quang Dũng, Xuân Phú, Khắc Dũng, v.v… ở trong nước đã phần nào vượt qua được thử thách này.

Ở vai trò thính giả, thưởng thức một bộ môn nghệ thuật là một tác động lệ thuộc vào cảm xúc, mà cảm xúc lại là một bản năng cá biệt của tâm thức. Vì vậy, đánh giá một tác phẩm nghệ thuật, sáng tạo cũng như trình diễn, là một việc làm liều lĩnh, khó lòng tránh khỏi tính chủ quan, vì sở thích cá nhân không có đơn vị cân đo, cũng không có hệ thống so sánh. Ngôn ngữ Việt nam bình dân thường dùng cách nói đơn giản: "Thích vì hợp tạng!" Khi tôi lắng nghe hoặc nhớ lại một vài giọng hát, một số ca khúc của nền âm nhạc kéo dài hai thập niên 1955-1975 ở miền Nam, tôi xin được nêu ra một nhận xét, rằng mỗi một tiếng hát nổi danh thuở đó đều có cá tính. Không thể nhầm lẫn Thái Thanh với Thanh Thuý, Khánh Ly với Lệ Thu, Thanh Lan với Julie Quang, Phương Dung với Hoàng Oanh hay Nhật Trường với Duy Khánh, … Và, có nhiều tiếng hát "hợp tạng" riêng biệt với kiểu cách sáng tác của một số nhạc sĩ. Thái Thanh chuyên "trị" nhạc Phạm Duy, Khánh Ly với nhạc Trịnh Công Sơn, Thanh Thuý với nhạc Trúc Phương, Hà Thanh với nhạc Nguyễn văn Đông, v.v…

Làm sao tôi có thể bôi xoá được những rung động tột cùng trong ký ức âm nhạc khi nghe lại một Thái Thanh điêu luyện rưng rưng kể chuyện "Quê nghèo" của Phạm Duy, một Lệ Thu nấc nghẹn trông vời "Chiếc lá cuối cùng" của Tuấn Khanh, một Khánh Ly rướn giọng đam mê sau khoảnh khắc gặp gỡ chiều mưa đưa tiễn "Cuối cùng cho một tình yêu" của Trịnh Công Sơn phổ thơ Trịnh Cung, một Thanh Lan khắc khoải ngẩn ngơ cất tiếng "Gọi người yêu dấu" của Vũ Ðức Nghiêm, một Julie Quang bồi hồi nũng nịu hoài niệm "Ngày xưa Hoàng thị" của Phạm Duy phổ thơ Phạm Thiên Thư, một Nhật Trường bóng bẩy thuật chuyện tình mong manh cấm kỵ "Hồn bướm mơ tiên" của Mai Trường và Tô Vân, …

Di sản âm nhạc đồ sộ đó được tôi hồi tưởng bằng thính giác của kỷ niệm theo vận nước thăng trầm. Từ thuở ấu thơ tới giờ. Nhấp nhoáng gần kề 60 năm. Nhiều nhạc sĩ, nhiều giọng ca, giờ đây, đã vĩnh viễn chia tay giới mộ điệu. Chết nhưng không mất. Vẫn còn đó những thanh âm tươi tắn, rộn ràng điệu đàn, nồng nàn giọng hát qua những thước băng ghi âm, một gia tài quý báu của người nghệ sĩ ký thác cho hậu thế. Âm nhạc, vì vậy, không phải chỉ để giải trí mà còn là những dấu tích. Ðể ghi lại những cuộc tình vỡ vụn. Ðể tưởng niệm những cái chết bất ngờ, hụt hẫng trong thời chiến. Cuộc chiến tranh nào cũng có ít nhất hai chiến tuyến. Nhưng, những cái chết, tự nó, không có chân dung. Như cố nhạc sĩ Hoàng Trọng và Dạ Chung đã phác hoạ trên khung nhạc một "Người tình không chân dung", tôi xin được nhặt ra và xem như ca khúc tiêu biểu cho một nền âm nhạc, tuy thành hình trong bối cảnh chiến tranh nhưng vô cùng đa dạng, được thâu âm trước 1975 tại Sài gòn, qua giọng hát của ca sĩ Khánh Ly:

Và cũng với ý nghĩ như trên, để kết thúc bài viết này, xin mời quý độc giả theo dõi ca sĩ Như Quỳnh cùng các vũ công của Paris by night ca diễn nhạc cảnh "Đêm chôn dầu vượt biển", một sáng tác của nhạc sĩ Châu Đình An, được thâu hình và ghi âm năm 2005 trong chương trình "30 năm viễn xứ", đánh dấu một giai đoạn bi thảm cùng cực trong lịch sử Việt nam sau chiến tranh:


(tháng 12.2010)


.
.
.

No comments: