Thursday, December 9, 2010

THƯƠNG THAY THÂN PHẬN LUẬT SƯ Ở VIỆT NAM (Tạ Phong Tần)

09/12/2010

Sau ngày 30 tháng 4, 1975, tất cả văn phòng luật sư đều bị “dẹp tiệm,” ai xui xẻo bị bắt (dù chưa ra Tòa) cũng coi như “xong phim,” chắc chắn là “có tội” vì trong phiên tòa chỉ có phía buộc tội (Viện Kiểm Sát, Hội Ðồng Xét Xử) mà không có phía gỡ tội.

Khi nhà nước Việt Nam đặt bút ký vào Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966, “Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” (ngày 24 tháng 9, 1982), tất nhiên luật pháp Việt Nam cũng phải điều chỉnh (trên văn bản) theo hướng phù hợp với Công ước (Việt Nam gia nhập ngày 24 tháng 9, 1982). BLTTHS được sửa đổi nhiều lần để “hội nhập” thì Luật Luật Sư (2006) mới ra đời để “trang trí” cho nền tư pháp Việt Nam thêm phần “rậm đám.”

Nói luật sư Việt Nam là để “trang trí” bởi lẽ, như các luật sư tham gia hội thảo đã phát biểu họ bị cơ quan tố tụng cản trở tiếp xúc với thân chủ như: chậm chạp trong cấp giấy chứng nhận bào chữa, từ chối cấp giấy chứng nhận bào chữa với những lý do rất… trên trời, giới hạn thời gian gặp thân chủ, kè kè một bên hoặc không cho phép gặp.

Ở Việt Nam chưa có một cán bộ nào bị kỷ luật, bị khởi tố và xét xử vì đã cản trở quyền của luật sư, nên “cán bộ ta” an tâm cứ thế mà “vô tư” làm tới.

Ðấy là những kiểu cản trở công khai, thực tế còn có kiểu cản trở “ngầm” mà các luật sư tham gia hội thảo chưa đề cập. Ví dụ: Có “ai đó” gặp chính luật sư đặt ra “lời đề nghị khiếm nhã” không được bào chữa vụ A, B, C… (như trường hợp Luật Sư Trần Ðình Triển trong vụ án môi giới mại dâm ở Hà Giang) hoặc gặp chính bị cáo, thân nhân bị cáo đe dọa “mời luật sư sẽ bị xử án nặng hơn” (vụ án các giáo dân Cồn Dầu).

Vào Google gõ cụm từ “luật sư”+ “chạy án” sẽ cho kết quả 173,000 với nhiều dẫn chứng “người thật việc thật” cụ thể, còn cụm từ “luật sư” + “minh oan” kết quả là 83,500 nhưng chủ yếu là quảng cáo cho các văn phòng luật sư, họa hoằn mới có một số vụ luật sư minh oan được cho thân chủ ở những vụ án phạm tội hình sự bình thường, và không có vụ án chính trị nào luật sư minh oan được cho bị cáo. Như vậy, có thể hiểu luật sư ở Việt Nam làm cái việc “chạy án” nhiều hơn là bảo vệ công lý và sự thật.

Vai trò của luật sư không được coi trọng cũng như quyền được bình đẳng, quyền được hưởng sự công bằng và công lý của người dân bị xem nhẹ, chính ông PGS-TS Nguyễn Thái Phúc (là đại diện Bộ Tư Pháp tại Sài Gòn) còn cho rằng “không thể đòi hỏi LS có được quyền như điều tra viên.”

Tại sao luật sư không được quyền dùng tất cả những biện pháp mà điều tra viên làm để minh oan cho thân chủ mình, trong khi Hiến Pháp Việt Nam và BLTTHS khẳng định: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”? Luật sư không được bình đẳng với điều tra viên, nghĩa là ngay từ đầu, cán cân công lý đã giành ưu thế nghiêng về phía buộc tội rồi dù chưa biết công dân đó có thật sự phạm pháp hay không.

Luật Luật Sư (LLS) đặt ra nhiều điều kiện vô lý để hạn chế công dân trở thành luật sư. Ðiều 35 LLS quy định luật sư hoạt động và đóng thuế như một doanh nghiệp tư nhân. Mà đã là doanh nghiệp tư nhân thì văn phòng luật sư (hay công ty luật) tồn tại, phát triển hay “sập tiệm” hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực, uy tín của luật sư đối với khách hàng theo quy luật cung cầu, cạnh tranh và đào thải tự nhiên của thị trường.

Ví dụ: Không ai dại gì bỏ tiền ra thuê một người bốc vác hàng hóa cho mình khi người đó không đủ sức để vác, không cần ai “dạy dỗ” hay “quy định” người thuê cũng biết rằng phải tìm người làm thuê nào có sức khỏe để làm việc đó. Tuy nhiên, Ðiểm g Khoản 1 Ðiều 17 LLS lại quy định điều kiện để được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư là phải có “Giấy chứng nhận sức khỏe,” tức là “đương sự” phải phụ thuộc vào một cơ quan y tế nào đó, mặc kệ trình độ nghiệp vụ của “đương sự” như thế nào.

Trước khi đủ tư cách hành nghề, “đương sự” còn phải trải qua thời gian tập sự và kiểm tra tay nghề của Bộ Tư Pháp (Ðiều 14, Ðiều 15 LLS), mà kết quả kiểm tra “đạt” hay “không đạt” căn cứ theo tiêu chuẩn nào thì chưa thấy văn bản pháp luật nào quy định, đồng nghĩa với việc “đương sự” phải phụ thuộc vào “nơi chịu nhận thực tập” và cái “tùy hứng” của Bộ Tư Pháp.

Nếu “đương sự” có giỏi đến mấy mà không có văn phòng nào “dám chứa” (hoặc không thích cho) “y ta” thực tập thì coi như cả đời “y ta” không có cách gì trở thành luật sư. Vì vậy, có không ít trường hợp các văn phòng, công ty luật lợi dụng quy định này để “bóc lột” sức lao động của luật sư tập sự bằng cách không trả lương khi thực tập.

Ðiều kiện kế tiếp là “đương sự” phải cố gắng xin vào làm thành viên một đoàn luật sư tỉnh, thành phố nào đó thì mới được công nhận là luật sư và đủ tư cách hành nghề, dù “đương sự” biết rất rõ rằng với khả năng của mình thì không cần là thành viên đoàn nào cả vẫn hoạt động tốt.

Chưa hết, trong khi hành nghề, nếu “đương sự” tranh tụng hăng quá, cơ quan tố tụng không đủ lý lẽ bác bỏ lập luận của luật sư nên “quê độ” bèn tròng vào cổ luật sư cái thòng lọng: “Lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”
(Ðiểm g Khoản 1 Ðiều 9 LLS) để “đuổi cổ” ra khỏi đoàn luật sư, dù không ai chứng minh được “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” cụ thể nó ra làm sao cả. Vì vậy, không ít luật sư biết rõ cơ quan tố tụng xâm phạm quyền của mình nhưng vẫn “rét” và chấp nhận im lặng để được tiếp tục hành nghề.

Dù sao thì bị can, bị cáo mời được luật sư tham gia vẫn còn may mắn (chút ít), khi mà cả nước Việt Nam hiện nay có hơn 85 triệu người nhưng đến năm 2010 chỉ có 6,223 luật sư, tức 13,659 người dân mới có 1 luật sư, chưa kể những người nghèo không có tiền thuê luật sư.

Thân phận luật sư Việt Nam đã đáng thương, mà thân phận những công dân Việt Nam nào xui xẻo rơi vào vòng lao lý càng đáng thương hơn.

Tạ Phong Tần
.
.
.

No comments: