Bùi Văn Phú
December 17, 2010
Chỉ là tình cờ. Nhưng buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật với hai người khách chủ trương mạng văn học tienve.org đến từ Úc Châu đã diễn ra vào đúng ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12.
Quán Paloma nằm trong khu thương mại của người Việt ở San Jose nhộn nhịp hơn vào một chiều tối thứ Sáu trời sắp vào đông. Hơi lạnh. Ấm lên nhờ chút rượu vang và tình người trong số chừng trăm khách có mặt.
7 giờ khai mạc chương trình. Thay mặt ban tổ chức, Luật sư Nguyễn Tâm nhắc đến chuyện vừa xảy ra ở Oslo vào buổi sáng trong lễ trao giải Nobel Hoà bình với một ghế trống dành cho người được giải đã không thể có mặt. Chỉ tay vào chiếc ghế để trên bục, bên cạnh ông, nhắc đến Lưu Hiểu Ba nay còn bị giam cầm để rồi ông nối kết sự kiện và cảm nhận được là “sức mạnh của âm thanh, văn học, nghệ thuật không bao giờ có biên giới”. Tôi cho đó là một chính đề mà Luật sư Tâm muốn đặt ra cho sinh hoạt hôm nay.
Sau phần mở đầu, Hoàng Ngọc-Tuấn ôm đàn lên bục. Ông biểu diễn nhạc Tây nguyên bằng ghi-ta. Đây là một biến cải khá lạ. Tôi nghe lần đầu “Những điệu múa của tình nhân” cùng “Nhạc lửa” và cũng như những người miền núi Khánh Sơn đã nghe Hoàng Ngọc-Tuấn nhận ra: “Đúng. Đấy là âm nhạc của chúng tôi”. Nhạc sĩ kể lại chút lịch sử trong chuyện sáng tác những tấu khúc Tây nguyên viết cho ghi-ta và được nhiều người dùng trong các buổi trình diễn giới thiệu văn hoá Việt trong nước và nhiều nơi trên thế giới.
Nhắm mắt lại. Nhạc không lời của Hoàng Ngọc-Tuấn có lúc đưa tôi trở lại quá khứ sân trường trung học, nơi đã cùng các bạn hát khúc dân ca, nhảy múa theo điệu miền núi của Phạm Duy:
Chiêng trống cồng mừng anh trên rẫy
Xuống đồi xuống nương đi cày
Ôi rừng ơi núi ơi sông ơi ôi thác suối ơi
Tang tính tình đàn tre dây nứa…
Xuống đồi xuống nương đi cày
Ôi rừng ơi núi ơi sông ơi ôi thác suối ơi
Tang tính tình đàn tre dây nứa…
Từ Tây nguyên Hoàng Ngọc-Tuấn dẫn ta về Sài Gòn, khu Tân Định, sau năm 1975 không lâu lắm. Chính xác là ở quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng tại số 11-A đường Bà Lê Chân, nơi đó ông đã viết ca khúc “Chào hàng”:
Người cần chi, cần chi
Cần lưỡi gươm hay cần áo cơm
Đây không có xin mời bước đi…
Đây không bán phép lạ
Đây không mua mặt nạ
Đây không biết đe doạ
Đây không phải là nhà…
Cần lưỡi gươm hay cần áo cơm
Đây không có xin mời bước đi…
Đây không bán phép lạ
Đây không mua mặt nạ
Đây không biết đe doạ
Đây không phải là nhà…
Theo nhạc sĩ, đó là bản quốc ca cho vùng đất nhỏ bé nơi ông và các bạn thường tụ họp bàn tán văn nghệ và bỗng dưng một hôm “có khuôn mặt lạ xuất hiện, đem không khí rờn rợn đến”.
Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn
Trần Chí Phúc đàn, Mỹ Thanh hát “Giáng Sinh viễn xứ”
Sau đó Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc lên nói chuyện. Đề tài bao quát “1000 năm thơ Việt Nam ” là cách để ông tránh phải đào sâu phân tích trong vòng 30 phút. Ông mở đầu với khái niệm khác lạ là thơ thiền và thơ yêu nước có cùng một điểm chung về tính anh hùng. Với thơ yêu nước, theo ông dĩ nhiên là mang nhiều tính anh hùng, nhưng thơ thiền thiên về tôn giáo trong giai đoạn đầu của nền thơ ca Việt mà cũng anh hùng thì nghe lạ. Ông nhận xét thơ Thiền sư Vạn Hạnh, Mẫn Giác “không có vẻ u ám, sầu khổ mà bừng bừng hào khí” như trong: “Xuân đến trăm hoa cười / Chớ bảo xuân tàn hoa lạc tận”. Ông thích nhất hai câu thơ của Không Lộ: “Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng / Một tiếng kêu vang lạnh đất trời” mà những hình ảnh oai hùng như thế khó tìm thấy trong thơ thiền hay thơ Phật giáo sau này.
Về tính anh hùng trong thơ ca yêu nước của người Việt thì có nhiều: Lý Thường Kiệt với “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, Trần Hưng Đạo với “Hịch tướng sĩ”, Nguyễn Trãi với “Bình Ngô đại cáo”. Ông nhắc tới Đặng Dung: “Thù trả chưa xong đầu đã bạc / Dưới trăng tao ngộ rút gươm mài”.
Theo ông, khi Nho giáo vào Việt Nam thì con người anh hùng dần biến mất và được thay vào bằng hình ảnh người quân tử. Tôi không rõ vì sao sau đó ông nhắc đến con người “tài tử” là người có tài và có tình.
Giáo sư Quốc nhận xét thấy nhiều người Việt thích khoe tài của mình: Nguyễn Hữu Chỉnh, Cao Bá Quát, Bà Huyện Thanh Quan và trong văn học Việt Nam hình ảnh người tài cũng có nhiều: Thúy Kiều và Kim Trọng trong Truyện Kiều, nhân vật chính trong Chinh phụ ngâm là những người không chỉ có tài mà còn có tình nữa.
Bước qua thơ tình, diễn giả cho biết thơ tình Việt Nam đến rất muộn. Trước đó hình ảnh người phụ nữ không có trong thơ hay nếu có là hiện hình của ma quỉ. Từ 1930 đến 1945 mới là giai đoạn của thơ tình yêu. Các nhà thơ trong giai đoạn này đều làm thơ tình, như Xuân Diệu mà nhiều người còn thuộc: “Tôi khờ khạo lắm ngu ngơ quá / Chỉ biết yêu thôi chẳng hiểu gì”. Hay Hồ Dzếnh: “Ta viết lòng ta cho hậu thế / Đọc hoài không chán em và anh”.
Với hoàn cảnh nước chia đôi 1954-1975 ông Quốc chỉ nói đến thi ca Miền Nam phản ánh qua Vũ Hoàng Chương, Nguyên Sa, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên có bản sắc mới về trí tuệ, về siêu hình. Ông nhắc đến chữ “làm” như một xác định căn tính của phụ nữ trong thời đại mới với Nhã Ca là tiêu biểu được trích đọc: “Tôi làm con gái / Một lần cho đây / Rồi không trở lại / Ôi mùa xuân này / Tôi làm con gái / Buồn như lá cây…”.
Sau tháng 4.1975 dòng thơ Việt tràn ra hải ngoại, nhưng ở đó là những con người không có diện mạo. Mai Thảo cô đơn: “Sáng ra đi sớm hoa không biết / Đêm trở về đêm cành không hay / Vầng trăng đôi lúc tìm ra chỗ / Bên góc tường in chiếc bóng gầy”. Cao Tần với nỗi đau vô hình dày vò: “Ta làm gì cho hết nửa đời sau”. Đỗ Kh. khó khăn hội nhập: “Tôi 17 tuổi từ 20 năm nay / Riết cũng chán giờ tôi 18…/ Tôi có lúc này lúc kia / Nói mười câu không ra một nghĩa…”
Kết luận, ông đưa ra nhận định nhà thơ Việt hiện nay ở trong cũng như ngoài nước không bận tâm nhiều đến thế sự hay chính trị mà ám ảnh lớn nhất của họ là về thơ. Những nỗ lực của thi sĩ, qua các bài thơ, là tìm ra một định nghĩa mới cho thơ.
Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc nói chuyện không cầm giấy, say mê nói, nói một cách mạch lạc, nói như đang đứng trên bục giảng đường đại học, là nghề của ông. Rất tiếc sau bài nói chuyện đã không có phần thảo luận hay đặt câu hỏi. Chẳng hạn như tôi không hiểu rõ qua thơ ca Việt Nam có gì khác biệt giữa “quân tử” và “tài tử” như đã nhắc đến. Một người khác nói với tôi là sao ông không nói đến thơ trong tù. Đúng vậy, trong thơ Việt dòng thơ tù có một chỗ đứng với Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh thời thực dân, với Nguyễn Chí Thiện thời cộng sản. Điều tôi cũng muốn tìm hiểu từ diễn giả là học sinh trong nước ngày nay có còn được học thơ như “Hôm qua tát nước đầu đình / Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen…” hay chỉ biết: “Ông Lê-nin người nước Nga / Mà sao ông lại rất là Việt Nam …”. Tôi đã không có cơ hội.
Diễn giả hôm nay có lẽ là một người Việt hiện giảng dạy văn học Việt Nam ở hải ngoại với nhiều công trình nghiên cứu, lại đang thường xuyên viết blog trên đài VOA, vì tư cách đó buổi nói chuyện của ông đã thu hút nhiều người đam mê văn hoá Việt trong vùng: các hoạ sĩ Trương Thị Thịnh, Lê Thị Quế Hương, Đào Hải Triều, nhà nghiên cứu Vũ Thế Ngọc, giáo sư văn chương Việt Nguyễn Nguyệt Cầm từ Đại học Berkeley, nhà văn Đỗ Hoàng Diệu, nhà thơ Lữ Quỳnh, nhà văn dịch giả Hoàng Ngọc Biên.
Trước khi rời mi-crô, ông Quốc giới thiệu “mầm non thơ” Hoàng Ngọc-Tuấn tức thi sĩ Nguyễn Tôn Hiệt lên đọc thơ, bài “Diễn văn của nhà thơ” theo thể điệu lòng vòng, luẩn quẩn về sự đối thoại và lắng nghe chính mình.
Tôi thích Nguyễn Tôn Hiệt qua bài thơ “Tôi biết ơn những người đã vấp ngã” viết cách đây không lâu về những người đang tranh đấu cho tự do ngôn luận ở Việt Nam và đã được nhạc sĩ quen thuộc của Thung lũng Hoa vàng là Trần Chí Phúc phổ nhạc. Góp mặt với chương trình, tối nay Trần Chí Phúc trình diễn bài hát đó và một ca khúc nữa của ông về nỗi buồn Giáng Sinh xa quê hương với tiếng hát Mỹ Thanh.
Hoàng Ngọc-Tuấn ôm đàn lên bục trở lại, hát chừng chục ca khúc, trong 200 sáng tác của ông. Bài hát đầu tiên về những người tị nạn chết trong lòng biển.
Người mục đồng
Lượm mảnh xương khô
Khắc thành huyền âm
Ngồi tựa lưng trâu
Sáo vọng từng không
Điệu nhạc nghe như
Tiếng khóc âm thầm
Loài người bảo nhau
Kìa tiếng yêu đương…
Lượm mảnh xương khô
Khắc thành huyền âm
Ngồi tựa lưng trâu
Sáo vọng từng không
Điệu nhạc nghe như
Tiếng khóc âm thầm
Loài người bảo nhau
Kìa tiếng yêu đương…
Ca từ là câu chuyện của một triệu năm sau, khi biển đã biến thành đất liền và có người tìm được khúc xương còn lành, còn đẹp và suy nghĩ về một giống người đã sống an vui, hạnh phúc. Nhưng thực ra đó là xương của hàng trăm nghìn người đã bị vùi sâu trong lòng biển khơi.
Những ca khúc được Hoàng Ngọc-Tuấn thể hiện buổi chiều nay nhiều bài có âm điệu nhạc cổ điển tây phương, có bài lấy ý thơ Tagore, Bùi Giáng, Tuệ Sỹ, có bài phảng phất chất thiền như nhạc Hoàng Quốc Bảo, hay với giai điệu tình tứ như những nốt nhạc Lê Uyên Phương.
Như phiêu lưu không bao giờ đến đích
Như cây khô không bao giờ kết trái…
Như hôm qua không bao giờ đến nữa
Như hôm nay trôi đi rồi sẽ mất
Ta yêu nhau, yêu nhau mà vẫn biết sẽ quên nhau…
Như cây khô không bao giờ kết trái…
Như hôm qua không bao giờ đến nữa
Như hôm nay trôi đi rồi sẽ mất
Ta yêu nhau, yêu nhau mà vẫn biết sẽ quên nhau…
Đồng ca kết thúc sinh hoạt bằng nhạc phẩm “Huyền thoại” của Tâm Nguyên, tức luật sư Nguyễn Tâm
Bốn năm trước được nghe nhạc Hoàng Ngọc-Tuấn lần đầu cũng ở San Jose vào một ngày mùa đông: “Không phải là sắc, không phải là mầu. Không phải là sáng, không phải chiều. Là cái dường như trùm khắp mọi tinh cầu…” nhẹ nhàng, ấn tượng và dễ nhớ.
Hôm nay nghe bình thơ, nghe nhạc Hoàng Ngọc-Tuấn, Trần Chí Phúc mang lại cho tôi chút niềm vui trong gặp gỡ cuối năm giữa những người yêu thích văn hoá, nghệ thuật Việt. Nhưng ra về trong tôi không đọng lại dòng thơ hay lời nhạc nào.
Tôi tự hỏi thơ, nhạc Việt rồi sẽ chảy về đâu, có vượt qua được những biên giới? Hay chính tôi không còn cảm nhận được những dòng thơ, lời nhạc mới nữa.
[Ảnh trong bài của tác giả]
© Buivanphu 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment