Tuesday, December 14, 2010

THÁI THÚ THẦM LẶNG (danlambao)

Dân Làm Báo
Đăng ngày 13/12/2010 lúc 20:09:22 EST

Lá bài của người Trung Quốc thường kín đáo, nhất là trong chuyện chọn vua chư hầu. Sẽ có nhiều cơn sóng làm nhiễu loạn dư luận, để rồi một con bài ra vẻ khiêm nhường nhất, yên lành nhất, giữ vững thể chế, ôn hòa nhất được chọn ra. Điển hình như Nông Đức Mạnh ngày trước được chọn làm Tổng Bí Thư với những vẻ hiền lành như vậy. Ngày hôm nay là ông Rứa họ Tô.

Hội nghị thứ 14 của trung ương ĐCSVN khai mạc sáng ngày 13/12 tại Hà Nội, theo như tổng bí thứ Nông Đức Mạnh thì hội nghị lần này sẽ tiếp tục bàn về vấn đề nhân sự ở cấp cao nhất. Tức là chức Tổng Bí Thứ và các ủy viên Bộ Chính Trị, quan trọng nhất vẫn là ghế TBT của Đảng. Báo giới trong nước đưa lời của Tổng Bí Thư Mạnh có đoạn:

Về phương án giới thiệu nhân sự Ban Chấp Hành Trung Ương khóa XI, căn cứ vào kết quả Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khoá X), Bộ Chính Trị đã chỉ đạo việc tiếp tục chuẩn bị, hoàn chỉnh các hồ sơ, xem xét những trường hợp cụ thể, hoàn thiện thêm một bước phương án về nhân sự để Hội nghị lần này tiếp tục xem xét và quyết định trước khi trình ra Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Tuy nhiên chưa có thông tin đại chúng nào cho thấy phương án nhân sự của kết quả Hội nghị thứ 13 là gì. Theo một số nguồn tin cho biết thì cuộc bỏ phiếu chọn lựa cho chức vụ Tổng Bí Thư tại hội nghị thứ 13 khá bất ngờ trong đó ứng cử viên Tô Huy Rứa được nhiều lá phiếu nhất.

Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh khẳng định kết quả này và cho đó làm căn cứ để tiếp tục hoàn thiện đi đến thống nhất. Điều đó cho thấy Mạnh đang dùng những ngày cuối cùng trên cương vị quyền hạn Tổng Bí Thư để ép được trung ương đưa Rứa lên làm Tổng Bí Thư kỳ tới.

Tô Huy Rứa là người như thế nào? Chúng ta hãy xem một đoạn về Tô Huy Rứa mà blogger Lê Trọng Hiệp đã viết:

Rứa sinh năm 1947 tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, là huyện nổi tiếng về nghề ăn mày. Rứa tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội nhưng về sau lại trở thành Tiến sĩ Triết học Mác-Lê Nin.

Rứa vào Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trong đại hội IX (2001) và từng giữ các chức vụ như Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Bí thư thành ủy Hải Phòng.

Thời Rứa là thành ủy thì Hải Phòng rộ lên vụ “ăn đất” tại Đồ Sơn do một cựu đại tá tình báo tố cáo. Tuy nhiên Rứa vẫn hạ cánh an toàn nhờ bám vào phe bảo thủ thân Trung Quốc và thậm chí còn lên như diều gặp gió.

Trong đại hội X, năm 2006, Rứa được được bầu vào Ban Bí thư Trung ương. Ngày 8/5/2007 Rứa được bầu làm Trưởng ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương đảng.

Ngày 13/01/2009, tại Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp Hành Trung Ương khóa X, Rứa được “bầu bổ sung” vào Bộ Chính Trị và do đó được xem là một ứng viên cho chức tân Tổng Bí Thư trong Đại hội Đảng XI năm 2011.

Trên thực tế, phe thân Trung Quốc đang mạnh và việc bầu bổ sung này ắt hẳn có sức ép và hậu thuẫn từ Trung Quốc. Quả nhiên, ngay từ khi đặt chân vào Bộ chính trị thì Rứa đã lập tức hành động để bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc.

Ngày 13/01/2009, Rứa trở thành Uỷ viên Bộ Chính trị thì ngày 03/02/2009 Rứa đã chủ trì cuộc đấu tố báo Du Lịch chỉ vì báo này đã lên tiếng ca ngợi những thanh niên, sinh viên từng xuống đường khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Du Lịch là tờ báo trực thuộc Tổng cục Du lịch, một bộ phận của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch. Trong Giai phẩm Xuân Kỷ Sửu, báo này đã đăng bút ký “Tản mạn cho đảo xa” của Trung Bảo với nội dung mà nhà cầm quyền cho là “nhạy cảm” và “không thích hợp trong bối cảnh tình hình hiện tại”.

Trong bài Trung Bảo viết về ngày sinh viên Việt Nam đã xuống đường nhấn mạnh chủ quyền của Việt Nam tại đảo Hoàng Sa – Trường Sa: “Ngày 09/12/2007 có lẽ sẽ chẳng bao giờ khiến tôi quên được. Quên sao được không khí bừng bừng khí thế. Quên sao được khi tình cờ, tôi được đứng lẫn vào những người đã tạo dựng nên ngày lịch sử… ”. Tác giả Trung Bảo còn lên tiếng chỉ trích những kẻ đã ngăn cản, đàn áp thanh niên, sinh viên biểu tình chống ngoại xâm.

Ngoài bút ký của Trung Bảo, Du Lịch còn đăng tải nhiều bài viết với nội dung nhấn mạnh rằng Ải Nam Quan và nhiều vùng lãnh thổ, lãnh hải khác là phần không thể tách rời khỏi chủ quyền của Việt Nam. Ban biên tập còn cho in cả bài “Hận Nam Quan” vào giai phẩm.

Trong cuộc đấu tố ngày 3/2, Rứa đã tuyên bố sẽ “xử lý nghiêm khắc” tờ báo này, từ phó Tổng Biên Tập Nguyễn Trung Dân đến Tổng Thư ký Trần Văn Tiến. Quả nhiên, sau đó hai người bị mất việc.

Mới đây Giáo sư Carlyle Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Úc đã lên tiếng nhận xét: “Từ khi ông Tô Huy Rứa vào Bộ Chính Trị hồi đầu năm ngoái, người ta thấy có một sự mài giũa trông thấy đối với báo chí chính thống trong việc tường thuật các trường hợp liên quan bất đồng chính kiến. Ông Rứa là trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản”.

Sau các vụ bắt giam và hạch tội các nhân vật Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định, Lê Thăng Long, Nguyễn Tiến Trung và Trần Anh Kim đến lượt nhà báo Huy Ðức trở thành nạn nhân mới nhất của đợt trấn áp báo chí chống Trung Quốc của Rứa.

Huy Đức là ký giả lâu năm của báo Tuổi Trẻ và từ đây đã được chọn làm người “chấp bút” cho ông Võ Văn Kiệt và là tác giả của hàng chục bài báo nóng bỏng về các vấn đề “nhạy cảm” như tham nhũng và Biển Đông. Sau đợt thay đổi ban lãnh đạo tại Tuổi Trẻ, ông chuyển về báo Sài Gòn Tiếp Thị thì hạ tuần tháng 8 lại bị đuổi việc tiếp.

Tô Huy Rứa quản lý mảng tuyên truyền và đã nhiều lần dùng lệnh miệng để cấm đoán báo chí, không phải với báo Du Lịch mà còn với nhiều báo khác đưa tin về Hoàng Sa – Trường Sa. Từ đó Tô Huy Rứa được Trung Quốc nhìn nhận là có thiện chí trong việc kìềm nén dư luận không dẫn tới gây quan hệ xấu trong quan hệ Trung – Việt. Với những phẩm chất này, nếu đắc cử ở vị trí Tổng Bí Thư tới đây, chắc chắn Rứa sẽ không để vấn đề Trường Sa – Hoàng Sa hay bô-xít, thuê rừng… những yếu tố liên quan đến Trung Quốc bùng lên, trở thành mâu thuẫn trầm trọng. Ngược lại, những vấn đề này sẽ bị ém nhẹm đi, thậm chí Rứa là người vừa có thể dùng thủ đoạn tuyên truyền vừa có bản lĩnh dùng sức mạnh để trấn áp dư luận bằng bạo lực. Khi những mối bức xúc về Trung Quốc ngày càng dâng cao tại Việt Nam, thì trong hàng ngũ ứng cử viên Tổng Bí Thư đủ tài sức để ngăn chặn cơn sóng này của dân chúng Việt Nam, Tô Huy Rứa là con cờ sáng giá hơn cả.

Ý đồ của Nông Đức Mạnh tất nhiên là ý đồ của Trung Quốc, dựng Rứa lên làm Tổng Bí Thư thì cuộc chiến còn lại giữa các ghế Thủ tướng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội càng trở nên gay gắt, và cho dù có an vị những chức vụ này thế nào đi nữa thì phe cánh thân Trung Cộng vẫn là áp đảo trong Bộ Chính Trị Việt Nam.

Để dàn xếp cho được thuận lợi, trước đại hội lần tới, Rứa đã khôn khéo tung hỏa mù, xúi dục, dẫn dắt dư luận tập trung vào những đối tượng có khả năng tranh chức Tổng Bí Thư với mình. Người ta có thể thấy lề trái, lề phải công kích vị này, vị nọ nhưng tuyệt nhiên không thấy ý kiến nào soi xét hành vi của Tô Huy Rứa. Lá bài của người Trung Quốc thường kín đáo, nhất là trong chuyện chọn vua chư hầu. Sẽ có nhiều cơn sóng làm nhiễu loạn dư luận, để rồi một con bài ra vẻ khiêm nhường nhất, yên lành nhất, giữ vững thể chế, ôn hòa nhất được chọn ra. Điển hình như Nông Đức Mạnh ngày trước được chọn làm Tổng Bí Thư với những vẻ hiền lành như vậy. Rồi những con bài này sau khi thâu tóm quyền lực nhất nhất nghe theo lời Trung Quốc. Chẳng thế mà cựu chủ tịch nước Lê Đức Anh phải ca thán về Mạnh là quá nghe lời Trung Quốc.

Nếu Tô Huy Rứa làm Tổng Bí Thư, thì công cuộc đòi tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo ở Việt Nam, phản đối quan hệ thiệt thòi với Trung Quốc trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, thậm chí có thể thành những cuộc đàn áp lớn. Bởi Tô Huy Rứa được chọn làm Tổng Bí Thư để nhận trách nhiệm như vậy.

Đáng trách là sự tham lam của Nông Đức Mạnh. Sau khi đã ăn trọn hai nhiệm kỳ làm Tổng Bí Thư, thực hiện cam kết nhiều điều bất lợi cho Việt Nam với Trung Quốc như khai thác bô-xít, Hiệp định Biên giới, Hiệp định Bắc Bộ, Mạnh lại vì tương lai của con mình là Nông Đức Tuấn để nghe lời Trung Quốc gây dựng lên một kẻ tiếp tục thần phục Trung Quốc như mình là Tô Huy Rứa, đẩy dân tộc và đất nước tiếp tục những tháng ngày đen tối trong vòng nô lệ phương Bắc.

Trong lũ lụt hồi năm 2008, Phạm Quang Nghị khi thăm Đồng Chiêm có thốt một lời không vừa lòng dân. Lập tức Rứa dùng báo chí là công cụ của mình để vào cuộc lên án Nghị, khiến Nghị uy tín bị sút giảm. Tiếp tới gần đây Rứa lại chỉ đạo báo chí công kích vụ Vinasin khiến Dũng phải lao đao. Trong khi các đối phương lao đao, Rứa lặng lẽ lấy lòng những đảng viên Đảng Cộng Sản bằng những lý luận kiên định theo con đường Chủ Nghĩa Xã Hội bằng những bài viết thể hiện chính kiến son sắt. Tránh xa những chuyện tiền bạc, bê bối sau vụ đất đai Hải Phòng để giữ mình, Tô Huy Rứa đã được Trung Quốc chấm trọn từ ngày ấy để thay thế Mạnh.

Câu chuyện này viết ra để đặt một câu hỏi. Nếu Việt Nam phải theo một âm mưu định sẵn từ nhiều năm của Trung Quốc, như kiểu một kế hoạch năm năm đặt ra để dẫn dắt mà chúng ta phải đi theo. Vậy chúng ta là giống người gì? Như thế chúng ta có đủ bản lĩnh để tự mình quyết định được những vấn đề đất nước không? Chúng ta có độc lập, có chủ quyền thật sự không?

Dân Làm Báo
Nguồn: DanLamBao Blog
© Thông Luận 2010
.
.
.

No comments: