Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
Mon, 12/27/2010 - 14:08
Việc công ty đóng tàu nhà nước Vinashin đã thất hẹn trả món nợ 600 triệu đô la vào cuối tuần trước chỉ là cơn khủng hoảng mới nhất đang thách thức khả năng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong việc giữ vững kiểm soát nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng hỗn độn trong vòng xoáy lạm phát.
Công ty này, với tên chính thức là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam, đã trễ hẹn đợt trả đầu gồm 60 triệu đô la vay từ một nhóm chủ nợ nước ngoài và đã nói rằng họ chỉ có thể trả phần tiền lãi, theo một người thông thạo về vấn đề này.
Công ty này đã đồng ý gặp gỡ các chủ nợ vào giữa tháng Giêng để thảo luận việc hoàn trả món nợn, mặc dù một số chủ nợ trong thảo luận riêng tư đã nói rằng họ không chắc liệu Vinashin có đủ nguồn tiền để có thể làm việc này hay không.
Bên cạnh việc trễ nợ, Vinashin còn có thêm hàng loạt khó khăng đang gây khổ sở cho Việt Nam , vốn từng là một trong những thị trường đang lên nóng nhất trên thế giới.
Trong thập niên qua, nền kinh tế của quốc gia này đã bùng nổ, mở rộng từ những cánh đồng lúa đầy hố bom đến những nhà máy mới sáng lạn và những toà nhà chọc trời, khiến những nhà phát triển kinh tế tán dương đất nước này như là một kiểu mẫu cho những thị trường mới mở. Trên những con đường nhỏ hẹp ở Hà Nội, những chiếc Rolls-Royce và Bentley đang giành chỗ với xích lô và xe gắn máy.
Tuy nhiên, trong vài tuần lễ qua, cái giá của quá trình chuyển hoá thiếu giám sát của Việt Nam đã trở nên rõ rệt một cách báo động, là nhiều nguyên cớ để các nhà đầu tư phải nghĩ đến việc tìm kiếm lợi nhuận ở nơi khác trên bản đồ những thị trường mới phát triển. Các nhà kinh tế nói rằng những khó khăn ngày càng tồi tệ của đất nước này và ảnh hưởng mà chúng có thể gây ra đối với đồng nội tệ đang mất giá, có thể cũng sẽ làm các nhà sản xuất dệt may và nông nghiệp tại những nước như Thái Lan và Indonesia hiện đang cạnh tranh với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Lạm phát đang tăng cao, đạt mức 11,75% vào tháng Mười Hai so với một năm trước, trong khi các công ty Moody's Investors Service, Standard & Poor's và Fitch Ratings đều đã giảm điểm đánh giá tín dụng của Việt Nam vì đã liên tục chú trọng vào việc thổi phồng tăng trưởng trong sáu tháng qua. Trong khi đó chính phủ dường như đang quyết định tiếp tục quá trình giảm giá tiền đồng Việt Nam trong khi người dân thường đang tìm cách tích trữ tiền đô hoặc vàng. Kể từ giữa năm 2008, tiền đồng đã mất khoảng một phần năm giá trị trong khi hệ thống ngân hàng Việt Nam tràn ngập tiền mặt.
Vấn đề nợ nần ngày càng trầm trọng của Vinashin làm một báo hiệu mới đang dẫn đến nguy cơ làm tăng thêm phí tổn vay mượn nợ nước ngoài vào thời điểm nhà nước đang tìm nguồn vốn để nâng cấp cơ sở hạ tầng kinh tế ọp ẹp của mình.
Vinashin đã hùng hổ vay nợ với sự khuyến khích của chính quyền với hi vọng trở thành một đối thủ trong kỹ nghệ đóng tàu trên thế giới. Đây là một phần trong kế hoạch của nhà nước nhằm giữ phần lớn của nền kinh tế dưới quyền kiểm soát của chính phủ. Nhưng vào mùa hè này Vinashin đã gần như sụp đổ với món nợ 4,4 tỉ đô la, dẫn đến việc bắt giữ những tổng giám đốc vì tội danh sai phạm trong quản lý công ty, vốn là một trong những nơi có nhiều nhân viên nhất.
Những bất mãn về việc này khiến cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận lỗi lầm của chính mình trong việc không theo dõi đúng mức hoạt động của công ty mà trong tài liệu nội bộ của chính phủ tường thuật là "vượt quá tầm kiểm soát."
Một số nhà phân tích xem sự thất hẹn nợ của Vinashin là thời điểm tiềm năng mang tính được thua tại Việt Nam . Với quyết định không giúp đỡ công ty, Kevin Grice, một kinh tế gia của Capital Economics ở London nói, chính phủ Việt Nam đang gửi một thông điệp đến những doanh nghiệp nhà nước khác rằng họ phải chấn chỉnh lại công ty mình và loại bỏ những yếu tố thiếu hiệu quả đang lũng đoạn lĩnh vực nhà nước.
"Bằng việc không đơn phương hỗ trợ Vinashin, chính quyền đang giảm bớt vấn đề tổn hại đạo đức ở Việt Nam và cũng để bảo đảm rằng các nhà đầu tư sẽ có lựa chọn hơn," ông Grice nói.
Nhưng ông Grice và những nhà phân tích khác cảnh giác rằng điều này chỉ có tác dụng chỉ khi nào Hà Nội cứng rắn hơn trong việc quản lý khu vực nhà nước, vốn đang chiếm một phần ba nền kinh tế và chiếm hết nguồn vốn khỏi những công ty tư nhân hữu hiệu hơn. Việt Nam cũng cần phải nhanh chóng giảm mức lạm phát và tự mình tránh bớt sự chú tâm quá nhiều vào việc khuyến khích tăng trưởng bằng bất cứ giá nào.
"Càng chậm trễ việc đổi mới, tình hình sẽ càng tồi tệ hơn khi thị trường bắt buộc họ phải thay đổi, nhưng thói quen thì khó bỏ," ông Grice nói.
Triển vọng về một thay đổi đại trà có vẻ lu mờ. Ju Wang, một nhà chiến lược thị trường tín dụng của UBS AG tại Singapore nói rằng chính phủ có thể nghĩ đến việc giảm bớt thiệt hại đạo đức, nhưng có thể họ cũng đang nghĩ đến quỹ ngoại tệ nhỏ bé của mình. Quỹ Tiền tệ Quốc tế báo cáo rằng 14 tỉ đô la Việt Nam hiện có vào cuối tháng Chín thì "chỉ vừa đủ để chi trả cho món nợ ngắn hạn vào khoảng 6 đến 7 tỉ đô la và lượng nhập siêu trị giá 12 tỉ đô la" mà chính phủ dự đoán trong năm nay, nhà chiến lược cho biết.
Việt Nam có cơ hội để thay đổi đường lối và chấp nhận một quỹ đạo tăng trưởng khôn ngoan hơn tại Đại hội Đảng Cộng sản, được bắt đầu từ 11 tháng Giêng. Đại hội sẽ lựa chọn tổng bí thư mới và đề cử một chủ tịch mới cho quốc hội bù nhìn trong khi cân nhắc việc liệu nhân vật chủ chốt là thủ tướng Dũng, sẽ giữ chức vụ của mình cho một nhiệm kỳ 5 năm mới nữa hay không. Đại hội cũng sẽ thiết lập chính sách về đường lối cho kế hoạch 5 năm tới của đất nước.
Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế, cùng với những cơ quan khác, đang kêu gọi giới lãnh đạo quốc gia giảm bớt tỉ lệ tăng trưởng kinh tế quá nhanh và thay vì thế, nên chú trọng hơn vào việc giới hạn lạm phát và hỗ trợ tiền đồng, hiện đang bị ảnh hưởng nặng trong những tuần qua khi tỉ giá hối đoái chợ đen đôi khi đã đạt đến 21.500 đồng mỗi đô la so với tỉ giá của chính phủ hôm thứ Sáu là 18.468 đồng - một chênh lệch khoảng 15%.
Tuy nhiên, những người quen thuộc với những thảo luận về chính sách trong nội bộ kín của Đảng Cộng sản nói rằng những nhà cầm quyền tối cao của quốc gia đã không sẵn sàng từ bỏ những chính sách tăng trưởng nhanh của mình. "Sự thay đổi từ trên đỉnh - nếu có - sẽ không có ý nghĩa gì nếu các chính sách vẫn giữ nguyên như cũ," một người hiểu biết về những thảo luận này cho biết.
Trong khi đó những người ngoài nói rằng họ ngạc nhiên vì việc các nhà hoạch định kinh tế Việt Nam đã có vô số cơ hội học tập những kinh nghiệm từ những nền kinh tế đang phát triển khác để tránh khỏi những khó khăn hiện nay của mình. Ví dụ như trong những năm 1980s và 1990s ở châu Á đã có nhiều quốc gia đã tăng cường tỉ lệ tăng trưởng và tràn ngập nền kinh tế của mình với nguồn vốn tín dụng dễ dãi để rồi dẫn đến cơn khủng hoảng tài chính cuốn trôi cả khu vực này vào cuối giai đoạn 1990s, khiến phải tái cấu trúc hàng loạt các tập đoàn kinh tế do chính quyền hậu thuẫn. Việt Nam đã hầu như theo đúng con đường này với dự đoán tỉ lệ tín dụng của ngân hàng trung ương sẽ tăng 29% trong năm nay so với 2009, theo thông tin của ngân hàng trung ương.
"Dường như các quốc gia phải học từ những lỗi lầm của chính mình chứ không phải từ những nước khác," ông Grice thuộc Capital Economics nói.
Carlyle Thayer, giáo sư tại Đại học New South Wales thuộc Học viện Quốc phòng Úc và một nhà quan sát Việt Nam kỳ cựu nói rằng ông trông đợi rất ít những thay đổi đáng kể có được từ đại hội và có lẽ việc thảo luận sẽ càng ít hơn. Một chiến dịch đàn áp các nhà chống đối và blogger trước khi đại hội 5 năm xảy ra đã làm cho bầu không khí càng ngột ngạt thêm trong một quốc gia vốn đã là một trong những nước hà khắc nhất thế giới, ông nói.
Ông Thayer nói "Những tài năng trí thức giỏi nhất của đất nước này đang vò đầu bứt tai," ông nói rằng đã có một đà cải cách lớn hơn trong đại hội lần trước vào năm 2006. "Lúc ấy mọi người đã công khai kêu gọi đảng cải cách. Điều này đã không xảy ra hiện nay."
Các nhà kinh tế nói rằng một phần của vấn đề là Đảng Cộng sản đề bạt quan chức dựa trên khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng, đạt đúng chỉ tiêu và hoàn thành kế hoạch 5 năm. Họ thường đạt được những mục tiêu này và chẳng quan tâm nhiều đến hệ quả lạm phát hoặc sự lan tràn của nạn tham nhũng mà nhiều nhà phân tích nói rằng đang là một nạn dịch ở đây.
"Tăng trưởng là điều duy nhất mà đảng muốn, vì thế mọi người đều chạy theo nó," một quan chức chính phủ giữ kín danh tính cho biết. "Chẳng có gì thay đổi cho đến khi một thế hệ lãnh đạo mới thay thế, và việc này sẽ vẫn chưa xảy ra."
Một số nhà phân tích người Việt cho rằng chính quyền đang đi đúng hướng. Nhà phân tích độc lập Bùi Kiến Thành lo lắng rằng việc siết chặt chính sách tiền tệ như Quỹ Tiền tệ Quốc tế đề xuất có thể sẽ kềm chế sự tăng trưởng trong lĩnh vực tư nhân trong khi chẳng giúp gì nhiều trong việc ngăn chặn những khó khăn từ các doanh nghiệp nhà nước. Ông cho rằng việc ngặn chặn tham nhũng sẽ có tác dụng hơn trong việc giúp giảm thiểu lạm phát vì nạn hối lộ làm tăng cao chi phí trong mọi phạm vi của dây chuyền cung cấp ở Việt Nam .
Những nhà phân tích người Việt khác thì bi quan hơn, đặc biệt là khi chính quyền chỉ nhích tỉ giá lãi cơ bản từ 8% lên 9% từ tháng Chín 2009 bất chấp tốc độ lạm phát tăng nhanh.
"Những người trong chính phủ có quá nhiều tuyên bố về mục tiêu giảm thiểu lạm phát - nhưng mục tiêu của họ là 7%, cùng tỉ lệ họ đưa ra vào năm ngoái," Nguyễn Quang A, người đứng đầu cơ quan nghiên cứu độc lập duy nhất trong nước trước khi những người sáng lập quyết định đóng cửa dưới áp lực của Đảng Cộng sản.
"Việc bám chặt vào chủ trương chuộng tăng trưởng ở đây giống như là một chứng cuồng. Việt Nam đang khiêu vũ trên một lưỡi dao cạo," ông A nói.
-----------------------------
Tản mạn về Vinashin & lãi suất ngân hàng - Nguyễn Hữu Quý
.
.
.
.
.
.
No comments:
Post a Comment