(danlambao) – Hôm nay 22.12 cũng như mọi năm sẽ tổ chức rình rang ngày thành lập Quân Đội Việt Nam. Nhưng từ trước cả tuần các Quận Khu 3 (Hải Phòng), Quân Khu 5 (Đà Nẵng), Quân Khu 7 (Sài Gòn), Quân Khu 9 (Cần Thơ) và Quân Khu Thủ Đô (Hà Nội) đã tổ chức tiệc ăn mừng linh đình. Nhất là khu Lý Nam Đế ở Hà Nội cờ hoa rợp trời.
Người ta gọi là Quân Đội Nhân Dân, rồi nào được phong tặng danh hiệu Quân Đội nhân dân anh hùng. Quân đội thần kỳ chiến thắng hai kẻ thù là hai đế quốc sừng sõ.
Quân đội Việt Nam ngày nay y hệt một ”vương quốc” trong lòng một nhà nước: có cơ quan ngôn luận là tờ báo ít người biết là báo Quân Đội Nhân Dân. Hệ thống Quân Y với các học viện và bệnh viện quân y lớn. Có các tòa án quân sự, có hãng bưu điện truyền thông, điện thọai mà phủ sóng qua tận Lào và Cambodia. Nhưng Quân đội Việt Nam tiến bộ hơn các nước khác là còn có hệ thống làm Kinh tế với những công ty nhiều đặc quyền đặc lợi và nhất là có cả một ngân hàng quân đội hùng mạnh.
Nếu ai thắc mắc thế nào là ”Kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng XHCN là gì? ” Thì câu trả lời là nền Kinh tế mà công an và quân đội cũng lao vào kinh doanh. Thế hỏi ngược lại hai cơ quan quyền lực công này đi kinh doanh có bình đẳng với các doanh nghiệp khách (tư nhân, vốn nước ngoài…) không? Thì câu trả lời là… để xem lại.
Người ta thường lấy ví dụ của hãng điện thoại Viettel của Quân Đội ra đời để chứng minh là có sự ”cạnh tranh lành mạnh” giữa các doanh nghiệp. Lúc chưa có Viettel thì VNPT (tên gọi mới của Bưu điện Việt Nam) do độc quyền nên 1 phút gọi đi nước ngoài thường là 13 USD. Khi Viettel ra đời thì ngay lập tức giá giảm chỉcòn 3 USD, rồi giảm dần giảm dần hiện nay còn 0,3 USD/ phút gọi nước ngoài. Viettel là sản phẩm của ông Võ Văn Kiệt dùng để ”trị chứng bệnh độc quyền của VNPT”. Nhưng người ta không thấy là Quân Khu 5 lao vào thành lập các trang trại cà phê trên Tây Nguyên thì cũng là lúc mà rừng ở đây mất dần, người dân tộc không có đất canh tác đi biểu tình bị đàn áp. Voi không có chỗ sống phải ra phá làng, rồi lũ lụt…
Quân đội là nhiệm vụ đi giữ nước, giữ biên cương hải đảo chứ mãi lo làm kinh tế liệu nhiệm vụ hàng đầu có chu toàn?
Dù tấm bảng treo ngay cổng ra vào các doanh trai các quân khu là QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN nhưng ngày này Quân Đội có còn là của nhân dân không thì cần xem lại.
Nếu là Quân đội của nhân dân thì tại sao nhân dân ra đánh cá trên biển của mình bị các ”tàu lạ” bắt bớ mà quân đội không can thiệp? Quân đội ở đâu mà để cho ”Tàu lạ” vào ngay trong vùng biển Vũng Tàu (cách Vũng tàu 34 hải lý) để tấn công tàu ngư dân. Ngư dân Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Bình Định ra khơi là tự phòng vệ chứ hải Quân Việt nam đã không còn là của nhân dân nữa rồi.
Nếu Quân đội còn là của nhân dân thì người lính không bị hô khẩu hiệu: ” Trung với Đảng”. Chính vì yêu cầu sửa cái khẩu hiệu là : ”Trung với dân” mà anh lính Nguyễn Tiến Trung bị kỷ luật và trù dập, ra lính chưa thăm bạn bè đã vào tù.
Nếu quân đội còn của nhân dân thì những thư kiến nghị của Ông Võ Nguyên Giáp, Ông Đồng Sỹ Nguyên, các tướng lãnh quân đội về hưu không bị cho vào sọt rác. Họ là những có công với quân đội và uy tín lớn lao mà ” ai đó” coi còn không ra gì thì làm sao mà gọi là quân đội của nhân dân được.
Nếu quân đội của nhân dân thì các kỹ thuật viên về an ninh mạng của quân đội không dùng Viettel để tấn công các trang web nói lên tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân. Viettel là của nhân dân thì sẽ không dựng tường lửa ngăn cản nhân dân mình truy cập vào các trang web phơi bày bột mặt thật xấu xa của chế độ cầm quyền hiện nay.
Nếu quân đội còn là của nhân dân thì ngày 17.2 hàng năm kỷ niệm ngày Trung Quốc tấn công vào biên giới phía bắc phải tổ chức lớn truy điệu các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống. Mặc dù cho Trung Quốc tưởng niệm và các đòan cán bộ cử người dâng hương hoa cho các liệt sĩ Trung Quốc, còn các liệt sĩ của ta thì bị lãng quên, như những tàn tro lạnh trong thơ Hữu Loan..
Dù rằng các học sinh trung học phải học 1 tuần trong năm về quân sự, sinh viên học 1 tháng cho xong học phần quân sự nhưng giới trẻ chẳng có mặn mà gì với hình ảnh người lính nếu không muốn nói là coi thường và khinh bỉ.
Chính quân đội đã đánh mất đi hình ảnh của mình trong lòng nhân dân. Quân đội không còn là của nhân dân mà là công cụ của đảng cầm quyền để quay mũi súng vào chính nhân dân của mình. Sự kiện quân khu 5 tấn công người dân tộc thiểu số tay không trên Tây Nguyên vào năm 2001 và 2004 đươc coi như là tội ác chống lại lòai người. Lịch sử sẽ phơi bày những tội ác này trong ngày gần đây.
Trước đây chưa lâu lắm, những người lính Đông Đức tự bắn vào mình chứ không bắn vào nhân dân của mình khi họ vượt bức tường Berlin sang Tây Đức. Người lính Viêt Nam còn dám ” vì dân quên mình” kiểu này không?
Một bài hát của quân đội hay phát trên truyền hình có lời là: ” Dù rằng đời ta thích hoa hồng, kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Rồi khẩu hiệu của quân đội cũng là: ” kẻ thù nào cũng chiến thắng”. Vậy kẻ thù của các anh lính là ai? Các anh hãy xác định cho đúng kẻ thù của mình mà chỉa mũi súng cho đúng đối tượng. Chắc chắn kẻ thù của các anh không phải là những người dân nghèo khổ trong đó có cha mẹ, có họ hàng và bè bạn của các anh.
Hãy trở về với chính nghĩa nhân dân trong ngày thành lập quân đội nhân dân. Nếu những ai còn trong quân ngũ muốn được gọi là của nhân dân thì hãy quay về với nhân dân. Lịch sử sẽ không sai lầm chỉ có quyết định có sai lầm hay không. Bắn vào nhân dân, đàn áp nhân dân thì gọi là cái gì của nhân dân? Trước khi bóp cò súng hãy tự hỏi có phải nhân dân là kẻ thù của mình không?
Vũ Nhật Khuê
---------------------------
Ngọc Trân, thông tín viên RFA - 2010-12-22
.
.
.
No comments:
Post a Comment