Tác giả: Lan Hương (tổng hợp)
Bài đã được xuất bản.: 17/12/2010 05:00 GMT+7
(VEF) - Rất nhiều ý kiến phản hồi của độc giả về cơ hội của Việt Nam trước sự trỗi dậy của Trung Quốc khẳng định đây là thách thức nhưng cũng là thời cơ. Quan trọng là phải “biết mình, biết ta” thì “trăm trận, trăm thắng”.
Chuyện "kiến" đốt "voi"
Nói về quan hệ với người láng giềng khổng lồ, độc giả Nguyễn Gia Hảo nhắc lại câu chuyện ngụ ngôn về voi và kiến.
"Kiến bé như vậy nhưng một khi chui được vào tai voi mà cắn thì voi cứ việc thét rống lên," độc giả này viết. "Cho dù trước khi ăn voi có rũ lá cho sạch, nhưng chẳng may còn vài ba con kiến sót lại lọt được vào dạ dầy của voi mà đốt, dạ dầy voi như bị cào xé. Hàng ngày voi vấn tranh hoa quả với khỉ, nhưng lúc này voi ngoan ngoãn nhường hết cho khỉ vì chỉ có khỉ nhẩy lên lưng voi đấm nhè nhẹ thì voi mới qua khỏi cơn đau".
Tương tự, quan hệ đối ngoại giữa các nước cũng vậy, cũng cần phải khảo cứu thái độ ứng xử của các loài vật nhỏ bé đang tồn tại bên cạnh những loài khổng lồ. Loài bé cần kết bạn với nhiều bên để loài lớn nào cũng phải kính nể, các nước bé cũng cần liên kết lại với nhau, có như vậy thế giới này mới có thể tồn tại trong hòa bình và ổn định được.
Và muốn thế, nước bé, hiểu thân phận của mình, nhưng không thể quên cái thế mạnh vốn có, để khỏi tự ti trước nước lớn, mà ngược lại càng cần phải duy trì và phát huy thế mạnh của mình, cần phải nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc, có như vậy mới có thể khôn ngoan trong ứng xử.
Đồng tình với ý kiến của độc giả Nguyễn Gia Hảo, nhiều bạn đọc khẳng định Việt Nam nên lựa chọn ngành công nghiệp mũi nhọn, cũng như lý thuyết "đàn sếu bay"của Nhật Bản.
"Từ những ngành kinh tế mũi nhọn này sẽ kéo theo những ngành kinh tế ăn theo tăng trưởng. tác động chung nên nền kinh tế là rất cao," độc giả Dangdinhquynh chia sẻ.
Còn độc giả ToiyeuVN nhấn mạnh tư tưởng "biết mình, biết người, trăm trận trăm thắng", phải hiểu rõ mạnh, yếu của từng nước.
"Trung Quốc đều nghiên cứu doanh nghiệp và năng lực doanh nghiệp Việt Nam rất kĩ, vì sao chúng ta lại hiểu biết rất mơ hồ vè doanh nghiệp Trung Quốc?" - độc giả này đặt câu hỏi.
Cụ thể hơn, bạn đọc bababa1972 cho rằng phải tạo ra những hàng hóa có giá trị độc đáo mà người Trung Quốc cần chứ không phải hàng giá rẻ vì cái này không nước nào làm hơn được họ.
"Phải liên minh những nhà xuất khẩu sang Trung Quốc lại để có đối sách phù hợp và có lợi ích cao nhất đó là phải xuất những mặt hàng tinh nhiều hơn chứ hạn chế xuất thô ở dạng tài nguyên cho họ, như vậy là giúp họ mà hại mình," độc giả này nói.
"Về nhập khẩu, nếu nhập siêu là máy móc thiết bị giá rẻ mà chất lượng vẫn phù hợp để sản xuất ra hàng hoá có chất lượng nhằm xuất khẩu sang nước khác thu về ngoại tệ, thì vẫn nên làm, vì như vậy phù hơp với nguồn vốn ít ỏi của mình. Có thể nhập siêu từ Trung quốc nhưng xuất siêu với quốc gia khác thì về tổng thể vẫn cân bằng được cán cân thương mại".
Độc giả tên Hanh thì đề nghị Chính phủ lập các hàng rào phi thuế quan để hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp không thể ồ ạt vào nước ta. Đồng thời, cần có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc như giảm thuế, hỗ trợ trong quảng bá thương hiệu ở Trung Quốc.
"Trung Quốc là thị trường rộng lớn với 1,3 tỉ dân, đời sống lại không ngừng tăng vì vậy nhu cầu tiêu dùng sẽ không ngừng tăng theo. Nếu có những chính sách đúng đắn tôi nghĩ ta sẽ lợi dụng được sự phát triển của Trung Quốc để đi lên," độc giả Hanh khẳng định.
Một chính quyền "sạch"
Đa số độc giả đều đồng tình rằng sự phát triển ngoạn mục của Trung Quốc trong vài thập kỷ qua không phải là "trên trời rơi xuống".
Theo bạn đọc Ninh Khắc Thành thì Trung Quốc đã có sự chuẩn bị từ đầu thập niên 70, lấy yếu tốc con người làm trung tâm.
"Khi kinh tế trong nước khó khăn, chính phủ khuyến khích thanh niên đi ra khắp thế giới để học tập và làm việc, khi đất nước cần những con người này Trung Quốc lại có những chính sách và tạo điều kiện thuận lợi cho họ về nước làm việc. Không những người này đã có những kiến thức tốt, tay nghề cao, mà họ còn có những mối quan hệ với nước ngoài kêu gọi đầu tư về nước", độc giả Thành viết.
"Bên cạnh đó trong nước tạo điều kiện để người dân được học tập và phát triển, khuyến khích tinh thần tự tôn dân tộc, cống hiến cho đất nước và có niềm tin vào chính quyền".
Độc giả này cũng cho rằng để làm được điều này, chính quyền Trung Quốc phải làm sạch chính mình, với phương châm ai sai phạm đều phải xứ lý, cán bộ sai phạm xử lý nặng hơn dân nên đã có nhiều lãnh đạo cao cấp phạm tội bị tử hình hoặc chung thân.
Vì thế độc giả Ninh Khắc Thành khẳng định điều quan trọng lúc này với Việt Nam là phải đầu tư vào con người, làm trong sạch bộ máy, chọn lãnh đạo có tài-đức thực sự để tạo niềm tin cho dân. Đồng thời, phải có chiến lược phát triển kinh tế rõ ràng và xác định mạnh - yếu của mình để đầu tư thích hợp.
Cũng bàn về hiệu quả của bộ máy công, độc giả Ngo Long so sánh nợ công giữa Việt Nam (đã lên tới hơn 50%) và Trung Quốc để thấy đầu tư thiếu hiệu quả của ta.
"Trung Quốc chỉ cần nợ công tới khoảng 17% (năm 2009) mà đã tạo ra sự phát triển mạnh mẽ suốt nhiều năm qua", bạn Ngo Long viết.
"Trung Quốc cắn răng xuất khẩu với giá rẻ, nhặt đồng Đô la về và dùng nó để đẻ ra đồng Đô la khác, tạo ra sự phát triển mạnh mẽ. Còn mình cũng xuất khẩu với giá rẻ, nhưng có lẽ tiêu pha lại phóng tay (tiêu tiền luôn nhiều hơn số tiền làm ra). Quốc gia đó giảm được nợ và ngày càng dựa vào vốn kiếm được của họ để đầu tư cho phát triển và trở thành chủ nợ, còn mình thì vẫn mong vay được nhiều hơn".
Độc giả này kiến nghị phải giám sát chặt chẽ, thường xuyên chi tiêu công, giao tiền, giao việc, giao chức phải đi kèm với cam kết hiệu quả, nếu không đạt được thì lãnh đạo bị phạt tiền, kỷ luật hoặc mất chức.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam mở Diễn đàn "Kinh tế Việt Nam phải làm gì để Win-Win với Trung Quốc?". Mời các bạn hiến kế để kinh tế Việt Nam vượt qua thách thức to lớn này, biến thách thức trở thành sức bật để kinh tế Việt Nam vươn lên sánh vai với thế giới, như tấm gương Hàn Quốc đã làm cho thế giới phải ngả mũ thán phục.
Mời độc giả cùng tham gia và thư xin gửi về: vef@vietnamnet.vn. Chúng tôi sẽ lựa chọn và đăng tải trong thời gian sớm nhất. Xin trân trọng cảm ơn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment