Saturday, December 4, 2010

NƯỚC MỸ - CANH BẠC CUỐI NĂM (Hoàng Ngọc Nguyên)

HOÀNG NGỌC NGUYÊN-Việt Tribune
December 03, 2010

Cho dù hiện nay chẳng có cuộc chiến tranh nào trên đất Mỹ, nước thanh bình là chuyện “ba trăm năm cũ”, và con người hiện nay mang tâm trạng chẳng khác gì họ đang sống trong thời giặc giã, loạn lạc. Ngoài hai cuộc chiến có thực mà Mỹ đang kẹt vào ở Iraq và Afghanistan mà mãi người ta vẫn chưa hiểu có thể kết thúc được chăng và kết thúc như thế nào, tình hình ở bán đảo Triều Tiên đang diễn tiến như thể chiến tranh Cao Ly cả 60 năm trước đã tới lúc tái diễn, và dĩ nhiên Mỹ chẳng thể nào có thể đứng ngoài được.

Để hiểu rõ sự rối rắm của Mỹ trong hoàn cảnh tứ đầu thọ địch trên bàn cờ quốc tế, chúng ta cứ lướt qua những chuyện của Mỹ quan hệ với nước này nước khác trên khắp hoàn cầu mà cả hơn 250.000 điện văn ngoại giao của Mỹ đã được mạng WikiLeaks ăn cắp được và tiết lộ suốt mấy ngày hôm nay. Đâu đâu Mỹ cũng bị dính, và đâu đâu cũng không gỡ ra được. Trong tình hình này, nay người Mỹ mới thấy Việt Nam xưa kia là quí! Đến cũng dễ, đi cũng chẳng khó!

Trong “phép trị nước” của ngưòi xưa, nhất là ở những nước “toàn trị” thời nay, để gia tăng quyền lực chuyên chính và dễ bề trấn áp những thế lực “phản động” bên trong, người ta thường tìm cách phát động chiến tranh với bên ngoài, trước là “mở mang bờ cõi”, sau là có cớ nắm chắc được quân đội, cảnh sát… Ngược lại, khi sơn hà nguy biến, Tổ quốc lâm chiến, dù trong dù ngoài, cách duy nhất để tồn tại là tạo được sự đoàn kết quốc gia, và Nhà nước và nhân dân làm nổi bật được ý thức cao độ phải kết hợp làm một: chính phủ thì lo cho dân, và dân thì sẵn sàng hy sinh vì sự sống còn của đất nước. Tình hình hiện nay ở nước Mỹ chẳng thể nào khác thế. Bên ngoài không chỉ là IraqAfghanistan mà còn không thiếu gì chỗ khác. Bên trong, giặc suy thoái chẳng thể được xem nhẹ. Nếu lúc này mà bên trong nước Mỹ không nói chuyện đoàn kết, không nghĩ đến hy sinh để có thế đương cự với “thù trong, giặc ngoài”, thì còn chờ đến lúc nào nữa?

Tiếc thay, dường như nước Mỹ này, nay cũng giống như miền Nam đất nước của chúng ta thuở trước, đã quá quen với chuyện chiến tranh, cho nên chẳng có vẻ gì ngán chuyện loạn lạc, phân hóa, cùng khổ của người dân. Sau “hội nghị thượng đỉnh” với những người lãnh đạo Quốc Hội thuộc cả hai đảng hôm thứ Ba, Tổng thống Barack Obama nói rõ, tuy những người làm chính trị sau bầu cử đã không còn cần hung hăng nữa và đã biết ăn nói lễ độ, lịch sự hơn để làm gương, nhưng những khác biệt giữa hai đảng có tính cách sâu xa và chẳng có cách nào cho hai bên nhích gần lại được. Điều này có nghĩa là gì? Nó có nghĩa là tình trạng “gridlock” (đình trệ, ngưng đứng) vẫn tiếp tục, cho dù ông Obama có nói “Người dân không bầu cho chúng ta vào đây để chúng ta chẳng nhúc nhích gì cả”, và người dân cũng phải hỏi “Cuối năm rồi, mấy ông tính sao về phúc lợi thất nghiệp, về những khoản giảm thuế cho tầng lớp dưới của chúng tôi?”.

Bắc Triều Tiên có thể phát điên, nã pháo vào hòn đảo của Nam Triều Tiên giết chết bốn người, khi thấy Mỹ và Nam Triều Tiên tiến hành kế hoạch tập trận chung. Bắc Triều Tiên cũng có thể làm dữ với bên ngoài để xác nhận quyền uy bên trong, khi người em gái của Chủ tịch Kim Chính Nhật, nay cũng là đại tướng, 65 tuổi, muốn nói với Kim Jong Un, 25 tuổi, con trai của “đồng chí chủ tịch kính yêu” đã được lãnh tụ Bình Nhưỡng chọn làm “đông cung thái tử” và cũng được đeo lon đại tướng, một điều là “quyền cô thế phụ” – cho dù phụ còn sờ sờ ra đó. Và Bắc Triểu Tiên cũng có thể hành động như thế vì máu điên và hung hăng có sẵn trong người. Trong khảo hướng với Bắc Triều Tiên, dường như Mỹ và Nam Triều Tiên đều có một hướng chung, lâu dài, đề cho Bắc Triều Tiên từ từ sụp đổ. Ngắn hạn, về những tật điên điên khùng khùng của Bình Nhuỡng, người ta trông chờ ở sự can thiệp của Bắc Kinh.

Chẳng phải Bắc Kinh không ớn Bắc Triều Tiên. Chính Trung Quốc đã nhìn nhận Bình Nhưỡng là a spoiled child – đứa con hư. Con hư làm sao nói được. Làm gì, nói gì, nó quậy phá thêm, làm cho tình hình Bắc Triều Tiên càng thêm bất ổn, xáo trộn, lúc đó làm sao kiểm soát được tình hình. Vả lại, một số ông tướng ở Nam Trung Hải có thể thấy tình hình lộn xộn ở bán đảo này thế mà hay. Ít nhất là để cho Mỹ bớt mơ tưởng chuyện đi vào vùng biển Thái Bình đầy sóng gió này. Và để cho Trung Quốc có thể nói với Mỹ: Rừng nào cọp nấy! Bởi vậy, Trung Quốc nay đang đi hai hàng, vừa chỉ trích cuộc tập trận vừa sẵn sàng đứng ra tổ chức hòa giải. Hôm thứ Tư, Mỹ và Nam Triều Tiên đã quyết định vẫn tiến hành tâp trận chung, nhưng khó tin rằng Bắc Triều Tiên tiếp tục lợi dụng bệnh điên của mình để giả vờ điên tiếp tục mà Nam Triều Tiên và Mỹ sẽ tiếp tục để cho Bắc Triều Tiên thoải mái tấn công.

“Hồ sơ” WikiLeaks được tung ra lần này đúng là rất “qui mô” – người ta biết đủ hết, hay gần đủ hết, những vấn đề của Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, nhất là quan hệ của Mỹ với những nước bạn cũng như thù ở vùng Trung Đông. Nhưng nếu xem kỹ hay xem qua, người ta cũng thấy lạ lùng thay hầu như chẳng có điều gì bí mật được tiết lộ mà người ta không biết. Mà những người bình luận chẳng nói đến. Bởi vì người ta có thể nói không sợ sai hai điều có tính cách qui luật để hiểu rõ những mối quan hệ giữa các nước với nhau trong thời đại thế giới “đại đồng”, toàn cầu hóa này: thứ nhất, quyền lợi “ích kỷ” của mỗi một nước vẫn là nhất, vẫn là tất cả, và thông thường có thể không “nhất quán” với quyền lợi của những nước “đồng minh”,“liên minh”; thứ nhì, chẳng nước nào tin được nước nào trên thế giới này. Những mối quan hệ đồng minh, liên minh của Mỹ với Pakistan, Afghanistan, Saudi Arabia, Iraq, Yemen đều khả nghi, bất trắc, hay ngay cả giữa Mỹ với Anh, với Đức, với Pháp… Như vậy thì đừng xét quan hệ của Mỹ với Nga hay Trung Quốc qua những cái bắt tay và những lời phát biểu hữu nghị… WikiLeaks chẳng nói chuyện gì mới, từ sự hục hặc giữa Mỹ và Pakistan, sự trục trặc giữa Mỹ và Afghanistan, đến sự đơn độc của Mỹ trong việc săn lùng khủng bố quốc tế cùng sự lúng túng của Mỹ trong việc phá vỡ liên minh hạt nhân Bắc Triều Tiên và Iran… Ngay cả chuyện nhà ngoại giao đi làm gián điệp, cũng chẳng có gì mới, ở Saigon thời trước, người nào ở tòa đại sứ Mỹ chẳng làm cho CIA? Gián điệp thời nay có ai cần đội lốt ngoại giao? Điều duy nhất làm người ta bực bội là ở chỗ có những chuyện phòng the chính trị, hậu trường ngoại giao, người ta nói riêng với nhau, nói sau lưng người khác, nay chuyện nói riêng thành ra chuyện nói chung, chuyện nói sau lưng mà người khác cũng biết. Ví dụ như những gì ông Henry Kissinger đã nói sau lưng về bà Imelda Marcos thời xưa, hay ông Vladimir Putin có thể nói về bà Yulia Tymoshenko cựu thủ tướng của Ukraine thời nay. Tương tự như những gì người ta kể là ông Nguyễn Văn Thiệu đã nói về một bà dân cử tại Thượng viện. Bởi thế mới đang có chuyện ông Putin nói ông Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ “cà chớn”. Người ta cho rằng ông Robert Gates trong một điện văn nói rằng “dân chủ ở Nga đã biến mất”, và chính phủ Nga là “một tập đoàn do cơ quan an ninh mật vụ điều hành”. Putin nói rằng ông Gates đã “bị sai lạc sâu sắc” và liệu Washington có thích nghe người ta phê bình về chế độ của mình hay không.

Vì lo ngại những phản ứng tương tự như thế mà nét mặt của bà Hillary Rodham Clinton đã để lộ vẻ căng thẳng suốt mấy ngày qua. Ông Obama cũng có sự đăm chiêu, lo lắng trên mặt, nhưng vì lý do khác. Lý do là tuy đảng Cộng Hòa nay đã nắm được đa số ở Hạ Viện và thêm được sáu ghế ở Thượng Viện, là hai điều chẳng vui nhưng không tránh được cho Obama, nhưng về trách nhiệm cho đất nước đi tới, người ta vẫn nhìn vào ông. Nhưng để cho đất nước này đi lên, đi tới, đừng đứng yên một chỗ, nghĩa là đi lui, là việc rất khó. Hai bàn tay mới vỗ nên kêu. Tại cuộc họp thượng đỉnh tại Nhà Trắng, ông “đau khổ” nói “Có những khác biệt thực sự về triết lý hành động (giữa hai đảng), về những nguyên tắc có gốc rễ sâu xa mà mỗi đảng muốn giữ. Cho dù không khí cuộc họp hôm nay là vô cùng lễ độ, chắc chắn những khác biệt đó vẫn còn cho dù có bao nhiêu cuộc họp đi nữa”.

Tình hình trước bầu cử khi Cộng Hòa đang còn yếu thế: một bên thì muốn tấn tới, một bên thì tẩy chay. Nay thì đảng Cộng Hòa đã có phần nào lợi thế, nên đang có khuynh hướng muốn xóa bài làm lại, Dân Chủ thì cản tay Cộng Hòa vào chiếu bạc. Có nghĩa là tình trạng có thể sẽ như cũ: chẳng đi tới được. Trong khi có nhiều việc phải đi tới. Và người dân cần và muốn hai đảng đi tới. Thí dụ như làm sao đây để cho quá trình hồi phục được tiếp diễn vững chắc và tỷ lệ thất nghiệp đi xuống. Cắt giảm ngân sách bằng cách nào để cho kinh tế không trì trệ.

Và chuyện trước mắt trong tháng này.
Tháng 12 là tháng cuối cùng của Quốc Hội đương nhiệm.Trước khi người ta ra đi hay bế mạc, cần giải quyết cho xong, cho nhanh những chuyện còn tồn tại. Tổng thống Obama muốn tiếp tục gia hạn bảo hiểm thất nghiệp cho hàng triệu người mà phúc lợi này đã hết hạn vào ngày 30-11. Phía Cộng Hòa như thường lệ đòi phải có tiền mới chi. Tức không chịu ngân sách thêm hụt. Trong thời gian gần đây, người ta cứ tranh cãi về mặt lý thuyết lẫn thực tế có nên kéo dài trợ cấp thất nghiệp hay không. Và trợ cấp này nên ở mức nào? Hiện nay trung bình một chi phiếu thất nghiệp hàng tuần là $310, kéo dài 99 tuần, phần 26 tuần đầu là của tiếu bang, 73 tuần sau là của liên bang. Dĩ nhiên người thất nghiệp cần tiền này. Người phê bình thì nói trợ cấp quá đáng là “tập hư” và gây bệnh lệ thuộc và ỷ lại. Những người phân tích thì chỉ ra rằng không gia hạn trợ cấp thất nghiệp này, thì mùa mua sắm kể như bỏ, những hy vọng kinh tế được thúc đẩy kể như dẹp! Đó chính là nỗi lo của Obama. Trong khi đó, nỗi “lo” của người Cộng Hòa được xem là không đáng, vì theo phân tích của các nhà kinh tế, thiếu hụt thêm vì phúc lợi này chẳng bao nhiêu (chưa đến 5 tỉ trong đợt này).

Cộng Hòa đang muốn đặt ưu tiên ở chuyện gia hạn những biện pháp cắt thuế có từ thời Tổng thống Bush dến cuối tháng 12 này là hết hạn. Tổng thống Obama cũng muốn bàn đến chuyện giảm thuế này, nhưng ông chủ trương chỉ giảm cho người có lợi tức trung lưu (dưới $250.000). Ông lý luận rằng không giảm thuế cho người giàu thì chẳng ai chết, mà giảm thì chính phủ sẽ mất cả 700 tỷ một năm. Phía Cộng Hòa cứ khăng khăng, giảm thì phải giảm hết mới “công bằng”, người nghèo cũng giảm, người giàu càng đáng giảm. Không giảm cho người giàu, họ không hứng làm ăn, nền kinh tế sẽ bi kẹt, như lý luận đầy đe dọa của người Cộng Hòa. Đúng là khác biệt về ý thức hệ chính trị, về ý thức giai cấp. Khi mâu thuẫn ý thức hệ không giải quyết được, thì người ta chỉ còn biện pháp trao đổi tù binh, trao đổi con tin. Đó đúng là canh bạc của Cộng Hòa.

Đúng là hai nguyên tắc căn bản có tính cách định đề trong quan hệ chính trị quốc tế cũng đúng đối với chính trị trong nước: quyền lợi của chính mình, hay của phe nhóm, tập đoàn, mình thực sự đại diện, là trên hết, cho dù mình là người “dân cử”; và chẳng ai đứng trên sân khấu đáng tin cả cho dù người ta phải đi bỏ phiếu để xác định lòng tin của mình. Vì bên trong hậu trường, những người chính khách của chúng ta sẽ gỡ đi mạng che mặt và phơi bày những nét vẻ cực kỳ xa lạ với chúng ta. [HNN]
.
.
.

No comments: