Friday, December 10, 2010

NHỮNG TIẾNG NÓI PHẢN KHÁNG Ở TRUNG QUỐC (BBC)

BBC
Cập nhật: 03:21 GMT - thứ sáu, 10 tháng 12, 2010

Trao giải Nobel Hòa bình cho người bất đồng chính kiến đang bị ngồi tù ở Trung Quốc không phải hành động áp đặt giá trị của Tây phương đối với nước này, Ban Tổ chức nói.
Chủ tịch Ủy ban Nobel, Thorbjoern Jagland nói việc trao giải cho ông Lưu Hiểu Ba nằm trong giá trị nhân quyền phổ quát, hành động “bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với nhân dân Trung Quốc”.
Bắc Kinh nói quốc gia nào đến dự lễ trao giải Nobel tại Oslo hôm thứ Sáu 10/12 sẽ bị coi là thiếu tôn trọng Trung Quốc.
Hoa Kỳ cho hay giới chức nên cho phép tù nhân bất đồng chính kiến, Lưu Hiểu Ba đến Na Uy để nhận giải.
Ít nhất có 18 quốc gia tẩy chay lễ trao giải Nobel Hòa bình.
Lưu Hiểu Ba, 54 tuổi, là một trong các lãnh đạo chủ chốt của phong trào phản đối tại quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Năm ngoái ông Lưu bị tuyên án 11 năm tù vì “kêu gọi lật đổ chính quyền”, và sẽ không có mặt tại Oslo. Ủy ban Nobel ca ngợi ông Liu, là người tham dự “cuộc đấu tranh bất bạo động và dài lâu.”

‘Biểu tượng mạnh’
Một tuần trước ngày trao giải, người ta thấy Trung Quốc đẩy mạnh chiến dịch làm mất uy tín Ủy ban Nobel. Tuy vậy Chủ tịch Ủy ban, ông Jagland nhấn mạnh giải thưởng không phải là hành động chống Trung Quốc. “Giải thưởng này ca ngợi người dân Trung Quốc,” ông nói.
Và ông nói thêm: “Đây không phải là hành động phản đối, đây là tín hiệu cho Trung Quốc thấy rằng trong tương lai, phát triển kinh tế cần đi đôi với cải tổ chính trị, hậu thuẫn những người tranh đấu cho nhân quyền.”
“Giải thưởng Nobel Hòa bình thuộc về giá trị nhân quyền phổ quát, không phải là tiêu chuẩn của Tây phương.”
Ông Jagland nói tất cả thành viên của LHQ đều ký tên vào Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, và họ phải có “nghĩa vụ tôn trọng tài liệu này.”
Ông nói ghế dành cho ông Liu tại buổi lễ trao giải sẽ không có người ngồi, đó chính là biểu tượng cho thấy “giải thưởng này cần thiết đến mức nào.”
Đây là lần đầu tiên, kể từ năm 1936, giải thưởng Nobel Hòa bình trị giá 1,5 triệu USD sẽ không trao tận tay người nhận.
Nhà hoạt động dân chủ tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi bày tỏ tình đoàn kết với ông Lưu. Bà nói là con người với nhau, bà muốn chìa bàn tay chia sẻ khó khăn trong lúc này.
Hôm thứ Năm, giám đốc Chương trình Nhân quyền của LHQ Navi Pillay kêu gọi giới chức hãy thả ông Lưu Hiểu Ba càng sớm càng tốt.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi các nước tẩy chay lễ trao giải.
Phát ngôn nhân của Bộ NG nói: “Chúng tôi hy vọng những nước nhận được giấy mời biết được điều gì sai, điều gì đúng.”
.
.
.
BBC
Cập nhật: 09:45 GMT - thứ sáu, 10 tháng 12, 2010

Một nhóm nhỏ các nhà hoạt động xã hội tiếp tục kêu gọi cải tổ chính trị và pháp luật ở Trung Quốc, bất kể sự kiểm soát nghiêm ngặt của Đảng cộng sản.
BBC giới thiệu một số nhân vật hàng đầu, những người đã bất chấp hậu quả để lên tiếng đòi tự do, dân chủ.

Lưu Hiểu Ba: trong tù
Ông Lưu Hiểu Ba năm nay 54 tuổi, là một trong số lãnh đạo then chốt của cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989.
Hồi năm ngoái ông bị kết án 11 năm tù về tội "xúi giục nổi loạn" sau khi soạn thảo Hiến chương 08 kêu gọi dân chủ đa đảng và tôn trọng nhân quyền ở Trung Quốc.
Thông báo tặng giải Nobel cho ông vào tháng Mười vừa rồi, hội đồng giải thưởng mô tả ông Lưu là "biểu tượng lỗi lạc" cho cuộc đấu tranh nhân quyền ở Trung Quốc.
Vợ ông là Lưu Hà, cũng bị giam tại gia từ sau ngày giải thưởng được công bố, còn bạn bè và người ủng hộ ông cũng bị ngăn xuất cảnh khỏi Trung Quốc.

Hồ Giai: trong tù
Ông Hồ Giai là người nổi tiếng trong các hoạt động vì môi trường và bệnh Aids, bị ba năm rưỡi tù giam từ tháng Tư năm 2008 cũng vì "xúi giục nổi loạn", tội danh giống Lưu Hiểu Ba.
Hãng tin nhà nước Tân Hoa Xã đưa tin là ông Hồ đã viết bài chỉ trích hệ thống chính trị Trung Quốc, và nhận trả lời phỏng vấn phóng viên nước ngoài.
Các nhóm nhân quyền nói chính quyền Trung Quốc bỏ tù ông để bịt miệng trước đợt tổ chức Thế Vận Hội, và bản án đó là lời cảnh báo từ Đảng cộng sản tới phe đối lập.
Ông bị bệnh gan và các nhóm nhân quyền nói ông có thể không được điều trị đúng mức.
Vợ ông, bà Tằng Cẩm Yến, bản thân cũng là một nhà hoạt động xã hội, bị giam tại gia cùng với con của họ, từ sau ngày ông Hồ bị bắt giữ.

Cao Trí Thịnh: luật sư, mất tích
Ông vốn là người viết văn và cũng là luật sư tự học, nổi tiếng ở Trung Quốc nhờ bào chữa cho các công dân phản kháng chính quyền.
Các việc có ích cho xã hội của ông bao gồm vụ đuổi khỏi nhà những người có chủ quyền, các nhà hoạt động nhân quyền, những nạn nhân của sai sót y khoa và thành viên của nhóm tinh thần bị cấm Pháp Luân Công.
Ông xuất bản quyền sách 'Một Trung Quốc có thêm công lý' ghi lại chi tiết những lần ông đối đầu với hệ thống chính trị và pháp lý Trung Quốc.
Hồi tháng Tám 2006 ông bị bắt vì tội "xúi giục nổi loạn" qua các bài viết.
Ông bị kết án ba năm tù hồi tháng Mười Hai 2006 nhưng án tù bị treo 5 năm.
Ông Cao nói bị tra tấn một vài lần khi bị giam.
Theo tin ông cũng là mục tiêu của một âm mưu ám sát.
Ông mất tích hồi tháng Hai năm 2009, xuất hiện ngắn ngủi sau đó một năm, nói rằng ông từ bỏ cuộc vận động vì hoàn cảnh gia đình, và lại mất tích một lần nữa ở tỉnh Tân Cương hồi tháng Tư 2010.

Cao Diệu Khiết: lưu vong
Năm nay ngoài 80, là bác sĩ nổi tiếng, là một trong số các nhà bất đồng chính kiến già và nổi tiếng nhất Trung Quốc.
Thường được gọi là Bà Cao, bà đi khắp nước điều trị cho các bệnh nhân Hiv/Aids, thường là bằng tiền túi.
Bà không chịu giữ im lặng về những gì phát hiện thấy.
Bà tin rằng đa số người bị nhiễm HIV ở Trung Quốc là vì bán máu lấy tiền.
Bà viết về nạn bán máu ở Trung Quốc trong thập niên 1990s qua ba quyển sách, vượt qua không khí bí mật để chấm dứt việc làm đó và gây chú ý đến vụ xì căng đan.
Chính quyền ban đầu nhẹ nhàng với bà, nhưng Bắc Kinh dần dần hết thoải mái với những chỉ trích của bà với các lãn đạo cộng sản ở tỉnh.
Lo ngại cho tự do cá nhân, bà bỏ trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2009 và hiện sống lưu vong ở New York.

Bào Đồng: cựu quan chức, giam tại gia
Vào giữa thập niên 1980s, ông Bào Đồng là một trong số những nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc, vì là cố vấn cho lãnh đạo đảng Triệu Tử Dương.
Cả hai người đều phản đối việc dùng bạo lực chống lại sinh viên trong cuộc biểu tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, và cả hai phải chịu hậu quả của thái độ đó.
Trong vòng vài tuần ông Triệu Tử Dương bị loại và ông Bào Đồng bị đi tù 7 năm.
Ông cũng bị quản chế sau ngày ra tù năm 1997, nhưng vẫn có thể thu xếp để ký Hiến chương 08 và theo tin đã chuyển lậu một cuộn băng ghi âm lời Triệu Tử Dương sang Hongkong để từ đó người ta xuất bản quyển hồi ký sau ngày ông qua đời.

Nghê Ngọc Lan: luật sư
Và Nghê Ngọc Lan nổi tiếng như nhà hoạt động cho quyền của những người bị đuổi khỏi nhà để xây dựng Thế vận hội Bắc Kinh hè 2008.
Từng là luật sư, bà bị tù, bị đánh, bị tước quyền hành nghề, còn nhà riêng thì bị chính quyền giải tỏa sau 6 năm tranh cãi vào 2008.
Bà lần đầu bị cảnh sát bắt năm 2002 vì quay phim vụ cưỡng chế giải tỏa nhà một khách hàng, và bị đánh nặng đến nỗi không thể đi lại mà không chống nạng, theo các nhóm nhân quyền.
Được thả khỏi tù đầu năm nay, bà Nghê cùng chồng theo tin sống trong khách sạn, nhờ vào giúp đỡ của những người ủng hộ.

Trần Quang Thành: luật sư, được cho là bị giam tại gia
Trần Quang Thành là người mù được biết với tên gọi "luật sư chân đất", va chạm với chính quyền Trung Quốc quanh việc thực hiện chính sách một con.
Ông bảo vệ các phụ nữ mà theo ông là bị buộc phải phá thai muộn và bị các quan chức y tế quá ghen tị triệt sản ở thành phố Lâm Nghi, tỉnh Sơn Đông.
Ông được tha hồi đầu năm sau khi ngồi bốn năm tù vì khởi tố tội làm hư hại tài sản và ngăn trở giao thông.
Bản án khiến quốc tế chỉ trích, với các nhóm vận động và ủng hộ cho rằng phiên tòa mang động cơ chính trị.
Ông Trần không nói chuyện trước công chúng từ sau ngày theo tin ông được thả hồi tháng Chín.

Sư Đào: phóng viên, trong tù
Sư Đào từng làm việc cho bản tin kinh doanh ở Trung Quốc, bị tù 10 năm hồi 2005 vì "tiết lộ bí mật quốc gia" - một tội danh khá phổ biến dùng để khởi tố các nhà bất đồng chính kiến và hoạt động vì dân chủ.
Ông Sư bị tù vì gửi cho các trang mạng nước ngoài một email từ đảng cộng sản cảnh báo các phóng viên không tường thuật lễ tưởng niệm sự kiện Thiên An Môn lần thứ 15 vào năm 2004.
Vụ việc của ông trở thành câu chuyện cho những người vận động cho quyền tự do phát biểu, không chỉ vì hãng Yahoo bị cáo buộc đã cung cấp thông tin về ông.
Tập đoàn mạng trụ sở ở Hoa Kỳ cung cấp chi tiết về nơi cư ngụ của ông cho chính quyền, và sau đó đã xin lỗi mẹ ông.

Đinh Tử Lâm: được cho là bị giam tại gia
Con trai ở độ tuổi thiếu niên của bà Đinh Tử Lâm bị quân lính bắn vào sau lưng trong cuộc biểu tình Thiên An Môn 1989.
Cùng với các bậc phụ huynh mất con, bà lập nhóm Các bà mẹ Thiên An Môn, suốt 20 năm qua cung cấp đầy đủ thông tin về những gì đã xảy ra trong đêm hôm đó ở Bắc Kinh.
Cựu giáo sư triết học cùng chồng bà được tin là bị giam tại gia.
Lưu Hiểu Ba từng nói trước đây rằng Các bà mẹ Thiên An Môn cần được trao giải Nobel hòa bình cho việc làm của họ.

Tần Vĩnh Mẫn: đồng sáng lập đảng Dân chủ Trung Quốc
Chỉ vài ngày sau khi xong bản án 12 năm tù về tội lật đổ, Tần Vĩnh Mẫn kêu gọi tăng cường nhân quyền và dân chủ ở Trung Quốc.
Ông Tần bị kết án tù năm 1998 sau khi cùng với các nhà hoạt động khác tìm cách đăng ký chính thức đảng Dân chủ Trung Quốc.
Trước đó ông bị tù từ 1981-1989 như là "phản động" sau giai đoạn mở cửa chính trị được mô tả là "bức tường dân chủ".
Hồi năm 1993 ông bị kết án hai năm trong trại cải tạo vì phác thảo "Hiến chương hòa bình", kêu gọi đánh giá lại cuộc biểu tình Thiên An Môn 1989 và thả tù chính trị.
"Bản thân là người dân chủ, đây là cuộc đời tôi. Một ngày nọ đảng dân chủ Trung quốc sẽ được hợp pháp, nhưng cần có thời gian," ông nói trong cuộc phỏng vấn điện thoại với AFP từ Vũ Hán.
.
.
.

No comments: