Thursday, December 2, 2010

NHỮNG ÔNG TRÙM NÀO ĐỨNG ĐẰNG SAU VỤ WIKILEAKS ?

Phương Tôn
Thứ năm, ngày 02 tháng mười hai năm 2010

Trong thời gian ngắn vừa qua ba tạp chí được xem là đứng hàng đầu thế giới đồng loạt tung ra một số tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan hiện nay. “Der Spiegel” của Đức, “The Guardian” tại London và tờ “The New York Times” của Mỹ sau khi tự cho rằng đã điều tra tính hư thật, cùng công bố một số tài liệu trong 91.731 hồ sơ mật chiến tranh Afghanistan xảy ra trong thời gian từ 2004 đến 2009 có nguồn từ WikiLeaks. Từ “Task Force 373” nói về những chuyến hành quân tuyệt đối bí mật nhằm hạ sát các tên chỉ huy Taliban nhưng cũng gây nên nhiều thương vong cho đàn bà trẻ con vô tội bị cố tình che dấu cho đến “Kẻ thù hai mặt Pakistan”, vừa là đồng minh thân cận của Mỹ nhưng cũng là kẻ nuôi dưỡng giúp đỡ Taliban thông qua sở tình báo “Inter-Services Intelligence” (ISI). Ngoài ra một số tài liệu khác cũng nói về những tai nạn bất ngờ của loại máy bay thám thính có trang bị vũ khí không người lái của Mỹ do lỗi hệ thống, trục trặc máy Computer hoặc do lỗi từ người điều khiển cũng như những khó khăn nguy hiểm cho những toán biệt kích khi đi tìm kiếm xác máy bay, tình hình chiến sự tồi tệ tại Afghanistan, những khó khăn vượt mức mà quân Nato đang vướng mắc hiện nay v.v…
Những tài liệu công bố được các giới chức quốc phòng ngầm xác nhận là chính xác gây bực bội cho Tòa Bạch Ốc, gây tức giận cho Ngũ Giác Đài, tạo bối rối cho các đồng minh của Mỹ đã làm cho mọi người chú ý đến nguồn cung cấp tài liệu và đặt câu hỏi “WikiLeaks, ngươi là ai?”

WikiLeaks là gì?
Tên của một trang Web phối hợp giữa “Wiki” lấy từ thuật ngữ Wikipedia encyclopedia và “leak” tức là nơi bị rò rỉ. WikiLeaks tập trung thu nhận tài liệu được các tập đoàn thương mãi lớn trên thế giới, các chính phủ liệt vào hạng “tối mật” sau đó đánh giá tính khả tín trước khi công bố qua trang web. Nhiều trường hợp cho thấy WikiLeaks vẫn cho công bố những tài liệu bị nghi ngờ giả mạo, không được trung thực.
WikiLeaks còn được xem là diễn đàn, nơi “dụng võ” của những người chuyên cung cấp tài liệu mật mà lại không muốn ra mặt công khai. Tài liệu cung cấp phải là những hồ sơ gốc nguyên bản. Những nguồn tin truyền miệng đồn thổi, những bản tin tự soạn đều không được chấp nhận.
Hình thức dùng các tạp chí có uy tín hàng đầu như “Der Spiegel”, “The Guardian” và tờ “The New York Times” để phố biến tài liệu mật lần này là một hình thức PR với mục đích gây tiếng vang rộng lớn .
Một điểm cần nhấn mạnh, mặc dù dùng chữ “Wiki” nhưng WikiLeaks hoàn toàn không có liên quan đến trang web nổi tiếng đứng hàng đầu Wikipedia. Đây chỉ là một hình thức “dựa hơi”, bắt chước, lấy “tạm” chữ của những người chủ trương.
Được thành lập từ năm 2007, WikiLeaks không có trụ sở, không có địa chỉ liên lạc chính thức mà chỉ có một hộp thư ẩn danh trong trường Đại học Melbourne cộng thêm một vài đại chỉ E-Mail và một Twitter-Account dành cho mục đích quảng cáo danh hiệu. Đầu não của WikiLeaks là một số Server được phân tán khắp thế giới, những nơi mà người ẩn danh cung cấp tin mật được luật pháp bảo vệ. Tiền chi phí 200.000 Euro mỗi năm được các công ty, cá nhân tài trợ qua hình thức quyên góp. WikiLeaks tuyệt đối không nhận tiền tài trợ từ các chính phủ hoặc các cơ sở liên hệ nhà nước.

Ai là người chủ trương trang web WikiLeaks?
Theo tài liệu chính thức WikiLeaks được thành lập do một nhóm gồm nhiều thành phần khác nhau. Trong số này gồm có một vài nhân vật đối kháng đòi Tự do Dân chủ người Trung quốc, Toán học gia, Kỹ thuật gia, Doanh nhân trẻ mang quốc tịch Mỹ, Đài Loan, Thái Lan, Âu châu, Úc và Nam Phi. Ngoài nhóm chủ trương, WikiLeaks còn có một ban cố vấn gồm một số người Nga từ bỏ quê hương, các hiệp hội người tỵ nạn Tây Tạng, phóng viên nhà báo, một cựu phân tích gia của chính phủ Mỹ và một chuyên gia về mật mã học.
Điều không thể chối cãi là tình báo Mỹ đang ra sức tìm kiếm nguồn cung cấp tài liệu cho WikiLeaks cũng như đang theo bám chặt lấy Julian Assange người công khai tự nhận là người chủ trương, người quyết định chọn và công bố tài liệu cũng như chịu trách nhiệm về mặt pháp lý.
Julian Assange mang quốc tịch Úc hiện đang được Robert Gates bộ trưởng quốc phòng Mỹ đánh giá là người “thiếu trách nhiệm” và được Ngũ giác Đài liệt vào hạng “nguy hiểm” hiện đang sống cuộc đời “du mục”, khi ẩn khi hiện từ nước này sang nước khác để tránh truy lùng của tình báo Mỹ. Do điều kiện về pháp lý cho phép, địa điểm an toàn để Assange thường dừng chân nhất là thủ đô Stockholm của Thụy Điễn.
Xuất thân từ một gia đình có truyền thống chống chiến tranh, Julian Assange ra đời vào năm 1971 tại Queensland thuộc Úc khi cha mẹ của cậu bé đang còn mê say xuống đường chống chiến tranh Việt Nam. Assange có tài năng thiên khiếu về Computer, vào thập niên 80 với dàn máy thô sơ “Commodore 64“ và Modem “Acoustic coupler” cậu bé say mê phát triển năng khiếu trong lãnh vực nối mạng. Sẵn có truyền thống bất mãn chống chính phủ, Assange gia nhập sớm vào làng Tin tặc “International Subversives” chuyên xâm nhập vào mạng của các công ty, chính phủ và ngay cả vào hệ thống mạng máy tính của quân đội Mỹ. Đối với cảnh sát Melbourne Julian Assange là một tên tuổi quen thuộc. Một Công tố viên tại đây đã từng tuyên bố :”Hắn ta di chuyển trong máy tính của người khác như là một Thượng Đế toàn năng” sau khi Assange bị bắt giữ, lãnh án tù quản chế và đóng tiền nộp phạt.
Ý tưởng căn bản về một xã hội mở rộng, ở đó mọi người được tự do giao tiếp cùng nhau, ở đâu có bí mật ở đó thường xảy ra bất công bởi vì bí mật thường bị những người có quyền chức lạm dụng, đến với anh ta rất sớm. Ngay từ năm 1999 Assange đã dành lấy tên miền “leaks.org”. Đến nay vẫn chưa ai trả lời được câu hỏi phải chăng Julian Assange dùng WikiLeaks để trả thù lại những gì anh ta đã thất bại trong thời gian sinh hoạt trong làng tin tặc? Riêng Assange tự nhận rằng, mình chỉ là một nhà báo chuyên điều tra. Thực tế cho thấy lối làm việc của anh ta cũng không khác gì một nhà chuyên bảo giữ văn thư tài liệu cũng như WikiLeaks được đăng ký tại Úc dưới danh mục Thư Viện.
Nhân vật đóng vai trò quan trọng thứ nhì trong WikiLeaks là một công dân Đức, 32 tuổi, Daniel Schmitt, tốt nghiệp ngành điện toán đã từng làm việc trong ngành an toàn mạng trước khi bỏ tất cả để lao vào làm việc cùng Assange. Có thể không phải là điều vô tình khi Cộng Hòa Liên Bang Đức được xem là một điểm tựa quan trọng cho WikiLeaks. Có rất nhiều tài liệu mật được gửi đến với ngôn ngữ Đức, một số lớn tiền quyên góp tài trợ và những hổ trợ kỹ thuật từ làng tin tặc “Chaos Computer Clubs” đến từ Đức. Theo dự tính, một hội lấy tên “Những người bạn của WikiLeaks” sẽ được thành lập trong năm nay cũng tại Đức.
Nhìn chung vào nhóm chủ trương và thành phần ban cố vấn người ta sẽ dễ dàng nhận ra đây là một tập hợp gồm các nhà trí thức mang đầu óc đối kháng. Một số lớn trong tập hợp này xuất thân từ những quốc gia có nền Dân chủ khập khểnh hoặc độc tài Cộng Sản. 

Nguồn cung cấp tin mật cho WikiLeaks
Khác với thập niên 70 khi các tài liệu mật về cuộc chiến Việt Nam của Ngũ Giác Đài được chụp sao phóng ảnh rồi gửi đến nhà báo, ngày hôm nay chỉ cần một thẻ USB nhỏ lép như một chìa khóa nhỏ có thể thâu dữ toàn bộ hàng chục GByte tài liệu mật tương đương với hàng trăm ngàn trang giấy, các tay đánh cắp tài liệu mật dễ dàng hoạt động và cũng dễ dàng chuyển tải đến người nhận một cách kín đáo hơn. WikiLeaks sống và phát triển được cũng nhờ vào công nghệ mới này. Một điều tất nhiên là không bao giờ Assange xác nhận nguồn cung cấp tài liệu. Theo tuyên bố chính thức, hệ thống mạng của WikiLeaks được thiết lập bằng “kỹ thuật xóa đuôi”. Điều này có nghĩa nguồn cung cấp tin gửi đến WikiLeaks hoàn toàn bị xóa để tránh bị truy nã.
Mặt công nghệ bảo mật nguồn cung cấp tin của WikiLeaks hoạt động tốt cho đến nay nhưng Assange hiện đang gặp khó khăn trực tiếp với Bộ quốc Phòng Mỹ và FBI. Cả hai cơ quan tin chắc rằng Sì-Căng-Đan trên 90 000 tài liệu bị rò rỉ lần này có liên quan đến Bradley Manning, hạ sỹ quan quân báo chuyên phân tích tài liệu mật của quân đội Mỹ hiện đang bị giam giữ điều tra tại trại tù quân sự “Camp Arifjan” Kuwait.
Manning bị bắt tại trạm trú quân “Operation Station Hammer” trên đất Iraq ngày 29.5.2010 sau khi bị cáo buộc đã phát tán đoạn băng Video “Collateral Murder” về vụ một chiếc trực thăng Apache của Mỹ tấn công quân phiến loạn tại Bagdad và có thường dân bị giết chết cùng 50 bản báo cáo của quân đội Mỹ tại Iraq đến bộ ngoại giao cho Wikileaks. Dù là lính quân báo nhưng Manning chủ quan, vô tình tiết lộ hành động đánh cắp tài liệu qua những lần Chat trên Internet với Adrian Lamo, một tin tặc người Mỹ. Lamo nhanh chóng nhận dạng người Chat cùng anh ta và thông báo tất cả sự việc cho FBI. Trong các buổi Chat, Manning thường nhắc nhở đến cái tên Assange và WikiLeaks.
Assange một mặt phủ nhận đã nhận tài liệu cùng cuộn băng Video từ Manning nhưng mặt khác lại tài trợ tài chánh về mặt luật sư cho Manning: ”Chúng tôi phải ủng hộ tất cả những ai được xem là nguồn cung cấp, dù cho anh Manning là nguồn cung cấp cuốn băng Video, Collateral Murder' hay không, dù cho anh ta có dính líu trực tiếp hay gián tiếp đến tập tài liệu mà chúng tôi đã công bố hay không – anh ta là một thanh niên trẻ đang bắt giữ tại Kuwait, bị truy cáo là nguồn cung cấp cho chúng tôi.”

Hoạt động của WikiLeaks
Chính thức ra mắt từ đầu năm 2007 WikiLeaks không gây được tiếng vang lớn. Trong số một triệu tài liệu mật Wikileaks đang nắm trong tay, một số tài liệu công bố được xem là „giật gân“ như những E-mail riêng tư của bà Sarah Palin cựu ứng viên Phó Tổng thống Mỹ. Tài liệu mật về chủ trương lập Software „Đập Xanh“ của nhà nước Bắc Kinh để lọc những trang web có hại cho họ. Về chuyện viên Tổng thống Kenia Daniel Toroitich arap Moi thu hốt mọi của cải của đất nước làm của riêng mình, số tiền tham nhũng của gia đình Moi lên đến hàng tỷ Dollar. Công bố tình trạng giam giữ tù nhân tại trại tù Guantánamo Bay của chính quyền Bush vi phạm Hiệp ước Genève về tù nhân cũng như về những quy định Nhân quyền dẫn đến quyết định giải tán trại tù do Obama đưa ra. Công bố 12.801 danh sách tên tuổi nghề nghiệp đảng viên „British National Party“ trong số này có một số là nhân viên Cảnh sát, đây là ngành nghề theo luật định của Anh không được gia nhập vào British National Party. Nick Griffin chủ tịch đảng mất chức cũng vì lý do này v.v… cũng không gây được „thương hiệu“ lớn. Mãi đến tháng tư vừa qua Wikileaks mới gây được bước đột phá, người sử dụng Internet bắt đầu chú ý đến trang web chuyên cung cấp những tin tức mật trên toàn thế giới sau khi Wikileaks công bố đoạn Video chiếc trực thăng Apache của quân đội Mỹ tấn công giết chết một nhóm trên mười thường dân Iraq. Những lời cười đùa thô tục khi bắn giết của số lính Mỹ trên trực thăng gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Bộ quốc phòng Mỹ chưa qua được cơn bàng hoàng vì tài liệu mật bị rò rỉ thì trung tuần tháng bảy vừa qua Wikileaks lại gây chấn động dư luận khi tung một số trong hơn 90.000 tài liệu mật về cuộc chiến Afghanistan. Ba tạp chí hàng đầu thế giới “Der Spiegel”, “The Guardian” và “The New York Times” gây được sự chú ý của thế giới dành cho Wikileaks. Trong vòng thời gian ba năm Wikileaks gây được dấu mốc quan trọng nhất, trở thành một „thương hiệu“ lớn, thu hút sự quan tâm của thế giới. Wikileaks được lập nên nhằm phục vụ mọi người nhưng liệu nó có phải là niềm hãnh diện chung hay không?

Trách nhiệm và đạo đức nào cho Wikileaks?
Chân lý cuộc sống là „Sự thật“ Ássange theo đuổi được mọi người tán dương nhất là trong các xã hội bị độc tài độc đảng cai trị. Hãy thử tưởng tượng xem, còn gì thú vị hơn khi một văn bản tương tự như Công hàm của Phạm văn Đồng ngày nào dâng Hoàng Sa và Trường Sa cho Tàu, một văn bản chứng minh rõ ai là người chịu trách nhiệm cho cái chết của 5000 thường dân vô tội trong vụ án Mậu Thân tại Huế, hoặc ai là người ra lệnh trực tiếp tàn sát 3000 sinh viên tại quãng trường Thiên An Môn được công bố rộng rãi cho mọi người xem?  Không ai ngạc nhiên khi Wikileaks bị tường lửa ngăn chận tại Trung quốc và Iran. Cũng như không ngạc nhiên khi 700 tờ báo lề phải tại Việt Nam hoàn toàn „quên lãng“ không nhắc đến cái tên Wikileaks.org trong vụ việc tài liệu mật Afghanistan bị rò rỉ!
Trong một cuộc họp báo tại London, Assange tán thành lối giải quyết của chính phủ Đức về vụ việc quân Đức gọi máy bay Mỹ bắn nổ tan chiếc quân xa chứa dầu xăng bị Taliban cướp tại Kunduz, Afghanistan. Bộ trưởng quốc phòng Đức cùng viên tướng chỉ huy tại khu vực này bay chức sau khi người ta khám phá ra hàng trăm thường dân cùng bị giết chết khi chiếc xe dầu nổ tung nhưng lại được Bộ quốc phòng Đức giấu nhẹm. Đối với Assange, Sự thật tuyệt đối là Chân lý cuộc sống của Nhân loại.
Thế nhưng một câu hỏi ngược lại cũng được đặt ra, đạo lý con người ở đâu khi tính mạng của những người lính bị bắt buộc phải vào chiến trường gặp nguy hại, tính mạng của những mật báo viên làm việc vì lý tưởng quốc gia bị đe dọa do những hoạt động của họ bị phơi bày từng chi tiết nhỏ nhặt nhất trên Wikileaks?
Assange nghĩ gì khi công bố toàn bộ danh sách, được báo Anh gọi là „Danh sách chết của Taliban“, tên tuổi những mật báo viên tại Afghanistan làm việc cho khối Nato, những người hoàn toàn tin tưởng họ sẽ được Nato bảo vệ? Assange làm gì cho những người này khi họ bị đưa ngay lên danh sách án tử hình của Taliban?
Không chỉ riêng những người có liên hệ đến khối Nato lên án mà cung cách công bố tài liệu mật một cách „vô thưởng vô phạt“ của Assange còn bị ngay chính những chuyên gia về khoa học thông tin truyền thông phê bình. Steven Aftergood, chủ tịch „Federation of American Scientists“ từ chối cố vấn cho Wikileaks và cho rằng:” Qua những khiếm khuyết về việc chịu trách nhiệm kiểm soát biên tập lối công bố tài liệu (của Wikileaks, chú thích của người viết) có thể trở nên hành động gây hấn hay kích động bạo lực… Wikileaks được hình thành trong cuộc chiến chống kiểm duyệt dưới những chế độ không Dân chủ nhưng trong thể chế nhà nước Dân chủ nó lại có thể là một dạng phản Dân chủ“
Đi tìm một lý tưởng sống, dùng „Sự thật tuyệt đối“ để tranh đấu cho Công bằng nhân loại là những gì đáng trân trọng dù rằng chân lý „tuyệt đối“ cho loài người vẫn còn được tranh cãi mãi cho đến ngày hôm nay. Có thật sự „Sự thật là tiêu chuẩn của Công lý“ như ông tổ của Cộng Sản, Karl Marx đã từng tuyên bố? Công lý nào khi mạng người bị đe dọa?
Assange nói riêng và Wikileaks nói chung đang đu dây lơ lửng giữa hai hai hố thẳm Thiện và Ác, giữa Đạo Đức và Tham vọng. Sợi dây đang ngày càng mỏng dần!

Phương Tôn
Tháng 8.2010

Tài liệu tham khảo:
John Goetz và Marcel Rosenbach. „Der Enthüller http://www.spiegel.de/spiegel/0,1518,708300,00.html
 „Dokumente enttarnen mutige Nato-Informanten Sind die Wiki-Leaks-Akten das Todesurteil für viele Afghanenhttp://www.bild.de/BILD/politik/2010/07/29/dokumente-enttarnen-mutige-nato-informanten/sind-die-wiki-leak-akten-fuer-viele-afghanen-das-todesurteil.html
.
.
.

No comments: