Tuesday, December 14, 2010

NGÀY QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN 10-12-2010 CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI CHÂU ÂU


Tường An, thông tín viên RFA
2010-12-14

Nhân ngày Quốc tế Nhân quyền 10 tháng 12 năm nay, thông tín viên Tường An điểm lại một vài sinh hoạt vận động Nhân quyền trong ngày này tại một số nước ở Âu Châu và gửi về bài tường trình sau đây:

Người Việt hải ngoại biểu tình Nhân Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10/12/2010, kêu gọi trả tự do cho các nhà dân chủ đang bị giam giữ tại Việt Nam.  RFA

Người Việt tại Âu Châu kỷ niệm ngày Nhân Quyền

Hơn bao giờ hết, các sinh hoạt của cộng đồng người Việt tại Âu Châu kỷ niệm ngày Nhân Quyền năm nay rất rầm rộ và đồng loạt. Những nơi có người Việt cư ngụ đông đảo đều tổ chức những cuộc xuống đường thắp nến cầu nguyện cho hòa bình, cho tự do và nhân quyền.
Nguyên nhân chính của những hoạt động sôi nổi này có lẽ là do ngày Nhân Quyền năm nay đã xảy ra một sự việc đặc biệt là Khôi nguyên của giải Nobel Hòa Bình , ông Lưu Hiểu Ba đã không được nhà cầm quyền Trung Quốc cho đi nhận giải. Chiếc ghế trống của người nhận giải đã nói lên sự thiếu thốn Nhân Quyền trầm trọng trên quê hương của nhà tranh đấu ôn hòa này. Đó cũng là lý do để các nước có chung 1 nỗi đau cùng nhau xuống đường nói lên tiếng nói cho Nhân Quyền.

Tại Pháp

Tại Pháp, Hiệp hội các Quốc Gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền (Fédérations des pays Asiatiques pour les droits de l’home) đã xuống đường thắp nến với hơn 200 người tham dự trong cái giá buốt của mùa đông Paris.

Cô Trần Dung Nghi, thành viên của Hội Thanh Thiếu Niên và Hiệp hội các Quốc Gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền gửi đến các bạn trẻ cảm tưởng của cô:
Nhân ngày kỷ niệm 62 năm ngày Quốc tế Nhân quyền, hơn bao giờ hết chúng ta phải kiên trì và quyết tâm tiếp tục lên tiếng đòi Nhân quyền cho Việt Nam. Nếu chúng ta cùng nhau đóng góp, có 1 tiếng nói chung về vấn đề Nhân quyền thì tiếng nói của chúng ta sẽ mạnh hơn.

Ông Thupten Gyasto, chủ tịch cộng đồng Tây Tạng tại Pháp, thành viên, Hiệp hội các Quốc Gia Á Châu tranh đấu cho Nhân Quyền cho biết cảm tưởng của ông như sau:
Có 2 ấn tượng nổi bật trong tâm tôi: thứ nhất là niềm vui, thứ hai là động lực đến từ sự phóng thích bà Aung Sung Suu Kyi và giải thướng hòa bình cho ông Lưu Hiểu Ba. Tôi rất buồn và xấu hổ cho Trung Hoa khi họ đã ngăn cản ông Lưu Hiểu ba không cho ông đến nhận giải thưởng cao quý này.
Ông Lưu Hiểu ba là người Trung hoa yêu nước, ông ấy đã chia sẻ với chúng tôi trong lần biểu tình năm 2008 và công kích chính quyền Trung hoa về chính sách của họ tại Tây tạng. Ông đã ký tên trên văn bản 12 điểm để kêu gọi 1 giải pháp hòa bình tại Tây tạng. Ông là 1 trong những người của Hiến chương 08. Ông là người rất xứng đáng để nhận giải Nobel Hòa bình năm nay.
Nói đến Nhân Quyền, không thể không nói đến quyền tự do tín ngưỡng. Các tôn giáo cũng có mặt để cùng hiệp thông cầu nguyện cho những tín đồ. Về phía Phật Giáo, chúng tôi ghi nhận cảm tưởng của Thầy Thích Quảng Đạo, chùa Khánh Anh.
Hôm nay là ngày lễ Quôc tế Nhân quyền, đòi hỏi nền tự do cho tất cả thế giới thành ra tôi cùng đến đây với anh chị em để cầu nguyện cho đất nước Việt Nam mình được thanh bình như mọi người đều mong muốn

Linh mục Đỗ Ngọc Hà cũng có những yêu cầu tha thiết cho tín đồ công giáo còn ở lại Việt Nam :
Tôn giáo ở Việt Nam bây giờ vẫn còn bị cưỡng ép, tôi cũng xin 1 điều cụ thể là nếu người ta có nói chuyện với Việt Nam thì cũng xin Việt Nam trả lại nhà cửa, những nơi sinh hoạt thuộc về tôn giáo nơi mà sau khi tiếp thu miền Nam thì người Cộng sản đã lấy những khu vự đó để làm cơ sở cho nhà nước thì tôi cũng xin Hội thánh công giáo ở Việt Nam có thể nhận được những cơ sở của mình để mà sinh hoạt tiếp tục được.

Tại Hòa Lan

Bên cạnh những cuộc xuống đường cầu nguyện, một phương thức vận động khác cũng được áp dụng là trao đổi thông tin với chính quyền sở tại. Vào ngày 10 tháng 12, Cộng đồng người Việt tại Hà lan cũng đã trao thỉnh nguyện thư cho Bộ Ngoại Giao và biểu tình trước tòa đại sứ Việt Nam tại Denhaag.

Anh Nguyễn Liên Hiệp, chủ tịch cộng đồng người Việt tị nạn cộng sản tại Hòa lan cho biết:
Ngày 10 tháng 12, Cộng đồng người Việt tại Hoà lan cử phái đoàn lên bộ Ngoại giao để dâng thỉnh nguyện thư.
Chính phủ Hoà lan và bộ ngoại giao Hoà lan đã tiếp CĐNVHL một cách chân tình và đã nhận thỉnh nguyện thư của CĐNVHL và hứa rằng trong sự giao thiệp ở cấp cao, chính phủ Hoà lan sẽ cố gắng trình bày vấn đề và có thể can thiệp  trong giới hạn của chính phủ trong vấn đề Nhân quyền.
Và sau đó, trong buổi chiều thì CĐNVHL cũng biểu tình tranh đâu về Nhân quyền trước tòa đại sứ Việt Nam tại Denhaag. Chúng tôi cũng có sự tham dự của nhiều đoàn thể, tổ chức chính trị chẳng hạn như Gia đình Quan cán chính Việt Nam Cộng Hòa, Ủy ban tranh đấu cho Nhân quyền và đại diện các đoàn thể tôn giáo.  

Tại Đức

Tại Đức quốc, các thành viên của Cộng đồng người Việt tại Đức, nhà Việt nam, Hội phụ nữ Tự do Đức Quốc, người Việt tị nạn Franfurt, đại diện các tôn giáo cũng đã có cuộc trình bày về tình trạng Nhân Quyền của Việt Nam tại Bộ Ngoại Giao Cộng Hòa Liên Bang Đức tại Berlin, sau đó là buổi lể cầu nguyện và hôm sau là cuộc biểu tình lên tiếng cho Nhân Quyền.

Chị Mỹ Lâm và anh Phạm, có mặt trong các sinh hoạt vừa nêu kể lại:
Chúng tôi có tổ chức sinh hoạt ngày quốc tế Nhân quyền, có các anh em bên Bremen, Franfurt, Hamburg. Có được gặp ông Kremer, đại diện cho bộ trưởng bộ ngoại giao Đức Ngoài ông Kremer thì có một ông gọi là Dirk Sander lo về vấn đề Quốc tế Nhân quyền. Mọi người đều trình bày một chút vể chuyện Nhân quyền tại Việt Nam, sự cách biệt giàu nghèo

Ông Phạm:Trong cái truyền thống là tổ chức kết hợp với các đảng phái và tổ chức khác thì bên Đức có sự cầu nguyện của Phật giáo và công giáo, cầu nguyện cho đất nước mình sớm có Nhân quyền được tôn trọng.

Mỗi quốc gia đều có một Lưu Hiểu Ba

Ngày Nhân Quyền năm nay được ghi dấu bởi giải Nobel của ông Lưu Hiểu Ba. Sự kiện ông Lưu Hiểu Ba được chọn nhận giải và không được đi lãnh giải đã gây trong lòng mọi người những thương cảm và bức xúc. Chúng tôi ghi lại 1 vài cảm nhận sau đây:

Của anh Nguyễn Liên Hiệp, Hà lan:
Khi mà nghe ông Lưu hiểu Ba, một nhà tranh đấu cho Nhân quyền được giải Nobel thì chúng tôi rất là vui. Bởi vì tình trạng chính trị của Trung quốc cũng giống tình trạng chính trị của Việt Nam, tức là ông Lưu Hiểu Ba tượng trưng cho những tiếng nói bất khuất của nhân dân Trung quốc, ở Việt Nam chúng ta cũng có rất nhiều tiếng nói cũng muốn nói lên vấn đề như vậy. Chúng tôi cảm thấy gần gủi với phong trào tranh đấu cho Nhân quyền của nhân dân Trung quốc.

Của một tu sĩ Phật Giáo, thầy Thích Quảng Đạo, Pháp Quốc :
Ông Lưu Hiểu Ba là người đã hy sinh cho đất nước của Tàu và Dân chủ, rất là có ý nghĩa cho ông đó, ông đó rất là khá, có tinh thần dân tộc cho đất nước và quê hương của Trung Quốc  
Của một linh mục, LM Đỗ Ngọc Hà, Đức Quốc:Lưu Hiểu Ba đã đứng lên đòi Nhân quyền cho Trung quốc, bây giờ anh được giải đó thì tôi cũng vui mừng cho ông. Một người Trung quốc đã được giải Hòa bình. Nếu mà một người đã được giải Hòa bình thế giới  đó là 1 người đặc biệt mà những người đó chúng ta cần phải noi gương.

Và cảm tưởng của một người trẻ, cô Dung Nghi, Pháp quốc:
Vào ngày Nhân quyền, ông Lưu Hiểu Ba được nhận giải Nobel Hòa bình, em nghĩ đây là 1 điều rất là phấn khởi cho tất cả những người đang đeo đuổi cho công cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ nhân quyền cho xứ sở của mình thì chúng ta nên nghĩ tới những người như anh Nguyễn Tiến Trung, anh Lê công Định, Trần Khải Thanh Thủy, Phạm Thanh Nghiên và gần nhất đây là anh Phạm Minh Hoàng. Sự kiện trao giải Nobel Hòa bình cho một người tranh đấu cho Nhân quyền, cho Dân chủ như ông Lưu Hiểu Ba trong khi ông ấy còn đang ở trong tù thì không khác gì đây là một sự khẳng định cho những  giá trị cao quý nhất của nhân loại. Năm nay, hơn bao giờ hết cái ngày quốc tế Nhân quyền có ý nghĩa như vậy.

Âu châu đang vào đông, thời tiết rất lạnh sau những cơn mưa tuyết của những ngày trước đó, nhưng vẫn có nhưng người hy sinh đứng run rẩy trong cơn gió lạnh để đem tình người nhóm lên ngọn lửa Nhân quyền.

Anh Mai Quốc Minh, Tổng thư ký văn phòng liên lạc Paris tâm sự:
Dù thời thiết rất là lạnh lẽo và dù số người như vậy không có là bao nhưng nó rất là ấm cúng, ấm cúng trong cái lòng người. Ở đây có khoảng 200 người nhưng có 4-5 chủng tộc trong đó chủng tộc Việt Nam là đông nhất, rất ấm trong lòng.  

Trong cái giá lạnh của mùa đông Âu Châu, lòng mọi người  cũng cảm thấy ấm lại vì họ vừa làm một việc rất ý nghĩa, đó là nói lên tiếng nói đòi hỏi Nhân Quyền thay cho những người không có quyền lên tiếng

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
TND
Cập nhật ngày: 13/12/2010

Nhằm đánh dấu Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 62 tại Paris, Hiệp Hội Các Quốc Gia Á Châu Tranh Đấu Cho Nhân Quyền đã tổ chức một buổi biểu tình thắp nến vào lúc 18giờ 30, tối thứ sáu ngày 10/12/2010, tại quãng trường Nhân Quyền Trocadéro Paris, quận 16.

Phía cộng đồng Việt Nam có sự hiện diện của Thượng Toạ Thích Quảng Đạo làm lễ cầu an, Bác sĩ Phan Khắc Tường đại diện Văn Phòng Liên Lạc các Hội đoàn tại Pháp phát biểu, Kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo đại diện đảng Việt Tân lên tiếng đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội phải trả tự do cho các nhà dân chủ đang bị giam cầm, trong đó có các đảng viên Đảng Việt Tân là giáo sư Phạm Minh Hoàng, Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm.

Các cộng đồng bạn gồm có Tây Tạng, Miến Điện, Đài Loan, Trung Hoa Dân Chủ, nhóm bạn và sinh viên Pháp, đã hiện diện đông đảo đòi hỏi nhà cầm quyền Bắc Kinh phải trả tự do cho nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba, đồng thời đòi các chế độ độc tài và cộng sản phải tôn trọng nhân quyền, ngưng đàn áp và bắt giam những người lên tiếng đòi hỏi công bằng, cũng như kêu gọi tranh đấu bảo vệ đất đai, lãnh hải đang bị Trung quốc thôn tính. Sự kiện ông Lưu Hiểu Ba và thân nhân của ông không được Bắc Kinh cho xuất ngoại để nhận giải Nobel Hòa Bình 2010 tại Oslo, Nauy, đã làm người dân Âu Châu phẫn nộ; và tại Paris người dân bản xứ đã tích cực ủng hộ lời kêu gọi của Ban Tổ Chức đòi tự do cho các nhà dân chủ.

Buổi lễ kết thúc vào lúc 21giờ cùng ngày, với phần thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân bị các chế độ độc tài và cộng sản bức hại từ trước đến nay.

(TND - Paris)

Hình :
.
.
.

No comments: