Monday, December 27, 2010

MỘT MÙA GIÁNG SINH HOANG TƯỞNG (Hoàng Ngọc Nguyên)

HOÀNG NGỌC NGUYÊN/Việt Tribune
December 24, 2010

Ngưòi Việt ta vốn dễ tính, không phải bây giờ mới thế trong cách sống, cách chơi, cách làm. Sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào năm 1975, hai miền đất nước thống nhất, giao thương qua lại, người nam nhận họ người bắc nhận hàng, cùng ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa nhưng không xa lắc lơ cho lắm, và thường khi đạt đến sự “nhất trí” là chẳng có mùa Giáng Sinh nào đáng nhớ trong thời gian qua như mùa Giáng Sinh năm 1972. Có thể cho rằng mùa Giáng Sinh năm 1972 không thể nào quên được vì nó còn quá mới, nhưng nguyên do sâu xa khiến cho ai cũng nhắc đến nó, cho dù một thời là kẻ bắc ngưòi nam nhưng vẫn có sự đồng cảm, có thể chính là người ta những tưởng với mùa Giáng Sinh năm đó thời thế đổi đời đã đến nơi trong khát vọng ngút ngàn của mọi người, nhưng rồi có sự trục trặc trong thiên cơ, cho nên đến cả hai năm rưỡi sau sự đổi đời này mới thực sự xảy ra, nhưng lần này lại là một tai biến của miền nam, và đối với người dân miền bắc, người ta dụi mắt vẫn cứ tưởng như đang trong giấc chiêm bao.
Mùa Giáng Sinh năm 1972 là mùa Giáng Sinh cuối cùng của ngưòi dân miền bắc sống trong chiến tranh. Hai mùa sau đó trước năm 1975 là hai mùa yên bình, chẳng có đe dọa gì về chiến tranh. Có lẽ đó cũng là lý do người ở miền bắc nhớ nhiều đến quãng thời gian đó, nhất là nó quá đáng nhớ với 12 ngày Tổng thống Mỹ Richard Nixon ra lệnh trải thảm bom lên miền bắc, đặc biệt không chừa bất cứ mục tiêu nào cả, kể cả những khu dân cư ở Hà Nội và Hải Phòng, nhằm mục đích buộc Bắc Việt phải ký vào hiệp định hòa bình. Người dân miền Nam kém may mắn hơn nhiều, hai mùa Giáng Sinh sau đó họ vẫn còn phải sống trong đe dọa thường trực và gần kề của chiến tranh. Nhưng họ cũng biết có mùa Giáng Sinh năm 1972 mà Mỹ đã leo thang tích cực trong chiến dịch ném bom đánh phá miền bắc để cho Hà Nội chấp nhận một giải pháp “hòa bình công chính” cho miền Nam.

Tội nghiệp thay cho người dân hai miền, khi tất cả đều thất vọng, vỡ mộng nhanh chóng – chỉ một tuần sau đó. Nhiều người miền bắc nghĩ rằng nếu Mỹ làm tới, với khả năng làm tới có vẻ đương nhiên đó, lãnh đạo Hà Nội ắt phải đầu hàng, chế độ Cộng Sản có thể phải sụp đổ, và nói như một số người, biết đâu miền bắc lại được “giải phóng” trước. Đó là chuyện đã không xảy ra. Người miền nam khi thấy Mỹ “làm dữ” như thế, chỉ có “ba điều ước”: thứ nhất, quân miền bắc phải rút về miền bắc; đối phương không thể tiếp tục thái độ ngạo mạn và kiêu ngạo đem chế độ Sàigon ra mặc cả hay đòi thỏa hiệp chỉ một phía, và Mỹ duy trì một mức độ viện trợ cần thiết cho miền nam đề tiếp tục đối phó với thách đố từ phía Cộng Sản. Sự vô hiệu đến như trò đùa xa xỉ của cuộc tấn công đó đối với ba muc tiêu này thật đáng choáng váng, kinh hoàng.

Năm 1972 là một năm có tính cách giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam – ít nhất về phía Mỹ. Đó là điều dĩ nhiên rất rõ ràng hiện nay nhưng cũng chẳng thể mơ hồ ngay từ hồi đó. Đó là năm bầu cử tồng thống ở Mỹ; Nixon, một tổng thống Cộng Hòa chính thống, đương nhiên sẽ kiếm thêm bốn năm nữa ở Nhà Trắng, và xem ra ông chẳng thể nào thua được, một mặt là vì bên Dân Chủ chẳng có gương mặt nào nổi bật (Eugene MacCarthy, George McGovern, Hubert Humphrey, Edward Kennedy), mặt khác, quan trọng hơn, là vì ông Nixon đang giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam của người Mỹ (rút quân, giải kết và đưa tù binh Mỹ về). Ngay từ khi Nixon bước vào Nhà Trắng, năm 1969, ông đã có chủ trương “hòa bình trong danh dự”. Một nước mạnh như Mỹ, với một người lãnh đạo nổi tiếng nhiều thủ đoạn như Tricky Dick, chiến thắng còn có thể khó nếu tự bó tay bó chân, nhưng hòa bình thì đúng là mục tiêu “trong tầm tay” (peace is at hand), như Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger tuyên bố vào ngày 26-10 một tuần trước khi có bầu cử. Còn “danh dự”? Đó là một giá trị thường có tính cách “xa xỉ” về mặt chính trị mà nhiều người làm chính trị thường không có “mãi lực”. Ông Nixon và thủ hạ của ông, Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger, đã làm không thiếu sót việc gì trong những năm đó để tạo được “hòa bình trong danh dự”: rút hơn 500.000 quân trong vòng chưa đến bốn năm; thúc đẩy, áp đặt “Việt Nam hóa chiến tranh” bằng bất cứ mọi giá, từ cuộc hành quân qua Campuchia năm 1970 đến chiến dịch Lam Sơn 719 năm 1971 và Mùa hè đỏ lửa 1972; mật đàm với Hà Nội để cho đối phương chẳng hiểu sai được ý muốn hòa bình bằng mọi giá miễn trong danh dự của mình; duy trì chế độ của ông Nguyễn Văn Thiệu cũng bằng mọi giá, kể cả vụ độc diễn năm 1971, để cho kế hoạch giải kết của Mỹ không bị trục trặc.

Ở nơi ông Nixon có một điềm nổi bật, đó là để cho được việc, ông sẵn sàng làm bất cứ biện pháp, hành động gì, kể cả những gì quá liều lượng cần thiết, hay chính nó không cần thiết. Đó là tính của một ông trùm vừa háo thắng, kiêu ngạo, phi nhân vừa chu đáo quá mà ra. Ví dụ như trong vụ Watergate. Chẳng cần có hành động mafia, xã hội đen như Watergate, ông cũng dư sức thắng được ông McGovern. Trong cuộc bầu cử năm đó, ông đã đánh bại ông McGovern không còn manh giáp, giành đến 97% số phiếu cử tri đoàn, mặc dù đảng Dân Chủ thắng ở cả hai viện Quôc Hội. Thế nhưng tính của ông là không “đủ mạnh” để cưỡng lại sức cám dỗ của hành động phi pháp, bởi vì ông cứ tự bào chữa “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Ông đã trả giá cho vụ Watergate. Và người miền nam đã trả giá cho vụ mật đàm với miền bắc của ông và cả sự tòng phạm của những người cầm quyền ở Saigon khi chấp nhận sự an bài số phận miền nam của Mỹ. Nixon cần một hiệp định hòa bình trước bầu cử vào ngày 7-11 vừa đề bảo đảm chiến thắng vừa là một món quà cho người dân Mỹ. Những việc như công bố trước dư luận vào tháng Giêng năm 1972 Mỹ và Bắc Việt đã có mật đàm từ ngày 4-8-1969, đưa về nước gần hết lực lượng Mỹ tại miền nam, việc hai bên đạt được một “thỏa hiệp cơ bản” vào ngày 21-8 và loan báo của Kissinger sẽ có hiệp định hòa bình tưởng rằng đã đủ để chứng tỏ ông thực hiện lời hứa kết thúc chiến tranh Việt Nam khi ra tranh cử vào năm 1968.

Tuy nhiên, chừng nào chưa có một hiệp định được ký kết, chừng đó ông chưa nói được với người dân Mỹ ông sẽ đưa tù binh Mỹ trở về nước cho tròn lời hứa với người dân của ông. Mà ông cần nói lên điều đó trước ngày ông đăng quang lần thứ hai, 20-1-1973. Để trong bài diễn văn nhậm chức của ông vào ngày 20-1-1973 nhuốm màu sắc chiến thắng, ông gia tăng áp lực để cho cả hai miền bắc và miền nam cùng chấp nhận hiệp định hòa bình mà bản thảo của nó cứ lơ lửng trước phản ứng của cả Hà Nội và Saigon: Hà Nội còn mặc cả để thêm được “discount”, còn Saigon thì thấy nguy trước mắt cho nên phải vùng vẫy.
Từ khi Kissinger lỡ nói “hòa bình trong tầm tay” (ngày 26-10) mà chính Nixon về sau này cũng phê phán đã quá vội khiến cho Hà Nội bắt bí (cho dù phát biểu này đã củng cố khả năng chiến thắng của Nixon trong bầu cử hơn một tuần sau đó), ông đã phải liên tục tìm cách vừa thuyết phục, trấn an vừa đe dọa Saigon về những hậu quả có thể có nếu miền nam không chịu ký vào hiệp định. Tuy nhiên, chính yếu đối với Mỹ là thái độ của miền bắc. Hà Nội thừa biết Nixon cần có một hiệp định cho cuộc bầu cử của mình, cho nên Cộng Sản miền bắc có thể đòi bất cứ gì mà Nixon có thể cho. Nhưng họ có một sai lầm là ở chỗ sau khi có bầu cử mà họ vẫn tìm cách lấn tới và tiếp tục dùng tù binh Mỹ như con tin, mặc dù họ đã đạt được hai thắng lợi quan trọng: miền bắc không phải rút quân về, và Mỹ sẽ rút hết toàn bộ. Có lẽ đó là những ngày hai bên thi đua “giành dân, lấn đất” cho nên Hà Nội chẳng vội gật đầu. Ngày 16-12-1972, Kissinger họp báo ở Washington, phanh phui những bí mật trong hòa đàm giữa Mỹ và Bắc Việt, và nói rằng cuộc thương lượng đã không đạt được một thỏa hiệp “công bằng và hợp lý” đề chấm dứt chiến tranh. Ông nói sự bế tắc tập trung vào vai trò của giám sát đình chiến của quốc tế cũng như “chủ quyền quốc gia” của chính quyền Saigon. Vào ngày 18-12, Tổng thống Nixon đã ra lệnh một chiến dịch oanh tạc miền bắc vả thả mìn ngoài khơi, “cho đến khi đạt được một thỏa thuận hòa bình” cho chiến tranh Việt Nam. Đây là chiến dịch đánh phá miền bắc dữ dội nhất, có tính cách lịch sử. Việc oanh tạc được mở rộng cho khu vực phía trên vĩ tuyến 20 bao gồm cả Hà Nội, Hải Phòng… và nhằm vào những mục tiêu trước đây chưa hể có như nhà thương, trường học, khu ngoại giao, khu dân cư. Sự mạnh dạn này của Nixon được thực hiện sau khi ông đã đi thăm Bắc Kinh năm trước đó và Mạc Tư Khoa vào tháng Tư năm 1972, đủ bảo đảm cho Trung quốc và Liên Xô “hiểu biết” về hành động của Mỹ.

Chiến dịch 12 ngày đêm trải thảm bom này có thể có đến mấy ngàn người chết, mấy chục ngàn người bị thương, cho dù người dân đã đi sơ tán ra vùng quê và sống trong các hầm tránh bom. Nhiều khu dân cư, hành chánh ở Hà Nội đã đổ nát, trở thành những bãi gạch vụn, về sau này Cộng Sản vẫn hãnh diện nói Mỹ những tưởng đã đưa miền bắc trở lại thời đại đồ đá nhưng Bắc Việt không bị khuất phục. Theo một tài liệu biên niên sử của Mỹ về chiến tranh Việt Nam, Bắc Việt đả dùng hết cả kho 1.200 hoả tiễn đất đối không để bắn lên các phi cơ Mỹ, 15 chiếc B-52 và 11 máy bay chiến đấu bị hạ, 93 phi công Mỹ bị bắn hạ, bị bắt hay bị mất tích… Người dân miền bắc như chính họ kề lại rúng động trước sức mạnh của Mỹ và kinh hoàng trước sự tàn phá và thương vong dân sự của cuộc tấn công này. Dĩ nhiên trong cuộc chiến tranh chống Pháp người ta chẳng hề có kinh nghiệm này, mà ngay cả trong những năm trước đó của chiến tranh Việt Nam, kể từ khi Tồng thống Johnson lần đầu tiên ra lệnh thả bom ở miền bắc vào tháng Tám năm 1964, người ta chưa hề chứng kiến sự tàn phá mãnh liệt và rúng động ở lòng người đến như thế. Người dân miền bắc dĩ nhiên cho đến bây giờ cũng chẳng biết thực sự chuyện gì đang xảy ra, đã xảy ra. Người ta chẳng hiểu được chỉ vì đầu óc phiêu lưu, mạo hiểm của những người lãnh đạo Hà Nội muốn thử “nắn gân” Washington mà người dân đã phải trả giá quá đắt cho sự “tò mò, tìm tòi” của Bộ Chính Trị.

Đối với người dân miền nam, năm 1972 là một trong những năm cũng không thể quên được trong cuộc đời thời đó, và nó không thể quên được một phần lớn cũng vì Mùa Giáng Sinh năm đó nữa. Có năm nào trên đất nước chinh chiến điêu linh đến như thế trong suốt 15 năm chiến tranh ở miền nam, với một Mùa hè Đỏ lửa kéo dài đến sáu tháng trải dài từ vùng giới tuyến đến biên giới tây nam? Có năm nào chúng ta cảm nhận thấm thía đến như thế thân phận nhược tiều của một dân tộc không có quyền gì với vận mệnh của mình cho dù đã hết sức để tỏ ra xứng đáng; khi người ta công bố về cuộc mật đàm giữa Mỹ và Bắc Việt mà miền nam phải đứng ngoài? Có năm nào đời sống người dân cảm thấy ngột ngạt, bế tắc đến như thế vì sinh kế hạn hẹp và sự túng thiếu đang tràn tới của thời kỳ “kinh tế kiệm ước” theo cách “Việt Nam hóa chiến tranh”? Và rồi Mùa Giáng Sinh đến, mang theo những hy vọng và mong đợi một cơ hội sinh tồn qua những đợt oanh tạc như mưa bom dội suốt 12 ngày đêm trên đất bắc. Như thế mà chẳng bao lâu sau đó, chỉ mới qua tết tây nhưng tết ta chưa đến, mà nhiều người đã có thể cảm nhận, một lần nữa, dường như chúng ta chằng hiểu được gì cả, không hiểu được địch, không hiểu được “bạn”, và còn không hiều được cả chính mình, hay đúng hơn là những người lãnh đạo và giới chính trị trong xã hội của mình, đất nước của mình.

Và bởi thế không thấy được cả những gì sẽ đến như một định mệnh đã an bài trong hai năm tới nữa cho một số phận đã bị bỏ rơi.[HNN]
.
.
.

No comments: