Friday, December 10, 2010

LƯU HIỂU BA : CƠ HỘI NOBEL THỨ NHÌ CỦA OBAMA (William McGurn)

10.12.2010

Nguồn: “Obama’s Second Nobel Opportunity” của bình luận gia William McGurn, trên Wall Street Journal, ngày 7 tháng 12, 2010.

William McGurn là người viết diễn văn cho cựu Tổng thống George W. Bush từ tháng 6 năm 2006 cho đến tháng 2 năm 2008. Hiện ông giữ mục “Main Street” (“Phố Chính”) trên Wall Street Journal.
 
Gặp các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc vào Thứ Sáu sẽ khiến Bắc Kinh phải lưu ý 

Tuần này chúng tôi xin làm công việc khác với thường lệ là ghi công bà Nancy Pelosi và Ủy ban Giải Nobel. Mặc cho sự phách lối của Trung Quốc, Ủy ban vẫn tiến hành tổ chức lễ trao giải thưởng vào Thứ Sáu, vinh danh người được giải hòa bình năm nay – nhà dân chủ đang bị cầm tù Luu Hiểu Ba. Và bà Chủ tịch Hạ viện Pelosi muốn hiện diện tại đó.

Bà đã có quyết định đúng. Sự hiện diện của bà Pelosi sẽ nêu rõ một trong những cơ hội quyền lực mềm thường bị Tổng thống Obama bỏ qua, là: trực tiếp gặp các nhà bất đồng chính kiến hay thân nhân hoặc những người cưu mang họ.

Theo dư luận trong giới “đàn đúm” vùng Hoa Thịnh Đốn, phải nói tới George W. Bush, như biểu tượng của chàng cao bồi trong tiệm bán đồ sứ. Ông ấy là một nhà quyền lực cứng, từng kéo quân vào Iraq và Afghnistan. Than ôi, những biếm họa đã làm cho báo chí không nhìn thấy khía cạnh khác của ông Bush cũng vô cùng quan trọng cho công trình tự do của ông, là: gặp riêng các nhà hoạt động tôn giáo và dân sự.

Những cuộc gặp gỡ này bao gồm từ chuyện âm thầm gặp nhau tại khu gia cư ở Bạch Ốc đến những buổi xuất hiện được nhiều chú ý như hội nghị các nhà bất đồng chính kiến tại Prague do nhà đối kháng Soviet Natan Sharansky tổ chức. Nhiều người theo khuynh hướng thực tế đã dè bỉu những cuộc gặp mặt hay xuất hiện này như là việc làm hình thức, lấy lệ. Đây đúng là sự hẹp hòi của chủ nghĩa thực tế.

Tại sao? Bởi vì giữa những thỏa hiệp cần thiết của bất cứ chính sách ngoại giao nào, những cuộc gặp gỡ như vậy lưu ý thế giới rằng Hoa Kỳ không phải là kẻ trung lập trong trận chiến giữa tự do và bạo tàn. Đó cũng là lý do tại sao bạo quyền ghét bỏ những cuộc gặp gỡ như vậy: Ngay cả khi không có diễn từ hùng hồn lên án kèm theo, một cuộc gặp gỡ giản dị giữa một Tổng thống Hoa Kỳ và một nhà bất đồng chánh kiến nêu ra trước thế giới sự cách biệt về đạo đức giữa những người đang tàn tạ trong phòng giam vì công nghiệp của họ cho tự do và những kẻ đã bắt họ vào tù.

Những cuộc gặp gỡ như vậy khiến bọn chuyên quyền phải lưu ý: Anh không quyết định được Tổng thống Hoa Kỳ gặp người nào, hay khi nào gặp họ. Đó là bài học chính quyền Obama đã có thể dùng được vào tháng Hai vừa qua, khi cho thế giới nhìn thấy hình ảnh Đức Đạt Lai Lạt Ma đi qua các thùng rác trên lối ra từ Bạch Ốc.

Với tư cách là người đã từng gần gũi những thảo luận kiểu này trong thời gian làm việc tại Bạch Ốc, tôi thừa nhận rằng không phải dễ dàng gi cho một Tổng thống gặp một nhà bất đồng chính kiến. Tất cả những thế lực định chế đều chống lại: các đại sứ sẽ bị triệu tới bộ ngoại giao; các nhà ngoại giao đang thương lượng về một hiệp ước hay thỏa hiệp quan trọng; các viên chức thân cận đơn giản không thấy tại sao phải dùng thì giờ của Tổng thống để gặp một vài người lạ họ chẳng hề bao giờ nghe tên.

Thí dụ, vào thời làm việc trong tòa Bạch ốc, tôi đã đề nghị Tổng thống Bush gặp riêng Đức Hồng Y Joseph Zen, có lẽ là khuôn mặt công được kính trọng nhất tại Hồng Kông. Ngay lập tức đã gặp nhiều chống đối và chướng ngại. Nhưng cuối cùng, chuyện này đã thành nhờ Tổng thống Bush muốn gặp.

Ít nhất trong đoản kỳ, có thể cuộc gặp gỡ đó đã gây khó khăn trong một vài việc làm với Trung Quốc. Nhưng sự nhút nhát của Tổng thống cũng có giá riêng của nó, điều mà các nhà bất đồng chính kiến đã biết rõ qua kinh nghiệm cay đắng.

Nguyễn Đan Quế, một bác sĩ đã trải qua nhiều năm trong tù tại Việt Nam, nói như thế này: “Khi các nhà độc tài thấy chính quyền Hoa Kỳ thỏa hiệp khuynh hướng về những giá trị nhân quyền phổ quát, thì thông điệp mà họ nhận được là họ không cần phải sợ khi họ lạm dụng nhân quyền hay tước đoạt tự do dân chủ của người dân để họ tiếp tục cầm quyền”.

Về trường kỳ, một Bạch Ốc với khuynh hướng ủng hộ nhóm đối lập sẽ tăng thêm ảnh hưởng, nhất là tại những nơi mà quyền chọn lựa của Hoa Kỳ rất giới hạn. Như ông Sharansky đã viết, “Cơ hội gặp nhà lãnh đạo của thế giới tự do sẽ biến đổi nhà bất đồng chính kiến trong mắt người dân của mình từ một Don Quixote lẻ loi thành một nhân vật có khả năng trình bầy sự thật về nỗi khốn khổ của họ trước thế giới bên ngoài và gây ảnh hưởng cho thế giới trong việc chọn hành động để đáp ứng [nỗi khốn khổ] này.

Có thể nói thế này: Khi ngồi sau bàn giấy tại Phòng Bầu Dục, ông muốn khuyến khích ai: Những Sharansky, những Quế và những Lưu – hay những người bỏ tù họ?

Về chuyện ông Lưu, người phát ngôn của chính quyền Hoa Kỳ lưu ý tôi rằng Tổng thống Obama “là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất đã đưa ra lời tuyên bố khi giải thưởng được loan báo để chúc mừng ông Lưu và kêu gọi thả ông.” Nhà phát ngôn nhấn mạnh việc Tổng thống Obama gặp gỡ các sinh viên tại Trung Quốc, ngoài những diễn văn và ghé thăm với các nhà hoạt động khác. Trong lời hứa hẹn úp mở, ông nói “Chúng tôi sẽ không cho biết trước những gì [Tổng thống Obama] sẽ làm trong ngày trao giải [cho ông Lưu].”

Tất cả những chuyện này đều tốt. Nhưng có vẻ như ông Obama vẫn thiên vị việc đọc những bài diễn văn hướng tới “văn hóa” rộng lớn – kiểu như “nhân dân thế giới” (tại Berlin), hay “thế giới Hồi giáo” (tại Cairo), và đại khái như vậy. Trong những diễn từ lớn, sự can đảm của các cá nhân có thể bị mất.

Vào Thứ Sáu [ngày 10 tháng 12], ông Lưu sẽ không thể có mặt để nhận Giải Nobel vì Trung Quốc không cho ông ra khỏi nhà tù. Thật là một cơ hội ngàn vàng để Tổng thống Obama lên tiếng cho người bạn cùng là khôi nguyên.

Và có thể khích lệ tất cả những người bạn thực sự của Hoa kỳ bằng cách mời một vài nhà dân chủ Trung Quốc tới nhà dùng trà.
.
.
.

No comments: